Tìm hiểu chung
Bệnh cơ tim giãn là gì?
Bệnh cơ tim giãn hay giãn cơ tim là một bệnh lý cơ tim không rõ nguyên nhân, thường bắt nguồn từ buồng bơm máu chính của tim là tâm thất trái. Khi đó, khả năng bơm máu của tim bị giảm do tâm thất trái phì đại, giãn rộng và trở nên yếu dần.
Thời gian đầu, các buồng tim sẽ cố gắng giãn nở để giữ nhiều máu hơn cho tim bơm đi khắp cơ thể (thất trái giãn nhẹ). Điều này giúp tăng cường khả năng co bóp của tim và duy trì chức năng bơm máu trong thời gian ngắn. Lâu dần, các thành cơ tim yếu đi và không thể bơm mạnh được như trước.
Trong lúc đó, thận thường đáp ứng với vấn đề này bằng cách giữ lại nước và natri. Nếu dịch cơ thể bị tích tụ ở chân, mắt cá chân, bàn chân, phổi hoặc các cơ quan khác, suy tim sung huyết sẽ xảy ra.
Bệnh cơ tim dãn nở có thể không gây ra triệu chứng nhưng ở một số người, bệnh lý này có khả năng gây đe dọa đến tính mạng. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây suy tim hay góp phần khiến nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim), hình thành huyết khối (cục máu đông) hoặc tử vong đột ngột.
Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có khả năng gặp phải bệnh lý này, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ em. Tuy nhiên, đối tượng thường mắc phải nhất là nam giới từ 20–50 tuổi.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh cơ tim giãn
Nếu mắc phải bệnh cơ tim giãn, những dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Mệt mỏi quá mức
- Khó thở khi hoạt động hoặc nằm xuống
- Giảm khả năng tập thể dục
- Sưng (phù) ở chân, mắt cá chân, bàn chân
- Tăng cân, ho và sung huyết do cơ thể bị giữ nước
- Sưng vùng bụng do ứ dịch (cổ trướng)
- Đau tức ngực
- Chóng mặt, ngất xỉu
- Có âm thanh lạ khi nghe tiếng tim đập (tiếng thổi ở tim)
Người bệnh có thể sẽ hình thành cục máu đông do tốc độ chảy của máu trong cơ thể giảm xuống. Nếu cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến các cơ quan khác sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như đến phổi gây thuyên tắc phổi, đến thận làm thuyên tắc thận, đến não gây thuyên tắc não hoặc đột quỵ, đi đến các chi gây thuyên tắc mạch ngoại biên.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!