Viêm gan C là tình trạng viêm gan do virus viêm gan C gây ra. Loại virus này có thể gây ra cả viêm gan cấp tính và mãn tính. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng và có nguy cơ cao đe dọa tính mạng người bệnh.
Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ hơn về căn bệnh viêm gan C, từ nguyên nhân gây bệnh, con đường lây lan, các triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa.
Bệnh viêm gan C là gì?
Viêm gan C là một bệnh nhiễm trùng gan do siêu vi viêm gan C (HCV) gây ra. Bệnh khiến các tế bào gan bị viêm, gây rối loạn chức năng gan, dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng.
Viêm gan C có thể ở dạng viêm gan cấp tính hoặc mãn tính:
- Viêm gan C cấp tính là tình trạng gan bị nhiễm trùng HCV ngắn hạn. Người bệnh thường không có triệu chứng và phần lớn các trường hợp không dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng. Ước tính có khoảng 15-45% những người bị nhiễm virus viêm gan C tự động đào thải virus trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm bệnh mà không cần điều trị. Tuy nhiên, 55-85% các trường hợp viêm gan C cấp tính đều dẫn đến viêm gan C mãn tính.
- Viêm gan C mãn tính là tình trạng gan bị nhiễm trùng HCV kéo dài trên 6 tháng. Thông thường, viêm gan C mãn tính có thể chữa khỏi bằng thuốc uống mỗi ngày trong vòng 2-6 tháng. Nếu không điều trị, bệnh có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dẫn đến các vấn đề như xơ gan, suy gan, ung thư gan… Nguy cơ bị xơ gan ở những người bị viêm gan C mãn tính ước tính khoảng 15-30% trong vòng 20 năm.
Tuy nhiên, khoảng một nửa số người bị viêm gan C không biết mình mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh không có triệu chứng rõ ràng, có thể mất nhiều thập kỷ mới xuất hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh.
Triệu chứng viêm gan C
1. Triệu chứng viêm gan C cấp tính
Thống kê cho thấy, sau khi nhiễm bệnh ban đầu, khoảng 80% số người bệnh không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Thông thường, các triệu chứng cấp tính xuất hiện từ 1-3 tháng sau khi tiếp xúc với virus viêm gan C và kéo dài từ 2 tuần đến 3 tháng. Mặc dù vậy, thời gian ủ bệnh viêm gan C cũng có thể từ 2 tuần đến 6 tháng.
Khi các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm virus viêm gan C cấp tính xuất hiện, người bệnh có thể bị:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân nhạt màu
- Đau khớp, đau cơ
- Vàng da và tròng trắng mắt
Nhiễm viêm gan C cấp tính không phải lúc nào cũng trở thành mãn tính, nhưng mọi trường hợp nhiễm viêm gan C mãn tính đều bắt đầu với một giai đoạn cấp tính. Thế nhưng, viêm gan C cấp tính thường không chẩn đoán được vì giai đoạn này hiếm khi biểu hiện thành các triệu chứng.
2. Dấu hiệu viêm gan C mãn tính
Nhiễm virus viêm gan C trong thời gian dài được gọi là viêm gan C mãn tính. Viêm gan C mãn tính thường là một bệnh nhiễm trùng “thầm lặng’ trong nhiều năm, cho đến khi virus làm tổn thương gan đủ nghiêm trọng để gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gan. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Dễ chảy máu
- Dễ bị bầm tím
- Mệt mỏi
- Ăn kém
- Vàng da và mắt
- Nước tiểu sẫm màu
- Ngứa da
- Bụng phình to do tích tụ dịch trong khoang phúc mạc (còn gọi là cổ trướng hoặc báng bụng)
- Sưng chân
- Sút cân
- Lú lẫn, buồn ngủ và nói lắp (bệnh não gan)
- Trên da xuất hiện các mạch máu giống hình nhện (u mạch nhện)
Nguyên nhân bị viêm gan C
1. Nguyên nhân
Tình trạng nhiễm viêm gan C là do siêu vi viêm gan C (HCV) gây ra. Theo thống kê trên thế giới, virus viêm gan C tồn tại ở nhiều dạng riêng biệt, được gọi là kiểu gene. Đã có 7 kiểu gene HCV riêng biệt và hơn 67 kiểu phụ được xác định.
2. Đối tượng nào dễ mắc viêm gan C?
Nguy cơ nhiễm viêm gan C sẽ gia tăng trong trường hợp:
- Xỏ lỗ hoặc xăm hình trong một môi trường không sạch sẽ và sử dụng thiết bị không vô trùng
- Bị nhiễm HIV
- Là nhân viên y tế đã tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh, điều này có thể xảy ra nếu kim bị nhiễm trùng đâm vào da
- Được truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng trước năm 1992
- Những người đã nhận được yếu tố đông máu tập trung trước năm 1987
- Đã được điều trị chạy thận nhân tạo trong một thời gian dài
- Đã từng ở tù
- Sinh từ năm 1945 đến năm 1965, là nhóm tuổi có tỷ lệ nhiễm viêm gan C cao nhất
Bệnh viêm gan C lây qua đường nào?
Viêm gan C có lây không? Lây qua đường nào? Bởi vì virus viêm gan C là một loại virus lây truyền qua đường máu, nên tình trạng nhiễm trùng sẽ lây lan khi máu của người bị nhiễm virus viêm gan C xâm nhập vào máu của người không bị nhiễm bệnh. Nghĩa là, viêm gan C thường lây truyền qua:
- Tái sử dụng hoặc tiệt trùng các thiết bị y tế không đúng chuẩn, đặc biệt là bơm kim tiêm
- Truyền máu và các sản phẩm máu không qua sàng lọc
- Tiêm chích ma túy, nhất là khi sử dụng chung dụng cụ tiêm chích
HCV còn có thể lây truyền từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang con trong thai kỳ. Không những thế, viêm gan C cũng có thể lây lan thông qua các hoạt động tình dục dẫn đến tiếp xúc với máu (ví dụ, những người có nhiều bạn tình hoặc những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới). Tuy nhiên, các phương thức lây truyền này ít phổ biến hơn.
Viêm gan C không lây lan qua sữa mẹ, thức ăn, nước uống hoặc tiếp xúc thông thường như ôm, hôn và dùng chung đồ ăn, thức uống với người bị bệnh.
Biến chứng của viêm gan C
Nhiễm viêm gan C liên tục trong nhiều năm có thể gây ra các biến chứng đáng kể, chẳng hạn như:
- Sẹo gan (xơ gan): Sau nhiều thập kỷ bị nhiễm virus viêm gan C, tình trạng xơ gan có thể xảy ra. Sẹo ở gan khiến gan khó hoạt động.
- Ung thư gan: Một số ít người bị nhiễm virus viêm gan C có thể bị ung thư gan.
- Suy gan: Xơ gan tiến triển có thể khiến gan ngừng hoạt động.
Chẩn đoán
Vì các trường hợp nhiễm HCV mới thường không có triệu chứng nên ít người được chẩn đoán khi mới bị nhiễm. Ở những người nhiễm HCV dẫn đến viêm gan C mãn tính, bệnh thường không được chẩn đoán vì vẫn không có triệu chứng. Cho đến nhiều thập kỷ sau khi nhiễm virus viêm gan C, các triệu chứng phát triển thứ phát dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng.
Viêm gan C được chẩn đoán theo 2 bước:
- Bước 1: Xét nghiệm tìm kháng thể chống virus viêm gan C bằng xét nghiệm huyết thanh để xác định những người đã bị nhiễm virus.
- Bước 2: Nếu xét nghiệm dương tính với kháng thể kháng HCV, cần xét nghiệm axit nucleic để tìm axit ribonucleic HCV (RNA) để chắc chắn có phải nhiễm trùng mãn tính không cũng như xem xét có cần điều trị không. Xét nghiệm này rất quan trọng vì khoảng 30% số người bị viêm gan C có thể đào thải virus một cách tự nhiên bằng phản ứng miễn dịch mạnh mà không cần điều trị. Tuy nhiên, những người này dù không còn bị nhiễm bệnh vẫn sẽ cho kết quả dương tính với kháng thể kháng HCV.
Sau khi một người được chẩn đoán nhiễm HCV mãn tính, cần tiến hành đánh giá để xác định mức độ tổn thương gan (xơ hóa và xơ gan), từ đó hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Điều này có thể được thực hiện bằng sinh thiết gan hoặc thông qua nhiều loại xét nghiệm không xâm lấn.
Điều trị viêm gan C
Viêm gan C có chữa được không? Viêm gan C không phải lúc nào cũng cần điều trị, vì phản ứng miễn dịch ở một số người có thể tự loại bỏ nhiễm trùng virus viêm gan C ra khỏi cơ thể sau giai đoạn cấp tính (đào thải virus tự phát). Tuy nhiên, khi viêm gan C trở thành mãn tính, việc điều trị là cần thiết.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến nghị điều trị bằng thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp kiểu gene (DAAs) cho tất cả người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em dưới 3 tuổi bị nhiễm viêm gan C mãn tính. DAAs có thể chữa khỏi hầu hết những trường hợp bị viêm gan C trong thời gian ngắn (thường từ 12 đến 24 tuần) tùy thuộc vào việc người bệnh có bị xơ gan hay không.
Vào năm 2022, WHO đã đưa vào các khuyến nghị mới về việc điều trị cho thanh thiếu niên và trẻ em bằng cách sử dụng cùng các phương pháp điều trị kiểu pangenotypic được sử dụng cho người lớn. Phác đồ DAA kiểu pangenotypic chi phí thấp được sử dụng rộng rãi nhất là sofosbuvir và daclatasvir.
Phòng ngừa
Không có vắc xin hiệu quả chống lại bệnh viêm gan C. Vì vậy, việc phòng ngừa viêm gan C phụ thuộc vào việc giảm nguy cơ tiếp xúc với virus trong các cơ sở y tế và ở những nơi nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Đối tượng cần chú trọng phòng ngừa viêm gan C bao gồm những người tiêm chích ma túy và nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là những người nhiễm HIV hoặc những người đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.
Mặc dù vậy, bởi vì bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan C, do đó, để phòng ngừa bệnh, cần lưu ý những điều sau:
- Ngừng sử dụng ma túy, đặc biệt là tiêm chích.
- Cẩn thận khi xỏ khuyên, xăm mình: Nếu muốn xỏ khuyên hoặc xăm, hãy tìm một cơ sở thẩm mỹ có uy tín. Đặt câu hỏi trước về cách thiết bị được làm sạch. Đảm bảo rằng các nhân viên sử dụng kim tiêm vô trùng. Nếu nhân viên không trả lời câu hỏi của bạn, hãy tìm một cửa hàng khác.
- Thực hành tình dục an toàn hơn: Không quan hệ tình dục khi không được dùng các biện pháp bảo vệ với nhiều bạn tình hoặc với bất kỳ ai có tình trạng sức khỏe không rõ ràng. Nguy cơ lây truyền viêm gan C qua đường tình dục giữa các cặp đôi tuân thủ một vợ một chồng có thể xảy ra nhưng nguy cơ thấp.
- Cẩn trọng khi tiêm thuốc chữa bệnh: Tuyệt đối không sử dụng lại kim tiêm đã dùng. Các nhân viên y tế cần cẩn thận trong quá trình tiêm, tránh để kim đâm vào da mình.
- Xử lý và tiêu hủy an toàn các vật sắc nhọn và chất thải.
- Xét nghiệm máu trước khi hiến tặng để xác định xem có nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C (cũng như HIV và giang mai) hay không.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được tất tần tật mọi thông tin liên quan đến bệnh viêm gan C. Phòng ngừa viêm gan C mọi lúc mọi nơi sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ bị tổn thương gan nghiêm trọng.
[embed-health-tool-bmr]