backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh viêm gan virus là gì? Phân loại, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 25/07/2023

    Bệnh viêm gan virus là gì? Phân loại, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

    Viêm gan là căn bệnh thường gặp do nhiều tác nhân gây ra, phổ biến trong đó là do virus. Người bị bệnh viêm gan virus cần được điều trị đúng cách và kịp thời để tránh những biến chứng như xơ gan, ung thư gan.

    Để hiểu rõ bệnh viêm gan virus là gì, có những loại virus viêm gan nào, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

    Bệnh viêm gan virus là gì?

    Bệnh viêm gan virus là tình trạng lá gan bị virus xâm nhập và tấn công, gây viêm và tổn thương các tế bào gan. Virus viêm gan có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, làm giảm khả năng lọc máu, thải độc và xử lý các chất dinh dưỡng… của gan.

    Viêm gan siêu vi có thể là viêm gan cấp tính hoặc viêm gan mãn tính, và có thể lây từ người này sang người khác. Hầu hết mọi người khỏi bệnh viêm gan virus, tuy nhiên, một số bệnh nhân có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như:

    • Suy gan
    • Ung thư gan
    • Suy giảm hệ miễn dịch
    • Tử vong.

    Các loại viêm gan do virus gây nên

    các loại virus viêm gan

    Hiện nay, đã có 6 loại virus viêm gan được xác định và được đặt tên theo bảng chữ cái từ A đến G dựa trên thứ tự phát hiện ra chúng:

    1. Viêm gan A

    Bệnh viêm gan A do virus HAV gây ra thường lây truyền qua đường phân-miệng thông qua thức ăn và nước uống bị ô nhiễm. Dạng viêm gan này không dẫn đến nhiễm trùng gan mãn tính và thường có thể chữa khỏi hoàn toàn trong vòng vài tháng, nhưng cũng có nguy cơ tái nhiễm.

    Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc bệnh viêm gan A không gặp phải biến chứng, nhưng đôi khi tử vong do viêm gan A có thể xảy ra do suy gan. Hiện nay, đã có  vắc xin phòng bệnh viêm gan A được khuyên dùng cho cả trẻ em và người lớn.

    2. Viêm gan B

    Bệnh viêm gan B do virus HBV gây ra có thể tiến triển thành mãn tính với các biến chứng như suy gan, xơ gan và tử vong. Người mắc bệnh viêm gan siêu vi B có thể cảm thấy đau gan, sưng phù gan, nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì nếu bệnh nhẹ.

    Virus viêm gan B có thể lây lan qua các chất dịch cơ thể, bao gồm máu, tinh dịch, dịch âm đạo hoặc nước bọt. Hiện nay, đã cóvắc xin phòng bệnh viêm gan B với hiệu quả phòng ngừa lên đến 95%. Tuy nhiên, vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm căn bệnh này.

    3. Viêm gan C

    Bệnh viêm gan C do virus HCV thuộc họ Flaviviridae gây ra với các triệu chứng ban đầu thường nhẹ và diễn ra từ từ. Tương tự như bệnh viêm gan B, viêm gan siêu vi C có thể là cấp tính hoặc mãn tính kéo dài suốt đời.

    Virus viêm gan C chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với máu bị nhiễm HCV, nhưng cũng có thể lây lan qua đường tình dục hoặc lây truyền từ mẹ sang con.

    Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh viêm gan C. Mặc dù vậy, tỷ lệ chữa khỏi viêm gan C là rất cao, nhưng người bệnh cũng có nguy cơ tái nhiễm.

    4. Viêm gan D

    viêm gan do virus

    Bệnh viêm gan D chỉ xảy ra ở những người bị nhiễm virus viêm gan B. Nếu một người bị viêm gan B và không có dấu hiệu gì hoặc có những triệu chứng rất nhẹ, thì việc nhiễm viêm gan D có thể dẫn đến nguy cơ bị suy gan và ung thư gan tiến triển nhanh chóng.

    Viêm gan D có thể xảy ra cùng lúc với lần nhiễm B đầu tiên, hoặc xuất hiện muộn hơn nhiều dưới dạng “bội nhiễm” mới. Con đường lây lan của viêm gan D tương tự như viêm gan B, nhưng ít lây truyền theo đường mẹ-con hơn.

    Vắc xin phòng ngừa viêm gan B có thể ngăn ngừa virus viêm gan D. Khoảng 15% bệnh nhân có thể chữa khỏi viêm gan D.

    5. Viêm gan E

    Tương tự như viêm gan A, viêm gan E lây lan qua đường phân-miệng, chủ yếu thông qua thức ăn và nước uống bị ô nhiễm. 

    Dạng viêm gan này cũng không dẫn đến nhiễm trùng gan mãn tính. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm bệnh viêm gan do virus HEV thì có nguy cơ tiến triển thành viêm gan ác tính với tỷ lệ tử vong cao.

    Vắc xin phòng ngừa viêm gan E đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm ở một vài nơi.

    6. Viêm gan G

    Tương tự như viêm gan C, bệnh viêm gan G do virus HGV thuộc họ Flaviviridae gây ra. Mặc dù khá tương đồng với viêm gan C, nhưng hiện nay, vai trò của bệnh viêm gan siêu vi G vẫn chưa rõ ràng. Phần lớn người mắc bệnh viêm gan G không có biểu hiện lâm sàng.

    Nguyên nhân gây bệnh viêm gan virus

    Bệnh viêm gan virus thường do virus viêm gan A, B, C, D, E, G gây ra. Tuy nhiên, đôi khi, bác sĩ có thể không xác định được tác nhân gây viêm gan do virus. Ngoài ra, bệnh viêm gan virus cũng có thể do một số loại virus khác gây ra, chẳng hạn như CMV, EBV và HSV.

    Mỗi loại viêm gan siêu vi đều có những con đường lây truyền khác nhau. Nhìn chung, những nguyên nhân gây bệnh viêm gan virus phổ biến là:

    • Do tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của bệnh nhân thông qua vết thương hở
    • Do được truyền máu bị nhiễm virus viêm gan
    • Do mẹ truyền sang con
    • Do quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh viêm gan virus
    • Do sử dụng chung kim tiêm, dụng cụ bấm móng tay…
    • Do xăm trổ, xỏ khuyên tai không đảm bảo vệ sinh
    • Do ăn thực phẩm và uống nguồn nước bị nhiễm trùng.

    Triệu chứng của bệnh viêm gan virus

    triệu chứng viêm gan virus

    Nhìn chung, biểu hiện lâm sàng viêm gan cấp do virus gây ra thường tương tự nhau dù do loại siêu vi nào. Không ít trường hợp viêm gan cấp do virus không có triệu chứng rõ ràng. Mặc dù vậy, vẫn phải kể đến những triệu chứng phổ biến nhất của viêm gan siêu vi, bao gồm:

    • Nước tiểu màu vàng đậm
    • Đau bụng vùng gan
    • Vàng da hoặc vàng tròng trắng mắt
    • Phân nhạt màu hoặc có màu đất sét
    • Sốt nhẹ
    • Chán ăn, ăn kém
    • Mệt mỏi
    • Đau khớp
    • Buồn nôn, nôn mửa

    Các triệu chứng nhiễm trùng gan cấp tính có thể xuất hiện bất cứ lúc nào từ 2 tuần đến 6 tháng sau khi tiếp xúc với siêu vi.

    Đối với bệnh viêm gan virus mãn tính, các triệu chứng có thể mất nhiều thập kỷ để phát triển.

    Chẩn đoán bệnh viêm gan virus

    Để chẩn đoán viêm gan do virus, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của người bệnh và khám lâm sàng để tìm kiếm các biểu hiện như gan to, mềm, đau tức vùng gan, nước tiểu vàng sẫm, phân lỏng nhạt màu…

    Khi cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm nồng độ bilirubin, đánh giá nồng độ men gan… để xem men gan và bilirubin máu có tăng cao không, cũng như tìm ra loại virus nào gây viêm gan.

    Phương pháp điều trị bệnh viêm gan virus

    điều trị bệnh viêm gan virus

    Với mỗi loại bệnh viêm gan virus, phương pháp điều trị sẽ khác nhau:

    • Viêm gan A: Người bị nhiễm virus viêm gan HAV có thể tự phục hồi bằng cách kiêng bia rượu và thuốc mà không cần điều trị. Thực tế, không có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi bệnh viêm gan A ngoài việc theo dõi cẩn thận chức năng gan.
    • Viêm gan B: Viêm gan B mãn tính thường có thể được điều trị thành công bằng các loại thuốc như Entecavir (Baraclude®), Telbivudine (Tyzeka®), Tenofovir alafenamide (Vemlidy®), Tenofovir disoproxil fumarate (Viread®), Interferon alfa-2b (Intron A®), Peginterferon alfa-2a (Pegasys®).
    • Viêm gan C: Viêm gan C có thể được điều trị bằng các loại thuốc như Simeprevir (Olysio®), Daclatasvir (Daklinza®), Sofosbuvir (Solvadi®), Sofosbuvir/Velpatasvir (Epclusa®), Sofosbuvir/Velpatasvir/Voxilaprevir (Vosevi®), Ledipasvir/Sofosbuvir (Harvoni®), Ombitasvir/Paritaprevir/ritonavir (Technivie®), Ombitasvir/Paritaprevir/Ritonavir/Dasabuvir (Viekira® Pak, Viekira® XR), Elbasivir/Grazoprevir (Zepatier®), Glecaprevir/pibrentasvir (Mavyret®). Những loại thuốc mới này đôi khi được dùng cùng với các loại thuốc cũ hơn như ribavirin và peginterferon alfa-2a và peginterferon-2b. Người bệnh có thể phải dùng những loại thuốc này trong một thời gian, thậm chí là sáu tháng.
    • Viêm gan D: Viêm gan D mãn tính có thể được điều trị bằng thuốc có interferon và cũng có thể thêm thuốc điều trị viêm gan B.
    • Viêm gan E: Các phương pháp điều trị viêm gan E bao gồm peginterferon alfa-2a và ribavirin.
    • Viêm gan G: Hiện chưa có phương pháp điều trị viêm gan G.

    Phòng ngừa bệnh viêm gan virus

    Có nhiều cách có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan, chẳng hạn như:

    • Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan A và viêm gan B.
    • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
    • Không dùng chung kim tiêm để tiêm thuốc.
    • Thực hành vệ sinh cá nhân tốt, như rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước.
    • Không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bị nhiễm bệnh.
    • Thận trọng khi xăm hoặc xỏ khuyên trên cơ thể.
    • Cẩn trọng khi đi du lịch đến các nước trên thế giới có điều kiện vệ sinh kém.
    • Uống nước đóng chai khi đi du lịch.
    • Không lạm dụng rượu bia, thức uống có cồn.
    • Ăn chín uống sôi.
    • Ăn những món ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được bệnh viêm gan virus là gì và có những loại virus viêm gan nào, từ đó có biện pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 25/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo