backup og meta

1

Chia sẻ

Zalo

Sao chép đường dẫn

Xét nghiệm phân là gì? Quy trình thực hiện, cách đọc kết quả ra sao?

Xét nghiệm phân là gì? Quy trình thực hiện, cách đọc kết quả ra sao?

Xét nghiệm phân là một công cụ chẩn đoán quan trọng trong việc giúp các bác sĩ đưa ra các chẩn đoán bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, ung thư. Xét nghiệm này có thể phát hiện vi khuẩn, vi rút và các vi trùng khác… “ẩn náu” trong phân là nguyên nhân khiến bạn bị bệnh.  

Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giải đáp các thông tin liên quan xoay quanh các thắc mắc “xét nghiệm phân là gì?”, “Quy trình thực hiện ra sao” và “cách đọc kết quả thế nào?, mời bạn cùng tìm hiểu!

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm phân là gì?

Xét nghiệm phân là một loạt các xét nghiệm được thực hiện trên một mẫu phân để giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Những bệnh lý này có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng (nhiễm ký sinh trùng, virus hoặc vi khuẩn)
  • Tình trạng hấp thụ chất dinh dưỡng kém
  • Ung thư

Mẫu phân sẽ được kiểm tra về màu sắc, kết cấu, số lượng, hình dạng, mùi và sự hiện diện của chất nhầy. Kỹ thuật viên cũng tìm các chất khác ẩn trong phân như máu, chất béo, dịch mật, các tế bào bạch cầu và các loại đường. Ngoài ra cũng có thể tiến hành đo độ pH của phân nếu cần.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thủ thuật cấy phân để xác định các loại vi khuẩn nghi ngờ gây ra nhiễm trùng.

t nghim phân giúp kiểm tra điều gì? 

đau bụng do nhiễm khuẩn

Xét nghiệm phân được tiến hành để kiểm tra một số vấn đề thường gặp ở hệ tiêu hóa, gồm:

  • Giúp xác định các bệnh về đường tiêu hóa, gan mật, và tuyến tụy (thông qua kiểm tra một số enzyme như trypsin hoặc elastase)
  • Giúp tìm nguyên nhân ảnh hưởng đến đường tiêu hóa khiến người bệnh bị tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy ra máu, chướng bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, đầy hơi, đau bụng và sốt
  • Phát hiện ung thư đại tràng bằng cách xác định xem phân có máu hay không
  • Phát hiện ký sinh trùng như giun kim hoặc Giardia…
  • Tìm những nguyên nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, nấm hoặc virus
  • Kiểm tra khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa (hội chứng kém hấp thu). Đối với xét nghiệm này, tất cả các mẫu phân sẽ được thu thập trong khoảng thời gian 72 giờ để kiểm tra chất béo trong phân. Xét nghiệm này được gọi là xét nghiệm thu thập phân 72 giờ hoặc xét nghiệm tìm mỡ trong phân (tình trạng phân mỡ).
  • Các loại xét nghiệm phân

    Có nhiều loại xét nghiệm phân khác nhau. Dựa trên các triệu chứng của bạn, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định hình thức xét nghiệm phù hợp nhất. Chẳng hạn như:

    1. Xét nghiệm lây nhiễm: Kỹ thuật viên phòng xét nghiệm có thể thực hiện các xét nghiệm này theo một số cách khác nhau. Mục tiêu chung của tất cả các xét nghiệm này là đều nhằm tìm kiếm vi trùng trong phân bằng cách nuôi chúng, tìm kiếm chúng dưới kính hiển vi hoặc tìm kiếm DNA của vi trùng.
    2. Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT) : Loại xét nghiệm phân này tìm kiếm dấu vết máu trong phân của bạn. Kết quả dương tính có nghĩa là bạn bị chảy máu ở đâu đó trong đường tiêu hóa.
    3. Xét nghiệm FIT-DNA : Giống như FOBT, xét nghiệm phân này phát hiện một lượng nhỏ máu trong phân của bạn. Nhưng nó cũng tìm kiếm những DNA bị thay đổi có thể chỉ ra tình trạng tiền ung thư hoặc ung thư. 

    Điều cần thận trọng

    xét nghiệm phân

    Những điều nên biết trước khi tiến hành xét nghiệm phân?

    Xét nghiệm phân, xét nghiệm soi phân hay cấy phân được tiến hành để tìm ra nguyên nhân nhiễm trùng, chẳng hạn như do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng.

    Người bệnh cần lưu ý những điểm sau để tránh ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm:

    • Không dùng một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc điều trị tiêu chảy, thuốc cản quang (trong chụp X-quang), bismuth (một loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, được dùng để điều trị loét dạ dày tá tràng), thuốc sắt, vitamin C, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) và magie.
    • Mẫu phân đạt chuẩn xét nghiệm phải bảo đảm không lẫn nước tiểu, máu kinh nguyệt hay máu từ ổ xuất huyết cũng như những chất khác (giấy vệ sinh), chất tẩy rửa bồn cầu), nước…
    • Thông báo với bác sĩ nếu gần đây bạn đã đi du lịch (vài tuần đến vài tháng), đặc biệt nếu có xuất cảnh. Thông tin này có thể giúp bác sĩ xác định ký sinh trùng, nấm, virus hoặc vi khuẩn nếu bạn bị nhiễm trùng.
    • Bạn có thể cần tránh một số loại thực phẩm trong 2 đến 3 ngày trước khi làm xét nghiệm. Do đó, hãy thảo luận điều này với bác sĩ điều trị.

    Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

    Quy trình xét nghiệm phân được thực hiện như thế nào?

    quy trình thực hiện xét nghiệm phân

    Quy trình thực hiện xét nghiệm phân như thế nào?

    Đối với xét nghiệm phân, một mẫu phân sẽ được thu thập trong một cốc nước sạch để gửi đến phòng xét nghiệm. Các kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ kiểm tra mẫu bằng kính hiển vi, thực hiện các xét nghiệm sinh hoá, vi sinh.

    Có rất nhiều cách để lấy mẫu phân. Bạn có thể đi tiêu vào một bọc nhựa bằng cách đặt bọc nhựa này trên bồn cầu và kẹp lại bằng nắp bồn cầu. Sau đó, bạn lấy một mẫu phân bỏ vào trong một lọ đựng sạch. Một cách khác là dùng bộ dụng cụ xét nghiệm có cung cấp giấy vệ sinh đặc biệt để giúp bạn thu thập mẫu. Sau khi thu thập mẫu phân, bạn cũng cho mẫu phân vào trong lọ đựng sạch.

    Cần lưu ý không để lẫn nước tiểu, nước hoặc giấy vệ sinh vào mẫu phân.

    Đối với trẻ em có mặc tã, bạn hãy lấy mẫu phân cho bé bằng cách:

    • Lót tã bằng túi nhựa
    • Cố định túi nhựa để tránh nước tiểu và phân bị trộn lẫn. Điều này sẽ giúp thu được mẫu phân tốt hơn.

    Bạn nên làm gì sau khi xét nghiệm phân?

    Bạn hãy gửi mẫu đến phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt. Bảo quản mẫu phân ở nhiệt độ phòng nếu bạn không thể gửi mẫu đến phòng xét nghiệm trong vòng 1 giờ sau lấy mẫu.

    Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

    Xét nghiệm phân mất bao lâu?

    Kết quả xét nghiệm phân có thể có từ sau 1-3 ngày. Nhưng trong một số trường hợp, có thể mất nhiều thời gian hơn tùy thuộc vào nội dung kiểm tra mà bác sĩ điều trị yêu cầu.

    Hướng dẫn đọc kết quả

    kết quả xét nghiệm phân như thế nào là bình thường?

    Đến đây, hẳn bạn quan tâm đến việc cách đọc kết quả xét nghiệm phân như thế nào hay hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm phân ra sao đúng không?

    Kết quả xét nghiệm phân của bạn có ý nghĩa gì?

    Xét nghiệm phân tổng thể thường có kết quả trong ít nhất là 1 đến 3 ngày.

    Kết quả bình thường: 

    • Phân có màu nâu mềm, có độ đặc vừa phải.
    • Phân không có máu, chất nhầy, mủ, sợi thịt không tiêu hóa được, vi khuẩn có hại, virus, nấm hoặc ký sinh trùng.
    • Phân có dạng ống.
    • Độ pH của phân là 7,0-7,5.
    • Phân chứa ít hơn 0,25 gram đường mỗi decilít (g/dl) [ít hơn 13,9 millimoles đường mỗi lít (mmol/l)].
    • Phân chứa 2-7 gram chất béo mỗi 24 giờ (g/24h).

    Kết quả bất thường:

    • Phân có màu đen, đỏ, trắng vàng, hoặc xanh.
    • Phân ở dạng lỏng hoặc rất cứng.
    • Phân chứa máu, dịch nhầy, mủ, sợi thịt không tiêu hóa được, vi khuẩn có hại, virus, nấm hoặc ký sinh trùng.
    • Phân có chứa một hàm lượng thấp các enzym như trypsin hoặc elastase.
    • Độ pH của phân dưới 7,0 hoặc trên 7,5.
    • Phân chứa một lượng đường từ 0,25 g/dl (13,9 mmol/l) hoặc nhiều hơn.
    • Phân chứa hơn 7 g chất béo/24 giờ (nếu lượng chất béo là khoảng 100 g/ngày).

    Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm đánh giá mẫu phân tổng thể. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

    • Nồng độ chất béo trong phân cao có thể là do các bệnh như:
      • Viêm tụy
      • Bệnh celiac (bệnh celiac là một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch)
      • Xơ nang (một bệnh lý di truyền nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, nhất là trên hệ tiêu hóa và hệ hô hấp)
      • Các rối loạn khác có ảnh hưởng đến sự hấp thu chất béo.
    • Sự hiện diện của các sợi thịt không tiêu hóa được trong phân có thể do viêm tụy.
    • Độ pH thấp có thể do sự hấp thụ carbohydrate hay chất béo kém. Phân có độ pH cao có thể là do tình trạng viêm ở ruột (viêm đại tràng), ung thư, hoặc do sử dụng kháng sinh.
    • Phát hiện máu trong phân có thể do xuất huyết đường tiêu hóa.
    • Lượng tế bào bạch cầu trong phân cao có thể do viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc do vi khuẩn.
    • Rotavirus là một tác nhân phổ biến gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ đang bị tiêu chảy cấp, xét nghiệm này có thể tìm ra virus trong phân.
    • Lượng đường khử cao hoặc thấp:
      • Lượng đường khử cao trong phân có thể là do bạn có một số vấn đề tiêu hóa đường.
      • Lượng đường khử thấp có thể do bệnh celiac, xơ nang hoặc suy dinh dưỡng. Các loại thuốc như colchicine (chữa bệnh gout) hoặc thuốc tránh thai cũng có thể gây ra tình trạng lượng đường khử thấp.

    Việc xác định được chính xác mầm bệnh có trong phân thông qua kết quả xét nghiệm phân, các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất và phương pháp điều trị hiệu quả. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Stool Test

    https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/25210-stool-test Ngày truy cập 26/9/2023

    The importance of stool tests in diagnosis and follow-up of gastrointestinal disorders in children
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6776453/ Ngày truy cập 26/9/2023

    Stool test

    https://www.healthdirect.gov.au/stool-tests  Ngày truy cập 26/9/2023

    Fecal culture.

    http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003758.htm. Ngày truy cập 25/10/2015

    Stool analysis.

    http://www.emedicinehealth.com/stool_analysis-health/article_em.htm. Ngày truy cập 25/10/2015

    Stool analysis.

    http://www.webmd.com/digestive-disorders/stool-analysis?print=true. Ngày truy cập 25/10/2015

     

    Phiên bản hiện tại

    26/09/2023

    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

    Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

    Cập nhật bởi: Lan Quan

    avatar

    Tham vấn y khoa:

    Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

    Đa khoa · Hello Bacsi


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 26/09/2023

    ad iconQuảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    ad iconQuảng cáo
    ad iconQuảng cáo