backup og meta

Vỡ lá lách có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?

Vỡ lá lách có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?

Vỡ lá lách là một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra khi vùng dưới xương sườn trên bên trái bụng bị va chạm với lực đủ mạnh. Nếu không điều trị khẩn cấp, tình trạng lá lách bị vỡ có thể gây chảy máu đe dọa tính mạng.

Trong bài viết này, Hello Bacsi cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị lá lách vỡ và chăm sóc ở giai đoạn phục hồi để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Vỡ lá lách là gì?

Lá lách là cơ quan nằm ở phần trên bên trái của bụng, bên dưới xương sườn. Nó có kích thước bằng nắm tay và đóng vai trò quan trọng trong việc chống nhiễm trùnglọc máu

Lá lách có chức năng sản xuất tế bào miễn dịch và kháng thể. Nó cũng chịu trách nhiệm loại bỏ các tế bào máu bất thường hoặc cũ và các “kẻ xâm lược” chẳng hạn như vi khuẩn và virus, khỏi máu.

Lá lách cũng tái tạo huyết sắc tố, thành phần trong máu mang oxy và lưu trữ tiểu cầu để giúp đông máu.

Chấn thương kín ở lách có thể làm rách lớp vỏ bên ngoài lá lách.

Các cấp độ chấn thương lách

Dựa vào mức độ rách, tổn thương tĩnh mạch và động mạch, tình trạng đông máu, các chuyên gia sẽ chia ra các mức độ tổn thương lá lách cụ thể như sau: 

  • Mức độ 1: Giai đoạn này gồm một vết rách trong vỏ xơ lách, sâu dưới 1cm hoặc tích tụ máu đông dưới vỏ xơ. Khối máu tụ bao phủ ít hơn 10% diện tích bề mặt của lá lách.
  • Mức độ 2: Ở giai đoạn này, vết rách dài khoảng từ 1 – 3cm, xảy ra không liên quan đến các nhánh động mạch của lá lách. Ngoài ra, một khối máu tụ có thể xảy ra dưới vỏ xơ, bao phủ từ 10 – 50% diện tích bề mặt. Giai đoạn này cũng có thể liên quan đến khối máu tụ có đường kính dưới 5cm trong mô của cơ quan này.
  • Mức độ 3: Vết rách ở giai đoạn này thường sâu hơn 3cm, có thể liên quan đến động mạch lách hoặc khối máu tụ bao phủ hơn một nửa diện tích bề mặt. Ở giai đoạn này, khối máu tụ có trong mô cơ quan lớn hơn 5cm.
  • Mức độ 4: Đây là vết rách làm đứt các mạch máu phân đoạn hoặc rốn và gây mất hơn 25% lượng máu cung cấp cho lá lách.
  • Mức độ 5: Đây là một vết rách cực kỳ nghiêm trọng làm rách một số mạch máu và gây mất hoàn toàn nguồn máu đến lá lách. Ở giai đoạn này, cục máu đông sẽ làm vỡ lá lách.

Việc phân loại mức độ tổn thương lá lách sẽ giúp các bác sĩ xác định liệu bạn có cần làm phẫu thuật để điều trị hay không.

Triệu chứng

triệu chứng vỡ lá lách

Các triệu chứng vỡ lá lách thường đi kèm với các dấu hiệu khác của chấn thương kín ở bụng, chẳng hạn như gãy xương sườn. Tuy nhiên, sau khi lá lách bị vỡ, bạn có thể cảm nhận thấy cơn đau xuất hiện ở nhiều vị trí khác, như thành ngực trái và vai trái. Triệu chứng đau ở vai trái là do máu chảy từ lá lách kích thích các dây thần kinh cột sống. Cơn đau có thể tồi tệ hơn khi người bệnh hít vào.

Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo lá lách vỡ bao gồm:

  • Đau ở phần bụng trên bên trái
  • Đau khi chạm vào phần trên bên trái của bụng
  • Hoa mắt
  • Lẫn lộn….

Lá lách bị vỡ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Nếu sau va chạm bạn có triệu chứng đau bụng trên bên trái hoặc có các dấu hiệu cho thấy chảy máu trong như hoa mắt, mờ mắt hay ngất xỉu thì nên đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế khẩn cấp. Bởi tình trạng vỡ lá lách có thể gây chảy máu vào ổ bụng đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân

Lá lách có thể bị vỡ do:

  • Tổn thương ở phía trên bên trái của bụng: Lá lách vỡ thường là hậu quả từ một va chạm mạnh vào vùng bụng phía trên bên trái hoặc vùng dưới ngực trái. Bạn có thể bị va chạm mạnh khi chơi thể thao, bị tấn công, tai nạn, tai nạn giao thông. Lá lách bị thương có thể vỡ ngay sau khi bị chấn thương vùng bụng trên, trong một số trường hợp, lá lách có thể bị vỗ sau vài ngày hoặc thậm chí cả tuần sau khi chấn thương xảy ra.
  • Vết thương hở: Ngoài nguyên nhân do chấn thương kín, người bệnh cũng có thể bị vỡ lách do vết thương mở, như vết dao đâm.
  • Lá lách to: Lách có thể to hơn bình thường khi các tế bào máu tích tụ trong lá lách. Việc lột lá lách mở rộng có thể bắt đầu từ các vấn đề như bạch cầu đơn nhân và các tình trạng nhiễm trùng, bệnh gan và ung thư máu.

Chẩn đoán và điều trị

chẩn đoán vỡ lá lách

1. Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán vỡ lá lách?

Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ sẽ ấn vào bụng của người bệnh để xác định kích thước của lá lách và độ mềm của cơ quan này.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ đánh giá các yếu tố như số lượng tiểu cầu và mức độ đông máu của người bệnh.
  • Kiểm tra máu trong khoang bụng: Bác sĩ có thể siêu âm hoặc sinh thiết một mẫu dịch trong bụng để xem có máu ở mô hoặc dịch bụng không. Nếu có, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị khẩn cấp.
  • Xét nghiệm hình ảnh bụng: Nếu các phương pháp trên không giúp bác sĩ xác định chẩn đoán, bạn có thể cần chụp CT ổ bụng kèm thuốc tương phản hoặc xét nghiệm hình ảnh khác để xác định, tìm nguyên nhân hoặc loại trừ nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Những phương pháp nào giúp điều trị vỡ lá lách?

Việc điều trị tình trạng lá lách bị vỡ sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Một số trường hợp là trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải phẫu thuật ngay lập tức. Trong tình huống khác, lá lách vỡ có thể tự lành theo thời gian nên chỉ cần người bệnh tuân thủ việc nghỉ ngơi đầy đủ.

Nhập viện theo dõi lá lách dần phục hồi theo thời gian 

Nhiều vết thương nhỏ hoặc vừa ở lá lách có thể tự lành mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn thường vẫn cần phải nhập viện để các bác sĩ quan sát tình trạng và chăm sóc y tế, chẳng hạn như truyền máu, nếu cần thiết.

Bạn có thể được chụp CT theo dõi định kỳ để kiểm tra xem lá lách của bạn đã lành hay chưa và xác định xem bạn có cần phẫu thuật hay không.

Phẫu thuật hở 

  • Phẫu thuật sửa chữa vết rách trên lá lách: Bác sĩ phẫu thuật sẽ khâu vết rách trên lá lách để nó có thể hoạt động bình thường.
  • Cắt bỏ một phần của lá lách. Tùy thuộc vào tình trạng vỡ, bác sĩ có thể chỉ cần loại bỏ một phần của lá lách. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng ở người bệnh.
  • Cắt bỏ lá lách (cắt lách). Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị cắt bỏ lá lách. Tuy nhiên, đối với thủ thuật này, bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết. Nguy cơ nhiễm trùng huyết cao nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là 2 năm đầu sau khi cắt lách. Bác sĩ có thể đề xuất các cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng, chẳng hạn như tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm phổicúm.

Nhìn chung, phẫu thuật lách thường an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn có một số rủi ro như các loại phẫu thuật khác chẳng hạn như chảy máu, đông máu, nhiễm trùng và viêm phổi.

Phẫu thuật nội soi: Phương pháp điều trị lá lách bị vỡ này được thực hiện thông qua một số vết rạch nhỏ ở bụng. Thiết bị mổ nội soi có gắn camera và thiết bị chiếu sáng được được đưa vào ổ bụng thông qua các vết mổ nhỏ này. Máy ảnh sẽ gửi hình ảnh về màn hình, bác sĩ phẫu thuật quan sát hình ảnh và điều khiển thiết bị mổ. Trong một số tình huống nhất định, các bác sĩ phẫu thuật có thể cần phải mổ một đường rạch lớn để tiếp cận lá lách nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Vỡ lá lách có nguy hiểm không?

Nếu không điều trị, vỡ lá lách có thể dẫn đến các tình trạng như u nang hoặc cục máu đông.

Ngoài ra, vỡ lá lách có thể khiến dòng máu lưu thông bị chậm lại và làm cơ quan này không thể hoạt động được. Trong trường hợp này, bác sĩ cần phải nhanh chóng làm phẫu thuật.

Sau phẫu thuật cắt lách, hệ miễn dịch cũng sẽ bị suy giảm ít nhiều. Do đó, người bệnh cần có biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm trùng.

Phục hồi

phục hồi sau vỡ lá lách: tiêm phòng ngừa nhiễm trùng

Thời gian phục hồi sau điều trị vỡ lá lách là bao lâu?

Người bệnh có thể mất một vài tuần sau phẫu thuật để hồi phục. Điều quan trọng là họ phải nghỉ ngơi và cho phép cơ thể có thời gian chữa lành. Bạn lưu ý chỉ tiếp tục hoạt động bình thường sau khi có sự đồng ý từ bác sĩ. Đối với những người chơi thể thao, bác sĩ khuyên họ nên vận động nhẹ trong 3 tháng trước khi quay trở lại chế độ tập luyện hoặc tập thể dục thông thường.

Một người có thể sống mà không cần lá lách, nhưng cơ quan này lại có vai trò trong hệ miễn dịch. Do đó, việc cắt bỏ hoặc tổn thương lách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Để phòng ngừa điều này, những người làm phẫu thuật lá lách nên được tiêm vắc-xin ngừa phế cầu khuẩn. Bệnh nhân có nguy cơ cao nên được chủng ngừa vi khuẩn Meningococcus và Haemophilusenzae loại B.

Những lần tiêm chủng này thường được thực hiện 14 ngày trước khi phẫu thuật hoặc 14 ngày sau phẫu thuật trong trường hợp khẩn cấp.

Trẻ em đã trải qua phẫu thuật cắt lách có thể cần phải dùng thuốc kháng sinh hàng ngày để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Điều này cũng có thể quan trọng đối với những người cũng có tình trạng tự miễn, chẳng hạn như HIV và trong 2 năm sau khi cắt bỏ lá lách.

Ngay cả khi phục hồi, điều quan trọng là phải thông báo cho bác sĩ bạn không còn lách vì điều này có thể ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị trong tương lai.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Splenic trauma

https://radiopaedia.org/articles/splenic-trauma Ngày truy cập 20/10/2023

Ruptured Spleen

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17953-ruptured-spleen Ngày truy cập 20/10/2023

Spleen problems and spleen removal

https://www.nhs.uk/conditions/spleen-problems-and-spleen-removal/ Ngày truy cập 20/10/2023

Ngày truy cập 20/10/2023

 

Vỡ lá lách là gì?

https://bvnguyentriphuong.com.vn/ngoai-tieu-hoa/vo-la-lach-la-gi Ngày truy cập 20/10/2023

Ruptured spleen. https://www.webmd.com/digestive-disorders/ruptured-spleen#1. Ngày truy cập 12/2/2020

Ruptured spleen. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ruptured-spleen/symptoms-causes/syc-20352317. Ngày truy cập 12/2/2020
Ruptured spleen. https://www.medicalnewstoday.com/articles/192110.php. Ngày truy cập 12/2/2020

Phiên bản hiện tại

26/10/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Cắt bỏ lá lách

Bị đau bụng trên rốn sau khi ăn là do đâu, có nguy hiểm không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 26/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo