backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bị đau bụng trên rốn sau khi ăn là do đâu, có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 16/10/2023

    Bị đau bụng trên rốn sau khi ăn là do đâu, có nguy hiểm không?

    Tình trạng bị đau bụng trên rốn sau khi ăn có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Các cơn đau này có thể là do ảnh hưởng từ thực phẩm nhưng đôi khi là bởi các vấn đề sức khỏe khác cần được điều trị.

    Nếu bạn ăn một bữa quá no có thể gây ra cảm giác khó tiêu, đau bụng, chướng bụng sau khi ăn. Tình trạng đó thường không có gì đáng lo ngại và sẽ tự hết sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau bụng trên rốn sau khi ăn một lượng thức ăn bình thường thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần được thăm khám và điều trị. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu cặn kẽ về các nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng trên rốn sau khi ăn cùng những vấn đề liên quan. 

    Đau bụng trên rốn sau khi ăn là gì? 

    Vùng bụng trên rốn nằm từ phần xương sườn cho đến rốn. Việc căn cứ vào vị trí bị đau bụng có thể giúp dự đoán nguyên nhân gây đau dễ hơn. Nếu bạn bị đau bụng trên rốn thì nhiều khả năng là có liên quan đến những cơ quan nằm trong khu vực đó.

    Các cơ quan nằm trong phần bụng trên gồm:

    • Dạ dày
    • Lách
    • Gan
    • Tụy
    • Túi mật và ống mật

    Cơn đau có khi sẽ khu trú tại một vị trí cụ thể ở vùng bụng trên rốn, chẳng hạn như:

    • Góc phía trên bên trái: Góc bên trái được phân định với góc bên phải bởi xương ức. Đây là nơi có dạ dày ở bên trong. Tuyến tụy sẽ nằm ở phía sau và lá lách nằm chếch lên bên trái.
    • Góc phía trên bên phải: Ở đây có gần như toàn bộ hệ thống mật, bao gồm túi mật ở phía bên phải, một nửa tuyến tụy và một phần gan với ống mật.
    • Vị trí ở giữa bụng trên rốn: Một phần dạ dày và gan nằm chồng lên tuyến tụy ở vùng giữa bụng trên. Cơn đau tại đây còn được gọi là đau vùng thượng vị, có thể liên quan đến hệ thống mật hoặc hệ tiêu hóa.

    Nếu bạn bị đau bụng trên rốn sau khi ăn thường xuyên, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám và được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra cơn đau. Bạn cần mô tả cụ thể vị trí đau bụng và tính chất cơn đau như đau nhói tại một chỗ hay đau lan rộng một vùng, đau quặn co thắt từng cơn hay đau âm ỉ, râm ran…

    9 nguyên nhân đau bụng trên rốn sau khi ăn thường gặp 

    nguyên nhân bị đau bụng trên rốn sau khi ăn

    Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau bụng trên rốn sau khi ăn, thường thấy là do:

    1. Ngộ độc thực phẩm

    Nếu bạn cảm thấy đau dạ dày sau khi ăn xong thì đó có thể là triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, thường sẽ kèm theo một số biểu hiện khác như:

    • Nôn mửa
    • Tiêu chảy
    • Mệt mỏi
    • Sốt cao

    Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi ăn xong.

    2. Dị ứng với một số thực phẩm

    Khi bị dị ứng với thực phẩm, hệ miễn dịch sẽ gây ra các phản ứng và tạo ra kháng thể chống lại chất gây dị ứng có trong thực phẩm. Điều đó gây ra nhiều triệu chứng, bao gồm cả đau bụng trên rốn sau khi ăn. Các thực phẩm dễ gây dị ứng thường gặp gồm:

    • Trứng
    • Sữa
    • Đậu phộng và các loại hạt
    • Động vật có vỏ
    • Cá biển (cá ngừ, cá kiếm, cá cờ…)
    • Lúa mì… 

    3. Không dung nạp thực phẩm

    Hệ tiêu hóa của bạn có khi nhạy cảm hoặc không dung nạp được một số nhóm thực phẩm và gây ra các triệu chứng như đau bụng sau khi ăn. Các chất không được dung nạp phổ biến là:

    • Lactose: có trong sữa và các sản phẩm từ sữa.
    • Gluten: một loại protein có mặt trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch…
    • FODMAP: các carbohydrate chuỗi ngắn khó tiêu hóa.

    Có thể bạn quan tâm

    4. Trào ngược dạ dày thực quản gây đau bụng trên rốn sau khi ăn 

    Đây là một bệnh lý mạn tính khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích thích niêm mạc và có thể làm tổn thương thực quản. Triệu chứng thường thấy của căn bệnh này là ợ chua và cảm giác bị trào ngược đồ ăn, khiến bạn bị đau bụng trên rốn sau khi ăn và đôi khi gây ra cơn đau ở ngực.

    5. Khó tiêu

    Đau vùng thượng vị sau khi ăn là một biểu hiện thường gặp của chứng khó tiêu, nhất là khi có kèm theo cảm giác nóng rát. Tình trạng đó thường liên quan đến axit dạ dày trong quá trình tiêu hóa, có thể đi kèm với bệnh trào ngược dạ dày thực quản và ợ nóng.

    6. Loét dạ dày

    Loét dạ dày là bệnh lý xảy ra khi có các vết loét phát triển ở lớp niêm mạc bên trong dạ dày và tá tràng (đoạn trên của ruột non nối với dạ dày). Căn bệnh này cũng có thể khiến bạn bị đau vùng bụng trên sau khi ăn, nhất là khi ăn các đồ cay nóng hoặc uống rượu, bia.

    7. Triệu chứng đau bụng trên rốn sau khi ăn do đau quặn mật 

    bị đau bụng trên rốn sau khi ăn do viêm tụy cấp

    Đau quặn mật là tình trạng tắc nghẽn ống mật, thường là do sỏi gây ra. Cơn đau này thường xuất hiện sau khi ăn và gây ra triệu chứng đau ở góc trên bên phải bụng. Bạn có thể cảm thấy đau liên tục hoặc ngắt quãng.

    8. Viêm tụy cấp 

    Viêm tụy cấp có thể gây ra cơn đau bụng lan ra sau lưng. Nguyên nhân dẫn đến viêm bao gồm sỏi mật, mỡ máu cao và uống nhiều rượu. Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm máu, siêu âm hoặc chụp CT.

    9. Căng thẳng, stress

    Tình trạng căng thẳng, stress có thể khiến các cơ bị căng và gây ra triệu chứng đau bụng, khó chịu ở dạ dày hay vùng bụng trên sau khi ăn. Bạn có thể tránh tình trạng này bằng cách hít thở sâu và chậm trước khi ăn để giúp các cơ thư giãn, đồng thời ăn chậm rãi, từ tốn để tránh đau dạ dày.

    Giải đáp thắc mắc: Đau bụng trên rốn có nguy hiểm không? 

    Sự thật là rất khó để biết được cơn đau bụng trên rốn mà bạn đang gặp phải có phải là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hay không nếu chỉ dựa vào mỗi cảm giác đau của bạn. Đôi khi, có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ trong thời gian ngắn và ngược lại, một số vấn đề không nguy hiểm lại gây ra cảm giác khó chịu, đau đớn nhiều hơn.

    Do đó, cách tốt nhất để biết được mức độ nguy hiểm khi bị đau bụng trên rốn dù là sau khi ăn hay bất kỳ thời điểm nào chính là đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, chẩn đoán chính xác. Đặc biệt, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu thấy cơn đau kéo dài dai dẳng hoặc tái phát nhiều lần hoặc kèm theo các triệu chứng đáng chú ý như:

    • Xuất hiện máu trong phân hoặc khi nôn mửa
    • Sốt cao
    • Chóng mặt, lú lẫn
    • Khó thở
    • Vàng da và vàng mắt
    • Chướng bụng.

    Chẩn đoán và điều trị thế nào? 

    điêu ftrị bị đau bụng trên rốn sau khi ăn

    Chẩn đoán nguyên nhân bị đau bụng trên sau khi ăn

    Một số trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cho tình trạng đau bụng của bạn dựa vào các thăm khám lâm sàng và nghe mô tả về cơn đau gặp phải. Tuy nhiên, những trường hợp có các triệu chứng đáng lo ngại hơn thì bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác như:

    • Nội soi đường tiêu hóa 
    • Chụp X-quang
    • Chụp CT hoặc MRI
    • Xét nghiệm máu
    • Xét nghiệm phân 

    Nếu nghi ngờ cơn đau bụng có liên quan đến tình trạng không dung nạp thực phẩm, bạn sẽ cần ghi lại nhật ký ăn uống để theo dõi các triệu chứng và xác định đâu là những thực phẩm không được dung nạp.

    Phương pháp điều trị đau bụng trên

    Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra cách thức điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Nếu bạn bị đau bụng trên rốn sau khi ăn do không dung nạp một số thực phẩm thì sau khi xác định được, bác sĩ sẽ đưa ra chế độ ăn kiêng thích hợp cho bạn.

    Nhiều triệu chứng đau bụng, đau dạ dày sau khi ăn có thể thuyên giảm nhờ vào việc dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Bạn có thể thử sử dụng các loại thuốc này tại nhà theo hướng dẫn sử dụng từ thầy thuốc.

    Với các bệnh lý mạn tính hoặc nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị cụ thể, thậm chí có khi cần can thiệp bằng các thủ thuật ngoại khoa.

    Phòng tránh bị đau bụng trên rốn sau khi ăn

    Để giảm thiểu tình trạng bị đau bụng, đau dạ dày sau khi ăn, bạn có thể thử thực hiện các việc sau đây:

    • Kiểm soát tốt các khẩu phần ăn trong ngày
    • Tránh các thực phẩm từng gây dị ứng, khó tiêu trước đây
    • Xây dựng chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ, thực phẩm nhiều chất xơ
    • Uống nhiều nước, cả trong bữa ăn và giữa các bữa ăn

    Thực sự có rất nhiều nguyên do khiến bạn bị đau vùng bụng trên sau khi ăn. Nếu bạn cảm thấy đau bụng, khó tiêu hoặc ợ nóng mới xuất hiện, hãy thử nghỉ ngơi, dùng thuốc không kê đơn để làm giảm nhẹ triệu chứng. Thế nhưng, khi tình trạng này thường xuyên xảy ra hoặc kéo dài trong vài tuần, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 16/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo