Tình trạng ngộ độc cyanide có thể diễn ra cấp tính hoặc mạn tính, gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cung cấp cho bạn tất cả những điều cần biết về tình trạng ngộ độc cyanide để bảo vệ sức khỏe tốt hơn! Mời bạn cùng tìm hiểu!
Chất độc cyanide là gì?
Cyanide (xyanua) là một trong những chất độc nổi tiếng, xuất hiện trong các tiểu thuyết trinh thám với tác dụng gây chết người gần như ngay lập tức. Một số mô tả còn cho biết chất độc này có mùi hạnh nhân đặc trưng.
Tuy nhiên, trong thực tế thì chất độc cyanide không đơn giản chỉ là một chất nhất định. Cyanide có thể là bất kỳ hóa chất nào có chứa liên kết carbon–nitrogen (C–N) và có thể được tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau.
Ví dụ, các hợp chất cyanide có thể được tìm thấy trong nhiều thực phẩm thông thường như măng tươi, sắn tươi (củ khoai mì), hạnh nhân, đậu ngự (lima), đậu nành và rau chân vịt… Ngộ độc xyanua từ thực phẩm (măng, sắn) thường là do chế biến không đúng cách.
Cyanide còn được tìm thấy trong một số hợp chất nitrile được sử dụng trong các dược phẩm như citalopram và cimetidine. Đương nhiên, nitrile không gây độc vì chúng không dễ dàng giải phóng ra ion carbon-nitrogen (hoạt động như một chất độc trong cơ thể).
Thậm chí, cyanide còn là sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất trong cơ thể người. Một lượng ít hợp chất này được thải qua ra ngoài thông qua hơi thở.
Các dạng cyanide gây độc bao gồm:
- Natri cyanide (NaCN)
- Kali cyanide (KCN)
- Hydro cyanide (HCN)
- Cyanogen clorid (CNCl)
Chúng có thể ở thể rắn, lỏng hay khí. Bạn có khả năng tiếp xúc với các dạng cyanide này trong một đám cháy.
Những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc cyanide
Triệu chứng ngộ độc cyanide có thể xuất hiện trong vòng vài giây đến vài phút sau khi tiếp xúc với chất độc. Ban đầu, người bị nhiễm độc có thể thở ngáp, nhịp tim nhanh và tăng huyết áp. Tình trạng mất ý thức và co giật có thể xảy ra trong khoảng 30 giây. Người bệnh có thể có các triệu chứng giống với bệnh uốn ván, bao gồm cứng hàm, mặt co rúm và co cứng cổ. Da có thể bị đỏ bừng, nhưng khoảng một nửa số người bị nhiễm độc làn da sẽ có màu lục lam. Tình trạng ngưng thở thường đi kèm với chứng nhịp tim chậm và hạ huyết áp…
Mức độ ngộ độc còn phụ thuộc vào:
- Liều lượng cyanide đã tiếp xúc
- Loại cyanide
- Thời gian phơi nhiễm với chất độc
Tình trạng ngộ độc cyanide có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Trường hợp ngộ độc cấp tính, chất độc phát tác nhanh, mạnh và thường đe dọa đến tính mạng. Đối với trường hợp tiếp xúc với lượng nhỏ cyanide theo thời gian sẽ gây nên ngộ độc mạn tính.
1. Ngộ độc cyanide cấp tính
Ngộ độc cyanide cấp tính thường hiếm gặp, phần lớn trường hợp là do tiếp xúc với chất độc ngoài ý muốn. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột và rất nghiêm trọng, bao gồm:
- Khó thở
- Co giật
- Mất ý thức
- Ngừng tim
Nếu bạn nghi ngờ bản thân hay người thân đang bị ngộ độc cyanide cấp tính, hãy tìm kiếm trợ giúp y tế khẩn cấp. Tình trạng này thường đe dọa đến tính mạng.
2. Ngộ độc cyanide mạn tính
Ngộ độc cyanide mạn tính có thể xảy ra nếu bạn tiếp xúc với khoảng 20–40 ppm khí hydrogen cyanide (HCN) trong một khoảng thời gian dài.
Các triệu chứng sẽ xuất hiện từ từ và mức độ nghiêm trọng tăng dần theo thời gian. Những triệu chứng sớm có thể gồm:
- Đau đầu
- Buồn ngủ
- Buồn nôn và nôn
- Chóng mặt
- Mặt đỏ ửng lên
Thêm vào đó, các triệu chứng khác có thể xuất hiện:
- Giãn đồng tử
- Da dính dính mồ hôi lạnh
- Thở chậm, hơi thở nông
- Mạch đập yếu và nhanh hơn
- Co giật
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng ngộ độc cyanide có thể dẫn đến:
- Nhịp tim chậm, không đều
- Giảm thân nhiệt
- Môi, mặt và tứ chi xanh tái
- Hôn mê
- Tử vong.
3. Biến chứng
Nếu không được điều trị, ngộ độc cyanide cấp tính hoặc mạn tính có thể gây:
- Co giật
- Ngừng tim
- Hôn mê
Một số trường hợp, ngộ độc cyanide có thể dẫn đến tử vong. Do đó, khi nghi ngờ mình hoặc người thân có những triệu chứng ngộ độc cyanide nặng, hãy đến bệnh viện hay trung tâm y tế gần nhất ngay lập tức hoặc gọi đến số điện thoại khẩn cấp 115.
Nguyên nhân
Ngộ độc cyanide thường hiếm khi xảy ra. Đa số trường hợp nhiễm độc là do hít phải khói hoặc vô tình bị nhiễm độc khi làm việc trong môi trường tiếp xúc với cyanide.
Bạn có nguy cơ nhiễm độc nếu làm việc trong một số lĩnh vực cụ thể. Nhiều muối cyanide vô cơ được sử dụng trong các ngành nghề, lĩnh vực như:
- Luyện kim
- Sản xuất nhựa
- Hun trùng (sử dụng hóa chất để xịt khử mối, mọt, côn trùng)…
- Làm việc tại phòng thí nghiệm hóa học: Các nhà nghiên cứu hóa học cũng có rủi ro lớn nhiễm độc cyanide vì kali cyanide và natri cyanide là thuốc thử phổ biến được sử dụng trong phòng thí nghiệm.
Nguy cơ ngộ độc cyanide cũng có thể xảy ra nếu:
- Sử dụng quá nhiều nước tẩy (chùi) móng tay có chứa hợp chất cyanide hữu cơ như acetonitrile (methyl cyanide)
- Ăn quá nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như hạt mơ, hạt cherry hay hạt quả đào.
Tình trạng ngộ độc cyanide được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Chẩn đoán
Nếu gặp phải những triệu chứng ngộ độc cyanide cấp tính, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp. Trường hợp có dấu hiệu ngộ độc cyanide mạn tính, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Sau khi đánh giá các triệu chứng hiện có, bác sĩ sẽ thực hiện những kiểm tra thể chất khác.
Bạn cũng được đề nghị thực hiện xét nghiệm máu để:
- Do nồng độ methemoglobin. Methemoglobin được đo khi có nghi ngờ về tổn thương do hít phải khói độc.
- Nồng độ carbon monoxide (CO) trong máu, hay định lượng carboxyhemoglobin (COHb). Kết quả xét nghiệm có thể cho biết mức độ hít phải khói độc.
- Nồng độ lactate trong huyết tương hay trong máu. Nồng độ cyanide thường chưa xuất hiện trong thời gian chẩn đoán và điều trị ngộ độc cấp tính nhưng xét nghiệm sau đó có thể giúp xác nhận tình trạng ngộ độc.
Những phương pháp điều trị ngộ độc cyanide
Bước đầu tiên khi điều trị một trường hợp nghi ngờ ngộ độc hợp chất này là phải xác định được nguồn phơi nhiễm. Điều này giúp bác sĩ lựa chọn được phương pháp khử nhiễm thích hợp.
Trường hợp có hỏa hoạn hay sự cố khẩn cấp khác, nhân viên cứu hộ sẽ sử dụng các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, kính bảo vệ mắt và găng tay hai lớp để tiến vào bên trong hiện trường và đưa bạn đến khu vực an toàn.
Nếu bạn lỡ nuốt phải cyanide, nhân viên y tế sẽ cho dùng than hoạt tính để hấp thụ và loại trừ độc tố ra khỏi cơ thể an toàn.
Tiếp xúc với cyanide có thể ảnh hưởng đến lượng oxy nhận được, do đó bác sĩ sẽ cho bạn thở oxy nguyên chất (100%) thông qua mặt nạ dưỡng khí hoặc đặt ống nội khí quản.
Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ thường sử dụng một trong hai bộ thuốc giải độc cyanide sau:
- Bộ giải độc cyanide (cyanide antidote kit)
- Hydroxocobalamin (cyanokit)
Bộ giải độc cyanide bao gồm 3 thuốc được phối hợp chung với nhau: amyl nitrite, natri nitrite và natri thiosulfate. Amyl nitrite được dùng qua đường hô hấp (hít thở) trong 15–30 giây, trong khi đó natri nitrite được truyền qua tĩnh mạch trong vòng 3–5 phút. Natri thiosulfate cũng được truyền qua tĩnh mạch trong khoảng 30 phút.
Hydroxocobalamin sẽ giải độc cyanide bằng cách liên kết với chất độc này rồi tạo ra vitamin B12 không còn độc tính. Thuốc này giúp trung hòa cyanide với tốc độ đủ chậm để một enzyme có tên rhodanese tiếp tục giải độc cyanide trong gan.
Phòng ngừa
Có nhiều cách giúp bạn giảm bớt nguy cơ tiếp xúc với chất độc cyanide, chẳng hạn như:
- Thực hiện các biện pháp phòng chống hỏa hoạn phù hợp. Lắp đặt và bảo trì thường xuyên các thiết bị báo cháy. Tránh sử dụng máy sưởi lớn và đèn halogen cũng như tránh hút thuốc trên giường.
- Bảo vệ trẻ em. Nếu có trẻ nhỏ trong nhà, bảo vệ sức khỏe cho chúng là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi bạn có nguy cơ bị phơi nhiễm cyanide do nghề nghiệp. Giữ các hóa chất độc hại cẩn thận trong các tủ chứa được khóa kỹ càng.
- Tuân thủ các quy định an toàn khi làm việc. Nếu bạn có tiếp xúc với cyanide, hãy sử dụng giấy lót bề mặt làm việc. Kích thước và số lượng các thùng chứa cyanide càng nhỏ càng tốt, giữ trong cùng một khu vực nhất định. Đừng mang quần áo, dụng cụ làm việc có nguy cơ dính chất độc hay các đồ đựng hóa chất về nhà.
[embed-health-tool-bmr]