backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Các triệu chứng uốn ván tiến triển như thế nào? Cách xử lý ra sao?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/03/2023

    Các triệu chứng uốn ván tiến triển như thế nào? Cách xử lý ra sao?

    Uốn ván là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người bệnh hoặc để lại gánh nặng cho nhiều gia đình. Những triệu chứng uốn ván điển hình là gây co thắt cơ, cơ cứng, đau và các vấn đề về hô hấp. Mặc dù đã có vaccine chủng ngừa nhưng căn bệnh này vẫn tương đối phổ biến ở những nước đang phát triển. Trong đó, uốn ván thường phổ biến ở vùng nông thôn, nơi người dân tiếp xúc nhiều với đất và phân động vật (có thể chứa vi khuẩn uốn ván) nhưng lại chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh.

    Trong bài viết sau, bạn có thể chủ động tìm hiểu về con đường nhiễm uốn ván và các triệu chứng đáng chú ý của bệnh. Việc nhận biết đầy đủ và đúng đắn về bệnh uốn ván sẽ giúp ích cho việc kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng kịp thời.

    Bệnh uốn ván là gì?

    Uốn ván (hay còn gọi là phong đòn gánh) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao, do ngoại độc tố của một loại vi khuẩn có tên là Clostridium tetani gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua vết thương, độc tố của chúng gây nhiễm độc hệ thần kinh, gây ra các cơn co thắt cơ bắp đau đớn, phổ biến nhất là khiến các cơ ở cổ, hàm của người bệnh bị siết chặt và cứng lại. Nhiễm uốn ván có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như không thể mở miệng, khó nuốt, khó thở, thuyên tắc phổi, rách cơ, gãy xương sống và dẫn đến tử vong.

    Con đường truyền nhiễm của uốn ván diễn ra như thế nào?

    triệu chứng uốn ván: nguyên nhân gây bệnh

    Clostridium tetani là vi khuẩn gây ra bệnh uốn ván. Các bào tử của loài vi khuẩn này được phát hiện là sống trong đất bẩn, bụi cát và phân. Thông qua các vết cắt sâu, vết thương do đâm thủng trên da hoặc do tiêm chích hay vết cắn của động vật, các bào tử xâm nhập vào cơ thể bạn và trở thành vi khuẩn hoạt động. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng uốn ván không lây từ người sang người. Ngoài các vết cắt và vết thương, một số con đường khác giúp vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể bạn bao gồm:

    • Vết bỏng
    • Xương gãy lộ ra ngoài (gãy xương phức tạp)
    • Chấn thương do giập nát
    • Sử dụng kim tiêm nhiễm khuẩn
    • Quá trình thực hiện phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ trên cơ thể không đảm bảo yếu tố vô trùng 
    • Vết cắn, vết thương do động vật gây ra
    • Nhiễm trùng răng miệng.

    Khi vi khuẩn xâm nhập, phát triển và lan ra trong cơ thể bạn sẽ tạo ra một loại độc tố gọi là độc tố uốn ván. Chất độc này ngăn chặn tín hiệu thần kinh từ tủy sống đến cơ bắp của người bệnh nên gây ra các cơn co thắt cơ nghiêm trọng. Các cơn co thắt quá mạnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được kiểm soát, điều trị thích hợp.

    Các triệu chứng uốn ván tiến triển như thế nào?

    Thời gian ủ bệnh uốn ván là khoảng từ 3 đến 21 ngày. Thời gian khởi phát các triệu chứng uốn ván trung bình thường từ 10 đến 14 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Trong đó, uốn ván toàn thân là thể bệnh phổ biến nhất.

    Triệu chứng uốn ván toàn thân

    triệu chứng uốn ván toàn thân

    Trong hầu hết trường hợp, uốn ván thường ảnh hưởng đến cơ nhai trước tiên rồi lan dần xuống cơ thể. Vì vậy, triệu chứng của bệnh uốn ván thường bắt đầu với các cơn co thắt ở hàm và cứng hàm. Đầu tiên, người bệnh sẽ cảm thấy mỏi hàm, khó nói, khó nhai và khó há miệng. Các triệu chứng này tăng dần và xảy ra liên tục. Bên cạnh đó, các cơn co thắt, cứng cơ còn xảy ra ở các khu vực khác như:

    • Co cứng cơ mặt: Các cơ xung quanh môi bị kéo căng. Nếp nhăn trán, nét cau mày, rãnh mũi, rãnh má hằn sâu và rõ. Tình trạng này khiến khuôn mặt của người bệnh hình thành sự nhăn nhó hoặc có vẻ như đang nở nụ cười nhăn nhở.
    • Co cứng cổ, vai: Co thắt đau đớn và cứng cơ ở vùng cổ đến vai gáy.
    • Co cứng cơ lưng: Lưng người bệnh uốn cong hoặc ưỡn thẳng lưng trông phẳng như tấm ván/đòn gánh.
    • Co cứng cơ bụng: Sờ vào bụng thấy cứng.
    • Co cứng cơ ở các chi: Chân trở nên cứng nhắc, cánh tay co vào người, bàn tay nắm chặt.

    Trong một số trường hợp, các cơn co cứng toàn thân kịch phát với cường độ mạnh, đặc biệt là cứng cơ ở cổ và bụng có thể gây khó thở, tím tái và nguy cơ ngừng thở đe dọa tính mạng bệnh nhân. Thêm vào đó, sự tiến triển của bệnh uốn ván còn dẫn đến các cơn co thắt giống như co giật. Đồng thời, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn kéo dài đến vài phút. Các cơn co thắt đau đớn này sẽ lặp đi lặp lại, có thể là tự phát hoặc do kích thích dù là rất nhẹ như âm thanh lớn, va chạm vật lý, ánh sáng hoặc gió lùa. Trong cơn co giật, người bệnh cũng dễ bị co thắt thanh quản dẫn đến giảm không khí đi vào phổi, thiếu oxy, thậm chí là ngừng thở (tử vong).

    Ngoài các triệu chứng uốn ván kể trên, trong trường hợp nặng, người bệnh còn có thêm triệu chứng nghiêm trọng như thay đổi huyết áp (tăng hoặc hạ huyết áp), nhịp tim nhanh, sốt cao, ra nhiều mồ hôi. Về thời gian, các triệu chứng của bệnh uốn ván có thể bắt đầu từ từ và sau đó trở nên trầm trọng hơn trong vòng 2 tuần.

    Uốn ván cục bộ

    Uốn ván cục bộ là khi người bệnh có các cơn co thắt cơ gần vị trí vết thương ở một chi hoặc một vùng cơ thể. Đây là thể bệnh hiếm gặp và thường tiến triển thành uốn ván toàn thân.

    Nên xử lý như thế nào khi phát hiện các triệu chứng uốn ván?

    triệu chứng uốn ván: cách phòng ngừa

    Như đã chia sẻ, uốn ván là một bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, nếu có triệu chứng uốn ván, người bệnh cần nhập viện khẩn cấp để được bác sĩ kiểm soát triệu chứng bệnh và ngăn ngừa biến chứng.

    Nếu bạn có vết thương nhỏ, không phức tạp và đã tiêm phòng uốn ván trong vòng 10 năm qua thì có thể chăm sóc vết thương tại nhà. Ngược lại, dù chưa có triệu chứng của bệnh uốn ván nhưng nếu bạn có vết thương trong những trường hợp sau đây thì nên sớm đến bệnh viện thăm khám:

    • Bạn chưa tiêm phòng uốn ván trong vòng 10 năm.
    • Bạn không chắc lần cuối cùng bạn tiêm phòng uốn ván là khi nào.
    • Bạn có vết thương bị đâm thủng do đinh, có dị vật dính trong vết thương, bị động vật cắn hoặc có vết cắt sâu trên da.
    • Vết thương của bạn bị nhiễm bẩn, dính đất, phân, gỉ sắt hoặc nước bọt động vật. Trong trường hợp này, nếu bạn đã tiêm vaccine ngừa uốn ván từ 5 năm trở lên kể từ lần tiêm phòng cuối cùng thì cần được tiêm nhắc lại.

    Trên thực tế, không có phương pháp điều trị đặc hiệu dành cho bệnh uốn ván. Tuy nhiên, bệnh nhân nhập viện kịp thời sẽ được bác sĩ xử lý, kiểm soát các triệu chứng uốn ván trong quá trình bệnh tiến triển để ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tử vong. Người bệnh có thể mất một tháng hoặc lâu hơn để các triệu chứng thuyên giảm và phục hồi trở lại.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo