backup og meta

Tìm hiểu về chứng đau ruột thừa để phòng ngừa

Tìm hiểu về chứng đau ruột thừa để phòng ngừa

Việc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, vị trí đau ruột thừa có thể giúp bạn phát hiện bệnh sớm và xử lý hiệu quả.

Ruột thừa là một cơ quan nhỏ, hình ống được nối với ruột già, mỏng dài từ 5 –  10cm và nằm ở góc phần tư phía dưới bên phải của bụng. Cơ quan này thường bị loại bỏ khi viêm hoặc nhiễm trùng. Nếu ruột già bị cắt bỏ, ruột thừa cũng sẽ bị cắt bỏ vì hai cơ quan này kết nối với nhau.

Tình trạng đau ruột thừa thường gây ra bởi viêm và hiếm khi do khối u gây ra. Viêm ruột thừa có thể gây ra cảm giác đau âm ỉ ở giữa hoặc bên phải của bụng. Cơn đau sau đó có thể trở nên rõ rệt hơn và di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng. Triệu chứng đau bụng dưới bên phải xảy ra ở khoảng 80% những người bị viêm ruột thừa (*).

Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán đau ruột thừa để có thể phòng ngừa nhé!

Nguyên nhân đau ruột thừa

Các nguyên nhân gây đau ruột thừa có thể bao gồm:

• Viêm ruột thừa: Khi niêm mạc ruột thừa bị tắc nghẽn sẽ tạo ra áp lực bên trong gây giảm lưu lượng máu đến khu vực, có thể dẫn đến nhiễm trùng và viêm. Trong một số trường hợp, sỏi phân (hiện tượng phân cứng như đá) dịch chuyển có thể làm tắc nghẽn lòng ruột, khiến các mô ruột thừa bị viêm và nhiễm trùng. Trong số ít trường hợp khác, chấn thương ở bụng cũng có thể làm vỡ ruột thừa.

• Áp xe: Áp xe là một khối mủ có thể hình thành trong khu vực của ruột thừa và gây viêm ở ruột thừa. Quá trình điều trị có thể sẽ xử lý khối áp xe trước khi điều trị viêm ruột thừa.

• Khối u: Khối u là một nguyên nhân hiếm gặp gây đau ruột thừa. Ung thư ruột thừa thường không gây ra triệu chứng cho đến khi tiến triển nặng. Khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện là do viêm ruột thừa đã phát triển.

Triệu chứng đau ruột thừa

triệu chứng đau ruột thừa

Triệu chứng đau bụng là tình trạng phổ biến cảnh báo nhiều bệnh, đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chẩn đoán kỹ càng. Cơn đau dữ dội ở vùng bụng dưới bên phải là dấu hiệu đặc trưng của viêm ruột thừa và là một tình trạng cần được điều trị ngay lập tức. Trong nhiều trường hợp, cơn đau bắt đầu xuất hiện ở cả vùng bụng và sau đó từ từ rõ rệt hơn ở vùng dưới bên phải.

Viêm ruột thừa là vấn đề cấp cứu y tế. Các triệu chứng của viêm ruột thừa có xu hướng bắt đầu ngay sau khi ruột thừa bắt đầu bị tắc nghẽn, vì vậy có thể xuất hiện trong quá trình từ 4 – 48 giờ. Các triệu chứng viêm ruột thừa có thể tương tự như các tình trạng khác, vì vậy cần phải thực hiện nghiêm túc, chẩn đoán chính xác và kịp thời.

Tình trạng xuất hiện khối u trong ruột thừa là trường hợp rất hiếm xảy ra, có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi viêm ruột thừa tiến triển.

Các dấu hiệu và triệu chứng của đau viêm ruột thừa có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Chán ăn
  • Buồn nôn, nôn
  • Đau bụng dữ dội
  • Co cứng thành bụng
  • Táo bón hoặc tiêu chảy

Chẩn đoán đau ruột thừa

Khi các triệu chứng đau bụng và sốt xuất hiện, có thể cảnh báo bạn đang bị viêm ruột thừa. Do đó, để chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác nhau bao gồm:

• Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu tuy không thể chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa, tuy nhiên có thể được dùng để kiểm tra sự tăng lên các tế bào bạch cầu cùng với kết quả kiểm tra thể chất, để kết hợp chẩn đoán viêm ruột thừa.

• Kiểm tra thể chất: Điều này đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán viêm ruột thừa. Trong một số trường hợp, có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa ngay sau khi kiểm tra thể chất mà không cần xét nghiệm hình ảnh. Người bệnh viêm ruột thừa có thể bị đau khi ấn vùng bụng dưới bên phải. Nếu ruột thừa bị vỡ, bụng có thể cứng và sưng lên.

• Chụp vi tính cắt lớp (CT): Phương pháp chụp CT là kỹ thuật dùng một loại tia X cho thấy hình ảnh vùng bụng trong mặt cắt ngang và lấy hình ảnh hiển thị các cấu trúc bên trong bụng. Bác sĩ có thể đưa thuốc nhuộm tương phản qua đường tĩnh mạch để các cơ quan trong bụng hiển thị tốt hơn trên hình ảnh. Hình ảnh từ CT scan có thể cho thấy ruột thừa bị viêm, giãn hoặc thu hẹp.

• Siêu âm: Phương pháp siêu âm được sử dụng để xem các hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể. Trong quá trình siêu âm, một công cụ gọi là đầu dò được di chuyển qua bụng để lấy hình ảnh. Từ đó sẽ nhìn thấy được các vấn đề xảy ra tại ruột thừa.

triệu chứng viêm ruột thừa có nhiều nét tương tự như các tình trạng khác, do đó bác sĩ sẽ cần thực hiện thêm các xét nghiệm để xem liệu đau bụng có thể do nguyên nhân khác hay không. Những xét nghiệm này có thể bao gồm khám phụ khoa, xét nghiệm nước tiểu, thử thai và chụp X-quang ngực.

Các khối u trong ruột thừa rất hiếm khi xảy ra, bác sĩ có thể kết hợp sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để chẩn đoán chính xác hơn.

Cách điều trị đau ruột thừa

điều trị đau ruột thừa

Việc điều trị viêm ruột thừa hầu hết là phẫu thuật cắt ruột thừa. Trước khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh có thể được sử dụng thuốc kháng sinh để tránh nguy cơ lây nhiễm. Điều này là do nếu ruột thừa vỡ và tràn các chất vào khoang bụng, có thể gây ra một tình trạng gọi là viêm phúc mạc đe dọa đến tính mạng. Nếu xuất hiện áp xe, bác sĩ có thể đặt một ống dưới da để dẫn lưu.

Trong một số trường hợp, thuốc kháng sinh có thể là phương pháp điều trị cho viêm ruột thừa. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng này có thể cải thiện sau một đợt điều trị kháng sinh ở một số bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp tính. Tuy nhiên, hơn 25% số bệnh nhân đó đã phải cắt bỏ ruột thừa trong năm tiếp theo vì một cơn viêm ruột thừa khác.

Phẫu thuật cắt ruột thừa có thể được thực hiện bằng phẫu thuật mở hoặc nội soi. Phẫu thuật mở sẽ cần một vết mổ nhỏ ở bụng dưới bên phải. Phẫu thuật nội soi được thực hiện thông qua việc sử dụng 3 – 4 vết mổ khá nhỏ. Hầu hết người bệnh ở lại bệnh viện điều trị thêm một ngày sau khi phẫu thuật cắt ruột thừa. Sau đó, sử dụng thuốc kháng sinh tiếp tục trong khoảng 3 – 5 ngày.

Đối với ung thư ruột thừa, quá trình điều trị sẽ bao gồm phẫu thuật cắt ruột thừa (mổ ruột thừa), rồi sau đó tiếp tục dựa trên mức độ tiến triển của ung thư lành tính hay ác tính để đưa ra các định hướng điều trị phù hợp.

Phòng ngừa đau ruột thừa

Hiện tại không có cách nào để ngăn ngừa viêm đau ruột thừa. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều chất xơ có thể làm giảm nguy cơ phát triển viêm ruột thừa.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý tránh các biến chứng sau phẫu thuật cắt ruột thừa bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu có bất kỳ vấn đề bất thường với vết mổ, chẳng hạn như đỏ hoặc rỉ máu, bạn nên báo với bác sĩ ngay lập tức. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như sốt, nôn mửa và đau bụng, điều này có thể cho thấy bạn đang mắc phải bệnh nhiễm trùng khác và cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán đau ruột thừa để biết cách xử lý và phòng ngừa. Vị trí đau ruột thừa thường nằm chủ yếu là phần bụng dưới bên phải, do đó bạn hãy thăm khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường nhé!

Hoàng Trí HELLO BACSI

(*) Verywellhealth Causes of Appendix Pain and Treatment Options Nguyên nhân gây đau ruột thừa và các phương pháp điều trị

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Causes of Appendix Pain and Treatment Options
https://www.verywellhealth.com/appendix-pain-causes-treatment-4173970
Ngày truy cập 04.02.2020

Symptoms-Appendicitis
https://www.nhs.uk/conditions/appendicitis/symptoms/
Ngày truy cập 04.02.2020

Emergency Signs and Symptoms of Appendicitis
https://www.healthline.com/health/digestive-health/appendicitis-emergency-symptoms
Ngày truy cập 04.02.2020

Phiên bản hiện tại

30/03/2023

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Bạn biết gì về mổ ruột thừa?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 30/03/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo