Tìm hiểu chung
Phẫu thuật cắt bỏ lá lách là gì?
Phẫu thuật cắt bỏ lá lách là thủ thuật với mục đích loại bỏ lá lách ra khỏi cơ thể. Trong đó, kỹ thuật phổ biến nhất là nội soi.
Lá lách là cơ quan nằm dưới lồng xương sườn, phía trên bên trái của bụng (hạ sườn trái). Lách có nhiệm vụ lọc máu để loại bỏ vi khuẩn, ký sinh trùng cùng các tác nhân gây viêm nhiễm khác, cũng như các tế bào máu già và hư tổn.
Khi nào bạn cần thực hiện cắt bỏ lá lách?
Lý do phổ biến nhất của phẫu thuật cắt bỏ lá lách là để điều trị tình trạng lá lách bị vỡ, thường do chấn thương vùng bụng. Bên cạnh đó, phẫu thuật này cũng được chỉ định để điều trị một số tình trạng khác như:
- Lách to quá mức gây khó chịu
- Một số chứng rối loạn về máu (bệnh hồng cầu hình cầu di truyền, thiếu máu tán huyết di truyền)
- Một số bệnh ung thư
- Vỡ lách do nhiễm trùng, tình trạng viêm hoặc do thuốc (heparin, axit acetyl salicylic…)
- U nang, áp xe hoặc khối u không phải ung thư (khối u lành tính) ở lách
- Chấn thương lách, tổn thương lách do phẫu thuật ổ bụng, các bệnh lý như nhiễm HIV/AIDS, lao…
Điều cần thận trọng
Cắt bỏ lá lách có nguy hiểm không?
Cắt bỏ lá lách cũng tiềm ẩn những rủi ro của một ca phẫu thuật, bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Xuất huyết
- Thoát vị ở vị trí rạch da
- Hình thành huyết khối
- Tổn thương các nội tạng lân cận như dạ dày, tuyến tụy và ruột già
Những người có các yếu tố sau dễ tăng nguy cơ mắc biến chứng sau phẫu thuật:
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Suy hoặc thiếu hụt dinh dưỡng
- Có bệnh mới mắc gần đây hoặc đang có bệnh mạn tính
- Đái tháo đường (tiểu đường)
- Người cao tuổi
- Có bệnh về tim mạch hoặc hô hấp
- Xuất huyết hoặc rối loạn đông máu
Quy trình thực hiện
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trước khi thực hiện
Trước khi phẫu thuật, người bệnh có thể cần tạm thời ngừng dùng một số loại thuốc và chất bổ sung hay tránh ăn uống trong một khoảng thời gian nhất định. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho người bệnh. Bác sĩ cũng có thể cân nhắc cho người bệnh tiêm vắc-xin ngừa viêm phổi, cúm, cúm Haemophilus týp b (Hib) và não mô cầu.
Trong khi thực hiện
Ngay trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Đội ngũ phẫu thuật sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy máu trong suốt quá trình.
Có 2 dạng phẫu thuật cắt bỏ lá lách là phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở.
- Phẫu thuật mở. Bác sĩ sẽ rạch da thành bụng ở vị trí lá lách, sau đó kéo các lớp da và cơ, thắt các mạch máu nuôi lá lách, đặt các miếng xốp ẩm vào ổ bụng để hút một phần dịch và máu. Kế đến, lá lách được tách bỏ khỏi cơ thể, các miếng xốp được lấy ra. Bác sĩ tiến hành làm sạch vết thương, đóng các lớp gân, cơ, da bằng chỉ may hoặc bằng kẹp staples. Cuối cùng băng vết mổ bằng gạc vô trùng.
- Phẫu thuật cắt bỏ lá lách nội soi. Người bệnh được rạch một vết nhỏ ở bụng để đưa máy nội soi có camera vào ổ bụng để quan sát. Carbon dioxide được bơm vào để làm căng ổ bụng tạo không gian cho phẫu trường. Người bệnh cũng sẽ được rạch thêm 2–3 đường nhỏ trên bụng để đưa những dụng cụ đặc biệt vào nhằm cột và cắt các mạch máu nuôi lá lách, sau đó xoay và cắt bỏ lách. Nếu lá lách đã vỡ, bác sĩ sẽ kiểm tra thêm bên trong ổ bụng nhằm tìm các tổn thương nội tạng hoặc mạch máu khác. Có thể tiếp tục tiến hành đồng thời các phẫu thuật khác (phẫu thuật mở) nếu cần thiết. Cuối cùng may kín các đường rạch da và băng lại bằng băng dính phẫu thuật.
Sau khi thực hiện
Thời gian phẫu thuật cắt bỏ lá lách thường kéo dài khoảng 45–60 phút. Lá lách đã cắt bỏ được đưa ngay đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Người bệnh sẽ được đưa đến phòng hậu phẫu để theo dõi và truyền máu nếu mất nhiều máu trong phẫu thuật. Nếu phẫu thuật nội soi, người bệnh có thể rời bệnh viện trong cùng ngày phẫu thuật hoặc ngày hôm sau. Nếu thực hiện phẫu thuật mở, thời gian nằm viện có thể từ 2–6 ngày. Người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau 2 tuần với phẫu thuật nội soi hoặc 6 tuần đối với phẫu thuật mở. Người bệnh cũng có thể được chỉ định dùng kháng sinh phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.
Sau khi ra viện, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ nếu gặp những vấn đề như:
- Các dấu hiệu nhiễm trùng (sốt và lạnh run)
- Sưng, đỏ, nóng, đau, xuất huyết hoặc tiết dịch ở vị trí rạch da
- Ho, khó thở, đau ngực, nôn ói nặng
- Các triệu chứng mới xuất hiện chưa rõ nguyên nhân
Kết quả của phẫu thuật
Kết quả của phẫu thuật cắt bỏ lá lách là gì?
Nếu người bệnh thực hiện phẫu thuật cắt bỏ lá lách do vỡ lách thì thường không có chỉ định điều trị thêm. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật được thực hiện để điều trị một rối loạn khác trong cơ thể thì người bệnh có thể cần được điều trị bổ sung.
Phương pháp nội soi ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật mở, ít đau hơn, hồi phục nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt điều kiện để thực hiện phẫu thuật nội soi. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.
Sau khi cắt lá lách, các cơ quan khác trong cơ thể người bệnh sẽ đảm nhiệm hầu hết các chức năng trước đây của lá lách. Người bệnh có thể sinh sống mà không có lá lách nhưng cơ thể sẽ dễ bị ảnh hưởng từ vi khuẩn, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Khả năng này thường mạnh mẽ nhất trong giai đoạn hậu phẫu nên trước khi phẫu thuật người bệnh sẽ được cân nhắc tiêm vắc-xin (như đã đề cập). Người không có lá lách cũng có thể khó phục hồi hơn sau khi bị bệnh hoặc bị thương.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmr]