Mặc dù mọi người đều đã từng trải qua cảm giác đầy bụng khó tiêu này ít nhất một lần trong đời, nhưng thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ tình trạng trên đang cảnh báo điều gì. Sự nhầm lẫn trong việc xác định nguyên nhân gây khó tiêu có thể khiến bạn chọn sai cách điều trị, dẫn đến kết quả cuối cùng sẽ không như mong đợi.
Vậy, triệu chứng khó tiêu là gì? Đâu là nguyên nhân gây nên vấn đề này? Làm thế nào để khắc phục hiệu quả? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp qua bài viết sau nhé.
Triệu chứng khó tiêu là gì?
Khó tiêu là thuật ngữ đề cập đến một loạt biểu hiện khó chịu xảy ra ở đường tiêu hóa. Chúng có thể bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Ợ hơi
- Đau bụng, đặc biệt là vùng thượng vị
- Chướng bụng đầy hơi
Ngoài ra, đôi khi bạn cũng có thể gặp phải những dấu hiệu khác không được đề cập đến. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bất thường đang diễn ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần tìm gặp bác sĩ?
Trong một số trường hợp, triệu chứng khó tiêu rất dễ bị nhầm lẫn với chứng ợ nóng. Thực tế, đây là những vấn đề khác nhau.
Ợ nóng chủ yếu chỉ cảnh báo cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, thường đi chung với cảm giác nóng rát ở khu vực xương ức sau mỗi bữa ăn. Trong khi đó, khó tiêu không chỉ liên quan đến trào ngược axit dạ dày mà còn có mối liên hệ với nhiều tình trạng sức khỏe khác, ví dụ như nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị…
Do đó, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của chính mình, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia nếu các dấu hiệu trên kéo dài hơn 2 tuần hoặc bạn bắt gặp bất kỳ biểu hiện nào như sau:
- Mất khẩu vị, chán ăn
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Khó nuốt
- Phân hắc ín
- Màu da và mắt chuyển vàng
- Đau, tức ngực khi gắng sức
- Thở gấp, hụt hơi
- Đổ nhiều mồ hôi
- Phạm vi đau nhức lan rộng đến cổ, hàm và cánh tay
- Nôn ra máu
Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy, việc thảo luận với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình có thể giúp bạn nhanh chóng tìm ra giải pháp điều trị tối ưu nhất.
Nguyên nhân gây khó tiêu là gì?
Các triệu chứng khó tiêu thường được kích thích bởi tình trạng niêm mạc tiếp xúc trực tiếp với axit dạ dày. Những yếu tố có khả năng dẫn đến vấn đề này gồm:
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
- Hút thuốc lá
- Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh
- Tiêu thụ một lượng lớn thức ăn cay hoặc giàu chất béo
- Uống quá nhiều bia rượu hoặc những thức uống chứa nhiều caffeine
- Tiêu thụ nhiều chocolate và soda
Các bệnh lý liên quan
- Sức khỏe tinh thần không ổn định, thường xuyên căng thẳng, lo âu
- Bệnh sỏi mật
- Viêm dạ dày
- Thoát vị hoành (thoát vị gián đoạn)
- Nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)
- Thừa cân, béo phì
- Viêm tụy
- Loét dạ dày
- Ung thư dạ dày
Tác dụng phụ của thuốc điều trị
- Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID), cụ thể hơn là aspirin
- Một số thuốc chữa bệnh tuyến giáp hoặc kháng sinh
- Thuốc tránh thai
- Thuốc bổ sung estrogen
- Thuốc chứa nitrat (có khả năng gây tăng huyết áp)
Trong trường hợp không thể xác định nguyên nhân cụ thể dẫn đến triệu chứng khó tiêu, bác sĩ có thể kết luận bạn bị chứng khó tiêu không do loét (chức năng). Tình trạng này liên quan đến sự suy yếu chức năng của dạ dày, gây cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn.
Chứng khó tiêu có nguy hiểm không?
Phần lớn trường hợp, triệu chứng khó tiêu không quá nguy hiểm và có thể chấm dứt trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bạn không nên vì vậy mà xem nhẹ, vì đôi khi, tình trạng này có thể “đi kèm” với một số vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như:
Hẹp thực quản
Một trong những nguyên nhân gây khó tiêu thường gặp là trào ngược axit dạ dày thực quản. Tình trạng này có thể gây tổn thương lớp niêm mạc ở thực quản và thậm chí để lại sẹo tại đây.
Quá nhiều sẹo hoặc sẹo quá lớn sẽ gây hẹp thực quản. Lúc này, bạn có thể gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn, kéo theo triệu chứng đau ngực, khó thở…
Hẹp môn vị
Vấn đề này xảy ra khi axit dạ dày tràn đến môn vị, chịu trách nhiệm làm “cầu nối” giữa dạ dày và ruột non.
Tương tự tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, lúc này, lớp niêm mạc môn vị cũng sẽ bị tổn thương bởi dịch axit trong dạ dày và để lại sẹo, dần dần dẫn đến hẹp môn vị. Hệ quả là thức ăn sẽ bị tồn đọng trong dạ dày quá lâu, gây khó tiêu, đau bụng, mệt mỏi, xanh xao…
Chẩn đoán nguyên nhân gây khó tiêu
Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi về thời gian mà tình trạng khó tiêu diễn ra cũng như các triệu chứng đi kèm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được hỏi về tiền sử bệnh lý liên quan đến dạ dày và vùng ngực của chính họ và người thân trong gia đình.
Tiếp theo, để xác định cụ thể nguyên nhân gây khó tiêu, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm sau, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: thường dành cho trường hợp người bị khó tiêu có dấu hiệu thiếu máu, đôi khi cũng có tác dụng trong việc kiểm tra vi khuẩn H. pylori trong dạ dày
- Nội soi đường tiêu hóa trên: giúp các chuyên gia kiểm tra chi tiết tình trạng sức khỏe tại khu vực này. Nếu bác sĩ nghi ngờ có khối u phát triển, sinh thiết cũng có thể tiến hành song song.
- Xét nghiệm Hp qua hơi thở và xét nghiệm kháng nguyên phân: có tác dụng kiểm tra tình trạng phát triển của khuẩn H. pylori, chủ yếu áp dụng đối với trường hợp bác sĩ cho rằng chứng khó tiêu đến từ vấn đề loét dạ dày
- Xét nghiệm chức năng gan: nếu triệu chứng khó tiêu xuất hiện cùng với những dấu hiệu bệnh gan, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm loại xét nghiệm này nhằm đánh giá khả năng hoạt động của cơ quan nội tạng lớn nhất cơ thể này
- Các thủ thuật xét nghiệm hình ảnh: kết quả chụp X-quang, chụp CT và siêu âm ổ bụng có thể giúp bác sĩ quan sát chi tiết khu vực này, đồng thời tìm kiếm bất kỳ sự tắc nghẽn nào trong dạ dày
Đâu là cách trị chứng khó tiêu?
Tùy vào nguyên nhân gây khó tiêu cũng như mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, mỗi người sẽ có một hoặc nhiều lựa chọn khác nhau để đối phó với vấn đề này.
Chữa chứng khó tiêu tại nhà
Đối với chứng khó tiêu nhẹ và không thường xuất hiện, bạn có thể cải thiện lối sinh hoạt hàng ngày để đẩy lui triệu chứng khó chịu trên. Những thay đổi này thường gồm:
- Hạn chế ăn những món nhiều dầu mỡ hoặc quá cay
- Cắt giảm lượng chocolate và caffeine tiêu thụ
- Tránh xa bia rượu
- Ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm
- Bỏ thuốc lá
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn
Sử dụng thuốc trị khó tiêu
Ngược lại, trong trường hợp triệu chứng khó tiêu cảnh báo về tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bạn sẽ cần đến những giải pháp điều trị theo tiêu chuẩn y tế. Trong đó, sử dụng thuốc kê toa là lựa chọn thông dụng nhất.
Thực tế, không có khái niệm “thuốc trị khó tiêu”. Các loại thuốc được bác sĩ kê đơn trong trường hợp này hoàn toàn dựa trên nguyên nhân gây ra chứng khó tiêu. Chúng có thể bao gồm:
Thuốc kháng axit
Antacid hay thuốc kháng axit có tác dụng trung hòa nồng độ axit trong dịch dạ dày, từ đó thuyên giảm các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi chướng bụng, ợ nóng… đây luôn là lựa chọn điều trị đầu tiên cho các vấn đề liên quan đến dạ dày.
Thuốc kháng histamine H2
Nhóm thuốc này đóng vai trò giảm lượng axit dạ dày tràn vào đường tiêu hóa. So với thuốc kháng axit, nhóm thuốc này phát huy tác dụng chậm hơn nhưng có thể duy trì hiệu quả lâu hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý một số tác dụng phụ mà thuốc kháng histamine H2 mang lại, bao gồm buồn nôn và nôn, táo bón, tiêu chảy, đau đầu, bầm tím, xuất huyết…
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
PPI đem lại hiệu quả cao đối với những trường hợp khó tiêu do trào ngược dạ dày thực quản. Mặc dù khả năng giảm tiết axit của PPI mạnh hơn thuốc kháng histamine nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi chọn dùng loại thuốc này.
Thuốc kháng sinh
Nếu H. pylori là tác nhân đứng sau triệu chứng khó tiêu, dùng kháng sinh sẽ là giải pháp lý tưởng. Mặc dù vậy, hãy cẩn thận với những tác dụng phụ của thuốc như khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy…
Thuốc chống trầm cảm
Trong trường hợp nguyên nhân gây khó tiêu không thể xác định hoặc người bệnh không đáp ứng tốt với các liệu trình điều trị trước đó, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm liều thấp với mục đích giảm bớt sự khó chịu mà bạn đang phải trải qua. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý thuốc có nguy cơ kéo theo cảm giác buồn nôn, đau đầu, kích động, táo bón và đổ mồ hôi đêm.
Cách phòng ngừa triệu chứng khó tiêu
Thay đổi một số thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn phòng ngừa cũng như mau chóng đối phó hiệu quả với tình trạng này, ví dụ như:
- Cân nhắc lượng thức ăn cho mỗi bữa, không nên ăn quá nhiều
- Không ăn bữa khuya
- Ăn chậm, nhai kỹ
- Bỏ thuốc lá
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Hạn chế uống nước ngọt, bia rượu và cafe
- Tránh để bản thân quá căng thẳng
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmr]