backup og meta

Tiêu chảy kéo dài có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách điều trị

Tiêu chảy kéo dài có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách điều trị

Tiêu chảy thường có thể tự khỏi trong 1 – 2 ngày, nếu tiêu chảy kéo dài lâu hơn thì cần hết sức cảnh giác bởi tình trạng này có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề.

Tiêu chảy là vấn đề tiêu hóa rất thường gặp, chính vì thế nên ít người thật sự để tâm cho đến khi tình trạng tiêu chảy kéo dài đến hơn 1 tuần hoặc lâu hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày. Tiêu chảy kéo dài là do đâu? Tiêu chảy kéo dài có nguy hiểm không và phải làm sao? Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ phần nào giúp bạn có câu trả lời cho những băn khoăn này. 

Tiêu chảy kéo dài là như thế nào? 

Tiêu chảy là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng đi ngoài phân lỏng, nhiều nước hơn 3 lần/ngày, có thể đi cùng với các triệu chứng như đau bụng, nôn, buồn nôn… Nếu các triệu chứng chỉ kéo dài trong 1 – 2 ngày và có thể tự khỏi mà không cần điều trị thì được xem là tiêu chảy cấp. 

Tiêu chảy kéo dài được ghi nhận khi bạn đi ngoài phân lỏng thường xuyên, liên tục hoặc không liên tục trong khoảng thời gian dài. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài trong 2 – 4 tuần thì được xem là tiêu chảy bán cấp. Và đa phần “thủ phạm” thường là do nhiễm trùng.  

Còn nếu các triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần thì được xem là tiêu chảy mãn tính. Nguyên nhân gây tiêu chảy mãn tính thường không liên quan đến nhiễm trùng mà là do các bệnh về tiêu hóa hoặc do các nguyên nhân khác.  

Tiêu chảy kéo dài là do đâu? 

tiêu chảy kéo dài

1. Nhiễm khuẩn

Tiêu chảy kéo dài có thể xảy ra do nhiễm: 

  • Virus: Phổ biến là virus noro, virus rota, thường lây qua đường tay – miệng. Khi bạn chạm vào bề mặt có virus bám dính rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng, virus sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa và gây bệnh. Bên cạnh tiêu chảy, người bệnh còn có triệu chứng buồn nôn và nôn.
  • Vi khuẩn và ký sinh trùng: Phổ biến là Campylobacter, E.Coli, Salmonella, Shigella, Cryptosporidium, Giardia lamblia…. Các loại vi khuẩn và ký sinh trùng này thường xâm nhập vào cơ thể thông qua việc ăn hoặc uống các loại thực phẩm bẩn, kém vệ sinh. Tiêu chảy đi kèm với sốt và có máu lẫn trong phân. Những trường hợp tiêu chảy du lịch thường do vi khuẩn gây ra.

Ngoài ra, một số trường hợp nhiễm ký sinh trùng, thường trong các bể bơi, hồ, đập hay sông bị ô nhiễm, cũng có thể gây tiêu chảy kéo dài ở người lớn và cả trẻ em.

2. Dùng thuốc

Tiêu chảy cũng có thể là tác dụng phụ các một số loại thuốc như: 

  • Thuốc kháng axit có chứa magiê 
  • Thuốc cao huyết áp 
  • Thuốc điều trị ung thư
  • Dùng quá nhiều thuốc nhuận tràng. 

Tiêu chảy do kháng sinh cũng rất phổ biến. Bởi kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn loại bỏ luôn các vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng đường ruột và dẫn đến tiêu chảy.

3. Nguyên nhân tiêu chảy kéo dài: Không dung nạp thực phẩm

“Thủ phạm” gây tiêu chảy kéo dài có thể là chứng không dung nạp thực phẩm. Đây là tình trạng cơ thể gặp khó khăn khi tiêu hóa một loại thức ăn nào đó và gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy. 

  • Không dung nạp lactose, loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. 
  • Không dung nạp đường fructose, loại đường trong trái cây, nước ép trái cây và mật ong. 
  • Không dung nạp gluten, protein được tìm thấy trong lúa mì và trong các loại ngũ cốc như lúa mạch và lúa mạch đen. 

4. Tiêu chảy kéo dài là bệnh gì? Bệnh về tiêu hóa

Tình trạng tiêu chảy tái đi tái lại trong một thời gian dài có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa như: 

  • Hội chứng ruột kích thích 
  • Bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn 
  • Loạn khuẩn đường ruột 

Nếu do hội chứng ruột kích thích thì phân không có máu hoặc dịch nhầy, khi nội soi đại tràng và ruột sẽ không phát hiện thương tổn. Bạn có thể thường xuyên phải trải qua tình trạng này khi gặp các vấn đề về tâm lý như tâm trạng lo lắng, hồi hộp hay sợ hãi.  

Còn nếu do bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn thì phân có thể lẫn máu, sốt, đau và co thắt ở vùng bụng. 

Ngoài những nguyên nhân kể trên, đau bụng tiêu chảy kéo dài có thể là dấu hiệu của rối loạn tuyến tụy như xơ nang, suy tuyến tụy; cường giáp nhưng rất ít gặp.

Tiêu chảy kéo dài phải làm sao? 

tiêu chảy kéo dài

1. Điều trị, xử lí ban đầu

Khi bị tiêu chảy, nhiều người có xu hướng dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy để điều trị. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng và không được khuyến khích để dùng lâu dài. 

Ngoài ra, nếu tiêu chảy nước kéo dài lâu còn có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm như mất nước, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

Do đó, nếu bị tiêu chảy kéo dài, tốt nhất bạn nên đi khám. Trong quá trình khám, bác sĩ có thể hỏi bạn về tần suất đi ngoài, thời gian bạn bị tiêu chảy, số lần tiêu chảy trong ngày và các triệu chứng bạn gặp phải. 

Đồng thời, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, soi phân; siêu âm, chụp CT vùng bụng (nếu bạn bị đau bụng hoặc phân có lẫn máu); nội soi đường tiêu hóa để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy. 

Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán mà bệnh tiêu chảy kéo dài ở người lớn và trẻ em sẽ có cách điều trị phù hợp. Thông thường, việc điều trị sẽ tập trung vào việc bù nước, phục hồi dinh dưỡng và điều trị nguyên nhân.

2. Điều trị tiêu chảy kéo dài bằng chế độ dinh dưỡng

Trong thời gian điều trị tiêu chảy dài ngày, bạn sẽ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và việc bù nước cho cơ thể. Bạn nên ăn các món ăn nhẹ, dễ tiêu hóa, chẳng hạn như các món cháo phù hợp với người tiêu chảy, súp… Tránh bỏ bữa và đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.  

Tránh các món dễ gây kích ứng như các món chiên rán, cay nóng, thức uống chứa caffein, bia, rượu, nước ngọt, các món nhiều đường như bánh, kẹo… Khi chế biến, cần nấu chín kỹ, tránh ăn ở hàng quán ven đường, không hợp vệ sinh. 

Bên cạnh đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là bù nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước lọc, nước trái cây không đường hoặc dùng thêm dung dịch bù nước đường uống Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ.  

Tiêu chảy kéo dài là tình trạng cần được thăm khám và điều trị. Do đó, nếu bạn rơi vào tình cảnh tiêu chảy lâu ngày thì cần sắp xếp thời gian đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác và có cách điều trị tiêu chảy phù hợp.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Do in Persistent Diarrhea of Children?: Concepts and Treatments of Chronic Diarrhea https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3746051/ Ngày truy cập: 22/10/2021 

Diarrhea https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diarrhea/symptoms-causes/syc-20352241#:~:text=But%20when%20diarrhea%20lasts%20beyond,inflammatory%20bowel%20disease%20(IBD). Ngày truy cập: 22/10/2021 

Underlying causes of diarrhoea https://www.healthdirect.gov.au/what-causes-diarrhoea Ngày truy cập: 22/10/2021 

What Are the Different Categories of Diarrhea? https://www.nationwidechildrens.org/conditions/persistent-diarrhea–malabsorption Ngày truy cập: 22/10/2021 

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM https://kcb.vn/wp-content/uploads/2017/12/Truyen-nhiem-1.pdf Ngày truy cập: 22/10/2021 

Phiên bản hiện tại

27/09/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Đi cầu nhiều lần có nguy hiểm? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Bị tiêu chảy nên làm gì? Tất tần tật "bí kíp" giúp trị tiêu chảy hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 27/09/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo