backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ và cách xử trí: Bạn đã biết chưa?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 09/11/2021

    Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ và cách xử trí: Bạn đã biết chưa?

    Những dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ thường khó nhận biết và dễ nhầm lẫn, có thể gây cho người bệnh nhiều hoang mang và thiếu sự can thiệp kịp thời.

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những dấu hiệu của bệnh trĩ nhẹ và các cách điều trị hiệu quả qua bài viết sau nhé.

    Bệnh trĩ nhẹ là gì?

    Bệnh trĩ nhẹ hay bệnh trĩ giai đoạn khởi phát, bệnh trĩ cấp độ 1 là một bệnh lý vùng hậu môn – trực tràng phổ biến ở người trưởng thành. Áp lực máu bên trong các đám rối tĩnh mạch trực tràng – hậu môn làm cho các mạch máu này bị giãn, phình ra, tạo thành những búi trĩ ngày càng lớn dần nếu không được quan tâm, điều trị.

    Bệnh trĩ nhẹ tuy không gây nguy hiểm nhưng gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt và ảnh hưởng tâm lý. Dù vậy, cần sớm nhận diện các dấu hiệu của bệnh trĩ nhẹ, tránh để bệnh phát triển nặng hơn sẽ càng khó chữa và gây ra các biến chứng phức tạp, nguy hiểm.

    Dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ bao gồm những gì?

    Dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ hay bệnh trĩ cấp độ 1 dễ hay khó nhận biết còn tùy thuộc vào loại bệnh trĩ. Theo vị trí hình thành búi trĩ, bệnh được chia thành trĩ nội (búi trĩ sinh ra trong thành trực tràng đoạn tiếp giáp hậu môn) và trĩ ngoại (búi trĩ hình thành trong ống hậu môn, gần mép hậu môn). Dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ của 2 loại trĩ này cũng khác nhau.

    dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ

    Những dấu hiệu của bệnh trĩ ngoại cấp độ 1

    Trĩ ngoại dễ nhận biết hơn, bao gồm các dấu hiệu: Thực thể (nhìn thấy được): một cục hơi u, mềm, lồi nhẹ ra khỏi ống hậu môn, rõ nhất là sau khi đi đại tiện. Kèm theo đó, người bệnh sẽ cảm nhận được các triệu chứng cơ năng như:

  • Cộm, đau nhẹ tại hậu môn do búi trĩ bị chèn ép
  • Vùng hậu môn ẩm ướt, ngứa ngáy, do kẽ da của búi trĩ tích tụ dịch nhầy niêm mạc hậu môn và có thể có những mẩu phân li ti.
  • Những dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ – trĩ nội

    Đối với trĩ cấp độ 1 là trĩ nội, vì búi trĩ nằm bên trong trực tràng nên không thể nhìn thấy được. Người bệnh cũng không cảm thấy đau hay khó chịu. Đôi khi, bạn sẽ nhận thấy chất nhầy tiết ra ngoài nhiều hơn gây ngứa ngáy.

    Một dấu hiệu chung của hai loại trĩ là chảy máu khi đại tiện. Lượng máu ít, bám lên phân hoặc thấm vào giấy vệ sinh. Nguyên nhân là do búi trĩ bị cọ xát làm vỡ mạch máu, gây đau rát hậu môn với trĩ ngoại nhưng hầu như không tạo cảm giác gì đối với trĩ nội.

    Như vậy, cần quan sát kết hợp nhiều triệu chứng để biết chúng có phải là dấu hiệu của bệnh trĩ nhẹ hay không.

    Cần làm gì khi có dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ?

    Điều trị bệnh trĩ nhẹ không khó nếu có sự tích cực tham gia từ phía người bệnh, chủ yếu là chăm sóc và điều trị bảo tồn. Nguyên tắc chữa bệnh trĩ nhẹ nhấn mạnh việc giảm áp lực lên mạch máu trực tràng – hậu môn và dùng thuốc chỉ trong trường hợp cần thiết.

    Nếu nghi ngờ dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ, bạn nên áp dụng những thay đổi sau đây:

    Đảm bảo chế độ ăn lành mạnh với đủ chất xơ và uống đủ nước

    Việc bị táo bón thường xuyên là một nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh trĩ. Chế độ ăn uống lành mạnh đủ chất xơ và uống đủ nước giúp làm mềm phân, tránh táo bón, nhờ đó hạn chế tình trạng chèn ép, tổn thương búi trĩ. Việc đại tiện dễ dàng cũng giúp giảm bớt áp lực bên trong các mạch máu bị giãn, tạo điều kiện để búi trĩ co lại.

    Chất xơ có mặt trong mọi loại rau quả, nhiều loại củ và ngũ cốc nguyên hạt, giúp nhuận tràng. Chế độ ăn có đủ chất xơ tự nhiên còn là một thói quen lành mạnh giúp cơ thể được cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng khác có trong loại thức ăn, giữ no lâu, qua đó giảm cân lành mạnh.

    Tuy nhiên, việc tăng lượng lớn chất xơ một cách đột ngột có thể gây khó tiêu. Nếu dùng chất xơ bổ sung, bạn cần lưu ý uống đủ nước tránh táo bón, phản tác dụng.

    Bệnh nhân trĩ cấp độ 1 nên hạn chế tiêu thụ các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đặc… đồ ăn cay nóng và thức ăn nhanh.

    Thay đổi thói quen gì khi có dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ?

    dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ

    Khi có những dấu hiệu của bệnh trĩ, bạn cần vận động thường xuyên, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ. Thói quen chăm chỉ vận động không những hỗ trợ nhu động ruột mà còn tăng cường hồi lưu máu về tim, giảm áp lực lên mạch máu của búi trĩ nên rất cần thiết trong điều trị bệnh trĩ.

    Ngoài ra, việc vận động thể chất với các bài tập thể dục phù hợp cũng giúp tăng sức mạnh cơ bắp, giảm áp lực lên vùng bụng khi mang vác nặng và cải thiện béo phì. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ.

    Để hạn chế cảm giác khó chịu và cải thiện bệnh:

    • Vệ sinh sạch và nhẹ nhàng vùng hậu môn sau khi đại tiện
    • Ngâm vùng hậu môn trong nước ấm 10 – 15 phút mỗi ngày
    • Đi vệ sinh ngay khi có cảm giác. Nếu bỏ qua, nước trong phân bị trực tràng hấp thu sẽ dẫn đến táo bón
    • Hạn chế rặn mạnh, không nên ngồi quá lâu trên bồn cầu, làm tăng áp lực lên tĩnh mạch của các búi trĩ
    • Chữa bệnh tiêu chảy mạn tính (nếu có).

    Thuốc điều trị bệnh trĩ cấp độ 1

    Sau khi áp dụng những thói quen và lối sống lành mạnh nói trên mà bệnh vẫn không thuyên giảm hoặc khi phát hiện bệnh trĩ đã tiến triển sang mức độ nặng hơn, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để được tư vấn những liệu pháp phù hợp. Người bệnh cũng nên đi khám để tránh nhầm lẫn với những căn bệnh nguy hiểm như viêm loét, polyp hoặc ung thư trực tràng.

    Những loại thuốc có thể được kê cho bệnh nhân bao gồm thuốc giảm đau, kháng viêm, hỗ trợ tuần hoàn. Thuốc có thể sử dụng dưới dạng uống, thoa hoặc đặt tại chỗ. Theo các chuyên gia sức khỏe, người có dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ chưa cần đến các hình thức can thiệp ngoại khoa. 

    Hy vọng bài viết đã giúp bạn bớt hoang mang và có biện pháp chăm sóc, điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Những thay đổi trong lối sống trên đây không chỉ giúp điều trị, cải thiện những dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ mà còn giúp bạn phòng tránh được căn bệnh này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 09/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo