Gan là một bộ phận quan trọng của cơ thể, nhưng lại dễ vướng phải các căn bệnh nguy hiểm bởi các tác nhân bên ngoài. Thường những bệnh này không có biểu hiện cụ thể nên bạn phải chú ý đến các dấu hiệu của gan, trong đó có tăng men gan.
Tăng men gan là biểu hiện của các dấu hiệu gan bị viêm hoặc bị chấn thương ở các tế bào gan. Vậy điều đó sẽ dẫn đến kết quả như thế nào? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ nguyên nhân và các triệu chứng bạn nhé.
Men gan tăng cao là gì?
Các tế bào trong gan khi bị viêm hoặc chấn thương thường sẽ bị rỉ hoặc chảy dịch. Cụ thể hơn là lượng men gan được vận chuyển vào trong máu sẽ nhiều hơn các chất thông thường khác. Điều đó sẽ giúp phát hiện chỉ số men gan cao khi bạn tiến hành xét nghiệm máu.
Có 4 loại enzyme thường gặp trong các ca tăng men gan phổ biến gồm:
- Alanine transaminase (ALT)
- Aspartate transaminase (AST)
- Phosphatase kiềm (ALP)
- Gamma-glutamyl transpeptidase (GGT).
Đây chính là những chất enzyme xúc tác, đóng vai trò kích thích những phản ứng trong cơ thể. Khi nồng độ của những enzyme này trong máu tăng cao, vượt ngưỡng bình thường, chứng tỏ có tổn thương nhất định ở gan và một số cơ quan.
Thông thường, các trường hợp men gan cao thường được phát hiện và chẩn đoán thông qua những lần xét nghiệm máu định kỳ. Đa số các trường hợp đã được xét nghiệm, men gan cao chỉ ở mức độ nhẹ và chỉ tăng trong một khoảng thời gian. Hầu hết men gan tăng cao không hẳn là dấu hiệu của một căn bệnh mãn tính nguy hiểm ở gan.
Các mức độ tăng men gan
Men gan cao có nguy hiểm không? Thông thường, chỉ số men gan bình thường ở mỗi người sẽ dao động trong khoảng:
- ALT ở mức thấp hơn 40 U/L (nữ < 37 U/L)
- GGT dưới mức 60 U/L (nam 11- 50 / nữ 07 – 32 U/L)
- AST cũng ở khoảng tương đương (tức là dưới 40 U/L)
- ALP thì vào khoảng 30 – 115 U/L
Trường hợp chỉ số men gan chỉ tăng khoảng 2-3 lần bình thường thì được xem là mức độ nhẹ và có thể tự phục hồi nhờ chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Nếu men gan tăng cao quá 5 lần so với mức trung bình thì có thể cần được can thiệp kịp thời, nghiêm trọng nhất là khi men gan cao gấp 10-20 lần so với chỉ số bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến tăng men gan
Có rất nhiều nguyên nhân bệnh lý hoặc các tác nhân ảnh hưởng từ bên ngoài có thể khiến men gan tăng cao. Do đó, đối với căn bệnh này, các bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng tăng men gan thông qua việc tìm hiểu các loại thuốc bạn từng sử dụng, tham khảo các dấu hiệu, triệu chứng mà bạn gặp phải. Bên cạnh đó, trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiến hành các cuộc xét nghiệm có liên quan để đưa ra kết quả chính xác.
Tuy nhiên, cũng có một vài nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng men gan cao đã được ghi nhận như sau:
- Bạn thường tùy ý sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, đặc biệt là acetaminophen.
- Bạn sử dụng các loại thuốc được kê theo toa, trong đó có thuốc statin với công dụng cân bằng lượng cholesterol
- Bạn thường sử dụng đồ uống có cồn
- Bạn bị suy tim
- Bạn mắc bệnh viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C
- Bạn bị gan nhiễm mỡ (không phải do rượu gây ra)
- Béo phì.
Một vài tác nhân khác cũng có thể gây ra tăng men gan như:
- Viêm gan do việc lạm dụng rượu
- Viêm gan do rối loạn hệ tự miễn dịch
- Bệnh Celiac (tổn thương ruột non do gluten gây ra)
- Xơ gan (giai đoạn sớm của sẹo lá gan)
- Nhiễm trùng Cytomegalovirus (CMV)
- Viêm da cơ (viêm da gây ra yếu cơ và phát ban da)
- Virus Epstein-Barr
- Viêm túi mật
- Thoát vị hiatal
- Hemochromatosis (quá nhiều chất sắt chứa trong cơ thể bạn)
- Suy tuyến giáp (Hypothyroidism)
- Ung thư gan
- Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn hay còn gọi là “bệnh của những nụ hôn” (Mononucleosis)
- Viêm tụy
- Bệnh viêm đa cơ (Polymyositis)
- Viêm gan loại độc (viêm gan do thuốc hoặc độc tố gây ra)
- Bệnh Wilson (lượng đồng trong cơ thể bạn quá nhiều − nhiễm đồng).
Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết men gan cao
Hầu hết những người bị men gan cao đều không có biểu hiện rõ rệt. Trong một số trường hợp nếu những tổn thương gan xảy ra dẫn đến tăng men gan, bệnh nhân có thể có những dấu hiệu và triệu chứng như:
- Đau bụng (đau dạ dày)
- Nước tiểu sẫm màu
- Cảm thấy mệt mỏi
- Ngứa da
- Vàng da hoặc vàng mắt
- Phân sáng màu
- Giảm cảm giác thèm ăn, khẩu vị kém
- Buồn nôn và nôn.
Cách điều trị men gan tăng cao
Nếu các xét nghiệm chức năng gan chẩn đoán cho thấy chỉ số men gan của bạn tăng cao, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và xin lời khuyên về kết quả xét nghiệm. Bác sĩ có thể đề nghị bạn tiến hành các xét nghiệm và thủ thuật khác để xác định nguyên nhân gây ra men gan cao.
Việc điều trị men gan cao phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán như siêu âm, chụp CT, MRI hoặc sinh thiết gan. Khoảng 1/3 số người có chỉ số men gan tăng, nồng độ men gan sẽ trở về bình thường sau 2-4 tuần.
Bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân thay đổi lối sống tại nhà theo hướng tích cực hơn nhằm giúp kiểm soát men gan cao, cụ thể như:
- Giảm uống rượu bia hoặc cắt hẳn đồ uống có cồn
- Duy trì các hoạt động thể chất thường xuyên
- Bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vào chế độ ăn uống
- Thận trọng khi dùng thuốc và các loại thực phẩm bổ sung sức khỏe khác.
Có cách nào phòng ngừa tăng men gan không?
Một số bệnh lý gây tổn thương gan không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thực hiện theo những lời khuyên để bảo vệ sức khỏe lá gan gồm:
- Tránh uống rượu bia quá nhiều
- Không dùng chung kim tiêm hoặc vật dụng dính máu
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
- Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan A và B
- Quản lý lượng đường trong máu nếu bạn bị đái tháo đường.
- Theo dõi cân nặng và luyện tập thể dục đều đặn.
Bạn nên hạn chế thực hiện các động tác hoặc làm những việc ảnh hưởng đến gan. Hãy bảo vệ gan cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện tình trạng men gan tăng cao và có phương pháp điều trị thích hợp.
[embed-health-tool-bmr]