backup og meta

Gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì? 8 loại trà giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả

Gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì? 8 loại trà giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là một bệnh lý rất thường gặp, hầu hết người bệnh được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám bệnh lý khác. Khi bị gan nhiễm mỡ, song song với việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh có thể dùng thêm một số loại trà thảo mộc để góp phần cải thiện tình trạng bệnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài. Vậy khi bị gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì để nâng cao hiệu quả điều trị. 

Trong những năm gần đây, theo số liệu thống kê của các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ mắc các bệnh lý mạn tính không lây liên quan đến chuyển hóa tăng nhanh so với các thập kỷ trước. Trong đó phải kể đến các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ, bệnh lý tuyến giáp… Các bệnh lý này đang có xu hướng xuất hiện ở lứa tuổi ngày càng trẻ.

Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng mỡ bị tích tụ quá nhiều trong gan. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2 – 4% trọng lượng của gan. Nhưng trong bệnh gan nhiễm mỡ, tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan vượt quá 5 – 10% trọng lượng của gan. Bệnh gan nhiễm mỡ khi mới mắc thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ như mệt mỏi, chán ăn, sợ ăn thịt mỡ… và các tổn thương do gan nhiễm mỡ gây ra trong thời kỳ đầu có thể hồi phục được. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời, gan nhiễm mỡ sẽ là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm gan, xơ gan, ung thư gan… Bên cạnh việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không ít người bệnh vẫn tìm đến các bài thuốc dân gian, chẳng hạn như uống nước lá nhằm hỗ trợ điều trị, cải thiện chỉ số lẫn ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Vậy gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì và có những lưu ý ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

Giải đáp thắc mắc: Gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì? 

Nhiều người khi nhận chẩn đoán bị gan nhiễm mỡ thì thường thắc mắc gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì giúp giảm nhẹ triệu chứng? Bởi nhiều ý kiến cho rằng việc dùng một số loại trà thảo mộc  hoặc bài thuốc y học cổ truyền có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

1. Trà lá sen khô (liên diệp) 

gan nhiêm mỡ nên uống nước lá gì: trà lá sen

Gợi ý đầu tiên cho thắc mắc gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì chính là nước lá sen khô hãm thành trà. Sen được biết đến là Quốc hoa của đất nước Việt Nam chúng ta, ngoài ra nền y học cổ truyền cũng đã sử dụng toàn cây sen làm dược liệu từ rất lâu đời.

Lá sen còn có tên gọi khác: Liên diệp, hạ diệp

Tên khoa học: Folium nelumbinis 

Cây hoa sen được trồng ở ao hồ, đầm lầy nên thường được bắt gặp ở vùng đồng bằng trung du của đất nước ta. Lá sen thường được thu hoạch vào mùa hạ hoặc mùa thu bởi những mùa khác, lá sen sẽ khô héo. Lá sen sau khi thu hoạch về, bạn chỉ cần lau rửa sạch 2 mặt lá, cắt nhỏ và phơi khô, bảo quản thoáng và dùng dần.

Theo kết quả của các nghiên cứu cho thấy rằng, lá sen chứa hàng loạt các chất chống oxy hóa như: tannin, quercetin, flavonoid… và khoáng chất khác. Thành phần này có tác dụng rất tốt trong việc chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư, giảm mỡ máu, phòng bệnh tim mạch, giúp bảo vệ gan khỏi các gốc tự do gây hại. Theo Y học cổ truyền, lá sen khô mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe như: thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giảm cân, cầm máu, giảm mỡ máu, giảm mỡ gan, điều trị mất ngủ, hạ huyết áp…

Bên cạnh đó, thức uống này có cơ chế giúp tăng cường chức năng hoạt động của gan và cân bằng cơ thể. Trà lá sen khô được đánh giá cao nhờ khả năng làm mát gan, tăng cường chức năng gan, từ đó hỗ trợ điều trị người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

2. Trà nhân trần 

gan nhiêm mỡ nên uống nước lá gì: trà nhân trần

Nhân trần còn có tên gọi khác là Chè cát, Tuyến hương, Hoắc hương núi

Tên khoa học: Adenosma caeruleum R. Br.

Họ: Scrophulariaceae (Hoa mõm chó)

Theo y học cổ truyền, nhân trần là một loại cây thuốc Nam nằm trong nhóm thuốc lợi thủy thẩm thấp. Nhân trần có vị đắng, tính mát, quy kinh tỳ, vị, can. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, lợi mật, chữa vàng da. Đông y cho rằng, các bệnh lý gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, béo phì đều thuộc chứng đàm trệ của y học cổ truyền. Chứng đàm trệ này gây ra chủ yếu do thói quen ăn đồ béo ngọt, nhiều dầu mỡ lâu ngày gây tổn thương đến tạng tỳ. Tạng tỳ bị đàm thấp trở trệ làm cho không vận hóa được thủy cốc, làm ảnh hưởng đến chức năng thăng thanh giáng trọc. Gây nên triệu chứng béo phì nê trệ, chán ăn, mệt mỏi, chậm tiêu, sắc da vàng nhợt, đi ngoài phân nát, thối khẳm… Các triệu chứng này hoàn toàn toàn phù hợp với triệu chứng bệnh lý gan nhiễm mỡ. 

Theo y học hiện đại, nhân trần chứa nhiều tinh dầu với các thành phần hóa học như capilen, pinen, xeton. Ngoài các hoạt chất này, dược liệu này còn có chứa lượng lớn chất chống oxy hóa flavonoid, chất cumarin và polyphenol. Do vậy, nước lá nhân trần có khả năng hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ nhờ các tác dụng sau:

  • Tăng cường chức năng gan: Nhân trần chứa các hoạt chất có tác dụng tăng cường chức năng gan, giúp gan sản xuất và bài tiết mật tốt hơn, từ đó giúp giảm lượng mỡ thừa trong gan.
  • Giảm cholesterol: Loại thảo mộc này bao gồm khả năng giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), giảm nguy cơ tích tụ mỡ trong gan.
  • Chống oxy hóa: Hàm lượng chất chống oxy hóa ở nhân trần khá cao, khi được cơ thể hấp thụ sẽ bảo vệ gan khỏi tác hại của các gốc tự do, từ đó giúp ngăn ngừa tổn thương gan do gan nhiễm mỡ.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý những điều sau khi sử dụng nhân trần :

  • Liều dùng khuyến cáo: 10-30g/ ngày
  • Không nên kết hợp nhân trần với cam thảo: Đây là điều mà nhiều người khi mới nghe thì thường thấy lạ, là vì cam thảo sẽ làm nước nhân trần có mùi thơm và ngọt hơn. Tuy nhiên, lý do ở đây là vì nhân trần có tính chất đào thải nước còn cam thảo lại giữ nước. Do đó, khi kết hợp hai thảo dược này với nhau, chúng có thể gây tương tác thuốc, không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn tăng tác dụng phụ ngoài ý muốn.
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nếu không có vấn đề về gan thì tốt nhất không nên dùng nhân trần. Bởi nhân trần có tác dụng lợi tiểu nên sẽ làm ảnh hưởng đến lượng dịch trong cơ thể mẹ và khi uống nhiều dược liệu này có thể làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể, dẫn đến mẹ bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.
  • Ngoài ra, bạn không nên uống trà nhân trần hằng ngày. Nguyên nhân là vì vị thuốc có tác dụng lợi tiểu nên dẫn đến đào thải nhiều nước và khoáng chất ra ngoài. Từ đó, bạn dễ bị mất nước, mệt mỏi, thiếu tập trung. Hơn nữa, nếu gan, mật không có vấn đề thì việc uống trà nhân trần hằng ngày sẽ khiến các cơ quan này phải tăng bài tiết, dẫn đến dễ tổn thương, mất cân bằng và dễ sinh bệnh.

3. Gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì? Hãy uống trà diệp hạ châu (cây chó đẻ) 

gan nhiêm mỡ nên uống nước lá gì: trà cây chó đẻ

Cây diệp hạ châu (hay còn gọi là chó đẻ răng cưa, cây cau trời) có tên khoa học: Phyllanthus amarus Schum. et Thonn; Họ: Euphorbiaceae – Thầu dầu là một loại thảo dược có nguồn gốc từ châu Á. Cây diệp hạ châu có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng nên thường được dùng để uống như một loại trà thảo mộc hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ. Dược liệu này được thu hái vào mùa hè, rửa sạch phơi nắng gần khô, đem phơi trong râm rồi cất dùng dần.

Ngoài điều trị bệnh lý về gan nhiễm mỡ, loại cây này còn được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm:

  • Sỏi thận
  • Viêm thận
  • Tiểu đường
  • Tăng huyết áp
  • Mụn nhọt, lở loét
  • Viêm gan do rượu
  • Viêm gan do thuốc
  • Viêm gan siêu vi B, C
  • Nhiễm giun sán, giun kim, giun đũa. 

Lưu ý rằng, cây diệp hạ châu đắng và diệp hạ châu ngọt trong dân gian đều được gọi với cái tên chó đẻ răng cưa. Tuy nhiên, nếu xét trên tác dụng về gan mật thì chỉ có diệp hạ châu đắng hay còn gọi là chó đẻ thân xanh là có tác dụng tốt, giải độc gan mạnh và được dùng làm thuốc.

  • Cây chó đẻ thân xanh (diệp hạ châu đắng) – Phyllanthus amarus Schum. et Thonn: Toàn thân có màu xanh tươi, cành ngắn, rất ít phân nhánh, phiến lá có màu xanh nhạt, ngắn và mỏng hơn cây chó đẻ thân đỏ. Khi nhai có vị đắng nên trong Đông y được gọi là cây diệp hạ châu đắng. Đây là loài có dược tính mạnh nhất, trong bài viết này chúng tôi viết về tính dược lý của loài dược liệu này.
  • Cây chó đẻ thân đỏ (diệp hạ châu ngọt) – Phyllanthus urinaria: Thân có màu hơi đỏ và màu thường đậm nơi gốc cành, phân nhánh rất nhiều, phiến lá có màu xanh hơi đậm, dài và dày hơn cây chó đẻ thân xanh. Khi nhai có vị ngọt nên được gọi là cây diệp hạ châu ngọt. Cây chó đẻ thân đỏ vẫn được khai thác trong tự nhiên để làm thuốc nhưng dược tính không mạnh bằng cây chó đẻ thân xanh.

Cây chó đẻ răng cưa là một loại dược liệu đã được nghiên cứu khá nhiều, và kết quả cho thấy tác dụng của loại dược liệu này trong điều trị bệnh lý về gan là rất hiệu quả. Các tác dụng có thể kể đến như:

  • Bảo vệ gan chống lại tổn thương gan.
  • Tác dụng ức chế sự phát triển của siêu vi khuẩn viêm gan B.
  • Cây chó đẻ có tác dụng kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli, Shigella desenteriae, S.flexneri, S.shigae, Moraxella và kháng nấm đối với Aspergillus fumigatus.

4. Trà cà gai leo 

gan nhiêm mỡ nên uống nước lá gì: trà cà gai leo

Ngoài các loại thảo dược kể trên, người bị gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì? Gợi ý là bạn có thể thử tìm hiểu trà cà gai leo. Cà gai leo còn có tên gọi khác là chẽ nam (Tày), cà gai dây, cà quýnh, cà quạnh, brong goon (Bana), gai cườm. Tên khoa học: Solanum hainanense Hance. Họ: Solanaceae (Cà). Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và cành lá cà gai leo, thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô bảo quản dùng dần, có thể dùng tươi.

Những năm gần đây, cà gai leo được nghiên cứu và cho thấy các tác dụng vượt trội của nó lên sức khỏe con người. Do đó, sản lượng canh tác và sản xuất các chế phẩm từ cà gai leo tăng đáng kể.

Trong đó phải kể đến đầu tiên là trà cà gai leo, bởi dạng chế phẩm này dễ sản xuất, dễ bảo quản cũng như tiện lợi trong việc sử dụng.

Theo y học cổ truyền, cà gai leo là một loại thảo dược có vị hơi the, tính ấm, chứa lượng độc tố không đáng kể nên đảm bảo an toàn khi dùng, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, thường được sử dụng điều trị chữa tê thấp, đau nhức xương khớp, phù thũng, ho gà, rắn cắn, viêm gan, giải độc gan, mụn nhọt, lở ngứa.

Theo y học hiện đại thì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cà gai leo có khả năng:

  • Giảm lượng mỡ tích tụ trong gan: Cà gai leo chứa các hoạt chất như glycoalcaloid, flavonoid, saponin… với tác dụng ức chế quá trình tổng hợp cholesterol, tăng cường chuyển hóa lipid, giúp giảm lượng mỡ tích tụ trong gan.
  • Chống viêm, bảo vệ gan khỏi tổn thương: Loại thảo mộc này sẽ ức chế quá trình viêm gan, giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương do các yếu tố gây hại như rượu bia, thuốc lá, hóa chất…
  • Tăng cường chức năng gan: Trà pha từ cây cà gai leo có tác dụng tăng cường chức năng gan, giúp gan hoạt động hiệu quả hơn, góp phần cải thiện các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ.
  • Ức chế xơ gan, hỗ trợ điều trị viêm gan B: Hoạt chất glycoalcaloid trong cà gai leo có khả năng ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B, giảm nồng độ virus này trong máu đồng thời kích thích phục hồi tế bào gan. Không những vậy, hoạt chất glycoalcaloid còn có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, ngăn chặn hình thành các sợi collagen trong gan từ đó ức chế xơ gan hiệu quả.
  • Tác dụng giải rượu: Ngoài công dụng trên, cà gai leo còn được nhân dân ở một số nơi dùng chữa say rượu. Người ta cho rằng trong sau khi uống rượu, nếu đã bị say, uống nước sắc của rễ.

Liều dùng

Liều dùng khuyến cáo của Cà gai leo là 16-20g dược liệu khô/ ngày.

5. Gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì? Đừng bỏ qua trà xanh 

gan nhiêm mỡ nên uống nước lá gì: trà xanh

Trà xanh là một loại cây được chế biến làm thức uống có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người Trung Hoa đã biết cách dùng trà xanh từ cách đây hơn 2500 năm và trà xanh đã thành một phần văn hóa của họ. Hiện tại, trà xanh được ưa chuộng tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, trà xanh được trồng nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nổi tiếng hơn cả là Thái Nguyên; ngoài ra các tỉnh Tây Nguyên cũng đang có sản lượng trà xanh tăng đều hằng năm.

Trà xanh ngày càng được nghiên cứu kỹ lưỡng và các nhà khoa học nhận thấy rằng loại cây này không những là thức uống phổ biến mà còn có các tác dụng sau:

  • Bảo vệ gan: Catechin, Vitamin C và khoáng chất trong trà xanh có tác dụng giảm lượng chất béo triglyceride tích trữ và ổn định chỉ số men gan, thể hỗ trợ cải thiện tình trạng mỡ trong gan. Thức uống này có cơ chế giúp phá vỡ các tế bào mỡ được lưu trữ ở gan, ngăn chặn sự phát triển thành bệnh nặng. Trà xanh cũng cải thiện chức năng gan và đảo ngược sự suy giảm đề kháng chống oxy hóa trong gan.
  • Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa như quercetin, flavonoid, carotene, vitamin C, EGCG có tác dụng tiêu diệt gốc tự do, cải thiện hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào khỏi các tác nhân gây hại.
  • Ngăn ngừa bệnh tim mạch: Với hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, trà xanh có tác dụng làm sạch mạch máu và giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Sử dụng nước trà xanh thường xuyên có thể duy trì sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch.
  • Chống lão hóa: Các polyphenol trong trà xanh có tác dụng chống lại các gốc tự do – nguyên nhân gây ra quá trình lão hóa của cơ thể.

Những điều cần lưu ý khi dùng trà xanh:

  • Tuy là thức uống an toàn nhưng bạn vẫn nên có những lưu ý khi sử dụng trà xanh.
  • Trà xanh chứa hàm lượng caffeine lớn, có thể gây chóng mặt, cồn cào, hoa mắt nếu dùng lúc bụng đói.
  • Tránh dùng nước trà xanh ngay sau khi ăn vì chất tannin có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt và chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
  • Hoạt chất tannin trong chè xanh có tác dụng cầm tiêu chảy, vì vậy người bị táo bón nên hạn chế sử dụng.
  • Caffeine trong lá trà xanh có tác dụng hưng phấn thần kinh trung ương nhằm tăng mức độ tập trung và hoạt động của não bộ. Do đó, nếu uống trà xanh vào buổi tối có thể gây khó ngủ và mất ngủ. Vì vậy, người có rối loạn giấc ngủ không nên uống trà xanh, đặc biệt là vào buổi tối.
  • Do trà xanh làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể nên đối tượng có nhu cầu sử dụng sắt cao như người bị thiếu máu, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ không nên sử dụng trà xanh.
  • Nên dùng trà xanh vào sáng sớm để đầu óc tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc, học tập…

6. Trà lá vối, trà nụ vối

gan nhiêm mỡ nên uống nước lá gì: trà lá vối

Theo Đông y lá vối có vị đắng, chát, tính mát, có ít độc, có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, tiêu trệ, điều hòa gan, phổi và bàng quang. Nước lá vối sắc đặc có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm huyết áp, tiêu đờm bình suyễn. Dùng lá nấu nước uống hằng ngày để tiêu thực, làm giảm mỡ trong máu, về mùa hè làm mát huyết, trị cảm nắng, khi làm việc ngoài trời nắng, uống nước lá vối có tác dụng điều hòa thân nhiệt.

Nghiên cứu của y học hiện đại đã chỉ ra rằng trong lá vối có beta-sitosterol, có chứng năng giúp điều hòa chuyển hóa cholesterol máu. Do đó, thói quen uống trà lá vối (kể cả nụ vối) có thể giúp điều hòa quá trình chuyển hóa cholesterol trong máu, giúp giảm nồng độ LDL và tăng HDL, giúp giảm mỡ máu.

Lá vối chứa thành phần là các hoạt chất kháng sinh mạnh, nên có thể làm mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột. Do đó, khi sử dụng trà lá vối bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Tránh uống nước vối khi đói, bởi sẽ khiến hệ tiêu hóa bị kích thích, tăng nhu động ruột, gây mệt mỏi, choáng váng.
  • Không uống quá nhiều nước vối một ngày, chỉ cần uống khoảng một ấm trà hoặc một ly nước là đủ. Tránh uống thay nước lọc, gây ảnh hưởng tới hệ bài tiết.
  • Cần kết hợp thêm chế độ ăn uống cũng như chế độ tập luyện hợp lý để gia tăng hiệu quả.

7. Trà lá cây vọng cách

gan nhiêm mỡ nên uống nước lá gì: trà lá vọng cách

Thêm một gợi ý cho câu hỏi gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì chính là trà cây vọng cách. Cây vọng cách còn có tên gọi khác là bọng cách, cách; tên khoa học: Premna serratifolia L; Họ: Verbenaceae (Cỏ roi ngựa). Cây vọng cách mọc hoang khắp nơi ở nước ta, thời gian thu hái lá quanh năm, có nơi dùng cả vỏ thân, rễ hái về rửa sạch, phơi hay sấy khô hoặc sao vàng mà dùng. Theo y học cổ truyền, cây vọng cách đã được sử dụng từ rất lâu, lá vọng cách vị đắng, tính mát, thường dùng để chữa lỵ, tiểu tiện khó, tiêu hóa kém, phạm phòng (thượng mã phong), sốt, viêm gan.

Hiện tại, y học hiện đại thấy rằng trong lá vọng cách có chứa isoxazol alcaloid, premnazol có tác dụng chống viêm và làm hạ men gan. Trà cây vọng cách có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ gan khỏi các gốc tự do gây hại. Ngoài ra, thức uống thảo mộc làm từ vọng cách còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giảm mỡ máu và mỡ gan.

Bên cạnh đó, một số tác dụng khác của trà cây vọng cách bao gồm:

  • Cải thiện chức năng gan và đảo ngược sự suy giảm đề kháng chống oxy hóa trong gan.
  • Ức chế phản ứng viêm trong cơ thể, giúp giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm gan và ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư.
  • Hạ lipid máu, giảm cholesterol và triglyceride trong máu, giảm thiểu khả năng mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Tuy là loại thảo dược lành tính nhưng bạn vẫn cần để ý những điều sau:

  • Người mắc các bệnh mãn tính khi sử dụng lá vọng cách cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
  • Không dùng lá vọng cách trong thời gian dài
  • Không dùng lá vọng cách với liều cao.

8. Trà atiso đỏ 

gan nhiêm mỡ nên uống nước lá gì: trà atiso đỏ

Atiso đỏ là một loại cây thuộc họ cúc, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Atiso đỏ còn có tên gọi khác: bụp giấm; tên khoa học: Hibiscus sabdariffa L; Họ: Bông – Malvaceae. Theo y học cổ truyền, atiso đỏ có tính mát, vị hơi chua, có mùi thơm nhẹ, quy vào kinh đại trường và kinh can. Atiso đỏ được sử dụng phổ biến trong Đông y với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi mật, bao gồm cả lợi ích cho bệnh gan nhiễm mỡ.

Theo y học hiện đại, hoa atiso đỏ chứa một chất màu vàng là flavonol glucosid hibiscitrin; hibiscetin; gossypitrin và sabdartrin.

Những lợi ích của trà atiso đỏ đối với bệnh gan nhiễm mỡ có thể kể đến bao gồm:

  • Giảm lượng mỡ tích tụ trong gan: Atiso đỏ chứa các chất chống oxy hóa, bao gồm anthocyanin và flavonoids. Các chất chống oxy hóa này có thể giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương và giảm lượng mỡ tích tụ trong gan.
  • Chống viêm: Nước atiso đỏ mang đến tác dụng chống viêm, giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương do các yếu tố gây hại như rượu bia, thuốc lá, hóa chất…
  • Tăng cường chức năng gan: Thức uống từ atiso đỏ giúp tăng cường chức năng gan, giúp gan hoạt động hiệu quả hơn.
  • Bên cạnh đó hoa atiso đỏ còn có tác dụng hạ đường huyết, giảm rối loạn lipid máu, hỗ trợ điều trị ung thư và huyết áp cao.

Cách dùng – liều lượng:

  • Hoa atiso đỏ có thể dùng để pha trà, sử dụng thay giấm, làm mứt, chế biến thành si rô, món ăn…
  • Liều lượng không quy định, tùy vào nhu cầu sử dụng.

Gan nhiễm mỡ không nên uống gì? 

gan nhiêm mỡ nên uống nước lá gì

Bên cạnh việc tìm hiểu gan nhiễm mỡ nên uống nước lá gì, người bị bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống phù hợp, tập thể dục, giảm cân đối với thừa cân và béo phì để hạn chế tình trạng tích tụ mỡ thừa trong gan. Trong đó, việc kiêng một số loại đồ uống có thể giúp hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ hiệu quả.

Các loại đồ uống mà người bị gan nhiễm mỡ không nên uống bao gồm:

  • Rượu bia, đồ uống có cồn: Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra gan nhiễm mỡ. Chất cồn trong rượu bia sẽ làm tăng sản xuất cholesterol xấu, gây tích tụ mỡ trong gan.
  • Nước ngọt có gas: Nước ngọt có gas chứa nhiều đường và chất phụ gia, việc uống quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
  • Cà phê, trà đặc: Cà phê và trà đặc dẫu có thể giúp duy trì sự tỉnh táo nhưng đồng thời chứa caffeine cao, có thể làm tăng huyết áp và gây hại cho gan.
  • Thức uống đóng chai, đóng hộp: Thức uống đóng chai, đóng hộp thường chứa nhiều đường, chất bảo quản lẫn phụ gia. Do đó, cần hạn chế sản phẩm này nhằm đảm bảo chỉ số gan nhiễm mỡ nằm trong phạm vi an toàn.

Mong rằng qua những thông tin vừa rồi, bạn đã biết được gan nhiễm nên uống nước lá gì cũng như công dụng cụ thể của từng loại để từ đó kết hợp vào chế độ ăn uống sao cho hài hòa, đảm bảo sự khỏe mạnh cho gan. Đừng quên truy cập Hello Bacsi thường xuyên nhằm cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích về chủ đề chăm sóc sức khỏe nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Herbal medicines and nonalcoholic fatty liver disease

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4974587/ ngày truy cập 08/12/2023 

Herbal Medicine in the Treatment of Non-Alcoholic Fatty Liver Diseases-Efficacy, Action Mechanism, and Clinical Application

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphar.2020.00601/full ngày truy cập 08/12/2023 

Solanum procumbens Lour. https://powo.science.kew.org/taxon/urn:lsid:ipni.org:names:820583-1. ngày truy cập 08/12/2023 

Hibiscus sabdariffa L. tea (tisane) lowers blood pressure in prehypertensive and mildly hypertensive adults

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21314460/ ngày truy cập 08/12/2023 

11 Herbs That Repair the Liver Naturally

https://www.medicinenet.com/11_herbs_that_repair_the_liver_naturally/article.htm ngày truy cập 08/12/2023 

7 Natural Cures for a Fatty Liver  https://www.practo.com/healthfeed/7-natural-cures-for-a-fatty-liver-42503/post ngày truy cập 08/12/2023 

India’s Top 13 Fatty Liver Home Remedies That Work Fast https://reversefactor.in/fatty-liver-home-remedies-india ngày truy cập 08/12/2023 

 

Phiên bản hiện tại

19/12/2023

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 là gì? Có nguy hiểm không, điều trị thế nào?

Gan nhiễm mỡ kiêng ăn gì? Tránh ngay 7 nhóm thực phẩm và đồ uống hại gan


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 19/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo