Trong y học hiện đại, loài cây này được Bộ môn truyền nhiễm trường Đại học Y khoa Hà Nội dùng điều trị thực nghiệm trên người bệnh viêm gan do virus. Tất cả người bệnh dùng thuốc đều là người trưởng thành, nhập viện trong giai đoạn cấp tính, có thời kỳ tiền hoàng đản và thời kỳ hoàng đản rõ rệt. Khi xét nghiệm máu thấy hoạt độ các enzyme transaminase đều tăng, bilirubin máu cũng tăng.
Bác sĩ cho người bệnh dùng nhân trần dưới dạng siro mỗi ngày 1 chai 100ml, chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và chiều. Sau một thời gian, bilirubin máu và hoạt độ enzyme SGPT đều trở về mức bình thường. Ngoài ra, các triệu chứng ở người bệnh cũng được cải thiện rõ rệt như hết mệt mỏi, đau ở vùng gan, ăn ngon miệng hơn.
Trong y học cổ truyền, nhân trần dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông và giúp phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
Đối với thú y, loài cây này được dùng chữa bệnh trâu bò phân trắng.
Ở Trung Quốc, đây là vị thuốc chữa phong thấp cốt thống, khí trễ phúc thống, mụn nhọt, mẩn ngứa do ve bọ đốt. Khi dùng phối hợp với các vị khác để chữa bệnh viêm da mắc ở đồng ruộng do ấu trùng sán vịt gây ra.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của nhân trần là bao nhiêu?
Liều dùng trong khoảng 8–20g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, siro hay thuốc viên.
Một số bài thuốc có nhân trần

Uống nước nhân trần có tác dụng gì? Một số bài thuốc từ cây nhân trần
1. Chữa sốt vàng da (mắt vàng, tiểu vàng, miệng khô, tiểu khó)
Nhân trần 20g, chi tử 12g, đại hoàng 4g, nước 500ml. Đem sắc đến khi còn 250ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
2. Chữa say nắng, nhức đầu, sốt nóng
Nhân trần, hành trắng mỗi vị lượng bằng nhau (khoảng 1 nắm). Tất cả đem sắc lấy nước uống.
3. Chữa mắt sưng đỏ đau
Nhân trần, mã đề mỗi vị 1 nắm. Sắc lấy nước uống.
4. Chữa hoàng đản, ra nhiều mồ hôi, chân tay lạnh, mạch yếu
Nhân trần 24g, can khương 12g, cam thảo 8g, phụ tử chế 4g. Sắc lấy nước uống.
5. Trị viêm túi mật
Nhân trần 63g, bồ công anh 63g, uất kim 63g, nghệ vàng 16g. Sắc lấy nước uống.
6. Hạ sốt, làm ra mồ hôi
Nhân trần 16g, hoạt thạch 20g, hoàng cầm 12g, thạch xương bồ 8g, mộc thông 8g, hoắc hương 6g, xuyên bối mẫu 8g, xạ can 6g, liên kiều 6g, bạc hà 6g, bạch đậu khấu 6g. Sắc lấy nước uống.
7. Phòng chống viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật
Râu ngô 300g, nhân trần 150g, bồ công anh 150g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Lưu ý, thận trọng khi dùng nhân trần
Khi dùng nhân trần, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng nhân trần một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Ngoài ra, bạn cũng không nên uống trà nhân trần hàng ngày. Nguyên nhân là vì chúng có tác dụng lợi tiểu nên dẫn đến đào thải nhiều nước và các chất dinh dưỡng ra ngoài. Từ đó, bạn dễ bị mất nước, mệt mỏi, thiếu tập trung.
Hơn nữa, nếu gan, mật không có vấn đề thì việc uống trà nhân trần hàng ngày sẽ khiến các cơ quan này phải tăng bài tiết, dẫn đến dễ tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của nhân trần
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nếu không có vấn đề về gan thì tốt nhất không nên dùng nhân trần. Khi uống nhiều dược liệu này có thể làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể, dẫn đến mẹ bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.
Tương tác có thể xảy ra với nhân trần
Nhân trần có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
Ví dụ, phối hợp nhân trần với cam thảo có thể gây ra tương tác, đặc biệt là gây tăng huyết áp.
Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích về nhân trần – một loại dược liệu quen thuộc nhưng tiềm năng trong điều trị các bệnh lý về gan, mật. Lưu ý rằng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!