backup og meta

Bạn cần biết gì về tiêu chuẩn ghép gan?

Bạn cần biết gì về tiêu chuẩn ghép gan?

Ghép gan đã và đang trở nên khá phổ biến trong một thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, bạn cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn ghép gan mới có thể áp dụng phương pháp này.

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể con người. Nó đóng vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, đào thải độc tố và tích trữ năng lượng. Khi gan bị tổn thương, phẫu thuật ghép gan sẽ là phương án cuối cùng nếu không còn liệu pháp điều trị y tế hữu ích nào nữa.

Điều kiện tham gia phẫu thuật ghép gan

Nếu gan không còn đủ khả năng hoạt động để duy trì sự sống cho cơ thể, ghép gan sẽ là liệu trình điều trị duy nhất bạn có thể lựa chọn. Tuy nhiên, để tham gia ca phẫu thuật này, bạn cần đáp ứng các tiêu chí nhất định sau:

Bệnh lý

Để đáp ứng tiêu chuẩn ghép gan, việc đầu tiên là gan của người nhận không thể hoạt động bình thường và mức độ tổn thương vượt quá khả năng nó có thể tự phục hồi (thông thường, gan bị tổn thương sẽ tự phát triển mô mới để chữa lành). Tổn thương quá nặng sẽ dẫn đến xơ gan. Tuy nhiên, xơ gan vẫn chưa là biến chứng tệ nhất. Tổn thương gan còn có thể gây nên:

  • Suy gan
  • Tăng huyết áp động mạch cửa
  • Ung thư biểu mô tế bào gan – hay còn được gọi là ung thư gan HCC, ung thư gan nguyên phát

Tình trạng sức khỏe

Trước khi tiến hành ca phẫu thuật ghép gan, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn. Nội dung bản đánh giá này thường bao gồm:

  • Đánh giá sức khỏe bởi một chuyên gia về gan và bác sĩ phẫu thuật ghép tạng
  • Xét nghiệm máu, chụp X-quang và chụp CT hoặc MRI – tùy theo yêu cầu của bác sĩ
  • Nội soi để kiểm tra ống tiêu hóa
  • Nội soi đại tràng để kiểm tra ruột già
  • Kiểm tra tim và mức độ căng thẳng bằng điện tâm đồ (EKG)

Đánh giá tài chính và bảo hiểm

Bạn nên tìm đến một chuyên gia tài chính và nhờ người đó tư vấn về số tiền bạn phải bỏ ra cho phương pháp ghép gan, cũng như việc yêu cầu mở rộng phạm vi bảo hiểm hiện tại cho các thủ tục, thuốc men và các khoản phí phát sinh liên qua đến ca phẫu thuật này.

Hội đồng đánh giá người tham gia ghép gan

Sau khi hoàn thành các bản đánh giá trên, một hội đồng bao gồm các chuyên gia về gan, phẫu thuật, điều dưỡng viên ghép tạng, chuyên viên tâm lý xã hội và cố vấn tài chính sẽ cùng nhau xem xét lại lần nữa kết quả họ thu được từ bạn qua những buổi xét nghiệm và đánh giá. Bạn có thể ghép gan hay không là do họ quyết định. Thông thường, nếu kết quả đưa ra rằng bạn không phù hợp với phương pháp điều trị ghép gan thì có thể là do hai nguyên nhân sau:

  • Tỷ lệ rủi ro lớn hơn đáng kể so với lợi ích mà liệu pháp ghép gan mang lại. Bạn không có đủ sức khỏe và có khả năng chết ngay trên bàn mổ nếu tham gia phẫu thuật.
  • Ghép gan đối với bạn là không cần thiết vì sức khỏe của bạn vẫn ổn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn sẽ được thiết lập chương trình giám sát các dấu hiệu suy gan. Nếu không may tình trạng gan trở nên tệ hơn, bạn sẽ được đánh giá lại.

Danh sách chờ

ghép gan

Khi bạn đã có tên trong danh sách chờ, bác sĩ sẽ gửi bạn chỉ số MELD (mô hình bệnh gan giai đoạn cuối) – thông số đánh giá mức độ trầm trọng của bệnh gan dựa trên kết quả xét nghiệm máu. Trẻ dưới 18 tuổi sẽ được đánh giá qua thang điểm PELD (bệnh gan giai đoạn cuối ở trẻ em). Các thông số này được chuyên gia tính toán theo công thức đặc thù riêng, dùng để sắp xếp người bệnh theo mức độ nhu cầu ghép gan từ cao xuống thấp trong danh sách chờ phẫu thuật.

Trong thời gian chờ đợi, bạn phải thường xuyên ra vào bệnh viện, không chỉ để cải thiện sức khỏe chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật mà còn để cập nhật thông số MELD hoặc PELD. Theo một chương trình hiến gan nổi tiếng, thời gian trung bình mỗi người phải chờ nhận gan hiến là tầm 11 tháng.

Phẫu thuật cấy ghép gan

Khi đã có gan hiến tặng, bạn sẽ được thông báo sớm nhất có thể để tiến hành phẫu thuật ghép gan. Những công đoạn như gây mê, theo dõi tim và huyết áp sẽ tốn khoảng 2 giờ. Ca phẫu thuật thường kéo dài từ 6 – 8 tiếng đồng hồ.

Sau khi phẫu thuật thành công, bạn sẽ được chuyển tới khoa Hồi sức tích cực (ICU) – nơi bạn sẽ được theo dõi liệu cơ thể có xuất hiện biến chứng hậu phẫu hay không. Tiếp theo đó, bác sĩ sẽ chuyển bạn sang một khu vực riêng dành cho những người bệnh tham gia ghép tạng. Ở đó, các chuyên gia bao gồm bác sĩ và y tá với chuyên môn cao về cấy ghép nội tạng sẽ giúp bạn kiểm soát các biến chứng có thể xảy ra sau khi ghép gan, chẳng hạn như nhiễm trùng, đông máu trong gan hoặc gan vẫn chưa có đủ khả năng hoạt động bình thường. Thời gian nhập viện của bạn sẽ kéo dài từ 2 – 3 tuần đến một tháng.

Khi đã xuất viện, bạn vẫn cần đi tái khám định kì để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như chức năng gan. Họ chủ yếu quan tâm đến các vấn đề như:

  • Thải ghép
  • Bệnh gan tái phát
  • Biến chứng ung thư
  • Biến chứng thông thường như cao huyết áp, nhiễm trùng, tiểu đường, cholesterol cao…

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, khoảng 75% số người ghép gan đã kéo dài tuổi thọ của mình và sống hạnh phúc bên gia đình. Tuy nhiên, thực tế con số này chưa nói lên được điều gì vì nó bao gồm tất cả những người đã thực hiện phẫu thuật ghép gan, trong đó có người lớn tuổi hay trẻ nhỏ, người mắc bệnh nghiêm trọng hay vấn đề về gan…

Điều kiện hiến gan

Nếu bạn là người hiến gan, bạn sẽ lo lắng không biết có phát triển lại không. Thực tế, sau khi hiến tặng, các tế bào gan trong cơ thể sẽ tái tạo và phát triển trở lại với kích thước gần giống như lúc ban đầu. Để có thể hiến gan, bạn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:

  • Hoàn toàn tự nguyện
  • Sức khỏe tốt – về cả thể chất lẫn tinh thần
  • Độ tuổi từ 18 – 60
  • Chỉ số BMI dưới 35
  • Nhóm máu tương thích với người nhận
  • Không mắc bệnh liên quan đến nội tạng, ví dụ như bệnh tim hay sỏi thận…
  • Không bị ung thư, HIV hay viêm gan
  • Không bị nhiễm trùng mãn tính
  • Không lạm dụng chất kích thích

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ phần nào về phẫu thuật cấy ghép gan.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Liver Transplant Criteria. https://www.healthline.com/health/liver-transplant-criteria. Ngày truy cập 06/12/2018.

Referral for Liver Transplantation. https://www.hepatitisc.uw.edu/go/management-cirrhosis-related-complications/liver-transplantation-referral/core-concept/all. Ngày truy cập 06/12/2018.

Who is a Liver Transplant Candidate? https://www.upmc.com/services/transplant/liver/candidates. Ngày truy cập 06/12/2018.

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp

Ghép tụy điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1: nên hay không nên?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo