backup og meta

Định lượng protein niệu

Định lượng protein niệu

Định lượng protein niệu là phép đo lượng protein (đạm) có trong nước tiểu. Nếu chỉ số này cao có thể cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong đó có những vấn đề cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm protein niệu này, mục đích của nó là gì, quy trình thực hiện và ý nghĩa của kết quả nhé!

Tìm hiểu chung

Định lượng protein niệu là gì?

Xét nghiệm dùng để đo nồng độ protein trong nước tiểu gọi là định lượng protein niệu. Ở những người khỏe mạnh, protein niệu thường không có hoặc hàm lượng rất thấp. Vì vậy, nếu xét nghiệm cho kết quả cao bất thường có thể cảnh báo:

  • Sức khỏe của thận đang gặp vấn đề, ảnh hưởng đến khả năng lọc protein.
  • Một số loại protein trong máu có hàm lượng quá cao.

Mặt khác, bác sĩ có thể định lượng protein niệu của một người theo hai cách sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu một lần ngẫu nhiên
  • Xét nghiệm nước tiểu định lượng protein niệu 24h

Định luợng protein niệu là làm gì

Khi nào bạn cần thực hiện định lượng protein niệu?

Phần lớn trường hợp, bạn có thể được yêu cầu làm xét nghiệm định lượng protein niệu nếu bác sĩ nghi ngờ bạn đang gặp các bệnh về thận. Ngoài ra, thủ thuật y tế này còn cần thiết trong một số trường hợp khác, chẳng hạn như:

Thông thường, kết quả protein niệu dương tính nhưng chỉ có một lượng nhỏ protein trong nước tiểu thường không phải là vấn đề. Tuy nhiên, tình trạng tăng protein trong nước tiểu có nguy cơ là hệ lụy của một số tình trạng sức khỏe, bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng thận
  • Bệnh tiểu đường (đái tháo đường)
  • Mất nước (thiếu nước)
  • Thoái hóa tinh bột (amyloidosis)
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng thận (NSAIDs, thuốc lợi tiểu, kháng vi trùng, hóa trị…)
  • Tăng huyết áp (cao huyết áp)
  • Tiền sản giật (do huyết áp tăng cao ở phụ nữ mang thai)
  • Ngộ độc kim loại nặng
  • Bệnh thận đa nang
  • Suy tim sung huyết
  • Viêm cầu thận
  • Lupus ban đỏ (một dạng bệnh tự miễn)
  • Hội chứng Goodpasture (bệnh tự miễn hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng)
  • Đa u tủy xương
  • Ung thư bàng quang

Mặt khác, đôi khi định lượng protein niệu còn được dùng để sàng lọc bệnh thận ở những người có nhiều yếu tố rủi ro gặp vấn đề liên quan đến cơ quan bài tiết này, ví dụ như:

  • Đang bị bệnh mãn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp…)
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh thận
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Tuổi cao

Điều cần thận trọng

Định lượng protein niệu có nguy hiểm không?

Theo đánh giá từ các chuyên gia, xét nghiệm định lượng protein niệu là thủ thuật y tế an toàn, phù hợp với mọi đối tượng.

Quy trình định lượng protein niệu

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Nhằm đảm bảo độ chính xác cho kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ cần biết tất cả loại thuốc hoặc chế phẩm mà bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn và thực phẩm chức năng.

Thuốc ảnh hưởng kết quả định lượng protein niệu

Nguyên nhân là do một số nhóm thuốc có khả năng ảnh hưởng đến hàm lượng protein trong nước tiểu. Do đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thay đổi liều lượng hoặc ngưng dùng các loại thuốc này trong một khoảng thời gian quy định trước khi làm xét nghiệm protein niệu.

Nồng độ protein niệu có thể chịu ảnh hưởng bởi tác dụng của những loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng sinh, chẳng hạn như aminoglycoside, cephalosporin và penicillin
  • Thuốc kháng nấm, ví dụ như như amphotericin-B và griseofulvin (Gris-PEG)
  • Lithium
  • Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid NSAIDs (aspirin, ibuprofen…)
  • Thuốc dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp như penicillamine (Cuprimine)
  • Salicylates dùng để điều trị viêm khớp

Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo cơ thể chứa đủ nước trước khi lấy mẫu nước tiểu. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy mẫu mà còn hạn chế rủi ro mất nước phát sinh. Tình trạng này có thể gây thay đổi nồng độ protein niệu tạm thời, làm sai lệch kết quả định lượng protein niệu.

Mặt khác, việc tập thể dục thể thao trước khi làm xét nghiệm là không cần thiết. Theo một số chuyên gia, gắng sức rèn luyện thể chất cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả định lượng protein niệu.

Trong khi thực hiện

Mỗi thủ thuật xét nghiệm nước tiểu sẽ có quy trình tiến hành khác nhau, bao gồm:

Xét nghiệm nước tiểu một lần ngẫu nhiên

Thủ thuật này có thể được thực hiện ngay tại phòng khám, phòng xét nghiệm hoặc người bệnh tự làm tại nhà.

Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn một hộp hoặc ống đựng vô trùng có nắp cùng khăn giấy ướt, tăm bông tiệt trùng để làm sạch bộ phận sinh dục trước khi lấy mẫu. Đặc biệt, bạn cần lưu ý không để tay chạm vào mặt trong của ống đựng hoặc nắp đậy vì các vi sinh vật trên tay có thể vô tình làm nhiễm mẫu, dẫn đến kết quả định lượng protein niệu sai lệch.

Các bước thực hiện lấy mẫu:

  • Sử dụng khăn ướt hoặc tăm bông tiệt trùng vệ sinh bộ phận sinh dục và khu vực xung quanh.
  • Lấy nước tiểu giữa dòng vào ống đựng được cung cấp.

Lưu ý không để ống đựng chạm vào cơ thể nhằm tránh làm nhiễm mẫu. Bên cạnh đó, bạn chỉ cần lấy khoảng 60ml nước tiểu.

Sau khi thu thập đủ lượng mẫu cần thiết, bạn có thể tiếp tục đi tiểu bình thường. Đừng quên đậy kín ống đựng và đưa lại cho bác sĩ trong thời gian quy định, thường là 60 phút. Nếu bạn không kịp gửi mẫu đến bác sĩ hoặc chuyên viên xét nghiệm trong khoảng thời gian này, hãy trữ mẫu trong tủ lạnh.

Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ

Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu một lần ngẫu nhiên cho thấy hàm lượng protein niệu bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ.

Tương tự thủ thuật xét nghiệm trên, bác sĩ cũng sẽ chuẩn bị cho bạn một ống lớn vô trùng có nắp để đựng mẫu cùng khăn và tăm bông tiệt trùng. Quy tắc làm sạch bộ phận sinh dục và lấy mẫu nước tiểu giữa dòng cũng giống như quy trình lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu một lần ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không lấy mẫu nước tiểu ở lần đi tiểu đầu tiên trong ngày. Ngoài ra, hãy cẩn thận thận trữ mẫu trong tủ lạnh giữa những lần thu thập nước tiểu trong ngày. Sau khi kết thúc thời gian 24 giờ tính từ thời điểm bạn đi tiểu lần đầu tiên (lần không lấy mẫu), hãy gửi mẫu lại cho bác sĩ theo đúng hướng dẫn bạn đã nhận được trước đó.

Sau khi thực hiện

Sau khi nhận mẫu nước tiểu từ bạn, bác sĩ sẽ gửi nó đến phòng xét nghiệm để tiến hành kiểm tra hàm lượng protein trong đó. Nếu kết quả cao bất thường, các chuyên gia có thể muốn lặp lại xét nghiệm định lượng protein niệu thêm một lần nữa trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Một số loại thủ thuật xét nghiệm khác hoặc buổi kiểm tra thể chất cũng có thể được đề nghị nếu cần thiết.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả định lượng protein niệu

Kết quả của định lượng protein niệu là gì?

Mỗi phòng thí nghiệm sẽ có thiết bị và quy trình định lượng protein niệu khác nhau. Do đó, phạm vi cho phép của nồng độ protein trong nước tiểu ở mỗi kết quả xét nghiệm có thể không giống nhau hoàn toàn. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ phân tích sau khi nhận được kết quả.

Kết quả âm tính

Điều này có nghĩa là không có protein trong nước tiểu hoặc nồng độ quá thấp để có thể định lượng tại thời điểm bạn làm xét nghiệm. Đây cũng là kết quả định lượng protein niệu mọi người đều mong chờ.

Kết quả dương tính

Protein tìm thấy trong mẫu nước tiểu của xét nghiệm một lần ngẫu nhiên có thể là hệ quả của một số tình trạng như:

  • Nhiễm trùng
  • Ảnh hưởng của thuốc
  • Tập thể dục thể thao quá sức
  • Phụ nữ đang có kinh nguyệt hoặc đang mang thai
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh

Lúc này, các chuyên gia có thể xếp lịch tái xét nghiệm cho bạn sau khi những vấn đề trên được giải quyết.

Mặt khác, nếu cả ba lần xét nghiệm nước tiểu một lần ngẫu nhiên đều cho thấy chỉ số protein niệu cao và bạn không có biểu hiện khác thường trong suốt giai đoạn tiến hành, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm bổ sung, bao gồm cả xét nghiệm nước tiểu 24 giờ, nhằm kiểm tra vấn đề sức khỏe nào đang xảy ra ở bạn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về định lượng protein niệu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Protein in Urine (Proteinuria) Causes, Symptoms, & Treatments https://www.kidneyfund.org/kidney-disease/kidney-problems/protein-in-urine.html Ngày truy cập 25/01/2022

Protein in Urine https://medlineplus.gov/lab-tests/protein-in-urine/ Ngày truy cập 25/01/2022

Protein urine test https://www.mountsinai.org/health-library/tests/protein-urine-test Ngày truy cập 25/01/2022

Urine Protein and Urine Protein to Creatinine Ratio. https://labtestsonline.org/tests/urine-protein-and-urine-protein-creatinine-ratio. Ngày truy cập 06/05/2020.

Urine Protein Test. https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/12983-urine-protein-test. Ngày truy cập 06/05/2020.

Phiên bản hiện tại

25/01/2022

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn bao nhiêu protein?

Xét nghiệm protein máu toàn phần


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 25/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo