Việc điều trị sỏi niệu quản bằng sóng xung kích ngoài cơ thể thường có hiệu quả tốt cho trường hợp viên sỏi có đường kính < 1.5cm, thận ứ nước từ độ 2 trở xuống. Với những trường hợp sỏi quá lớn, đây có thể không phải là lựa chọn hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để điều trị sỏi niệu quản theo cách này, chẳng hạn như:
- Chống chỉ định với phụ nữ mang thai, người bị rối loạn chảy máu, nhiễm trùng, có bất thường nghiêm trọng về xương hoặc béo phì.
- Thận trọng cân nhắc nếu thận có những bất thường khác hoặc bệnh nhân có sử dụng máy tạo nhịp tim.
Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng (URS)
Nội soi tán sỏi niệu quản sử dụng ống nội soi đi ngược từ bàng quang lên niệu quản để xác định vị trí của viên sỏi. Sau đó, một nguồn năng lượng (thường dùng laser) được sử dụng để trực tiếp phá hủy viên sỏi trong lòng niệu quản. Đây là một phương pháp điều trị sỏi niệu quản mang lại hiệu quả cao và ít xâm lấn hơn so với cách mổ hở kinh điển. Người bệnh thường phục hồi sức khỏe nhanh và có thể ra viện sau 2 – 4 ngày.
Những trường hợp được chỉ định nội soi tán sỏi ngược dòng gồm:
- Sỏi niệu quản có kích thước từ 0,6 – 2,5cm.
- Sỏi niệu quản < 0,6cm nhưng điều trị nội khoa không cải thiện, sỏi ở vị trí hẹp niệu quản hoặc trên chỗ sa lồi niệu quản.
- Sỏi bể thận hoặc niệu quản 1/3 trên đã tán sỏi ngoài cơ thể thất bại.
Lưu ý, một số trường hợp không áp dụng được phương pháp nội soi tán sỏi niệu quản này:
- Có vấn đề về đông máu
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp chưa được điều trị
- Có bệnh lý nội khoa nặng như tim mạch, hô hấp, nội tiết… sẽ có nguy cơ gặp rủi ro khi gây mê hoặc gây tê
- Hẹp niệu đạo không luồn được ống soi qua
- Có mắc kèm các bệnh lý dị dạng hệ tiết niệu như nang hoặc ung thư niệu quản, thận và niệu quản lạc chỗ
- Hẹp niệu quản đoạn dài dưới vị trí sỏi
- Bệnh nhân xương khớp không nằm được tư thế sản khoa.

Mổ nội soi lấy sỏi sau phúc mạc
Đầu tiên, bạn cần thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu và máu để kiểm tra nhiễm trùng, chụp CT để xác định vị trí chính xác của sỏi.
Mổ nội soi sỏi niệu quản sau phúc mạc cần được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ sẽ tạo ba đường hầm từ phía hông – lưng để tiếp cận và mở niệu quản, rồi dùng thiết bị chuyên dụng gắp viên sỏi ra ngoài. Phương pháp này dùng cho:
- Bệnh nhân có sỏi niệu quản đoạn gần, kích thước lớn và không có sỏi thận ở cùng bên
- Khi tán sỏi ngoài cơ thể hay nội soi ngược dòng không mang lại kết quả.
Tán sỏi qua da (PCNL)
Bác sĩ sẽ gây tê tủy sống và tạo một đường hầm qua da để đưa thiết bị tới phá vỡ viên sỏi bằng sóng siêu âm hoặc laser, sau đó gắp các mảnh sỏi nhỏ ra ngoài. Phương pháp này dùng thay thế rất nhiều cho mổ hở truyền thống trong việc điều trị sỏi có kích thước lớn. Ưu điểm đáng kể là ít xâm lấn, an toàn và cho hiệu quả cao.
Tán sỏi qua da thường được chỉ định khi phương pháp điều trị sỏi niệu quản ít xâm lấn hơn trước đó thất bại.
Mổ mở lấy sỏi niệu quản
Mổ mở lấy sỏi là phương thức chữa trị sỏi niệu quản kinh điển trước đây. Tuy nhiên, nó có một số nhược điểm như xâm lấn nhiều, gây ra biến chứng nặng nề và thời gian nằm viện dài ngày. Do đó, chỉ một số ít trường hợp phức tạp, chẳng hạn như bệnh nhân béo phì, viên sỏi quá lớn và bị mắc kẹt ở niệu quản… thì mới lựa chọn cách này.
Dù sử dụng phương pháp điều trị sỏi niệu quản nào, người bệnh cũng đều được bác sĩ trao đổi rõ ràng và cố gắng đáp ứng theo mong muốn. Vậy nên sau khi đã tìm hiểu các thông tin ở trên, bạn đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ để có quá trình điều trị thuận lợi nhất.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!