Viêm cầu thận đề cập đến tình trạng viêm tại cơ quan bài tiết này. Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, bệnh có thể kéo theo hàng loạt biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Vậy triệu chứng viêm cầu thận cấp là gì, viêm cầu thận mạn là gì? Liệu bệnh này có chữa được không? Cách để điều trị viêm cầu thận như thế nào? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!
Tìm hiểu chung
Viêm cầu thận là bệnh gì?
Viêm cầu thận hay bệnh cầu thận là thuật ngữ đề cập đến tình trạng viêm xảy ra ở thận. Cơ quan bài tiết này có các bộ lọc nhỏ tạo thành từ các mạch máu nhỏ xíu có nhiệm vụ lọc máu, loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu ra ngoài theo nước tiểu. Khi các cầu thận bị viêm và có sẹo, khả năng hoạt động của cơ quan này sẽ giảm đi đáng kể, lâu ngày dẫn đến tình trạng suy thận.
Bệnh viêm cầu thận được chia thành hai loại là viêm cầu thận cấp (phát triển đột ngột) và viêm cầu thận mạn tính (phát triển từ từ).
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm cầu thận là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm cầu thận cấp là: phù, đái máu, tăng huyết áp (tam chứng cổ điển của viêm cầu thận cấp)
- Có bọng mắt vào buổi sáng
- Đi tiểu ra máu, nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu
- Đi tiểu ít hơn bình thường.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị ho và khó thở vì chất lỏng không được thận đào thải sẽ tích tụ tại phổi; tăng huyết áp do ứ dịch trong cơ thể (nếu viêm cầu thận diễn biến kéo dài trên 6 tháng hoặc không thuyên giảm hoàn toàn sau 6 tháng).
Viêm cầu thận mạn lại phát triển âm thầm, thường không gây triệu chứng trong những năm đầu. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể có những biểu hiện như:
- Nước tiểu màu hồng hoặc nâu đỏ do sự hiện diện của hồng cầu trong nước tiểu (tiểu ra máu)
- Nước tiểu sủi bọt do có protein lẫn vào trong
- Huyết áp cao
- Ứ nước gây phù ở mặt, tay, chân và bụng
- Mệt mỏi do thiếu máu hoặc suy thận
- Thường xuyên đi tiểu đêm.
Viêm cầu thận mạn tính thường dẫn đến suy thận.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Khi có bất kỳ dấu hiệu phù (mắt, mặt, chân,…), đái máu, tăng huyết áp (đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đo huyết áp tăng…) đều phải đi khám ngay.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân viêm cầu thận là gì?
Viêm cầu thận có thể do hệ thống miễn dịch của cơ thể gặp vấn đề, thường trong các bệnh tự miễn. Hệ miễn dịch bị rối loạn sẽ tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh, trong đó có cầu thận và làm hư hại bộ phận này.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm khuẩn cũng có thể làm cầu thận bị viêm. Chúng bao gồm viêm nội tâm mạc do vi khuẩn, nhiễm trùng thận do virus (viêm gan B, viêm gan C…), viêm cầu thận do liên cầu, HIV.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác dẫn tới viêm cầu thận như viêm mạch, huyết áp cao, bệnh thận do biến chứng tiểu đường, xơ hóa cầu thận cục bộ, hội chứng di truyền Alport, một số bệnh ung thư (phổi, dạ dày, bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính).
Các tổn thương thận dẫn đến mất hồng cầu và protein ra nước tiểu. Tình trạng này có thể phát triển nhanh chóng và chức năng thận bị mất trong vài tuần hoặc vài tháng. Đây được gọi là bệnh viêm cầu thận cấp. Một số người bị viêm cầu thận mãn tính không rõ nguyên nhân.
Những ai thường mắc bệnh?
Viêm cầu thận phổ biến ở các nước đang phát triển. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ.
Có rất nhiều yếu tố làm bạn tăng nguy cơ bị bệnh viêm cầu thận, chẳng hạn như:
- Sử dụng hóa chất và thuốc có hại cho thận
- Sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroids (NSAIDs) như ibuprofen và naproxen
- Hay viêm họng, viêm da mà nguyên nhân chủ yếu là do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bệnh viêm cầu thận có nguy hiểm không?
Một trong những vấn đề được người bệnh quan tâm hàng đầu là bệnh viêm cầu thận có nguy hiểm không. Nhìn chung, tình trạng sức khỏe này có thể không quá nguy hiểm nếu bạn sớm phát hiện và chữa trị ngay từ đầu.
Ngược lại, nếu không được điều trị hiệu quả và kịp thời, bệnh có thể kéo theo hàng loạt vấn đề nguy hiểm như tăng huyết áp, suy thận cấp tính, bệnh thận mạn tính, hội chứng thận hư và cục máu đông (bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi).
Ngoài ra, bệnh xảy ra lâu ngày không được kiểm soát tốt có nguy cơ khiến thận bị hư hại hoàn toàn. Khi các cầu thận bị viêm và suy thoái, khả năng lọc thải sẽ mất đi khiến chất thải cùng dịch dư thừa tích tụ nhanh chóng. Lúc này, người bệnh cần lọc máu khẩn cấp.
Nếu chức năng của thận mất đi 85% so với bình thường, bạn sẽ được chẩn đoán bị bệnh thận giai đoạn cuối. Trong trường hợp này, thẩm tách theo định kỳ và ghép thận là hai lựa chọn duy nhất có thể giúp bạn tiếp tục sống.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng sức khỏe này?
Bác sĩ chẩn đoán bệnh thông qua những triệu chứng mà bạn gặp phải. Bên cạnh đó, họ sẽ xét nghiệm nước tiểu để tìm hồng cầu và protein trong nước tiểu của bạn. Xét nghiệm máu cũng có ích, giúp bác sĩ biết được bạn mắc bệnh gì và bệnh đó làm tổn thương thận ở mức độ nào.
Trong một số trường hợp, bạn cần siêu âm và sinh thiết thận. Siêu âm nhằm kiểm tra kích thước quả thận, đảm bảo không có sự tắc nghẽn nào trong thận. Còn sinh thiết sẽ lấy một mảnh nhỏ của thận để quan sát dưới kính hiển vi nhằm xác nhận chẩn đoán, đánh giá mức độ cũng như bản chất của tổn thương tại cầu thận và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.
Viêm cầu thận có chữa được không?
Thật không may là bệnh thận không thể chữa khỏi hoàn toàn được.
Phác đồ điều trị viêm cầu thận ở mỗi người không giống nhau vì nó phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Mục tiêu là bảo vệ thận khỏi bị tổn thương thêm và duy trì chức năng thận.
Một số trường hợp viêm cầu thận cấp, đặc biệt do liên cầu, có thể tự cải thiện và không cần điều trị. Còn khi tìm được căn nguyên thì việc điều trị sẽ hướng đến nguyên nhân cơ bản này.
Một trong những phương pháp điều trị thường gặp là kiểm soát huyết áp bằng thuốc ức chế men chuyển giúp ổn định lưu lượng máu tới thận.
Trong trường hợp cầu thận bị viêm do hệ miễn dịch tấn công, corticosteroid cũng có thể hữu ích trong việc làm giảm viêm dẫn tới tạo sẹo trong cầu thận.
Một giải pháp điều trị viêm cầu thận khác nữa là thuốc lợi tiểu, nhằm loại bỏ chất lỏng dư thừa trong cơ thể, giảm phù.
Lượng protein, muối và kali trong chế độ ăn uống của bạn cũng là một số yếu tố cần phải xem xét trong thời gian chữa trị.
Trong trường hợp tình trạng của bạn trở nên tồi tệ đến mức suy thận, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật lọc máu bằng máy để lọc sạch máu. Phương pháp điều trị cuối cùng là ghép thận.
Phòng ngừa
Phòng ngừa và kiểm soát tình trạng tiến triển của bệnh viêm cầu thận
Bạn sẽ có thể kiểm soát hoặc thậm chí là ngăn chặn căn bệnh này ngay từ đầu nếu áp dụng tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế ăn muối để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ứ dịch, phù và cao huyết áp
- Giảm tiêu thụ protein và kali để làm chậm sự tích tụ của các chất thải trong máu của bạn
- Kiểm soát cân nặng ở mức khỏe mạnh, dựa theo chỉ số BMI
- Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn có bệnh tiểu đường
- Bỏ thuốc lá
- Nhanh chóng điều trị các vấn đề nhiễm trùng có nguy cơ ảnh hưởng đến cầu thận.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.