Thời tiết thay đổi làm gia tăng xuất hiện tình trạng bệnh lý viêm họng. Việc áp dụng phương pháp dùng lá cây trị viêm họng tuy khá tốn công sức chuẩn bị nhưng lại an toàn và ít tác dụng phụ. Bên cạnh đó, những dược liệu trong các bài thuốc chữa viêm họng cũng có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe.
Trong tự nhiên có rất nhiều loại lá, hoa hay quả có công dụng kháng viêm, làm dịu cổ họng và tiêu đờm, từ đó cải thiện tình trạng viêm họng. Vậy bạn đã viết cách dùng lá cây trị viêm họng sao cho hiệu quả và an toàn chưa? Hãy khám phá qua bài viết sau của Hello Bacsi.
Khi nào nên dùng cây thuốc Nam trị viêm họng?
Viêm họng là bệnh lý rất thường gặp, hầu như ai cũng sẽ bị vài lần trong đời. Đối tượng hay gặp nhất là trẻ nhỏ, người già hoặc người bị suy giảm khả năng miễn dịch. Thông thường, tình trạng niêm mạc hầu họng bị nhiễm trùng do virus và vi khuẩn hay bị tổn thương do các tác nhân khác như rượu bia, thuốc lá, bệnh trào ngược dạ dày, dị ứng… Các loại vi khuẩn như liên cầu nhóm A, lậu cầu, bạch hầu… thường là “thủ phạm” gây viêm họng nặng nhất. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần sử dụng kháng sinh và các loại thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng khác theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, chứng viêm họng do virus hay do các nguyên nhân không nhiễm trùng khác không có thuốc điều trị đặc hiệu như nhiễm trùng do vi khuẩn. Vậy nên, việc chữa trị chủ yếu tập trung vào tăng cường sức đề kháng và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Đối với trường hợp này, bạn có thể cải thiện tình trạng bằng cách dùng một số loại cây thuốc Nam.
Mách bạn 10+ loại lá cây trị viêm họng dễ tìm, hiệu quả
Một số bài thuốc từ lá cây bạn có thể tham khảo khi bị viêm họng như sau:
2.1. Lá cây lược vàng
Lược vàng có tên khoa học là Callisia fragrans (Lindl.) Woodson hay còn gọi là lan vòi, lan rũ, cây bạch tuộc… là loài cây có nguồn gốc từ Mexico và di thực sang Việt Nam. Hiện nay, cây lược vàng được trồng khắp các tỉnh thành nước ta, dùng để làm cảnh và làm thảo dược.
Lá cây lược vàng có vị chua nhẹ, hơi nhạt, tính mát và có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, tiêu đờm và nhuận phế. Đây là loại thảo mộc chuyên trị vảy nến, tiểu đường, viêm loét dạ dày, ung thư, đau nhức chân răng và một số bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho biết hoạt chất quercetin trong lá cây lược vàng giúp bảo vệ thành mạch và hỗ trợ đẩy lùi các triệu chứng khó chịu.
Để dùng lá cây lược vàng trị viêm họng, bạn nên hái vào lúc sáng sớm khi chưa có mặt trời để dược chất của lá đạt nồng độ cao nhất. Bạn có thể thực hiện theo các cách sau:
Cách 1:
- Chuẩn bị 50g lá cây lược vàng, rửa sạch rồi giã thật nát để vắt lấy nước cốt.
- Hòa thêm 5 giọt giấm vào nước cốt vừa vắt để uống hằng ngày.
Cách 2:
- Chuẩn bị 2 – 3 lá lược vàng và rửa sạch rồi ngâm lá với nước muối loãng 1 lần.
- Khi đã vệ sinh lá sạch sẽ, bạn nhai lá trực tiếp, nuốt lấy nước cốt và bỏ bã. Bạn có thể thực hiện 3 lần/ngày.
Lưu ý
2.2. Lá húng chanh
Lá húng chanh (tần dày lá) có tên khoa học là Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng, họ hoa môi. Lá húng chanh có mùi tinh dầu thơm mùi chanh, có tính ấm quy 2 kinh can và phế, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, thoái nhiệt, tiêu độc. Vậy nên, đây là dược liệu thường thấy trong các bài thuốc dùng lá cây trị viêm họng, viêm phổi, ho khan, ho có đờm. Ngoài ra, lá húng chanh cũng chứa nhiều hoạt chất có khả năng ức chế vi khuẩn, phế cầu khuẩn, trực khuẩn, liên cầu khuẩn như carvacrol, eugenol, salicylat, thymol…
Các cách chữa viêm họng bằng lá húng chanh như sau:
Cách 1:
- Rửa lá húng chanh thật sạch rồi giã nát với muối hạt.
- Nhai hỗn hợp thật chậm để các hoạt chất trong lá ngấm vào thành họng.
- Nuốt hỗn hợp rồi súc miệng lại bằng nước muối. Bạn có thể thực hiện 2 lần/ngày.
Cách 2:
- Chuẩn bị 5 – 7 lá húng chanh và 5 quả tắc.
- Rửa sạch lá húng chanh và tắc rồi bỏ hạt tắc.
- Bỏ tất cả nguyên liệu vào máy xay để xay thật nhuyễn.
- Đổ hỗn hợp ra bát, thêm 20 – 30 g đường phèn rồi mang đi hấp cách thủy.
- Khi hỗn hợp nguội, bạn ăn 2 – 3 muỗng.
Cách 3:
- Chuẩn bị lá húng chanh, rửa sạch và giã thật nhỏ.
- Đổ thêm mật ong vào phần lá đã giã sao cho mật ong ngập lá rồi hấp cách thủy trong 5 – 10 phút. Bạn có thể dùng hỗn hợp 3 lần/ngày, mỗi lần 1 – 2 muỗng nhỏ.
Lưu ý
2.3. Lá cây rẻ quạt: lá cây trị viêm họng, khàn tiếng
Cây rẻ quạt hay còn gọi là xạ can, lưỡi đồng… có tên khoa học là Belamcanda chinensis (L.) DC; họ lay ơn mọc hoang hoặc trồng làm cảnh, làm dược liệu trên khắp các tỉnh thành. Đây là vị thuốc nằm trong danh mục 70 cây thuốc Nam được trồng trong vườn thuốc Nam tuyến trung tâm y tế xã.
Vị thuốc rẻ quạt có vị hơi cay và đắng, tính hàn, hơi độc, quy vào kinh phế, tỳ và can. Cây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu đờm, sát trùng nên thường được dùng như một loại lá cây trị viêm họng, ho suyễn, sưng họng, có đờm, khàn tiếng…
Các cách dùng lá cây rẻ quạt trị viêm họng bạn có thể tham khảo là:
Cách 1: Rửa sạch lá rẻ quạt rồi nhai trực tiếp với muối hạt. Khi hoạt chất trong lá đã ngấm vào thành họng, bạn có thể nuốt xuống.
Cách 2:
- Cây rẻ quạt rửa sạch, phơi khô cả lá, củ và rễ.
- Sau đó, sắc với nước rồi chia thành từng phần nhỏ để uống nhiều lần mỗi ngày. Bạn cũng có thể sắc cây rẻ quạt cùng 1 – 2 lá mạch môn, 1 g cam thảo và 1 – 2 củ sâm đại hành tươi.
Cách 3:
- 10g lá rẻ quạt tươi, rửa sạch rồi cho vào máy xay với muối hạt thật nhuyễn.
- Đun hỗn hợp mới xay với 100 ml nước và trộn đều.
- Dùng nước này súc miệng 2 lần/ngày trong vòng 1 tuần.
Lưu ý
2.4. Lá hẹ
Hẹ là loại cây gia vị, dược liệu quen thuộc được trồng nhiều ở vườn nhà trên khắp đất nước ta. Hẹ còn có tên gọi khác là khởi dương thảo, cửu thái tử, cửu thái,…; tên khoa học: Allium ramosum L.; thuộc họ hành (Alliaceae).
Theo ý học cổ truyền, lá hẹ có vị chua nhẹ, tính ấm và có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu ở vết thương hở. Ngoài ra, loại dược liệu này còn giúp kích thích quá trình lưu thông máu bên trong cơ thể. Các hoạt chất trong lá hẹ tương tự như một chất kháng sinh tự nhiên giúp trị ho, long đờm, cải thiện tình trạng sưng viêm, giảm kích ứng ở vùng hầu họng. Một nghiên cứu ở Trung Quốc đã tìm ra trong củ hẹ còn có Odorin – hoạt chất có tác dụng ức chế mạnh đối với vi khuẩn Staphyllococcus aureus và Bacillus coli.
Các cách cải thiện tình trạng viêm họng bằng lá hẹ như sau:
Cách 1:
- Lá hẹ rửa sạch rồi cắt thành đoạn nhỏ.
- Đường phèn giã mịn.
- Rải đường lên bên trên lá hẹ, cho thêm chút nước lọc vào chén và hấp cách thủy trong 20 phút. Người lớn có thể ăn lá hẹ hấp 3 lần/ngày còn trẻ em thì 2 lần/ngày.
Cách 2:
- Lá hẹ rửa sạch rồi cắt thành đoạn nhỏ.
- Gừng tươi giã nát
- Cho lá hẹ và gừng vào chén, thêm một muỗng đường phèn và ít nước lọc rồi đem hấp cách thủy. Người lớn có thể dùng hỗn hợp này 2 – 4 lần/ngày, trẻ em dùng 2 – 3 lần/ngày.
Cách 3:
- Chanh cắt thành từng lát nhỏ, gừng giã nát còn lá hẹ thì cắt thành từng đoạn nhỏ.
- Cho các nguyên liệu vừa chuẩn bị vào chén cùng ít nước lọc và hấp cách thủy trong khoảng 10 – 15 phút. Người lớn có thể dùng hỗn hợp này 3 lần/ngày còn trẻ em dùng 2 lần/ngày.
Lưu ý
- Vì hẹ có tính nhiệt nên người nóng trong không nên ăn quá nhiều.
- Khi sử dụng lá hẹ tốt nhất nên ăn sống hoặc ép lấy nước uống.
- Khi chế biến với các món ăn khác, cho lá hẹ vào sau cùng sau đó tắt bếp. Không nên đun nóng quá cao hoặc quá lâu tránh làm mất hoạt chất có trong hẹ.
2.5. Lá xương sông
Xương sông hay còn gọi là rau húng ăn gỏi, xang sông, hoạt lộc thảo, có tên khoa học là Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce; Họ: Asteraceae (Cúc). Trong lá xương sông có chứa 0,24% tinh dầu mà thành phần chủ yếu là methylthymol (94,96%), ngoài ra còn có p-cymene (3,28%), limonene (0,12%).
Theo Y học cổ truyền, lá xương sông có vị đắng cay, tính ấm, đi vào kinh vị, phế, đại trường. Công dụng của cây xương sông là trừ tanh hôi, khu phong trừ thấp, chỉ thống, tiêu thũng, thông kinh hoạt lạc, tiêu đàm thấp, kích thích tiêu hóa. Cây xương sông thường được sử dụng để chữa cảm sốt, ho, viêm họng, mề đay, nôn mửa, đầy bụng… Tinh dầu lá xương sông kết hợp với axit acetic trong giấm có thể giúp loại bỏ một số loại vi khuẩn gây viêm họng. Bên cạnh đó, loại dược liệu này còn có tác dụng kháng viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi các tổn thương ở niêm mạc hầu họng.
Cách dùng lá xương sông trị viêm họng như sau:
- 5 – 10 lá xương sông, rửa sạch và giã dập rồi nhúng vào 20 – 30 ml giấm ăn.
- Nhai lá xương sông từ từ đến khi không còn thấy vị của giấm. Bạn có thể thực hiện cách dùng lá cây trị viêm họng này liên tục trong 5 – 7 ngày để giảm nhẹ triệu chứng.
2.6. Lá khế chua: Lá cây trị viêm họng, ho có đờm
Cây khế là hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam xuất hiện trong chuyện cổ tích, lời ca tiếng hát cho đến cuộc sống hàng ngày. Khế được trồng khắp nơi từ thành thị tới nông thôn với mục đích làm cảnh, lấy trái và làm dược liệu. Có 2 loại là khế chua và khế ngọt. Lá khế chua từ lâu đã được biết đến là tác dụng chữa bệnh lý mề đay mẩn ngứa rất hiệu quả. Theo y học cổ truyền, lá khế có vị chua ngọt, tính bình nên có thể tiêu viêm, lợi tiểu, long đờm. Dược liệu này có mặt trong rất nhiều bài thuốc dùng lá cây trị viêm họng, ho khan, ho có đờm…
Bạn có thể tham khảo cách dùng lá khế để chữa viêm họng như sau:
- Cho 80 – 100 lá khế tươi vào máy xay cùng một ít muối hạt xay cho thật nhuyễn.
- Chia phần nước cốt vừa thu được thành 2 – 3 phần nhỏ để ngậm và súc miệng. Bạn có thể áp dụng cách chữa viêm họng này trong 3 – 5 ngày để thấy hiệu quả.
2.7. Lá bạc hà
Bạc hà vừa là cây gia vị vừa là cây thuốc Nam quý, cây có dạng thân thảo, sống lâu năm, được sử dụng phổ biến của nhân dân ta. Bạc hà còn có tên gọi khác là anh sinh, bạt đài, băng hầu úy, đông đô, kê tô, thạch bạc hà, liên tiền thảo, nam bạc hà, phiên hà, bạc hà diệp, tô bạc hà. Tên khoa học: Mentha arvensis Lin. Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
Trong bạc hà có: Menthol, Menthone, Menthyl Acetate, Camphene, Limonene, Isomenthone, Pinene, Menthenone, Rosmarinic acid, d-Neomenthol, Ethyl – n – Amylketone, Piperitone, Piperitenone, Pulegone. Hoạt chất chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu bạc hà do vậy lá bạc hà thơm nhẹ, tính mát và có tác dụng giúp long đờm, kháng khuẩn, thông mũi và giảm đau rát cổ họng. Trong Đông y, lá bạc hà là dược liệu có vị cay, tính mát, không độc, vào kinh Phế, Can tác dụng phát hãn, trừ phong nhiệt, thanh đầu, thanh mắt, sơ uất khí ở Can. Trị cảm phong nhiệt, bệnh thời tiết nóng sốt không ra mồ hôi, mắt đỏ, răng đau, họng đau do phong hỏa, ban sởi không mọc ra được.
Bạn có thể dùng lá bạc hà để trị viêm họng theo các cách sau:
Cách 1:
- Lá bạc hà rửa sạch rồi nhai trực tiếp hoặc xay nhuyễn/giã nát, pha với nước ấm để uống hằng ngày.
Cách 2:
- Nấu đường phèn với nước cho đến khi đường tan thì cho thêm lá bạc hà đã rửa sạch vào đun tiếp.
- Khi nước đã chuyển sang xanh thì cho thêm nước cốt chanh vào đun cho tới khi hỗn hợp sệt.
- Sau khi hỗn hợp nguội, bạn có thể cho vào lọ thủy tinh để dùng dần.
Lưu ý
- Lá bạc hà không phù hợp với người có thể tạng gầy yếu, suy nhược, đang bị ngứa, táo bón, huyết áp cao.
- Ngoài ra tinh dầu bạc hà không nên dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
- Uống nhiều hoặc uống lâu ngày sẽ bị lạnh người; âm hư gây ra sốt, ho, tự ra mồ hôi: không dùng
2.8. Lá chua me đất
Cây chua me đất là thực vật mọc hoang thường được tận dụng làm thuốc, có 2 loại là chua me đất hoa vàng và chua me đất hoa đỏ. Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến cây chua me đất hoa vàng có tác dụng điều trị viêm họng. Còn chua me đất hoa đỏ thường biết đến với tác dụng thanh nhiệt lợi niệu.
Chua me đất hoa vàng hay còn gọi là chua me ba chìa, toan tương thảo, me đất, sỏm hém ( người Tày), mía pióp (người Dao), tên khoa học là Oxalis corniculata L. Họ: Oxalidaceae. Đây là cây thảo sống nhiều năm, mọc bò sát đất, thân mảnh, thường có màu đỏ nhạt, hơi có lông.
Theo y học cổ truyền, chua me đất có vị chua, tính mát, không độc, có tác dụng giải nhiệt, kháng sinh, tiêu viêm, làm dịu, làm hạ huyết áp và lợi tiêu hóa, giảm nhẹ tình trạng sốt, ho khan, ho có đờm do cảm lạnh, cúm và viêm họng. Ngoài ra loại dược liệu này còn rất giàu vitamin C nên có tác dụng tăng cường miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Các cách dùng lá chua me đất chữa viêm họng như sau:
Cách 1:
- Rửa sạch khoảng 50g lá chua me đất.
- Để ráo rồi nhai trực tiếp với 1 ít muối hạt. Bạn có thể thực hiện phương pháp này 3 – 4 lần/ngày.
Cách 2: Hấp cách thủy 100g lá chua me đất với vài viên đường phèn, uống 2 – 3 lần trước bữa ăn. Phương pháp này không những giúp cải thiện chứng viêm họng và còn giúp bạn giảm ho khan và ho có đờm.
Lưu ý
2.9. Cỏ lưỡi mèo: Lá cây trị viêm họng, giảm sưng
Cỏ lưỡi mèo còn có tên gọi khác cỏ chỉ thiên, địa đảm đầu, địa đảm thảo, khổ địa đảm. Tên khoa học: Elephantopus scaber L. Họ: cúc – Asteraceae. Đây là loại cỏ mọc hoang khắp nơi, sống dai, thân cao chừng 20-50cm, nhiều cành, gần như không có lá, cả cây có lông. Theo y học cổ truyền, cỏ lưỡi mèo có vị đắng, tính mát; quy vào 3 kinh phế, tỳ và can. Tác dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, khoan trung hạ khí, lợi tiểu, tiêu thũng. Chủ trị: Cảm sốt, ho, họng sưng đau, đau mắt đỏ, chảy máu mũi, ỉa chảy, vàng da, viêm thận phù thũng, ung nhọt, rắn cắn. Vậy nên, loại dược liệu này thường được dùng để giảm nhẹ các triệu chứng như sốt, cảm, ho, tiêu chảy, sưng cổ họng…
Bạn có thể áp dụng cách dùng lá cây trị viêm họng này như sau:
- Dùng 10g cỏ lưỡi mèo sấy khô.
- Hãm với 300 ml nước sôi trong khoảng 15 – 20 phút. Sau đó, bỏ bã, chia nước hãm thành 2 – 3 lần uống trong ngày.
Lưu ý
2.10. Các vị thuốc khác
Trong dân gian không chỉ dùng lá cây trị viêm họng mà còn kết hợp nhiều loại hoa, quả hay củ quen thuộc khác. Bạn có thể tham khảo thêm:
Tỏi
Tỏi không chỉ là gia vị mà còn là thảo dược chữa các bệnh thường gặp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan… Loại củ này có vị cay nóng và có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, sát trùng nên có thể giúp bạn giảm đau rát cổ họng và ức chế virus gây nhiễm trùng. Hoạt chất allicin trong tỏi cũng có tác dụng phục hồi các mô hầu họng bị tổn thương.
Bạn có thể nướng trực tiếp 2 – 3 tép tỏi tươi và ăn trực tiếp mỗi ngày để giảm nhẹ tình trạng viêm họng. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung tỏi vào các món ăn hàng ngày để tăng hương vị món ăn và cải thiện sức đề kháng.
Hoa kinh giới
Hoa kinh giới có tính mát, vị cay và hơi chát, mùi thơm nhẹ, quy vào kinh can và phế. Loại dược liệu này có thể cầm máu, tán hàn, giảm sưng đau yết hầu, giảm viêm, hạ nhiệt. Cách dùng hoa kinh giới để chữa viêm họng là sắc 10g hoa kinh giới, 10g cát cánh, 9g cam thảo với 500ml nước cho đến khi chỉ còn 200ml nước. Sau đó, bạn chia thuốc làm 2 lần uống trước bữa ăn trong 5 ngày.
Hoa đu đủ đực
Hoa đu đủ đực có vị đắng, bổ phế, tiêu viêm và có thể giúp làm dịu các tổn thương ở thành họng. Ngoài ra, hoa đu đủ đực còn giúp tăng insulin, hạ đường huyết, cải thiện hệ tim mạch và làm chậm quá trình lão hóa.
Để chữa viêm họng cho trẻ em, dùng 20g hoa đu đủ đực với 2 thìa mật ong và hấp cách thủy trong 10 phút, nghiền nhỏ rồi cho trẻ nuốt từ từ. Bạn có thể cho bé sử dụng 2 lần/ngày trong liên tục 3 ngày.
Đối với người lớn, bạn có thể nghiền 15g hoa đu đủ đực với 15g lá hẹ và 10g hạt chanh rồi hòa với 1 thìa mật ong và 20ml nước ấm. Sau đó, chia hỗn hợp làm 3 lần uống, uống liên tục trong 3 – 5 ngày.
Đối với người viêm họng mãn tính, bạn có thể hấp cách thủy 20g hoa đu đủ đực, 10g lá húng chanh, 10g rẻ quạt, 1 củ mạch môn và một thìa cà phê muối hạt. Sau đó, bạn nghiền thật nát hỗn hợp và ngậm 2 – 3 lần/ngày.
Quả tắc (quả quất)
Quả tắc có mùi thơm đặc trưng, vị chua, tính bình và còn có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm giúp giảm nhẹ các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, tinh dầu tắc cũng có thể giúp thông cổ họng, làm loãng đờm, cải thiện tình trạng mất giọng và khàn tiếng.
Bên cạnh đó, mật ong là một chất kháng sinh tự nhiên với tính kháng khuẩn cao nên có thể giúp làm dịu cổ họng đau rát và giúp giảm ho hiệu quả. Ngoài ra, các dưỡng chất khác trong mật ong cũng giúp tăng cường sức đề kháng.
Vậy nên, tắc chưng mật ong là bài thuốc chữa ho, ho có đờm, ho lâu ngày hiệu quả và an toàn. Bạn có thể chưng tắc và mật ong để có được hỗn hợp đặc sánh. Ngậm hỗn hợp và nuốt từ từ hoặc pha hỗn hợp với ít nước ấm để uống giúp giảm đau họng. Bài thuốc này tuy rất đơn giản với những nguyên liệu dễ kiếm nhưng lại hiệu quả tốt và an toàn với tất cả mọi người.
Quất hồng bì
Quất hồng bì hay còn gọi là hoàng bì, quất bì, tên khoa học: Clausena lansium (Lour.) Skeels, thuộc họ cam quýt có vị ngọt thanh, hơi chua và có tính mát. Bộ phận làm thuốc gồm: quả (được bổ dọc, phơi khô gọi là quất bì hay hồng bì); hạt của quả chín phơi khô, lá, vỏ rễ phơi khô. Loại dược liệu này có tác dụng hạ sốt, thanh nhiệt giải độc, tiêu đờm, giảm viêm nên thường được dùng để điều trị viêm họng, đau rát cổ họng và ho mãn tính. Bạn có thể chữa viêm họng bằng quất hồng bì bằng các cách sau:
- Cách 1: Quất hồng bì khô 30g đun với 700ml nước cho tới khi nước cạn còn 350ml, chia nước làm 3 lần uống trong ngày.
- Cách 2: Ngậm 3 quả quất hồng bì dầm muối trong 5 phút rồi nuốt dần nước. Bạn có thể ngậm mỗi ngày 3 lần trong 3 – 4 ngày.
- Cách 3: Quất hồng bì bóc vỏ, cắt đôi hấp cách thủy với 50ml nước và 20g đường phèn trong 20 phút. Sau đó, bạn chia hỗn hợp làm 3 phần, uống vào 3 buổi trong ngày.
- Cách 4: Sắc 5 quả quất hồng bì, 10g vỏ rễ cây dâu tằm, 10g cam thảo với 700ml nước cho đến khi còn 200ml, chia uống thuốc 2 lần/ngày, uống liên tiếp trong 5 – 7 ngày.
Lưu ý
Dùng lá cây trị viêm họng: Bạn cần lưu ý gì?
Triệu chứng ho, rát họng, có thể kèm theo sốt hoặc không thường là bệnh lý viêm họng do vi khuẩn, virus thông thường. Tuy nhiên, không vì vậy mà bạn chủ quan, bởi vẫn còn đó những bệnh lý nguy hiểm. Các phương pháp dùng lá cây trị viêm họng ít gây tác dụng phụ và phù hợp với đa số đối tượng nhưng lại phát huy tác dụng khá chậm. Vậy nên, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức khi điều trị bằng những phương pháp này.
Ngoài ra, các phương pháp dân gian thường chỉ hỗ trợ làm giảm triệu chứng và phù hợp với những trường hợp mới bệnh hơn trường hợp viêm họng mạn tính. Vậy nên, nếu bệnh không giảm nhẹ sau khi áp dụng những cách chữa trị tại nhà trong khoảng 3-5 ngày, bạn cần đi khám để được tư vấn cách chữa phù hợp hơn.
Trẻ em và phụ nữ đang mang thai cũng cần cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng các bài thuốc trị viêm họng bằng lá cây. Để đảm bảo sức khỏe, các bé và phụ nữ trong thai kỳ cần đi khám ở bác sĩ có chuyên môn trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào.
[embed-health-tool-heart-rate]