Tình trạng tai chảy dịch hoặc mủ là một triệu chứng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Dịch có thể lỏng, đặc và thường có thể liên quan đến tình trạng đau tai, sốt, chóng mặt, ù tai, nghe kém…
Vậy nguyên nhân gây chảy dịch tai là gì hay lỗ tai bị chảy nước là do đâu? Tai chảy dịch có nguy hiểm không? Khi nào cần phải khám để được điều trị đúng cách giảm thiểu biến chứng? Trong bài viết sau, Hello Bacsi tổng hợp những thông tin xoay quanh tình trạng này để bạn tìm hiểu!
Tai chảy dịch là tình trạng gì?
Tai chảy nước hay tai chảy dịch là tình trạng dịch (có thể là nước, máu hoặc dịch đặc và trắng như mủ) chảy ra từ tai. Một số dạng chảy dịch tai như:
- Tai chảy mủ hoặc dịch đục: Đây là loại dịch tai phổ biến nhất do nhiễm trùng tai. Nhiễm trùng gây thủng màng nhĩ và dịch sẽ chảy ra từ màng nhĩ bị rách.
- Ráy tai: Ráy tai có màu nâu nhạt, nâu sẫm hoặc nâu cam. Nếu bị ướt, ráy tai có thể trông giống như dịch và gây khó chịu cho người bệnh.
- Máu: Máu thường xuất hiện sau khi chấn thương tai. Thông thường, nó chỉ là một vết xước nhỏ ở niêm mạc ống tai.
- Tai chảy nước: Nước có thể chảy vào ống tai khi bạn đi bơi, tắm hoặc rửa mặt.
Vậy tai bị chảy nước phải làm thế nào? Mời bạn tham khảo tiếp những thông tin sau để có giải pháp phù hợp.
Tai chảy dịch thường đi kèm những triệu chứng gì?
Theo các chuyên gia sức khỏe, việc lỗ tai bị chảy nước thường đi kèm các triệu chứng liên quan như:
- Đau tai
- Sốt
- Ngứa lỗ tai
- Chóng mặt
- Tai bị ù (có tiếng chuông, tiếng quạt máy, tiếng nước chảy, tiếng dế kêu… trong tai)
- Mất thính lực…
Tai chảy dịch hay lỗ tai bị chảy nước, khi nào nên đi khám? Theo các chuyên gia sức khỏe, nên đi khám nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu sau đây:
- Tai chảy dịch có màu trắng, vàng hoặc có máu
- Chảy dịch tai kéo dài hơn năm ngày
- Đau dữ dội
- Sưng nề của ống tai hoặc mô xung quanh
- Mất thính lực
- Chấn thương tai
- Khuôn mặt yếu hoặc không đối xứng
- Bị chảy dịch tai kèm bệnh tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch.
Khi nhận thấy một trong những triệu chứng này hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, hãy đi khám để tham khảo ý kiến bác sĩ.
4 nguyên nhân gây chảy dịch tai thường gặp
Nguyên nhân tai chảy dịch là gì hay lỗ tai bị chảy nước là do đâu? Theo các chuyên gia sức khỏe, nguyên nhân gây chảy dịch tai có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng tai giữa: Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa) là một nguyên nhân phổ biến khiến tai chảy dịch. Viêm tai giữa xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tai giữa. Nhiễm trùng tai giữa có thể khiến dịch tích tụ sau màng nhĩ. Nếu có quá nhiều dịch tích tụ, bạn có nguy cơ thủng màng nhĩ, có thể dẫn đến chảy mủ tai.
- Chấn thương: Chấn thương đến tai cũng có thể gây ra tiết dịch. Bạn có thể bị chấn thương tai khi dùng tăm bông hay dụng cụ móc ráy để lấy ráy tai. Sự gia tăng áp lực, chẳng hạn như khi đi máy bay hoặc lặn biển, cũng có thể dẫn đến chấn thương cho tai. Những tình huống này cũng có thể khiến màng nhĩ bị thủng hoặc rách. Ngoài ra, tai cũng có thể chấn thương khi tiếp xúc với tiếng ồn cực lớn. Tuy nhiên, trường hợp này là không phổ biến.
- Viêm tai ngoài: Viêm tai ngoài xảy ra khi vi khuẩn hoặc nấm lây nhiễm vào ống tai, thường khi bạn đi bơi. Việc có quá nhiều độ ẩm bên trong tai có thể phá vỡ da trên thành ống tai. Điều này cho phép vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập và gây nhiễm trùng. Bệnh cũng có thể xảy ra nếu bạn nhét một vật lạ vào tai. Nói chung, bất kỳ tổn thương ống tai nào cũng làm cho nó dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Nguyên nhân ít phổ biến hơn: Một nguyên nhân ít phổ biến hơn gây tai chảy dịch là viêm tai ngoài ác tính, một biến chứng của viêm tai ngoài. Tình trạng này gây tổn thương cho sụn và xương ở đáy hộp sọ. Các nguyên nhân hiếm gặp khác bao gồm gãy xương sọ, một vết nứt ở bất kỳ xương nào trong hộp sọ, hoặc viêm tai xương chũm, một bệnh nhiễm trùng xương chũm phía sau tai.
Các nguyên nhân được đề cập ở trên là một số nguyên nhân phổ biến gây chảy dịch tai. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách.
Tai chảy dịch được điều trị và phòng ngừa như thế nào?
1. Tai chảy dịch được điều trị như thế nào?
Tai bị chảy nước phải làm thế nào, được điều trị ra sao? Bác sĩ sẽ điều trị tai chảy nước/ mủ dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Đôi khi, bạn không cần phải điều trị y tế cho tình trạng này. Nguyên do là bởi các dấu hiệu nhiễm trùng tai thường bắt đầu biến mất trong vòng 1- 2 tuần mà không cần điều trị. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm cơn đau hoặc cảm giác khó chịu.
Vơi trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc bị sốt trên 39°C, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh nhỏ tai.
Hầu hết các trường hợp chấn thương tai cũng tự lành mà không cần điều trị. Nếu bạn bị rách màng nhĩ mà không lành tự nhiên, bác sĩ có thể áp dụng một miếng vá bằng giấy đặc biệt cho vết rách. Miếng dán này giữ ống tai kín trong khi chờ cho màng nhĩ lành lại. Nếu miếng vá này không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm phẫu thuật tai bằng cách sử dụng một miếng vá lấy từ da của chính bạn.
Nếu tai bị chảy mủ là do viêm tai ngoài, bạn cần được điều trị y tế càng sớm càng tốt. Thông thường, bác sĩ sẽ cho bạn thuốc kháng sinh nhỏ tai để sử dụng trong khoảng một tuần. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần uống kháng sinh.
2. Những biện pháp nào giúp phòng ngừa tai chảy dịch?
Tai bị chảy nước phải làm thế nào? Một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng để phòng ngừa tai chảy mủ hoặc nước như:
- Để tránh nhiễm trùng tai, hãy cố gắng tránh xa những người bị các bệnh có tính chất lây nhiễm.
- Nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp trẻ phòng ngừa nhiễm trùng tai, vì trẻ bú mẹ sẽ nhận được kháng thể có trong sữa giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng
- Không đưa vật lạ vào tai để tránh gây thủng màng nhĩ
- Nếu phải làm việc trong khu vực có tiếng ồn quá mức, hãy sử dụng nút bịt tai để bảo vệ màng nhĩ.
- Bạn có thể ngăn chặn viêm tai ngoài bằng cách làm khô tai sau khi ở bơi, tắm, đi mưa. Ngoài ra, hãy cố gắng để nước chảy hết ra ngoài bằng cách nghiêng đầu sang một bên để nước thoát ra và sau đó đổi bên. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc nhỏ tai không cần kê đơn sau khi bơi để kiểm soát và làm dịu tình trạng viêm tai ngoài.
Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã nắm rõ về tình trạng chảy dịch tai, biết cách chăm sóc tai đúng cách.
[embed-health-tool-heart-rate]