Rối loạn chức năng ống eustachian xảy ra khi ống eustachian bị tắc nghẽn.
Tình trạng này có thể gây giảm thính lực và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác nếu không được điều trị đúng cách.
Rối loạn chức năng ống eustachian là gì?
Ống eustachian là ống nối tai giữa và vòm họng. Nó có nhiệm vụ cân bằng áp lực tai và xả dịch dư thừa từ tai giữa. Ống eustachian thường được đóng kín, trừ lúc bạn nhai, nuốt hoặc ngáp.
Ống eustachian có thể bị tắc nghẽn vì nhiều lý do. Khi ống eustachian bị tắc, bạn có thể cảm thấy đau, ù tai và suy giảm thính lực. Hiện tượng này được gọi là rối loạn chức năng ống eustachian.
Rối loạn chức năng ống eustachian là tình trạng tương đối phổ biến. Tùy vào nguyên nhân, bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian hoặc nhờ các biện pháp điều trị đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc tái phát, bạn nên đến bệnh viện để chữa trị.
Triệu chứng rối loạn chức năng ống eustachian
Các triệu chứng rối loạn chức năng ống eustachian có thể bao gồm:
- Cảm giác đầy và nghẹt trong tai
- Giảm thính lực
- Ù tai
- Xuất hiện các âm thanh lạ bên trong tai
- Cảm thấy ngứa ngáy hoặc đau đớn
Theo Healthline, các triệu chứng rối loạn chức năng ống eustachian có thể nhanh chóng biến mất hoặc kéo dài, phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Chẳng hạn, nếu các triệu chứng xuất hiện do thay đổi độ cao, chúng có thể biến mất khi bạn trở về vị trí ban đầu. Ngược lại, các triệu chứng do bệnh lý hoặc những nguyên nhân khác thường có xu hướng kéo dài hơn.
Nguyên nhân gây rối loạn chức năng ống eustachian
Dị ứng và cảm lạnh là hai nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn chức năng ống eustachian. Chúng có thể khiến cho ống eustachian bị viêm hoặc bị tắc bởi chất nhầy tích tụ.
Người bị viêm xoang cũng có nguy cơ bị tắc ống eustachian cao hơn so với người bình thường.
Ngoài ra, việc thay đổi độ cao (đi máy bay, thang máy, leo núi…) cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây rối loạn chức năng ống eustachian.
Các yếu tố rủi ro gây rối loạn chức năng ống eustachian
Rối loạn chức năng ống eustachian có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này, chẳng hạn như:
Béo phì
Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chức năng ống eustachian do chất béo tích tụ xung quanh ống eustachian.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể làm hỏng phần lông mao bảo vệ tai giữa. Lông mao bị tổn thương làm tăng khả năng tắc nghẽn chất nhầy bên trong tai.
Dị ứng
Những người bị dị ứng có thể có nhiều chất nhầy và dễ bị tắc tai hơn. Đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Trẻ em có nguy cơ rối loạn chức năng ống eustachian cao hơn so với người lớn. Nguyên nhân là bởi các ống eustachian của trẻ có kích thước nhỏ hơn. Điều này có thể khiến chất nhầy và vi khuẩn bị mắc kẹt trong tai. Bên cạnh đó, do hệ thống miễn dịch yếu, trẻ em cũng thường dễ bị nhiễm trùng và cảm lạnh hơn.
Bạn nên gặp bác sĩ nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 2 tuần. Trẻ em là đối tượng nên được điều trị sớm nếu có các dấu hiệu của bệnh này vì trẻ có nguy cơ nhiễm trùng tai cao hơn người trưởng thành.
Chẩn đoán giảm thính lực do rối loạn chức năng ống eustachian
Rối loạn chức năng ống eustachian thường được chẩn đoán thông qua các bài kiểm tra thể chất. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng đau, sự thay đổi thính giác hoặc các triệu chứng khác mà bạn đang gặp. Sau đó, bác sĩ sẽ nhìn vào trong tai, kiểm tra ống tai kỹ càng và ống thông đến mũi, họng của bạn.
Đôi khi, rối loạn chức năng ống eustachian có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề về tai khác, chẳng hạn như sự đóng mở bất thường của ống eustachian.
Điều trị giảm thính lực do rối loạn chức năng ống eustachian
Bệnh thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Song, nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn hai tuần thì bạn cần đi gặp bác sĩ. Cách thức điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh. Các biện pháp điều trị thường là điều trị tại nhà, thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc kê đơn.
Điều trị tại nhà
Các triệu chứng ít nghiêm trọng có thể được giải quyết bằng các biện pháp đơn giản tại nhà, chẳng hạn như:
- Nhai kẹo cao su
- Nuốt
- Ngáp
- Thở ra bằng lỗ mũi khi ngậm miệng
- Sử dụng bình xịt mũi
Để xử lý các triệu chứng rối loạn chức năng ống eustachian ở trẻ nhỏ, bạn có thể cho bé bú bình hoặc ngậm núm vú giả.
Thuốc không kê đơn
Nếu dị ứng là nguyên nhân gây tắc ống eustachian, bạn có thể dùng thuốc chống dị ứng không kê đơn. Các loại thuốc kháng histamine, chẳng hạn như diphenhydramine (benadryl) hoặc cetirizine (zyrtec, aller-tec, alleroff) có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng và các vấn đề về tai liên quan.
Thuốc giảm đau OTC, chẳng hạn như acetaminophen (tylenol) và ibuprofen (advil, motrin) có thể giúp giảm đau tai. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và liều lượng. Đồng thời, bạn cũng nên hỏi bác sĩ về tương tác của thuốc với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng.
Thuốc kê đơn
Trong trường hợp nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh. Các loại thuốc này thường ở dạng thuốc nhỏ tai, viên uống hoặc cả hai. Corticosteroid đường uống có thể được sử dụng trong trường hợp viêm nặng.
Các trường hợp nghiêm trọng có thể cần điều trị xâm lấn. Các ống cân bằng áp suất sẽ được cấy ghép nhằm cân bằng áp lực tai và chống nhiễm trùng tai giữa mãn tính.
Chất lỏng tích tụ có thể cần được dẫn lưu nếu ống eustachian hoạt động không bình thường. Các bác sĩ sẽ tạo ra một vết cắt nhỏ trong màng nhĩ để dịch có thể thoát ra ngoài.
Biến chứng của rối loạn chức năng ống eustachian
Biến chứng phổ biến nhất của bệnh là nguy cơ tái phát triệu chứng. Các triệu chứng thường quay trở lại nếu bạn không điều trị triệt để nguyên nhân gây ra nó. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh này cũng có thể gây ra:
- Viêm tai giữa mãn tính
- Viêm tai giữa có tràn dịch. Biến chứng này có thể kéo dài trong một vài tuần. Nếu nghiêm trọng hơn, nó có thể gây tổn thương thính giác vĩnh viễn
- Tình trạng màng nhĩ bị kéo về ống tai.
Dung Nguyễn / HELLO BACSI
[embed-health-tool-heart-rate]