Viêm tai ngoài là tình trạng chỉ phần tai ngoài (bao gồm vành tai và ống tai ngoài) bị nhiễm trùng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em từ 5-14 tuổi. Viêm tai ngoài không được điều trị có thể dẫn đến viêm tai ngoài mãn tính, thủng màng nhĩ hoặc viêm tai ngoài ác tính.
Vậy làm sao để điều trị viêm tai ngoài hiệu quả và nhanh lành? Cùng tìm hiểu cách điều trị viêm tai ngoài được nhiều chuyên gia tin tưởng áp dụng trong bài viết sau của Hello Bacsi bạn nhé.
Điều trị tình trạng nhiễm trùng – tác nhân chính gây viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài thường xảy ra khi có các điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus hoặc nấm sinh sôi và phát triển trong ống tai ngoài. Do đó, trọng tâm chính của điều trị viêm tai ngoài là điều trị nhiễm trùng. Trong đó, thuốc nhỏ tai kháng sinh là lựa chọn điều trị phổ biến nhất. Một số loại thuốc nhỏ tai phổ biến được sử dụng để điều trị viêm tai ngoài là:
- Ciprofloxacin/dexamethasone (kết hợp kháng sinh và steroid)
- Ofloxacin
- Finafloxacin
Nếu ống tai ngoài của bạn bị tắc nghẽn, bác sĩ sẽ thực hiện các thủ tục để làm sạch nó. Họ có thể dùng kính hiển vi và thiết bị hút chuyên dụng để lấy ráy tai hoặc vật thể lạ ra khỏi ống tai của bạn.
Đôi khi bác sĩ cũng kê đơn thuốc kháng sinh đường uống cho bạn. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm tai không biến chứng, việc dùng thuốc nhỏ tai kháng sinh sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn vì thuốc tác động trực tiếp đến khu vực bị nhiễm trùng.
Thuốc kháng sinh đường uống có nhiều tác dụng phụ hơn so với thuốc nhỏ tai kháng sinh. Đồng thời, việc dùng loại thuốc này cũng có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Do đó, thuốc kháng sinh đường uống thường chỉ được kê đơn khi nhiễm trùng tai ngoài đã bắt đầu lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Các triệu chứng sẽ bắt đầu cải thiện trong vòng 48-72 giờ sau khi bạn sử dụng thuốc nhỏ tai theo hướng dẫn của bác sĩ. Các triệu chứng dai dẳng hơn thường sẽ hết hẳn sau khoảng 1 tuần kể từ khi nhỏ thuốc.
Điều quan trọng cần lưu ý là bạn phải tiếp tục sử dụng thuốc nhỏ tai theo đúng chỉ định kể cả khi đã cảm thấy tốt hơn. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục hoặc trở nên tồi tệ hơn, hãy đi tái khám để được kiểm tra lại.
Điều trị các cơn đau do viêm tai ngoài
Bạn có thể kiểm soát các cơn đau do viêm tai ngoài gây ra bằng thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng thuốc nhỏ tai giảm đau. Loại thuốc này không được sử dụng khi tai đang bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, một số biện pháp khắc phục tại nhà như chườm ấm, chườm lạnh, kỹ thuật gây xao nhãng để giảm đau… có thể giúp ích trong một số trường hợp.
Việc áp dụng các biện pháp dân gian cũng có khả năng kiểm soát bệnh nhưng chúng thường không đủ mạnh để điều trị viêm tai ngoài triệt để. Trước khi áp dụng các phương pháp này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc kháng sinh.
Một số lưu ý cần nắm khi điều trị viêm tai ngoài
Trong một số trường hợp nhẹ, bạn có thể điều trị viêm tai ngoài bằng việc áp dụng các cách chữa viêm tai ngoài tại nhà. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế dùng cách này, vì các triệu chứng bạn đang gặp phải có thể là do một vấn đề sức khỏe khác tương tự viêm tai ngoài gây ra, bao gồm:
- Đau tai
- Tai chảy dịch
Mặc dù có các biểu hiện tương tự nhưng các tình trạng trên có thể cần các phương pháp điều trị khác nhau. Chẳng hạn, thuốc kháng sinh sẽ được kê đơn với liều lượng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Bệnh viêm tai ngoài có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách điều trị phù hợp. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hoặc điều trị sai cách, nó sẽ dẫn đến một bệnh lý nghiêm trọng gọi là viêm tai ngoài ác tính. Đặc biệt, tình trạng này có nguy cơ xuất hiện cao hơn ở bệnh nhân tiểu đường hoặc những người bị suy giảm miễn dịch. Do đó, việc đến bệnh viện để kiểm tra chi tiết là điều vô cùng cần thiết.
Các yếu tố khác cần được xem xét trước khi bắt đầu điều trị viêm tai ngoài bao gồm:
- Tình trạng tổn thương màng nhĩ
- Bệnh tiểu đường
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
- Đã từng trải qua xạ trị trước đó hay chưa
Phòng ngừa viêm tai ngoài
Bạn hoàn toàn có khả năng ngăn ngừa bệnh viêm tai ngoài bằng các biện pháp đơn giản sau:
- Sử dụng nút bịt tai để ngăn tối đa nước tràn vào tai khi đi bơi. Nếu bạn không có nút bịt tai, bạn hãy dùng mũ bơi dạng trùm đầu thay thế
- Không tắm hoặc bơi trong hồ, ao, sông hoặc những vùng nước bẩn, chứa nhiều vi khuẩn
- Sau khi bơi, nghiêng đầu về một bên để nước chảy ra khỏi tai. Sau đó lấy khăn sạch để lau khô tai ngoài. Bạn cũng có thể dùng máy sấy tóc ở mức nhiệt thấp nhất và đặt cách tai một đoạn khoảng 30cm để làm khô tai.
- Không đưa ngón tay, bút chì, kẹp tăm, khăn giấy hoặc bất cứ vật lạ nào vào ống tai của bạn. Điều này không chỉ gây trầy xước da tai mà còn làm tăng nguy cơ mắc kẹt đồ vật trong tai, dẫn đến nhiễm trùng, thậm chí là thủng màng nhĩ.
- Không cố gắng để lấy ráy tai ra ngoài. Ráy tai có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đôi tai của bạn. Việc lấy ráy tai không đúng cách có thể khiến ráy tai bị đẩy vào sâu hơn bên trong. Khi cảm thấy mình có quá nhiều ráy tai và cần loại bỏ, bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn cách lấy ráy tai an toàn.
- Luôn giữ các thiết bị như tai nghe hoặc máy trợ thính sạch sẽ. Các thiết bị này có thể cọ vào ống tai và gây trầy xước, dẫn đến nhiễm trùng tai ngoài. Để giảm thiểu rủi ro, hãy vệ sinh máy trợ thính của bạn mỗi đêm trước khi đi ngủ.
- Đặt bông gòn, khăn hoặc tấm vải để che tai trước khi sử dụng keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc hoặc các sản phẩm làm đẹp da mặt/tóc khác. Hóa chất trong mỹ phẩm có thể gây kích ứng da, dẫn đến bệnh viêm tai ngoài.
- Trong trường hợp bạn bị tiểu đường hoặc các vấn đề suy giảm miễn dịch (chẳng hạn như HIV), bạn nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ bị mắc viêm tai ngoài và các biến chứng có thể xảy ra.
Viêm tai ngoài là căn bệnh không quá nghiêm trọng và có thể điều trị dứt điểm. Điều quan trọng là bạn cần đi khám sớm khi có dấu hiệu của bệnh để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
[embed-health-tool-heart-rate]