Hiện tượng chảy máu mũi có cục máu đông là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi các niêm mạc mũi bị tổn thương để ngăn chặn máu mũi chảy quá nhiều. Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu bất thường, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra.
Đông máu là cơ chế tự nhiên của cơ thể để ngăn ngừa hiện tượng chảy máu quá nhiều do tổn thương mạch máu. Thông thường, khi bị chảy máu mũi, bạn sẽ rất dễ bắt gặp các cục máu đông.
Cục máu đông có thể có kích thước tương đối lớn, gây khó khăn trong việc loại bỏ.
Nguyên nhân gây chảy máu mũi
Hiện tượng chảy máu mũi xảy ra khi các mạch máu nhỏ nằm gần bề mặt bên trong mũi bị tổn thương. Một số nguyên nhân gây chảy máu mũi phổ biến là:
Chấn thương
Chấn thương mũi hoặc đầu khi bị tai nạn hoặc chơi thể thao có thể gây chảy máu mũi. Nếu tình trạng chảy máu mũi do chấn thương đầu gây ra, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.
Môi trường khô lạnh, độ ẩm thấp
Nhiệt độ không khí và độ ẩm thấp sẽ làm khô niêm mạc mũi, gây kích thích và chảy máu.
Ngoáy mũi
Các tổn thương mao mạch mũi do ngoáy mũi bằng ngón tay hoặc vật lạ khác là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng chảy máu mũi.
Xì mũi
Xì mũi quá nhiều và mạnh (đặc biệt là khi bị cảm lạnh, viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp) có thể làm tổn thương đến các mạch máu trong mũi, gây ra hiện tượng chảy máu mũi.
Tại sao bạn gặp hiện tượng chảy máu mũi có cục máu đông?
Sự đông máu là quá trình cơ thể tự bảo vệ khỏi việc chảy máu quá nhiều khi các mạch máu bị tổn thương. Khi bạn bị chảy máu mũi, cục máu đông có thể hình thành để ngăn chặn việc chảy máu.
Khi muốn máu mũi ngừng chảy, chúng ta thường nghiêng đầu về phía trước và dùng ngón tay chặn hoặc bịt mũi lại. Lúc này, máu trong mũi sẽ bắt đầu đông lại và thường đọng lại trong lỗ mũi, gây ra hiện tượng chảy máu mũi có cục máu đông.
Cục máu đông trong mũi có thể có kích thước khá lớn và khó loại bỏ. Nguyên nhân là vì hốc mũi có đủ không gian để máu và chất nhầy tích tụ, khiến cục máu đông dần trở nên lớn hơn.
Cách loại bỏ cục máu đông có trong mũi
Một số cách có thể giúp bạn lấy đi cục máu đông trong mũi một cách an toàn.
Nếu mũi của bạn chưa ngưng chảy máu, có thể cục máu đông cũ sẽ chảy ra ngoài cùng với lượng máu mới. Nếu nó không tự thoát ra được, bạn có thể nhẹ nhàng xì mũi để đẩy nó ra. Việc này sẽ ngăn cục máu đông to hơn hình thành từ cục máu đông cũ.
Nếu bạn đã bịt mũi bằng khăn giấy hoặc bông, cục máu đông có thể thoát ra khi bạn lấy khăn/bông ra ngoài.
Bạn có thể phải xì mũi để đẩy cục máu đông ra khăn giấy. Hãy xì mũi một cách nhẹ nhàng và không nên xì mũi quá sớm sau khi bị chảy máu.
Phòng tránh hiện tượng chảy máu mũi có cục máu đông
Theo Healthline, bạn có thể phòng tránh hiện tượng chảy máu mũi và chảy máu mũi tái phát bằng những cách sau:
- Nghỉ ngơi tại chỗ, đặt đầu ở vị trí cao hơn ngực
- Tránh uống chất lỏng nóng trong tối thiểu 24 giờ
- Mở miệng khi hắt hơi, cố gắng đẩy không khí ra bằng đường miệng thay vì đường mũi
- Tránh ngoáy mũi, xì mũi quá mạnh hoặc đưa vật lạ vào mũi
- Hạn chế cúi người
- Không nâng vật nặng
- Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc có tác dụng chống đông máu như aspirin, warfarin (Coumadin) và clopidogrel (Plavix), hãy trao đổi với bác sĩ về một lựa chọn khác thay thế
- Bỏ hút thuốc lá, hạn chế đến những nơi có khói thuốc
- Dùng thuốc xịt mũi bằng nước muối không kê toa. Loại thuốc này có tác dụng giữ ẩm bên trong mũi của bạn
- Dùng máy tạo độ ẩm không khí trong những ngày trời lạnh, độ ẩm thấp
- Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc chơi các môn thể thao vận động mạnh, có khả năng làm tổn thương vùng mặt như võ thuật hoặc khúc côn cầu
- Đeo mặt nạ hoặc thiết bị bảo vệ chuyên dụng khi phải tiếp xúc với hóa chất.
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Nếu mũi của bạn chảy máu thường xuyên, bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay khi:
- Bạn bị chảy máu mũi lâu hơn 20 phút
- Chảy máu mũi do chấn thương đầu gây ra
- Mũi bị biến dạng hoặc gãy
- Khó thở, chóng mặt khi bị chảy máu mũi.
Dung Nguyễn / HELLO BACSI
[embed-health-tool-heart-rate]