Cơ nhị đầu ở bắp tay có hai đầu gân (đầu ngắn và đầu dài) gắn với xương vai và một gân bám vào xương quay ở khuỷu tay. Rách gân cơ nhị đầu có thể xảy ra ở trên vai hoặc dưới khuỷu tay.
Tìm hiểu chung
Rách gân cơ nhị đầu là gì?
Bình thường, gân cơ nhị đầu sẽ gắn kết chắc chắn với các xương ở vai và khuỷu tay. Tuy nhiên, khi vận động quá sức hoặc liên tục, một trong số các gân cơ nhị đầu có thể bị xơ và rách hoặc đứt hoàn toàn (gân tách ra khỏi xương hoặc đứt thành hai đoạn).
Gân này cũng có thể bị rách trong một chấn thương như di chuyển hoặc vặn khuỷu tay hay vai đột ngột, sai tư thế hoặc té ngã mà dùng cánh tay đỡ. Ở khuỷu tay, gân cơ nhị đầu thường rách khi bạn cố gắng nâng những đồ vật nặng, như ghế sofa hay tủ lạnh.
Sau khi bị rách gân cơ nhị đầu, cơ bắp này không còn phối hợp tốt với xương để co duỗi, dẫn đến bị yếu cơ và có thể gây đau đớn, khó chịu.
Theo vị trí bị tổn thương, có hai loại rách gân cơ nhị đầu:
Rách gân cơ nhị đầu ở vai
Tình trạng này xảy ra khi một trong hai đầu gân cơ nhị đầu gắn với xương vai bị rách. Gân đầu dài thường dễ bị rách hơn so với gân đầu ngắn. Tổn thương gân cơ này có thể bắt đầu từ gân xơ tiến triển hoặc rách trong chấn thương.
Đây cũng là loại chấn thương ở gân cơ nhị đầu phổ biến nhất. Khi gân cơ nhị đầu bị rách một phần hay hoàn toàn (đứt gân) có thể cũng gây ảnh hưởng đến phần khác ở vai, như gân chóp xoay (rotator cuff tendon).
Rách gân cơ nhị đầu ở khuỷu tay
Rách gân cơ nhị đầu ở khuỷu tay không thường xảy ra, chỉ gặp ở khoảng 3–5 người trên 100.000 người mỗi năm. Tình trạng này cũng ít xảy ra đối với phụ nữ.
Tổn thương này hay xảy ra khi khuỷu tay bị tác động từ một lực mạnh đột ngột do nâng đỡ đồ vật nặng. Rách gân cơ nhị đầu ở khuỷu tay thường gây yếu cơ hơn so với tổn thương gân ở vai.
Một khi bị rách, gân cơ nhị đầu ở khuỷu tay không thể liền lại với xương và lành lặn như ban đầu. Các cơ khác trong cánh tay vẫn có thể hoạt động bù trừ để bạn cử động uốn cong khuỷu tay mà không cần đến gân này. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể thực hiện được các chức năng vận động của khuỷu tay, đặc biệt là xoay cánh tay lên và xuống (úp, ngửa).
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng rách gân cơ nhị đầu
Các triệu chứng xuất hiện khi bị rách gân cơ nhị đầu bao gồm:
- Có cảm giác nghe được âm thanh “póc” hay cảm nhận được rách gân xảy ra khi có chấn thương
- Cảm giác nóng ấm xung quanh vị trí thương tổn
- Sưng
- Bầm tím
- Đau hoặc nhức ở vị trí tổn thương và lan khắp cánh tay (thường đau nhiều vào lúc đầu và giảm bớt sau vài tuần)
- Mệt mỏi hoặc cảm giác đau ở cánh tay tăng lên khi bạn thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại
- Sưng ở phần trên cánh tay vì cơ nhị đầu không còn được giữ ở đúng vị trí (có khi thấy một khoảng trống hoặc vết lõm ở phía trước khuỷu tay)
Nguyên nhân
Nguyên nhân rách gân cơ nhị đầu là gì?
Hai nguyên nhân chính dẫn đến rách gân cơ nhị đầu là do chấn thương và vận động quá mức.
Chấn thương có thể xảy ra trong khi bạn nâng vật nặng hoặc đỡ một vật có trọng lượng khá lớn đang rơi bằng cánh tay. Hầu hết tình trạng rách gân ở khuỷu tay xảy ra do chấn thương.
Vận động quá mức có khả năng khiến cho gân bị mòn và xơ theo thời gian. Điều này cũng là quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi tác. Tình trạng này có thể tệ hơn do những cử động lặp đi lặp lại và xuất hiện phổ biến ở những người tham gia các môn thể thao như cử tạ, quần vợt (tennis) hay bơi lội.
Các yếu tố nguy cơ gây rách gân cơ nhị đầu
Nguy cơ rách gân cơ nhị đầu sẽ tăng theo các yếu tố sau:
- Tuổi tác. Người cao tuổi có nguy cơ bị rách gân cơ nhị đầu cao hơn người trẻ.
- Nâng vật nặng lên cao qua đầu. Cử tạ là một ví dụ điển hình. Nhiều công việc đòi hỏi bạn phải nâng vật nặng lên cao và tạo ra nhiều áp lực lên gân cơ ở bắp tay.
- Vận động quá mức. Các môn thể thao với những động tác lặp đi lặp lại như bơi lội, tennis có thể gây mòn gân nhiều hơn bình thường.
- Hút thuốc. Nicotine trong khói thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sức mạnh và chất lượng của gân.
- Thuốc corticosteroid. Sử dụng corticosteroid lâu dài có liên quan đến tăng nguy cơ yếu cơ và gân.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán rách gân cơ nhị đầu?
Đầu tiên, bạn cần trình bày với bác sĩ về những triệu chứng đang gặp phải và các chấn thương gần đây (nếu có), cũng như thời gian cơn đau bắt đầu.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe thể chất để đánh giá phạm vi chuyển động và sức mạnh cơ bắp. Trong các thử nghiệm đó, bạn có thể bị đau hoặc gặp khó khăn trong một số cử động nhất định, nhất là cử động xoay. Bác sĩ cũng kiểm tra cánh tay để xem các triệu chứng sưng phồng, bầm tím.
Thông qua tình trạng bệnh sử và thăm khám thể chất thường là đủ giúp bác sĩ chẩn đoán rách gân cơ nhị đầu. Tuy nhiên, bác sĩ có khi yêu cầu bạn chụp X-quang để loại trừ các tổn thương xương khác hoặc chụp MRI để xem rách gân một phần hay toàn bộ.
Những phương pháp điều trị rách gân cơ nhị đầu
Việc điều trị rách gân cơ nhị đầu sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ nghiêm trọng của thương tổn cũng như chức năng vận động tổng thể của bắp tay. Điều trị có thể phức tạp hơn nếu chấn thương còn tác động đến các bộ phận khác như tổn thương chóp xoay (rotator cuff).
Các phương pháp điều trị tiềm năng bao gồm:
Nghỉ ngơi
Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế sử dụng cánh tay càng ít càng tốt để cơ thể có thời gian phục hồi, nhất là khi nguyên nhân rách gân cơ nhị đầu là do vận động quá mức.
Cố gắng tránh thực hiện các hoạt động có thể gây đau đớn, ngay cả khi bạn nghĩ việc đó không có gì là nặng nhọc.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
Đây là nhóm thuốc kháng viêm hiệu quả, giúp giảm bớt phản ứng viêm và sưng do rách gân. NSAID cũng có khả năng giảm đau do chấn thương gân cơ nhị đầu.
Vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu là một cách giúp bạn có thể hồi phục sức mạnh và phạm vi chuyển động sau khi chấn thương gân cơ nhị đầu. Nhà vật lý trị liệu sẽ thiết kế những bài tập giúp hỗ trợ chữa lành vết thương và giảm bớt đau đớn, khó chịu.
Phẫu thuật
Nếu các cách trên không có hiệu quả hoặc tình trạng rách gân cơ nhị đầu của bạn quá nghiêm trọng (rách hơn 50% hoặc đứt gân), bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành phẫu thuật.
Phẫu thuật giúp gắn lại gân với xương chắc chắn như bình thường. Biến chứng sau khi phẫu thuật này thường hiếm khi xảy ra, có thể là tê hoặc yếu ở cánh tay bị ảnh hưởng. Một số người, gân có thể bị rách lại lần nữa.
Phục hồi
Thời gian phục hồi sau khi rách gân cơ nhị đầu
Thời gian phục hồi cũng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương ở gân cơ nhị đầu cùng phương thức điều trị. Thực tế, những tổn thương nhẹ cũng mất ít nhất 2 tháng để lành lại hoàn toàn. Trung bình, bạn có thể mất 4–5 tháng để bắt đầu quay trở lại với những hoạt động bình thường.
Sau khi phẫu thuật, bạn có thể phải đeo một băng đeo đỡ cánh tay hoặc cố định cánh tay bằng cách bó bột hay nẹp trong 4–6 tuần. Tiếp đó, bạn cần tập vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cho cánh tay và cải thiện phạm vi chuyển động.
Để phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật, bạn có thể mất đến 1 năm mặc dù khả năng cử động và sức mạnh cơ bắp phần lớn hồi phục lại trong 4–6 tháng.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]