backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)- Liệu pháp tự thân chữa lành vết thương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 12/08/2021

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)- Liệu pháp tự thân chữa lành vết thương

Trong những năm gần đây, các liệu pháp tự thân như huyết tương giàu tiểu cầu ngày càng được ứng dụng rộng rãi để chữa lành vết thương, đặc biệt trong điều trị các bệnh cơ xương khớp. Liệu pháp này có độ lành tính cao, sẵn có và tác dụng nhanh chóng.

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về liệu pháp độc đáo này nhé!

Tìm hiểu chung

Huyết tương giàu tiểu cầu là gì?

Huyết tương là phần chất lỏng của máu, có chứa các tế bào máu, nhỏ, lơ lửng như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong số đó, tiểu cầu là loại tế bào đóng vai trò to lớn trong quá trình đông máu và chứa đựng hàng trăm các yếu tố tăng trưởng khác nhau, rất quan trọng trong việc chữa lành vết thương.

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP: Platelet Rick Plasma) còn được gọi là gel tiểu cầu tự thân, huyết tương giàu yếu tố tăng trưởng, huyết tương cô đặc tiểu cầu… Về bản chất, đây là huyết tương có chứa nồng độ tiểu cầu lơ lửng cao hơn bình thường từ 2 – 8 lần. Loại huyết tương này được chiết tách từ chính máu của bệnh nhân.

Cơ chế tác dụng của PRP

Tiểu cầu liên quan đến các giai đoạn chính của quá trình phục hồi và làm lành vết thương, bao gồm điều hòa hóa học, tăng sinh, biệt hóa và hình thành mạch.

PRP hoạt động bằng cách tận dụng những hệ thống chữa trị tự nhiên của cơ thể, nhằm đẩy nhanh quá trình làm lành các mô bị tổn thương như khớp, gân, dây chằng và cơ; đồng thời giảm đau; chống viêm và tái tạo sụn.

Bên cạnh đó, PRP còn được biết đến với khả năng kích thích sự phát triển của các tế bào cấy tóc.

Hiện nay, việc sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu ưu tiên lấy từ chính bệnh nhân. Vì loại tự thân này có nhiều ưu điểm như không gây phản ứng chéo, phản ứng miễn dịch, lây truyền bệnh tật đồng thời giảm được đáng kể chi phí.

Khi nào cần thực hiện PRP

Liệu pháp này xâm lấn tối thiểu, ít đau, tăng mạnh tốc độ chữa lành vết thương tự nhiên, rất ít tác dụng phụ nên ngày càng được áp dụng rộng rãi.

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu

Những chỉ định điều trị bằng PRP gồm có:

  • Viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối (nhẹ đến trung bình, kém đáp ứng thuốc), các bệnh lý phần mềm quanh khớp: Tác dụng là cải thiện, tăng tổng hợp tế bào sụn khớp, giảm đau, tăng cường chức năng khớp gối. Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu trong thoái khóa khớp gối được áp dụng rất nhiều tại các bệnh viện lớn ở trong nước, cải thiện hiệu quả và hầu như không có biến chứng nào đáng kể
  • Chấn thương gân mạn tính: Triển vọng nhất là viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, viêm gân Achilles mạn tính
  • Chấn thương dây chằng và cơ cấp tính: Chẳng hạn như giãn cơ gân kheo ở đùi và bong gân đầu gối
  • Phẫu thuật: Hỗ trợ giúp các mô nhanh lành hơn sau phẫu thuật. Điển hình là phẫu thuật sửa chữa rách dây chằng đầu gối, rách sụn chêm
  • Điều trị rụng tóc: Sử dụng bổ sung trong cấy ghép tóc để làm tóc trông dày hơn, hứa hẹn có thể điều trị chứng hói đầu ở nam giới (còn đang nghiên cứu).

Huyết tương giàu tiểu cầu tồn tại trong cơ thể và có tác dụng trong 6 – 9 tháng sau đó.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi tiêm PRP

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu không dành cho những đối tượng sau đây:

  • Chống chỉ định tuyệt đối: Rối loạn chức năng tiểu cầu, giảm tiểu cầu nặng, nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm, phụ nữ có thai, cho con bú.
  • Chống chỉ định tương đối: Người vừa tiêm corticoid tại chỗ trong vòng 1 tháng, dùng corticoid toàn thân trong vòng 2 tuần, dùng NSAIDs trong vòng 48 giờ, bệnh nhân ung thư.

Do đó, trước khi thực hiện liệu pháp này, bạn nên cho bác sĩ biết tất cả những loại thuốc, thực phẩm chức năng hay kể cả vitamin mà mình đang dùng. Quan trọng hơn cả là làm theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng hay ngừng các thuốc có thể làm kéo dài thời gian chảy máu như aspirin, naproxen, ibuprofen…

Trong trường hợp bạn áp dụng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu để điều trị rụng tóc, hãy gội đầu sạch trước khi thực hiện, không sử dụng những sản phẩm trên tóc (nước hoa, gel tạo kiểu…) và mang theo mũ sạch để đội sau khi tiêm, giúp bảo vệ vết tiêm.

Cuối cùng, hãy ăn gì đó trước tiêm để tránh tình trạng choáng váng khi lấy máu.

Tác dụng phụ của PRP

Phương pháp này khá lành tính, tuy nhiên đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ như đau tại chỗ tiêm, nhiễm trùng, tổn thương mô, chấn thương thần kinh do quá trình tiêm không đảm bảo vô trùng.

Quy trình

Kỹ thuật tách huyết tương giàu tiểu cầu

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu

Đầu tiên, bác sĩ sẽ lấy máu từ cánh tay của bạn để tạo ra huyết tương giàu tiểu cầu. Họ tiến hành ly tâm máu ở các tốc độ khác nhau cho đến khi phân tách thành 3 lớp: huyết tương nghèo tiểu cầu, huyết tương giàu tiểu cầu và hồng cầu.

Thông thường cần ly tâm hai lần. Lần thứ nhất giúp tách huyết tương nghèo tiểu cầu ra khỏi phần máu còn lại. Sau đó thực hiện lần hai để tách phần hồng cầu ra khỏi huyết tương giàu tiểu cầu. Kế tiếp, chất chủ vận tiểu cầu được thêm vào để kích hoạt dòng chảy đông máu, tạo ra gel tiểu cầu. Toàn bộ quá trình diễn ra trong khoảng 12 phút, cô đặc tiểu cầu lên 3 – 5 lần so với tự nhiên.

Quy trình tiêm PRP

Sau khi tách được gel tiểu cầu, bác sĩ tiêm lidocain gây tê vào vùng tổn thương của bệnh nhân hoặc trên da đầu trong điều trị rụng tóc trước, sau đó tiêm PRP vào sau. Riêng đối với trường hợp hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật, PRP được tiêm vào vùng phẫu thuật trong quá trình thực hiện.

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu diễn ra trong khoảng 30 phút đến 1 giờ. Nếu cần thiết, một số người cần tiêm nhiều mũi, mỗi mũi cách nhau từ 4 – 6 tuần.

Sau khi tiêm PRP

Bệnh nhân có thể về nhà sau 1 – 2 giờ tiêm. Một số người bị đau vùng điều trị trong 2 – 3 ngày sau đó và/hoặc bị bầm tím. Hãy xin ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc giảm đau thông thường, chẳng hạn như paracetamol. Nếu đau dữ dội hoặc gặp tác dụng phụ thì nên trở lại bệnh viện để kiểm tra.

Riêng đối với điều trị rụng tóc, cần tránh rửa vùng điều trị trong 48 giờ, sau đó có thể sử dụng các thuốc hoặc sản phẩm trên tóc bình thường. Sau 1 tuần là có thể nhuộm tóc bình thường.

Bệnh nhân nên tránh uống thuốc chống viêm trong 6 tuần sau khi tiêm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 12/08/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo