Đau khớp háng bên trái là cảm giác đau đớn hoặc khó chịu bên trong hoặc xung quanh khớp háng bên trái, phần khớp tiếp nối xương chậu và xương đùi. Cơn đau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào: khi di chuyển hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi, đau có thể tăng lên vào buổi sáng sớm hoặc ban đêm khi ngủ.
Vậy bạn đã biết các nguyên nhân có thể gây đau khớp háng và hướng khắc phục chưa? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Đau khớp háng bên trái là gì?
Khớp háng là khớp động, khớp hoạt dịch, hình chỏm cầu tiếp nối giữa xương chậu và xương đùi. Đây là một khớp lớn có chức năng chịu áp lực của cơ thể, liên quan đến nhiều hoạt động vận động của chi dưới và các hoạt động phức tạp như gập, duỗi, đứng thẳng người,…
Đau háng bên trái là cảm giác đau đớn hoặc khó chịu bên trong hoặc xung quanh khớp háng bên trái. Cơn đau có thể nông vùng hông, có thể sâu vào trong khớp hoặc đau lan tỏa ra vùng lưng dưới hoặc vùng bẹn trái. Cảm giác đau có thể kéo dài hoặc xuất hiện thoáng qua rồi tự hết. Cơn đau sâu trong khớp háng bên trái gợi ý nguyên nhân đến từ xương hoặc sụn.
Bạn có thể cảm thấy đau khớp háng khi di chuyển và giảm khi nghỉ ngơi. Một số người sẽ cảm thấy đau vào những thời điểm khác nhau trong ngày: có thể đau nhiều hơn vào buổi sáng khi thức dậy hoặc đau vào ban đêm, đặc biệt nếu ngủ nằm nghiêng cùng bên với hông bị đau.
Đau khớp háng bên trái là bệnh gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp háng bên trái. Nguyên nhân có thể do vận động sai cách, vận động quá nhiều hoặc bệnh lý. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau khớp háng do bệnh lý đến từ khớp hoặc các bệnh lý ngoài khớp:
1. Nguyên nhân ít nghiêm trọng
1.1. Nguyên nhân tại khớp
- Viêm khớp: là bệnh lý gây cứng và sưng đau dữ dội ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể, trong số đó viêm khớp háng là loại khá thường gặp, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Các triệu chứng kèm theo bao gồm giảm khả năng chuyển động, cứng khớp, sưng tấy.
- Viêm bao hoạt dịch: là tình trạng viêm lớp đệm nhỏ chứa dịch có nhiệm vụ bôi trơn và nuôi dưỡng sụn khớp ở khớp, bao gồm cả khớp háng. Các triệu chứng viêm bao hoạt dịch bao gồm đau, đỏ và cứng khớp.
- Hoại tử chỏm xương đùi: là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do bị thiếu máu nuôi dưỡng phần trên chỏm xương đùi. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng, dẫn đến tàn phế
- Chấn thương: những chấn thương gây tổn thương các bộ phận khớp háng đều gây ra đau tại vị trí này. Nguyên nhân gây chấn thương có thể là chấn thương trong thể thao, té ngã, tai nạn giao thông…
1.2. Nguyên nhân ngoài khớp
- Bệnh Celiac: là phản ứng dị ứng của cơ thể với gluten, gây đau bụng và có thể gây viêm ở khớp. Các triệu chứng kèm theo bệnh celiac bao gồm thiếu máu, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, ngứa da và phát ban, buồn nôn, các vấn đề về hệ thần kinh, sụt cân, nôn mửa.
- Bệnh Crohn: gây viêm đường tiêu hóa và đau bụng. Các triệu chứng khác của bệnh Crohn bao gồm đau bụng, đi tiêu ra máu, chậm tăng trưởng và phát triển giới tính (ở trẻ em), tiêu chảy, viêm mắt, viêm khớp, mệt mỏi, sốt, lở miệng, chán ăn, sụt cân.
- Căng cơ và bong gân: là tình trạng các sợi cơ, gân, dây chằng bị kéo căng. Nếu căng cơ xảy ra đối với các cơ hỗ trợ khớp háng bên trái, nó có thể gây đau vùng khớp háng bên trái. Các triệu chứng khác của căng cơ như bầm tím, giảm khả năng vận động, co thắt cơ, yếu cơ, đau khi thở, đỏ, sưng.
2. Nguyên nhân nghiêm trọng
- Viêm tủy xương: xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào xương và khớp, gây đau ở xương bị ảnh hưởng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm mệt mỏi, sốt, đỏ, sưng và nóng ở vị trí nhiễm trùng.
- Ung thư xương: nếu ung thư tại xương gần khớp háng hoặc di căn đến xương háng người bệnh sẽ cảm thấy đau sâu trong xương, đau trầm trọng hơn khi vận động và tăng lên vào ban đêm, có thể kèm theo sốt.
- Bệnh bạch cầu: là bệnh ung thư của các mô tạo máu của cơ thể, có thể gây đau xương. Cơn đau thường xảy ra ở xương dài của cánh tay và chân, xương sườn và xương ức. Đôi khi có thể xảy ra tình trạng đau và sưng các khớp lớn, như hông và vai. Tình trạng này thường bắt đầu sau cơn đau xương vài tuần.
Cách điều trị và chăm sóc người bị đau khớp háng bên trái
Phương pháp điều trị cho chứng đau khớp háng bên trái phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó và mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
1. Sơ cứu cơn đau khớp háng bên trái
Với những trường hợp nhẹ như chấn thương nhẹ hoặc căng cơ, bạn có thể điều trị đau khớp háng tại nhà bằng phương pháp RICE:
- Nghỉ ngơi (Rest): Dừng vận động tránh làm vết thương nặng hơn.
- Chườm đá (Ice): Chườm túi nước đá trong 10 – 15 phút mỗi giờ trong ngày đầu tiên sau chấn thương. Sau một ngày, bạn có thể chườm đá 3-4 giờ một lần. Lưu ý: Không chườm đá trực tiếp lên da mà nên bọc túi đá vào khăn.
- Nén (Compression): Nén giúp giảm lưu lượng máu đến vùng bị thương và giảm sưng.
- Nâng cao phần hông (Elevation): Nếu có thể, hãy nâng hông và phần thân dưới lên cao hơn mức tim bằng cách kê chân bằng gối, chăn hoặc đệm.
2. Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp người bệnh giảm đau như paracetamol hoặc thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (ibuprofen, aspirin và naproxen) trong trường hợp viêm khớp hoặc căng cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu cần dùng thuốc nhiều hơn 10 ngày.
3. Vật lý trị liệu
Nếu cơn đau khớp háng bên trái là do viêm khớp, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp vật lý trị liệu. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn các động tác giãn cơ và các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ xung quanh vùng khớp bị ảnh hưởng. Điều này sẽ cải thiện sự ổn định, tính linh hoạt của cơ xương và có thể giảm đau.
Xem thêm: Bài tập chữa đau khớp háng
4. Phẫu thuật
Hầu hết người bị đau khớp háng sẽ không cần phẫu thuật. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác không giúp ích, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Nội soi khớp háng là loại phẫu thuật xâm lấn tối thiểu dùng trong điều trị đau khớp háng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện mổ ở phần hông bệnh nhân, sau đó đưa máy soi khớp vào khớp háng. Từ đó, họ có thể xác định và sửa chữa tổn thương bên trong khớp háng.
Một vài trường hợp có thể cần phải phẫu thuật khớp háng, ví dụ như khi cơn đau và các triệu chứng khác ở vùng hông ảnh hưởng đến khả năng đứng, đi lại và di chuyển của người bệnh hoặc khi khớp hông bị biến dạng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thay khớp háng của người bệnh bằng một bộ phận nhân tạo.
Khi nào bạn cần đi khám?
Hãy đến cơ sở y tế để thăm khám nếu bạn bị đau khớp háng bên trái liên tục hoặc nếu cơn đau dữ dội đến mức không thể thực hiện được các hoạt động thông thường hàng ngày. Bạn cũng cần đi khám nếu đau vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi.
Hãy liên hệ cấp cứu ngay nếu:
- Cơn đau khớp háng bên trái xuất hiện đột ngột.
- Bị té ngã hoặc tai nạn giao thông gây đau vùng hông.
- Khớp bị biến dạng, lệch khỏi vị trí hoặc chảy máu.
- Bạn nghe thấy tiếng nổ lộp bộp trong khớp khi bị thương.
- Cơn đau rất dữ dội.
- Bạn không thể di chuyển chân hoặc hông của mình.
- Sốt, ớn lạnh, mẩn đỏ hoặc bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào khác.
Làm gì để hạn chế tình trạng đau khớp háng bên trái?
Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được tình trạng đau khớp háng bên trái. Đặc biệt nếu nguyên nhân là do tai nạn mà chúng ta không thể lường trước hoặc do bẩm sinh. Tuy nhiên để hạn chế nhiều nhất các chấn thương vùng khớp háng, bạn hãy làm theo các hướng dẫn dưới đây.
Trong khi chơi thể thao hoặc các hoạt động thể chất khác, nên chú ý:
- Mang thiết bị bảo hộ phù hợp.
- Đừng cố vận động tiếp nếu hông của bạn bị đau trong hoặc sau khi hoạt động thể chất.
- Hãy cho cơ thể thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi sau khi hoạt động cường độ cao.
- Giãn cơ và khởi động trước khi chơi thể thao hoặc tập luyện.
- Hạ nhiệt và giãn cơ sau khi hoạt động thể chất.
Hãy làm theo những lời khuyên sau để giảm nguy cơ chấn thương:
- Đảm bảo nhà và không gian làm việc không bừa bộn có thể khiến bạn hoặc người khác vấp ngã.
- Luôn sử dụng các công cụ hoặc thiết bị thích hợp lấy đồ vật ở trên cao. Không nên đứng trên bàn ghế.
- Sử dụng gậy nếu bạn gặp khó khăn khi đi lại hoặc có nguy cơ té ngã cao.
- Giảm cân nếu thừa cân để giảm áp lực lên các khớp.
Đau khớp háng bên trái có thể được giải quyết bằng cách chườm đá hoặc dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, với các trường hợp đau ảnh hưởng tới khả năng vận động hoặc đau kéo dài không khỏi, bạn nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để được kiểm tra và có biện pháp điều trị phù hợp.
[embed-health-tool-bmi]