Đau cơ háng có nguy hiểm không?
Nếu bạn bị đau cơ háng do bị chấn thương, tư thế sai lệch, triệu chứng này sẽ được giảm nhanh sau khi nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân đến từ các vấn đề bệnh lý, thì bạn cần phải tiến hành chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất.
Các bệnh lý gây đau háng thường sẽ tiến triển theo thời gian, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên chất lượng cuộc sống và xuất hiện các biến chứng như:
- Tàn phế: Nếu không được điều trị kịp thời, sụn khớp bị hư hại hoàn toàn, mô xương xốp, rỗng và gãy khi phải chịu tác động. Đối với các trường hợp này, khớp bị hư hại nghiêm trọng, hầu như không có khả năng hồi phục, thậm chí có thể gây tàn phế.
- Suy nhược cơ thể: Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian. Và khi trong giai đoạn nặng, triệu chứng đau háng có thể bùng phát kể cả ban ngày hay đêm. Tần suất xảy ra cơn đau tăng lên dẫn đến việc mất ngủ, mệt mỏi, cơ thể uể oải và suy nhược cơ thể.
Bên cạnh đó, đau khớp háng còn gây tác động xấu đến các hoạt động sinh hoạt, giảm đi hiệu suất làm việc, đem lại không ít phiền toái trong cuộc sống.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau háng?
Hầu hết các trường hợp đau hai bên háng có thể tự khỏi mà không cần bất kỳ sự can thiệp y tế nào. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy cường độ đau có xu hướng tăng, kéo dài hoặc đi kèm với triệu chứng sốt hay sưng tấy, hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Bác sĩ sẽ kiểm tra đánh giá các biểu hiện và đặt câu hỏi về những hoạt động thể chất gần đây. Bạn nên cố gắng đưa ra đáp án chính xác nhất có thể vì các chuyên gia sẽ dựa vào đó để chẩn đoán vấn đề bạn đang gặp phải.
Sau đó, một số xét nghiệm chuyên sâu khác có thể được tiến hành nếu cần thiết, ví dụ như:
Xét nghiệm hình ảnh
Chụp X-quang hoặc siêu âm có thể giúp bác sĩ kiểm tra nguyên nhân đau cơ bẹn có xuất phát từ vấn đề như gãy xương, ung thư tinh hoàn hay u nang buồng trứng không.
Tổng phân tích tế bào máu (CBC)
Đôi khi bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu nhằm xác định liệu đau 2 bên bẹn có đến từ tình trạng nhiễm trùng hay không.
Những phương pháp điều trị đau háng
Hiện nay, bạn có nhiều lựa chọn cho việc chữa đau nhức ở khu vực háng. Phương pháp điều trị được áp dụng nên dựa trên nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Những cách điều trị đau háng thường được phân loại thành hai nhóm chính gồm:
Cách làm giảm đau cơ háng tại nhà
Nếu bạn gặp cơn đau háng bên trái hoặc bị đau háng bên phải do căng cơ, bạn có thể áp dụng những phương pháp khắc phục tại nhà. Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, đồng thời tạm ngưng các hoạt động thể chất trong khoảng 2–3 tuần sẽ giúp các cơ bị căng cứng dần dần tự hồi phục.
Ngoài ra, nếu cường độ đau gây khó chịu, bạn còn có thể:
- Sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn như paracetamol. Tuy nhiên, hãy lưu ý dùng thuốc theo đúng hướng dẫn sử dụng để tránh tác dụng không mong muốn.
- Chườm mát vào khu vực bị đau. Nhiệt độ thấp có thể giúp cải thiện tình trạng này tạm thời.
Các phương pháp chữa trị y tế
Nếu các phương pháp giảm đau cơ háng tại nhà không mang lại hiệu quả như mong đợi, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm để hỗ trợ xoa dịu triệu chứng.
Trong trường hợp tình trạng sức khỏe không có xu hướng cải thiện đáng kể hoặc tái phát nhiều lần, bạn nên đi tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của các chuyên gia y khoa.
Mặt khác, đôi khi bạn cũng sẽ cần trải qua phẫu thuật nếu nguyên nhân đau cơ háng bên trái, đau cơ háng bên phải là do gãy xương hoặc thoát vị bẹn.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau háng?
Bạn có thể dễ dàng ngăn chặn rủi ro phát sinh các cơn đau ở háng bằng một số thói quen như:
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh
- Lưu ý khi khuân vác vật nặng nhằm phòng ngừa thoát vị
- Luôn khởi động trước khi tập thể dục thể thao
Thêm vào đó, bạn còn có thể chủ động tập một số động tác co duỗi nhẹ nhàng tác động đến háng. Điều này giúp cơ háng quen dần với việc kéo giãn, từ đó hạn chế tình trạng căng cơ gây đau.
Bạn có thể tham khảo thêm: 11 bài tập chữa đau khớp háng an toàn, hiệu quả tại nhà
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!