Gãy xương chân là một chấn thương thường gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Sau một thời gian điều trị, người bệnh ít nhiều sẽ giảm khả năng vận động ở chân và cần có bài tập phục hồi chức năng phù hợp. Trong đó, tập đi sau khi bị gãy chân là một bước quan trọng.
Vậy cách tập đi sau khi bị gãy chân như thế nào? Khi nào thì có thể tập và đi lại bình thường được? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay qua các thông tin sau đây nhé!
Gãy chân bao lâu có thể đi lại được?
Thông thường, người bị gãy chân thường mất từ 6-8 tuần để vết gãy xương này liền lại. Người bệnh có thể cần sử dụng nạng hoặc các thiết bị khác để hỗ trợ đi lại cho đến khi chân có thể dùng sức và chịu lực được.
Ở một số trường hợp, gãy xương lớn (ví dụ xương đùi) cần mất từ 3-6 tháng để chữa lành vết thương hoặc thậm chí là nhiều thời gian hơn.
Trong thời gian hồi phục sau điều trị, bác sĩ sẽ đặt lịch để bạn tái khám và hướng dẫn một số bài tập cụ thể để tập đi và phục hồi chức năng. Lưu ý rằng nên thực hiện theo đúng chỉ dẫn từ bác sĩ, đừng nôn nóng quay lại các hoạt động sinh hoạt thường ngày quá nhanh. Điều này có thể sẽ làm cản trở quá trình lành xương trở lại dù vết thương đã đỡ đau.
Lời khuyên cho giai đoạn phục hồi sau gãy xương chân
Bên cạnh việc tập đi sau khi bị gãy chân, các biện pháp giúp làm đau và hỗ trợ chữa lành vết thương cũng cần được chú trọng. Trong đó, bạn có thể giảm sưng đau và thúc đẩy quá trình liền xương bằng cách:
Chườm lạnh lên vết thương. Lưu ý phải bọc đá trong túi hoặc khăn, không chườm đá lạnh trực tiếp lên vết gãy xương.
Cố gắng để chân được nghỉ ngơi và nâng cao chân trong 24-72 giờ đầu tiên sau chấn thương.
Vận động và tập thể dục sớm cho mắt cá chân (cổ chân) để giúp thúc đẩy tuần hoàn và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Vì lí do này mà các bài tập cổ chân cũng không kém phần quan trọng so với bài tập đi sau khi bị gãy chân. Dưới đây là một số gợi ý để tập cổ chân sau gãy xương chân:
- Xoay cổ chân để hướng bàn chân lên và xuống tối đa trong biên độ chuyển động của chân.
- Kề sát hai gót chân với nhau và giữ cố định. Sau đó từ từ di chuyển các ngón chân hay mũi bàn chân ra xa nhau và trở lại vị trí cũ.
- Xoay cổ chân theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
Bạn có thể xem thêm: Người bị gãy xương nên ăn gì để hồi phục nhanh hơn?
Cách tập đi sau khi bị gãy chân
Đối với người gãy xương chân, việc tập đi sau khi hoàn thành điều trị gãy xương đóng vai trò quan trọng vì bài tập này sẽ giúp người bệnh hạn chế nguy cơ té ngã và các biến chứng khác. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân mang các loại ủng chuyên dụng hay dùng nạng để hỗ trợ tập đi sau khi bị gãy chân.
- Nếu bệnh nhân sử dụng 2 nạng thì mục đích chính của chúng là nâng đỡ chân đau. Khi bệnh nhân bước đi thì chân còn lại làm chân trụ, chân đau bước lên; đồng thời 2 nạng của 2 tay đi theo chân để đỡ cho chân gãy.
- Trong trường hợp sử dụng 1 nạng, đa số bệnh nhân sẽ chỉ di chuyển bằng chân lành nhưng điều này sẽ khiến cho khung xương chậu bị nghiêng và làm chân đang gãy có cảm giác dài ra. Vì thế lưu ý nên đi dáng thẳng và tránh nghiêng về một phía trong lúc tập đi sau khi bị gãy chân.
- Trường hợp gặp khó khăn trong việc sử dụng nạng, bạn có thể sử dụng khung tập đi, xe lăn hoặc xe đẩy để hỗ trợ tập đi sau khi bị gãy chân.
Trên đây là thông tin về giai đoạn phục hồi sau gãy chân và cách để tập đi sau khi bị gãy chân để đảm bảo cho vết thương mau lành và không để lại biến chứng. Hy vọng chúng bổ ích với bạn nhé!
[embed-health-tool-bmi]