Bên cạnh lycopene, nước ép cà chua cũng là một nguồn vitamin C và beta-carotene rất dồi dào. Đây là hai chất chống oxy hóa khác có đặc tính chống viêm mạnh mẽ.
3. Tác dụng của nước ép cà chua giảm nguy cơ bệnh tim
Cà chua từ lâu đã được biết đến với khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch. Loại trái này chứa chất chống oxy hóa mạnh như lycopene và beta-carotene, giúp giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim như huyết áp cao, cholesterol cao và xơ vữa động mạch.
Một thống kê gồm 584 người cho thấy những người có chế độ ăn giàu cà chua và các sản phẩm từ cà chua giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những người bổ sung 25mg lycopene từ các sản phẩm cà chua mỗi ngày giảm mức cholesterol xấu LDL xuống khoảng 10%. Bên cạnh đó, huyết áp của họ cũng giảm đáng kể.
4. Tác dụng của nước ép cà chua phòng bệnh ung thư
Do hàm lượng chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa cao, một số nghiên cứu đã kết luận nước ép cà chua có tác dụng chống ung thư. Các nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ một lượng cà chua và các sản phẩm từ cà chua nhiều có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt đáng kể. Trong một nghiên cứu ống nghiệm, chiết xuất lycopene có nguồn gốc từ các sản phẩm cà chua đã ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt và thậm chí giết chết tế bào ung thư.
Các nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy các sản phẩm cà chua có thể có tác dụng chống ung thư da. Những con chuột được cho ăn bột cà chua trong 35 tuần có sự phát triển ung thư da sau khi tiếp xúc với tia UV ít hơn đáng kể so với những con chuột khác.
Tác dụng phụ của nước ép cà chua

Mặc dù nước ép cà chua rất bổ dưỡng và có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng loại thức uống này cũng có một số thành phần có thể gây ra tác dụng phụ như:
• Hàm lượng natri cao: Hầu hết các sản phẩm từ cà chua trên thị trường thường có thêm muối nên sẽ có hàm lượng natri cao. Một chế độ ăn có quá nhiều natri có thể gây ra rất nhiều vấn đề, đặc biệt đối với những người nhạy cảm với muối. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều natri có thể góp phần gây huyết áp cao.
• Ít chất xơ hơn cà chua nguyên trái: Một điểm trừ của nước ép cà chua là nước ép thường ít chất xơ hơn cà chua nguyên trái. Nếu có thể, bạn hãy ăn cà chua thay vì xay cà chua.
• Có thể chứa nhiều đường: Khi bạn xay cà chua với các loại trái cây khác, lượng đường và calo trong ly nước ép có thể tăng cao. Bên cạnh đó, một số loại nước ép cà chua trên thị trường cũng thường có thêm đường nên có thể không tốt cho sức khỏe.
Để tránh những tác dụng phụ của nước ép cà chua, bạn hãy tự xay nước ép cà chua nguyên chất 100% không thêm muối hoặc đường. Ngoài ra, những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể cần tránh nước ép cà chua vì loại nước này có thể khiến các triệu chứng nặng thêm.
Cách làm nước ép cà chua tại nhà

Bạn chỉ cần chuẩn bị cà chua và vài dụng cụ là đã có một ly nước ép cà chua tự làm bảo đảm chất lượng theo các bước sau:
– Bạn cắt lát cà chua tươi rồi nấu 30 phút trên lửa vừa. Bạn có thể thêm một chút dầu ô liu khi nấu vì lycopene trong cà chua tan trong chất béo. Một chút chất béo từ dầu ô liu sẽ làm tăng hiệu quả của lycopene.
– Bạn đợi cà chua nguội rồi cho vào máy xay sinh tố xay tới khi hỗn hợp đạt độ mịn mong muốn. Sau đó, bạn lọc phần cà chua xay nhuyễn qua rây, dùng muỗng đè thịt cà chua cho ra hết nước cốt. Nếu bạn có máy làm nước ép thì sẽ không cần phải thực hiện công đoạn lọc xác cà chua.
– Bạn có thể bỏ thêm các loại rau và thảo mộc khác như cần tây, ớt đỏ và lá oregano để tăng hàm lượng dinh dưỡng và hương vị cho món nước ép cà chua.
Nếu bạn muốn làm nước ép cà chua nhanh hơn, bạn có thể sử dụng cà chua tươi và không cần phải nấu chín. Đây là món nước dễ làm nên bạn hãy thêm vào thực đơn hàng ngày để tận hưởng những lợi ích sức khỏe nhé.
Như Vũ | HELLO BACSI