backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Dầu tảo biển: Nguồn omega-3 có thể thay thế dầu cá

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 01/04/2020

    Dầu tảo biển: Nguồn omega-3 có thể thay thế dầu cá

    Dầu tảo biển rất giàu omega-3 tốt cho tim mạch, mắt và sức khỏe tổng thế nên có thể là lựa chọn thay thế thích hợp cho cá và dầu cá. Nếu biết bổ sung một cách hợp lý, sản phẩm này có thể hỗ trợ bạn cải thiện sức khỏe rất tốt đấy.

    Nếu không thích cá hay dầu cá, dầu tảo biển sẽ là lựa chọn khá tốt để giúp bạn bổ sung lượng omega-3 bị thiếu. Đây là nguồn cung cấp omega-3 dồi dào mà lại mang tới ít tác dụng phụ. Sau đây, bạn có thể tìm hiểu thêm về lợi ích và tác dụng phụ của dầu tảo biển cũng như cách dùng sản phẩm sao cho phù hợp.

    Lợi ích của dầu tảo biển

    Dầu tảo biển có chứa nhiều omega-3, một chất cần thiết cho sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy những người có lượng chất béo omega-3 cao hơn có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh nhất định. Bạn có thể tham khảo một số tác dụng từ loại dầu tự nhiên giàu omega-3 này như sau:

    1. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

    Dầu tảo biển giàu omega-3, một chất có thể giúp giảm huyết áp và cải thiện chức năng mạch máu. Điều này có thể giúp bạn giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

    Omega-3 cũng đã được chứng minh là có thể giúp giảm chỉ số triglyceride. Các nghiên cứu sử dụng dầu tảo biển giàu DHA, một loại axit béo thuộc nhóm omega-3, cho thấy việc bổ sung 1.000 – 1.200mg chất này mỗi ngày giúp bạn giảm mức triglyceride tới 25% cũng như cải thiện được mức cholesterol.

    Một đánh giá của 13 thử nghiệm lâm sàng ở hơn 127.000 người cũng cho thấy việc bổ sung omega-3 từ nhiều nguồn khác nhau giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đau tim và các bệnh tim khác cũng như giảm nguy cơ tử vong do các bệnh này. Bạn có thể chọn dầu tảo biển làm nguồn bổ sung omega-3 để phòng ngừa các bệnh về tim nguy hiểm.

    2. Giúp giảm chứng trầm cảm

    viên dầu tảo biển

    Những người mắc chứng trầm cảm thường có nồng độ hai loại axit béo phổ biến thuộc nhóm omega-3 là EPA và DHA trong máu thấp. Một phân tích của các nghiên cứu ở hơn 150.000 người cho thấy những người ăn nhiều cá có nguy cơ bị bệnh trầm cảm thấp hơn. Điều này có thể một phần là do lượng omega-3 những người này hấp thụ cao hơn.

    Những bệnh nhân trầm cảm được dùng thực phẩm chức năng bổ sung EPA và DHA cũng thường có thể cải thiện các triệu chứng bệnh trầm cảm. Điều này có nghĩa là bạn có thể bổ sung dầu tảo biển để tăng lượng EPA và DHA trong máu bên cạnh chế độ ăn cá để cải thiện bệnh tình.

    3. Cải thiện sức khỏe mắt

    Nếu bị khô hoặc mỏi mắt, bạn có thể bổ sung omega-3 để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu trên. Trong các nghiên cứu ở những người bị kích ứng mắt do đeo kính áp tròng hoặc do phải làm việc trên máy tính hơn 3 giờ mỗi ngày, việc sử dụng 600 – 1.200mg EPA và DHA cũng có thể giúp giảm các triệu chứng.

    Omega-3 cũng có thể có các lợi ích khác cho mắt như chống thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), một bệnh có thể gây giảm thị lực. Một nghiên cứu ở gần 115.000 người lớn tuổi cho thấy rằng việc bổ sung EPA và DHA trong chế độ ăn nhiều hơn có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng ở giai đoạn giữa.

    4. Giúp giảm tình trạng viêm

    Omega-3 có thể ức chế các hợp chất gây viêm nên có khả năng giúp bạn chống lại một số tình trạng viêm. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 có thể giúp kiểm soát các bệnh như viêm khớp, viêm đại trànghen suyễn.

    Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở 60 phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp cũng cho thấy việc uống 5.000mg omega-3 từ dầu cá mỗi ngày giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Những người tham gia cũng ít bị đau khớp hơn so với những người dùng giả dược. 

    Tác dụng phụ của dầu tảo biển

    Thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 như dầu tảo biển thường khá an toàn và ít tác dụng phụ nếu bạn không dùng quá nhiều. Tuy không có giới hạn liều lượng rõ ràng nhưng Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (European Food Safety Authority) cho rằng việc dùng tối đa 5.000mg EPA và DHA mỗi ngày có thể là mức an toàn. Bạn có thể không gặp tác dụng phụ nếu lượng EPA và DHA trong loại dầu tảo biển mình dùng không vượt quá mức này.

    Dầu tảo biển có ít tác dụng phụ thường thấy ở dầu cá như dư vị khó chịu trong miệng, ợ nóng, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa và buồn nôn. Thế nhưng, bạn vẫn cần để ý đến tương tác của dầu tảo biển với các loại thuốc mình uống để an toàn hơn. Omega-3 trong loại dầu này có thể làm loãng máu và gây ảnh hưởng đến các loại thuốc chống đông máu như warfarin nên có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

    Bạn có nên dùng dầu tảo biển?

    bát dầu tảo biển

    Nếu muốn bổ sung omega-3, bạn có thể dùng thêm cá trong bữa ăn hay uống dầu cá. Thế nhưng, dầu tảo biển vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc vì loại dầu này có những ưu điểm sau đây:

    • Có tác dụng tương tự cá hay dầu cá: Một nghiên cứu cho thấy dầu tảo biển có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với cá hồi nấu chín và hoạt động tương tự như dầu cá. Ngoài ra, một nghiên cứu kéo dài 2 tuần ở 31 người cho thấy việc bổ sung 600mg DHA từ sản phẩm từ tự nhiên này mỗi ngày có thể làm tăng nồng độ chất này trong máu một lượng tương đương như khi dùng dầu cá.

    • Tốt cho môi trường: Tảo phát triển rất nhanh và thường không bị khai thác quá mức như cá nên sẽ là lựa chọn tốt cho môi trường hơn dầu cá. Nếu quan tâm tới việc phát triển bền vững, bạn có thể ưu tiên dùng loại dầu từ thực vật này.

    • Có thể ít độc tố: Tảo biển được nuôi trong điều kiện được kiểm soát cẩn thận cũng như được tinh chế nên dầu tảo biển không có các độc tố có thể xuất hiện trong cá và dầu cá. Dầu tảo biển cũng có thể ít gây ra nguy cơ rối loạn tiêu hóa hơn.

    • Dễ uống: Dầu tảo biển thường có vị dễ uống hơn dầu cá vì không để lại dư vị tanh trong miệng.

    Liều dùng và cách dùng

    Để có thể dùng dầu tảo biển an toàn và tận dụng được tất cả lợi ích sức khỏe, bạn cần dùng đúng liều lượng và đúng cách.

    Liều dùng: Nếu không ăn cá ít nhất hai lần mỗi tuần, bạn có thể thiếu EPA và DHA. Vậy nên, các tổ chức y tế khuyến cáo bạn nên bổ sung 250 – 1.000mg EPA và DHA mỗi ngày. Liều lượng các loại axit béo trong các loại dầu tảo biển trên thị trường là khác nhau. Bạn nên chọn một loại có ít nhất 250mg EPA và DHA mỗi phần để bổ sung đủ hai loại omega-3 này.

    Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để tăng liều dùng nếu có lượng triglyceride trong cơ thể cao hoặc bị cao huyết áp.

    Cách dùng: Bạn có thể dùng dầu tảo biển trước bữa ăn, đặc biệt là những bữa ăn nhiều chất béo để có hấp thu dinh dưỡng trong bữa ăn tốt hơn. Sau khi dùng, bạn cũng cần bảo quản sản phẩm đúng cách để có thể giữ nguyên chất lượng sản phẩm.

    Chất béo không bão hòa trong dầu tảo biển có thể bị oxy hóa và hư nếu không được bảo quản đúng cách. Vậy nên, bạn hãy bảo quản sản phẩm dạng viên hay dạng gel ở nơi mát mẻ, khô ráo và bảo quản sản phẩm dạng lỏng trong tủ lạnh. Bạn cũng nên bỏ sản phẩm đã có mùi khó chịu.

    Dầu tảo biển có lượng omega-3 dồi dào không kém các loại cá hay dầu cá nhưng lại dễ dùng mà ít tác dụng phụ. Đây là một lựa chọn bổ sung omega-3 bạn có thể cân nhắc nếu không thường xuyên ăn cá trong chế độ ăn uống hay không thích dầu cá. Tuy nhiên khi dùng, bạn cần tìm hiểu liều lượng và cách dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe nhé.

    Như Vũ HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 01/04/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo