Nếu bạn dị ứng với sữa bò thì sẽ buộc phải hạn chế hoặc loại bỏ sữa bò ra khỏi thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì các loại sữa khác vẫn có thể cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như sữa dừa, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân…
Nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị dị ứng sữa bò, tuy nhiên một số người vẫn bị dị ứng sữa bò khi đã trưởng thành. Bạn có thể trải qua một số dấu hiệu dị ứng như đau bụng, ngứa ngáy, nổi mề đay… Để tránh được các triệu chứng khó chịu do dị ứng sữa bò, bạn có thể lựa chọn các loại sữa thay thế sau đây nhé.
1. Sữa đậu nành
Sữa đậu nành làm từ hạt đậu nành hoặc đạm đậu nành và thường sẽ bổ sung thêm chất làm đặc và dầu thực vật để tăng hương vị. Sữa đậu nành có thể được xem là một trong các loại sữa thay thế rất tốt cho sữa bò.
Trong 240ml sữa đậu nành nguyên chất không đường chứa khoảng 80 – 90 calo, 4 – 4,5g chất béo, 7 – 9g protein và 4g carbohydrate. Về mặt dinh dưỡng, sữa đậu nành chính là loại sữa thay thế hợp lý nhất cho sữa bò do có chứa hàm lượng protein tương tự, còn lượng calo, chất béo và carbohydrate thì khoảng 1/2 sữa bò.
Sữa đậu nành cũng là nguồn cung protein từ thực vật chất lượng cao với đầy đủ các loại amino axit mà cơ thể không thể tự sản xuất mà phải bổ sung bằng chế độ ăn uống.
Sữa đậu nành làm từ hạt đậu nành có vị mát, hơi ngậy và là một trong các loại sữa có thành phần dinh dưỡng gần giống nhất với sữa bò.
2. Sữa hạnh nhân
Sữa hạnh nhân làm từ hạt hạnh nhân hoặc bơ hạnh nhân và nước. Sữa có vị ngọt nhẹ và mùi hạnh nhân. Đây là một trong các loại sữa có thể pha thêm vào cà phê và trà, trộn với sinh tố và dùng thay thế cho sữa bò trong các món tráng miệng.
Trong 240ml sữa hạnh nhân nguyên chất có chứa khoảng 30 – 35 calo, 2,5g chất béo, 1g protein và 1 – 2g carbohydrate. Đây là một trong các loại sữa thay thế sữa bò với lượng calo thấp nhất nên rất lý tưởng cho những ai đang trong chế độ ăn hạn chế calo. Sữa hạnh nhân chỉ chứa khoảng 1/4 lượng calo so với sữa bò.
Sữa hạnh nhân còn là nguồn cung cấp vitamin E tự nhiên, chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây bệnh. Để tận dụng tối đa nguồn dưỡng chất từ hạnh nhân, bạn nên chọn loại sữa có chứa hàm lượng hạnh nhân cao, khoảng 7 – 15%.
Bạn cần lưu ý là sữa hạnh nhân có chứa axit phytic có thể cản trở sự hấp thu sắt, kẽm và canxi của cơ thể.
3. Sữa dừa
Sữa dừa làm từ cơm dừa tươi, có vị béo ngậy, rất thích hợp giải khát vào mùa hè. Bạn có thể uống riêng, pha sinh tố hoặc chế biến món ăn đều rất ngon.
Khoảng 240ml sữa dừa có thể chứa 45 calo, 4g chất béo và hầu như không chứa protein và carbohydrate. Sữa dừa chứa khoảng 1/3 lượng calo và 1/2 lượng chất béo so với sữa bò.
Sữa dừa chứa lượng protein và carbohydrate thấp nhất trong số các loại sữa thay thế sữa bò. Do đó, sữa dừa có thể không phù hợp nếu bạn đang cần bổ sung protein, nhưng nếu bạn cần giảm lượng carbohydrate hấp thụ thì sữa dừa sẽ là một lựa chọn lý tưởng.
Khoảng 90% calo từ sữa dừa là chất béo bão hòa (hay còn gọi là chất béo no), trong đó có chất béo MCT. Một số nghiên cứu cho thấy chất béo MCT có thể giúp giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân và cải thiện lượng cholesterol trong máu tốt hơn các loại chất béo khác.
Sữa dừa không chứa protein, carbohydrate, đồng thời sữa dừa lại rất giàu chất béo MCT có nhiều tác động tích cực đến hiệu quả giảm cân.
4. Sữa yến mạch
Sữa yến mạch có vị ngọt thanh tự nhiên, có thể sử dụng để chế biến các món ăn tương tự như sữa bò, đồng thời cũng có thể dùng chung với ngũ cốc hoặc sinh tố.
Trong 240ml sữa yến mạch có chứa khoảng 140 – 170 calo, 4,5 – 5g chất béo, 2,5 – 5g protein và 19 – 29g carbohydrate. Sữa yến mạch có lượng calo tương tự như sữa bò, lượng carbohydrate gấp đôi còn lượng protein và chất béo bằng 1/2 sữa bò.
Một nghiên cứu ở nam giới có lượng cholesterol cao đã cho thấy uống 750ml sữa yến mạch mỗi ngày trong vòng 5 tuần có thể làm giảm lượng cholesterol toàn cơ thể xuống 3% và giảm cholesterol LDL xuống 5%.
Sữa yến mạch còn giàu chất xơ beta-glucan, loại chất xơ hòa tan sẽ tạo thành một loại gel dày khi đi qua ruột. Beta-glucan sẽ gắn vào cholesterol, làm giảm sự hấp thu cholesterol trong cơ thể. Nhờ đó giúp hạ cholesterol, đặc biệt là cholesterol LDL có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chất beta-glucan trong sữa yến mạch cũng giúp làm tăng cảm giác no và hạ lượng đường huyết sau mỗi bữa ăn.
Sữa yến mạch giàu protein và chất xơ, calo và carbohydrate. Sữa yến mạch còn chứa beta-glucan có thể giúp hạ cholesterol và đường huyết.
5. Sữa gạo
Trong các loại sữa, sữa gạo chính là lựa chọn an toàn nhất nếu bạn bị dị ứng sữa bò, gluten, đậu nành hay sữa từ các loại hạt. Sữa gạo có vị thanh và ngọt, có thể dùng làm thức uống tráng miệng hoặc pha sinh tố.
Trong 240ml sữa gạo chứa 130 – 140 calo, 2 – 3g chất béo, 1g protein và 27 – 38g carbohydrate. Sữa gạo chứa lượng calo tương tự như sữa bò, nhưng lượng carbohydrate thì gấp đôi. Sữa gạo cũng chứa ít protein và chất béo hơn sữa bò.
Sữa gạo có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) cao 79 – 92, được hấp thụ nhanh qua ruột và làm tăng đáng kể lượng đường trong máu. Do đó, sữa gạo có thể không thích hợp nếu bạn bị tiểu đường. Ngoài ra, do có hàm lượng protein thấp nên sữa gạo cũng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho trẻ em đang phát triển, vận động viên và người lớn tuổi.
Sữa gạo ít gây dị ứng so với các loại sữa thay thế sữa bò khác, nhưng một số nhóm đối tượng sẽ không thích hợp dùng loại sữa này như trẻ đang phát triển, vận động viên và người lớn tuổi.
6. Sữa hạt điều
Sữa hạt điều có vị ngọt, béo ngậy, thích hợp làm sinh tố, pha với cà phê hoặc làm thức uống tráng miệng thay thế sữa bò.
Trong 240ml sữa hạt điều nguyên chất chỉ chứa 25 – 50 calo, 2 – 4g chất béo, 0 – 1g protein và 1 – 2g carbohydrate. Sữa hạt điều chứa khoảng 1/3 calo so với sữa bò; khoảng 1/2 chất béo; lượng protein và carbohydrate thì hầu như không đáng kể.
Do hàm lượng protein thấp nên sữa hạt điều có thể không thích hợp nếu bạn có nhu cầu muốn tăng protein. Thay vào đó, bạn có thể chọn các loại sữa giàu protein thay thế khác như sữa đậu nành hay sữa yến mạch.
Sữa hạt điều không đường là một lựa chọn ít calo lý tưởng khi bạn đang có nhu cầu giảm lượng calo hàng ngày. Hàm lượng carbohydrate và đường thấp cũng rất thích hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Sữa hạt điều có vị thơm ngon, béo ngậy, lại dễ chế biến tại nhà nên bạn có thể tự thực hiện món sữa hạt điều tại nhà mà không mất quá nhiều thời gian.
Các loại sữa thay thế sữa bò khác nhau về hàm lượng dinh dưỡng và có thể phù hợp hoặc không phù hợp với nhóm đối tượng nhất định. Bạn cần xác định nhu cầu dinh dưỡng của mình để chọn được loại sữa phù hợp nhất cho mình. Như vậy, bạn sẽ tránh được tình trạng dị ứng mà vẫn bổ sung được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết!
[embed-health-tool-bmr]