backup og meta

7 thực phẩm làm hao hụt năng lượng cơ thể bạn nên tránh

7 thực phẩm làm hao hụt năng lượng cơ thể bạn nên tránh

Thông thường, ăn thêm một bữa phụ hay một ít món ăn vặt được cho là sẽ tái tạo năng lượng, giúp bạn năng động hơn. Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm sẽ hút bớt năng lượng của bạn. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu 7 loại thực phẩm làm hao hụt năng lượng này nhé!

Năng lượng cơ thể tăng lên rồi lại xuống trong ngày là một chuyện rất bình thường. Có rất nhiều yếu tố tác động đến quá trình này, bao gồm giấc ngủ, stress, hoạt động và cả thực phẩm bạn tiêu thụ nữa. Bạn đã lựa chọn đúng loại thực phẩm giúp tăng năng lượng hay chưa?

1. Bánh, mì và gạo trắng

thuc-pham-lam-hao-hut-nang-luong-1

Ngũ cốc rất giàu carb và cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng tuyệt vời. Thế nhưng, ngũ cốc đã qua chế biến như các loại bánh, mì và gạo trắng lại gây ra nhiều tác động xấu lên năng lượng của bạn. Nguyên nhân một phần là do lớp chất xơ bao bọc bên ngoài – vỏ cám – của ngũ cốc thường bị loại bỏ trong quá trình chế biến. Ngũ cốc đã chế biến có hàm lượng xơ thấp hơn, lại nhanh bị tiêu hóa và hấp thụ hơn so với ngũ cốc nguyên hạt. Do đó, một bữa ăn từ ngũ cốc đã chế biến sẽ khiến lượng đường huyết và insulin trong máu tăng đột ngột, kèm theo đó là sự sụt giảm năng lượng. Loại đã qua chế biến này cũng bị thiếu đi một thành phần quan trọng của ngũ cốc – mầm. Trong mầm có chứa nhiều dưỡng chất quan trọng đóng vai trò trong việc giữ vững năng lượng cho bạn.

Ngược lại, ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp bạn duy trì mức đường huyết ổn định cũng như năng lượng cho cả ngày dài. Mầm đặc biệt rất giàu vitamin B sẽ giúp cơ thể tạo thêm năng lượng.

Vì vậy, bạn nên hạn chế các loại thực phẩm từ ngũ cốc đã chế biến để tránh hao hụt năng lượng, thay vào đó ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt để được bổ sung dưỡng chất và hạn chế được các tình huống nguy hiểm đến sức khỏe.

2. Ngũ cốc ăn sáng, sữa chua và các loại thực phẩm có đường khác

thuc-pham-lam-hao-hut-nang-luong-2

Rất nhiều loại thức ăn có sẵn trên thị trường hiện nay đều chứa rất nhiều đường mà nếu bạn tiêu thụ quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến mức năng lượng trong bạn.

Ví dụ như các loại ngũ cốc ăn sáng. Chúng thường chứa rất nhiều đường mà lại cực ít chất xơ. Thực tế, gần 50% lượng carb mà các loại ngũ cốc ăn sáng này đem lại đều là từ đường.

Sự kết hợp đường cao – xơ thấp này sẽ khiến insulin và đường huyết tăng đột biến, cơ thể tăng năng lượng và ngay sau đó sẽ cạn kiệt hoàn toàn. Hơn nữa, một số nhà nghiên cứu cho biết ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng đường cao lại càng kích thích bạn ham muốn thêm những món ngọt khác, dần dần cơ thể sẽ hình thành một chu trình suy giảm năng lượng.

Để hạn chế tình trạng hao hụt năng lượng này, bạn nên lựa chọn các loại ngũ cốc ăn sáng không có đường, và chứa ít nhất 4–5g chất xơ trên mỗi phần ăn.

Các món ngọt khác như sữa chua, nước trái cây, cupcake hay bánh yến mạch và nhiều loại bánh khác đều chứa rất nhiều đường. Tốt nhất bạn vẫn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm này, nếu vẫn muốn ăn, bạn hãy kiếm những sản phẩm tương tự không có hoặc chỉ có ít đường để thay thế. Bạn nên chọn thực phẩm ăn sáng với năng lượng dồi dào để có một ngày làm việc tích cực và hiệu quả nhé!

3. Rượu bia và đồ uống có cồn

thuc-pham-lam-hao-hut-nang-luong-3

Đồ uống có cồn đã rất nổi tiếng nhờ vào “hiệu quả thư giãn” của nó. Thực tế, rất nhiều người có thói quen uống một ít đồ uống có cồn vào buổi tối thường sẽ dễ ngủ hơn. Chuyện này nghe có vẻ như rất tốt nhưng thực ra lại chứa nhiều tác động hơn bạn nghĩ. Cồn sẽ làm giảm thời lượng và chất lượng giấc ngủ, bạn sẽ không thể trải nghiệm thời gian nghỉ ngơi một cách trọn vẹn.

Do đó, mặc dù đồ uống có cồn sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn hay dễ ngủ hơn, tùy thuộc vào lượng đồ uống bạn tiêu thụ, chúng sẽ giảm một phần năng lượng tương ứng, khiến bạn thức dậy vào ngày hôm sau cảm thấy mệt mỏi hơn.

Thông thường, chỉ uống nhiều mới làm hao hụt năng lượng của bạn. Vì vậy, hãy hạn chế uống hoặc uống có mức độ theo lượng cho phép.

Các chuyên gia khuyến nghị rằng, phụ nữ chỉ nên dùng nhiều nhất là một phần, còn đàn ông nhiều nhất chỉ dùng hai phần đồ uống có cồn. Phần uống tiêu chuẩn của một số loại đồ uống có cồn phổ biến là: bia (355ml), rượu (148ml) và các loại rượu mạnh (44ml).

4. Cà phê

thuc-pham-lam-hao-hut-nang-luong-4

Nếu bạn uống cà phê đều đặn với lượng thích hợp, chúng sẽ có nhiều tác động tích cực lên cơ thể và tinh thần của bạn. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng cà phê có thể làm nguy cơ mắc các bệnh thần kinh như parkinson hay đãng trí giảm đi 26–34%. Một người nếu uống một cốc cà phê mỗi ngày có thể giảm đi 7% nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2.

Caffeine có trong cà phê thường được coi là có khả năng thúc đẩy năng lượng và hoạt động não bộ trong thời gian ngắn, do đó mọi người thường dùng cà phê ngay khi họ cảm thấy mệt.

Tuy nhiên, uống nhiều cà phê liên tục lại làm cơ thể trở nên quen, từ đó “chai lì” so với tác động của cà phê. Quan trọng hơn là nếu dựa vào cà phê quá nhiều mà không bổ sung dưỡng chất và ngủ đủ giấc sẽ khiến năng lượng của bạn mất đi bất cứ lúc nào.

Quá nhiều caffeine được hấp thụ cũng tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ, về lâu dài sẽ làm hao hụt năng lượng ở mức nghiêm trọng hơn.

Nếu bạn muốn uống cà phê và thật sự cần đến nó, hãy đảm bảo không uống quá 4 tách cà phê mỗi ngày nhé!

5. Đồ uống năng lượng

thuc-pham-lam-hao-hut-nang-luong-5

Không thể phủ nhận việc các loại đồ uống này sẽ giúp bạn tăng năng lượng một cách nhanh chóng. Thực tế, một số nghiên cứu chỉ ra rằng đồ uống năng lượng có thể thúc đẩy trí nhớ và khả năng tập trung của bạn lên khoảng 24% và đồng thời giảm đi thời lượng ngủ. Các nhà sản xuất thường thêm một lượng nhỏ cocktail để coi như là chất xúc tác kích thích năng lượng cho khách hàng, tuy nhiên thực sự hoạt động này lại là do đường và caffeine có trong chúng phụ trách.

Nhắc đến đường, các loại đồ uống này có thể nói là chứa cực kỳ nhiều đường, đôi khi trong một lon 330ml lại có thể chứa đến gần 52g đường.

Như đã đề cập phía trên, hấp thụ nhiều đường làm tăng rồi sau đó giảm năng lượng đột ngột, khiến cho bạn còn mệt mỏi hơn cả khi chưa uống chúng. Hơn nữa, tương tự trường hợp của cà phê, những người uống quá nhiều đồ uống loại này sẽ khiến caffeine không còn hiệu quả gì nữa. Nghĩa là, nếu muốn đạt hiệu quả thúc đẩy năng lượng như ban đầu, họ càng ngày càng phải uống một lượng lớn hơn nữa.

Thêm vào đó, chất lượng và thời lượng giấc ngủ của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít. Về lâu dài, mức hao hụt năng lượng sẽ trở nên càng nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, đồ uống năng lượng thật sự lại chứa nhiều caffeine hơn so với cà phê cùng dung tích. Ví dụ, 57ml đồ uống năng lượng có chứa 200mg caffeine, gấp 4 lần so với 57ml cà phê. Do đó, nếu uống quá nhiều đồ uống năng lượng, bạn có thể hấp thụ quá mức caffeine khuyến nghị 400mg/ngày, dẫn đến tình trạng lo lắng, tức giận, tim đập nhanh hơn và các cơn đau đến bất chợt cũng nguy hiểm hơn.

6. Thực phẩm chiên và các loại đồ ăn nhanh

thuc-pham-lam-hao-hut-nang-luong-6

Thực phẩm chiên hay đồ ăn nhanh đều làm hao hụt năng lượng của bạn. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng chất béo cao, chất xơ thấp khiến cho việc tiêu hóa cực kỳ khó khăn. Tiêu hóa chậm lại cũng làm tốc độ hoạt động của các dưỡng chất thúc đẩy năng lượng trong cơ thể, không đạt được năng lượng tương xứng với bữa ăn bạn vừa tiêu thụ.

Hơn nữa, các loại thực phẩm này chứa rất ít vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất thiết yếu. Thực phẩm dinh dưỡng cao mới có thể tái tạo và duy trì năng lượng cho bạn. Nhưng nếu bạn ăn càng nhiều đồ chiên, thức ăn nhanh, bạn sẽ cảm thấy mau chóng đầy bụng. Dần dần, thực phẩm có hại này chiếm toàn bộ khẩu phần của các món lành mạnh, khiến hao hụt năng lượng nhanh chóng và bạn sẽ không còn tinh thần để làm việc trong vài tiếng sau đó.

7. Thực phẩm ít calo

thuc-pham-lam-hao-hut-nang-luong-7

Khi ăn vặt hoặc dùng những bữa nhẹ, bạn thường sẽ có xu hướng chọn loại thực phẩm ưa thích với hàm lượng calo thấp và cho rằng đây là lựa chọn lành mạnh. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn loại thấp calo, cơ thể sẽ không có đủ lượng calo cần thiết cho một ngày, từ đó mức năng lượng cũng sẽ thấp hơn.

Calo là một đơn vị đo lường mức năng lượng mà một thực phẩm đem lại nếu cơ thể bạn hấp thụ chúng. Calo sẽ được dùng để duy trì các chức năng cơ bản như hít thở, suy nghĩ và cả việc tim đập.

Lượng calo bạn tiêu thụ cũng sẽ bù đắp vào mức năng lượng đã mất đi, bao gồm cả lượng mất đi do tập luyện thể thao.

Nếu thường xuyên không cung cấp đủ calo cho cơ thể, dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng nội tiết tố, làm chậm quá trình trao đổi chất và khiến bạn hao hụt năng lượng. Hơn nữa, bạn cũng sẽ trở nên muốn ăn nhiều hơn và sẽ ăn quá mức kiểm soát, cơ thể luôn trong tình trạng chậm chạp và đầy bụng, hoàn toàn không tốt cho sức khỏe một chút nào.

Việc ăn uống tác động thế nào, có hao hụt năng lượng hay không còn tùy vào bạn ăn loại nào. Hãy lưu ý những thực phẩm đã kể trên để tránh tiêu thụ quá mức và thiết kế một thực đơn mới với những thực phẩm lành mạnh hơn giúp thúc đẩy năng lượng cơ thể nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

7 Foods That Drain Your Energy. https://www.healthline.com/nutrition/foods-that-drain-energy. Ngày truy cập 27/02/2018.

What’s zapping your energy? https://www.webmd.com/balance/guide/whats-zapping-your-energy#1. Ngày truy cập 27/02/2018.

Phiên bản hiện tại

16/03/2018

Tác giả: Phương Hồ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

"Hôm nay con có về nhà ăn cơm không?" | HelloBacsi | Chúc mừng ngày gia đình Việt Nam 28.06.2022

Thực phẩm chứa kim loại nặng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Hồ · Ngày cập nhật: 16/03/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo