backup og meta

6 thói quen nấu ăn có thể làm mất dinh dưỡng của thực phẩm

6 thói quen nấu ăn có thể làm mất dinh dưỡng của thực phẩm

Bạn muốn tự nấu ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà? Nếu có những thói quen nấu ăn sai cách thì bao nhiêu công sức của bạn sẽ đổ sông đổ biển đấy!

Một số thói quen nấu ăn sai phương pháp có thể khiến bạn phá hỏng mất một bữa ăn ngon miệng và làm việc nấu nướng trở nên khó khăn hay thậm chí là làm món ăn trở nên kém dinh dưỡng. Đặc biệt trong lúc nấu ăn, chúng ta thường dễ mắc phải các sai lầm nhỏ nhặt mà không hề để ý.

1. Đợi dầu sôi đến khi bốc khói

Đây chính là một thói quen sai lầm và khiến món ăn trở nên kém ngon miệng đấy! Như bạn đã biết, hầu hết các món ăn đều bắt đầu từ giai đoạn cơ bản nhất, đó là cho dầu vào chảo. Bạn sẽ cần chờ một chút để chảo hoặc nồi nóng lên và dầu đạt đủ độ sôi. Do đó, bạn có thể tranh thủ cắt rau củ hoặc rửa trái cây trong khoảng thời gian ngắn này.

Khi quay trở lại thì chảo dầu đã nóng đến mức bốc khói, bạn cho rằng đã có thể bắt đầu nấu ăn. Hãy hạn chế để mắc phải sai lầm này nhé! Trong các mặt hàng dầu ăn hiện nay, rất nhiều loại dầu có thể bị biến đổi mùi vị và kém thơm ngon khi bị nấu sôi quá mức và bốc khói. Không chỉ như thế, khi đạt đến điểm sôi nhất định, các phân tử dầu sẽ bắt đầu phân hủy và phá hủy các chất chống oxy hóa có lợi trong dầu ăn, đồng thời hình thành các hợp chất có hại cho sức khỏe.

Trên thực tế, dầu sẽ bắt đầu bốc khói khi đạt đến khoảng nhiệt độ nhất định, chẳng hạn như dầu ô liu sẽ bốc khói ở khoảng 185–215 độ C. Vì thế, miễn là bạn không để dầu sôi quá mức, bạn vẫn hoàn toàn có thể yên tâm chế biến và nấu nướng các món ăn dinh dưỡng. Hãy cho thức ăn vào để nấu chín khi dầu đã đủ nóng nhé.

2. Khuấy đảo thức ăn quá nhiều

nau-an-sai-cach1

Có một sự thật hiển nhiên đó là bạn nên khuấy thức ăn đều tay trong suốt quá trình nấu, chiên, xào để thức ăn không bị khét. Tuy nhiên, việc khuấy quá mức có thể mang lại hiệu quả ngược lại. Điều này sẽ khiến thức ăn không chín vàng đều bởi vì việc đảo quá nhanh sẽ khiến thức ăn không kịp tiếp xúc với bề mặt chảo nóng, đồng thời khiến thức ăn bị nát làm cho món ăn trở nên kém hấp dẫn.

Do đó, hãy tránh thói quen khuấy thức ăn quá nhiều trừ khi bạn nấu những món ăn đặc biệt. Hãy để thức ăn kịp chín đều trước khi bạn đảo sang mặt khác, điều này sẽ giúp món ăn trở nên bắt mắt và ngon miệng hơn. Ngoài việc chọn mua thực phẩm tốt cho sức khỏe thì việc chế biến cũng vô cùng quan trọng để giữ được sự thơm ngon và dinh dưỡng.

3. Chiên xào với một chảo đầy thức ăn

Thỉnh thoảng, việc bếp núc không chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ trong việc nêm nếm gia vị mà còn cần sự kiên nhẫn trong công đoạn nấu nướng. Có thể bạn cảm thấy rằng nếu xào hết nguyên liệu cùng lúc có thể tiết kiệm thời gian, tuy nhiên điều này chỉ làm cho bữa ăn của bạn trở nên kém ngon miệng và mất thời gian để nấu chín toàn bộ một chảo đầy thức ăn.

Bạn có lẽ cũng biết rằng mỗi nguyên liệu khác nhau sẽ cần thời gian nấu chín khác nhau, chẳng hạn như cà rốt sẽ lâu chín hơn hành tây, hay thịt bò sẽ chín nhanh hơn thịt gà. Vì thế, việc cho hết nguyên liệu vào và khuấy thức ăn trong một chảo đầy sẽ không phải là một biện pháp thông minh!

Nếu bạn muốn làm món xào, việc lấp đầy chảo với nhiều thức ăn có thể gây tích tụ hơi nước và khiến thức ăn không giòn như bạn muốn. Điều này cũng tương tự khi bạn chiên xào thịt. Để tránh tình trạng này, đầu tiên, hãy cắt, rửa nguyên liệu và chia thành các khẩu phần vừa phải, tránh để chảo quá đầy và cho vào chiên những thực phẩm lâu chín trước. Sau đó, hãy cho các thực phẩm dễ chín vào sau cùng, đảo nhanh tay và tắt bếp.

4. Cắt thịt quá nhanh sau khi nấu

Sau khi đi làm về, có lẽ bạn cần phải tất bật đeo tạp dề và nấu ăn nhanh chóng cho kịp giờ cơm tối. Điều này sẽ khiến bạn vội vàng cho thịt vào chế biến và nấu nướng ngay lập tức. Sau đó, khi miếng thịt thăn bò đã chín vàng đều, bạn lại cắt thịt thành các miếng nhỏ ngay. Có lẽ bạn chưa biết rằng nếu cắt thịt quá nhanh sau khi nấu chín, nước thịt và dầu ăn sẽ chảy hết ra thớt, khiến cho món thịt của bạn không còn mọng nước và thấm vị.

Do đó, tốt hơn hết là bạn nên để miếng thịt khoảng trong vài phút đồng hồ đối với các miếng thịt đã được cắt sẵn ra trước khi chế biến, hoặc để thịt trong vòng 10–15 phút nếu đó là miếng thịt lớn, còn nguyên. Với bí quyết này, món thịt của bạn sẽ có độ thơm ngon hơn rất nhiều!

5. Rửa thịt trước khi chế biến

nau-an-sai-cach2

Việc rửa thịt trong bồn nước trước khi chế biến có thể giúp bạn loại bỏ các chất dơ cùng chất nhờn trên bề mặt thịt. Tuy nhiên, điều này có thể vô tình làm bồn rửa bị bẩn do sự lây nhiễm của các vi khuẩn tiềm ẩn trong thịt.

Nếu bạn lại dùng bồn rửa này để rửa rau củ và trái cây sau đó, việc ăn phải các thực phẩm này có thể gây một số bệnh do ngộ độc thực phẩm. Do đó, hãy dùng khăn ăn sạch để lau sạch qua bề mặt miếng thịt để loại bỏ chất bẩn rồi mới rửa dưới vòi nước.

6. Dùng chảo ở nhiệt độ cao

Hãy lưu ý điều này, bạn cần giảm nhiệt độ nấu ăn mỗi khi dùng chảo chống dính. Việc sử dụng loại chảo này ở nhiệt độ cao có thể khiến lớp màng chống dính giải phóng ra PFC, còn gọi là các perfluorocarbon ở dạng khói. PFC là hợp chất được chứng minh là có liên quan đến việc gây tổn thương gan và các vấn đề về phát triển cơ thể. Hãy kiểm tra nhãn bao bì của sản phẩm trước khi chọn mua để xem nhiệt độ nấu ăn được khuyến cáo nhé!

Với những mẹo vặt giúp bạn tránh nấu ăn sai cách, mong rằng bạn sẽ luôn chế biến ra những món ăn thật ngon và dinh dưỡng cho gia đình nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

10 Bad Cooking Habits You Should Break

http://www.eatingwell.com/article/69202/10-bad-cooking-habits-you-should-break/

Ngày truy cập 26.12.2017

4 Bad Cooking Habits You Should Break

https://www.huffingtonpost.com/eatingwell/bad-cooking-habits_b_857705.html

Ngày truy cập 26.12.2017

Phiên bản hiện tại

26/01/2018

Tác giả: Xuyến Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Cách làm bánh chuối cho người bệnh mạn tính: Giữ trọn vị ngon mà vẫn an toàn sức khỏe

Cách làm giả cầy kiểu mới: Dinh dưỡng vẹn toàn cho người bệnh mạn tính


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 26/01/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo