Nước mía không chỉ là thức uống xua tan cơn khát trong những ngày oi bức mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Chính vì vậy mà nhiều người lựa chọn mỗi ngày uống một ly nước mía. Thế nhưng, liệu thói quen uống nước mía mỗi ngày có tốt không?
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn truy tìm lời đáp cho vấn đề “Uống nước mía mỗi ngày có tốt không?”, đồng thời khám phá những đối tượng không nên uống nhiều nước mía.
Tác dụng của nước mía
Trước khi khám phá câu trả lời cho thắc mắc “Mỗi ngày uống 1 ly nước mía có tốt không?”, cùng điểm qua một số tác dụng của nước mía. Nước mía không chỉ là thức uống giải khát phổ biến trong ngày hè mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như:
- Cung cấp năng lượng: Nước mía là nguồn cung cấp năng lượng nhanh chóng nhờ chứa lượng đường tự nhiên.
- Bổ sung dưỡng chất thiết yếu: Nước mía có nhiều chất dinh dưỡng bao gồm carbohydrate, protein, vitamin A, B, C, canxi, phốt pho, kali, kẽm, sắt, chất chống oxy hóa, chất xơ…
- Tăng cường miễn dịch: Vitamin C và chất chống oxy hóa có thể tăng cường khả năng miễn dịch, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư.
- Cải thiện tiêu hóa: Nước mía có hàm lượng kali cao giúp cân bằng độ pH trong dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tiết dịch vị, giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Chất xơ trong nước mía cũng giúp “làm sạch” đường tiêu hóa và giảm táo bón.
- Chống lão hóa và làm đẹp da: Nước mía chứa chất chống oxy hóa, axit phenolic và flavonoid, giúp giảm nếp nhăn, chống lão hóa và tái tạo làn da. Từ đó mà da của bạn cũng sẽ được giữ ẩm từ sâu bên trong. Axit glycolic trong mía cũng giúp duy trì sự rạng rỡ của làn da, giúp da mềm mại, sáng mịn.
- Tốt cho gan, thận: Nước mía có đặc tính lợi tiểu giúp loại bỏ độc tố và các yếu tố gây nhiễm trùng khỏi cơ thể. Nhờ đó mà tình trạng vàng da, nhiễm trùng dạ dày, nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận… cũng được cải thiện.
Để hiểu rõ hơn việc uống nước mía có tốt không, mời bạn tham khảo bài viết Uống nước mía có tác dụng gì? 9 lợi ích và lưu ý khi uống nước mía.
Uống nước mía mỗi ngày có tốt không?
Mặc dù mía mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng liệu thói quen uống nước mía nhiều có tốt không?
Có một sự thật mà ai cũng biết là nước mía chứa nhiều đường tự nhiên. Nếu uống nước mía quá nhiều thì cơ thể sẽ nhận được lượng lớn năng lượng từ lượng đường này. Nếu cơ thể không kịp đốt cháy năng lượng thì tình trạng tích tụ năng lượng dưới dạng mỡ sẽ xảy ra, gây tăng cân, dẫn đến thừa cân và béo phì.
Không những thế, một trong những tác hại của nước mía nếu tiêu thụ quá nhiều là làm tăng nguy cơ mất ngủ. Chất policosanol trong nước mía nếu được tiêu thụ quá mức có thể dẫn đến chóng mặt, mất ngủ và một số vấn đề sức khỏe khác.
Những ai không nên uống nước mía?
Như vậy là bạn đã có câu trả lời cho băn khoăn “Uống nước mía mỗi ngày có tốt không?”. Mặc dù nước mía có lợi cho sức khỏe tổng thể nhưng thức uống này có thể không phù hợp với một số đối tượng như:
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: Nước mía chứa hàm lượng đường cao, không thích hợp cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi sử dụng. Thậm chí, có quan điểm cho rằng cha mẹ không nên cho trẻ dưới 4 tuổi uống nước mía.
- Người lớn tuổi: Hàm lượng đường cao của nước mía cũng không phù hợp với người lớn tuổi.
- Người bệnh đái tháo đường: Người bị tiểu đường không nên uống quá nhiều nước mía vì có thể làm tăng lượng đường trong máu. Ngược lại, nếu được tiêu thụ ở liều lượng vừa phải, nước mía có thể mang lại lợi ích cho người bệnh đái tháo đường nhờ chứa nhiều loại polyphenol.
- Người đang dùng thuốc làm loãng máu: Chất policosanol có trong nước mía có thể làm loãng máu. Do đó mà việc uống quá nhiều nước mía có thể ngăn ngừa máu đông. Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, lời khuyên là hãy tránh uống nước mía.
Lưu ý khi uống nước mía
Ngoài việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc “Uống nước mía mỗi ngày có tốt không?”, nhiều người cũng quan tâm đến việc để đảm bảo nhận được những lợi ích từ nước mía thì cần lưu ý gì. Bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Không uống quá nhiều nước mía: Liều lượng khuyến cáo là mỗi ngày 1 cốc nước mía. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn nên uống nước mía liên tục nhiều ngày.
- Không uống nước mía để lâu: Sau 20 phút kể từ khi được ép, nước mía sẽ bắt đầu bị oxy hóa. Điều này có thể gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều vấn đề dạ dày. Do đó, bạn chỉ nên uống nước mía vừa mới ép xong.
- Lựa chọn nơi bán nước mía vệ sinh: Thông thường, mía không được rửa trước khi ép hoặc chỉ rửa qua loa. Bã mía sau khi ép cũng có thể là nơi thu hút nhiều ruồi, bọ. Những điều này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe. Do đó, bạn nên chọn địa điểm bán nước mía đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được câu trả lời đối với vấn đề “Uống nước mía mỗi ngày có tốt không?”. Thói quen uống mỗi ngày 1 cốc nước mía tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Do đó, bạn chỉ nên uống nước mía trong những ngày oi bức với lượng hợp lý để giải khát và không uống mỗi ngày để tránh lợi bất cập hại nhé!
[embed-health-tool-bmr]