backup og meta

Cảnh báo: Những người không nên uống cần tây

Cảnh báo: Những người không nên uống cần tây

Nước ép cần tây được nhiều người ưa chuộng bởi những lợi ích như làm đẹp da, thanh lọc cơ thể, giảm viêm. Ngoài ra, cần tây còn ít calo, hỗ trợ giảm cân, duy trì vóc dáng. Tuy vậy, cũng có những người không nên uống cần tây cần lưu ý để tránh các rủi ro không mong muốn xảy ra.

Cần tây chứa nhiều vitamin A, C, K, folate, kali natri, canxi, magie…và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Chế độ ăn uống bao gồm nước ép cần tây sẽ hỗ trợ người sử dụng giảm tỷ lệ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, tim mạch… nhưng tại sao có những người không nên uống cần tây? Mời bạn đọc tìm hiểu những người không nên uống cần tây và những lưu ý khi sử dụng thức uống này qua bài viết sau.

6 nhóm người không nên uống cần tây

1. Người mắc bệnh thận

100g cần tây chứa tới 190 mg oxalate. Trong khi nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, chế độ ăn giàu oxalate có thể dẫn đến suy thận cấp ở bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính. Các loại nước ép giàu oxalate cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra sỏi thận và suy thận cấp.

Ngoài ra, cần tây chứa một lượng kali đáng kể. Song việc tiêu thụ quá nhiều kali có thể gây hại cho người mắc bệnh thận hoặc đang giai đoạn bệnh thận cấp tính. Vì vậy, chính người mắc bệnh thận là những người không nên uống cần tây và cần thảo luận với bác sĩ về việc kiểm soát lượng kali trong chế độ ăn uống để hạn chế phản ứng tiêu cực đối với sức khỏe.

những người không nên uống cần tây
Bệnh nhân bị bệnh thận là những người không nên uống cần tây bởi lượng oxalate có trong nước ép cần tây

2. Người mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao

Những người mắc bệnh tim hoặc huyết áp cao khó kiểm soát nên lưu ý đến hàm lượng natri trong cần tây (100g cần tây chứa 80mg natri). Chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng huyết áp và gây tích nước, ảnh hưởng đến sức khỏe tim và huyết áp.

Do đó, người có tiền sử bệnh tim mạch nên tham khảo với bác sĩ về việc uống nước ép cần tây trong chế độ ăn uống và tác động của nó đối với quá trình điều trị bệnh.

ai không nên uống nước cần tây
Những người không nên uống cần tây như người có tiền sử bệnh tim mạch cần tham khảo bác sĩ về việc uống cần tây mỗi ngày

3. Người dị ứng hoặc quá mẫn cảm với cần tây

Người có tiền sử về dị ứng hoặc quá mẫn với thực phẩm này cũng là một trong những người không nên uống cần tây. Vì nếu uống vào, một số phản ứng dị ứng có thể xuất hiện như ngứa, sưng, sổ mũi. Đã có báo cáo về viêm da tiếp xúc dị ứng, nổi mề đay cấp tính, rối loạn tiêu hóa và các vấn đề về hô hấp, phù mạch và sốc phản vệ do cần tây, cả do tiếp xúc trực tiếp với da và sau khi ăn phải. May mắn thay những điều này hiếm khi xảy ra.

4. Người có tiền sử về bệnh tiêu hóa

Theo báo cáo của thư viện Y học Quốc Gia Hoa Kỳ, những người có vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích IBS nên hạn chế hoặc không nên uống nước ép cần tây, vì nó chứa một số loại đường lên men trong ruột có thể gây khó chịu về tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng.

Nếu bạn gặp các vấn đề về tiêu hoá, bạn nên thảo luận với bác sĩ về việc thêm cần tây vào chế độ ăn uống của mình.

5. Phụ nữ mang thai

Bà bầu ăn hoặc uống cần tây được không? Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong thời kỳ đầu mang thai hay thai phụ yếu nên hạn chế uống nước ép cần tây. Bởi vẫn có một số báo cáo cho thấy uống loại nước ép này có thể gây co bóp tử cung và dẫn đến sẩy thai, tuy nhiên vẫn cần thêm nghiên cứu để xác thực thêm vấn đề này.

những người không nên uống cần tây

6. Người đang sử dụng một số loại thuốc

Bạn cần lưu ý hơn khi uống cần tây và cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang sử dụng một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc điều trị chức năng tuyến giáp và thuốc kiểm soát chảy máu, đông máu hoặc huyết áp, lợi tiểu, kháng viêm, chống kết tập tiểu cầu. Cụ thể:

  • Levothyroxine
  • Liti
  • Clonazepam
  • Furosemide
  • Warfarin
  • Aspirin
  • Clopidogrel
  • Thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen hoặc naproxen natri
  • Amlodipin.

Những lưu ý khi uống nước ép cần tây

Bên cạnh việc nắm thông tin đâu là những người không nên uống cần tây, người khỏe mạnh bình thường khác cũng cần biết những lưu ý khi uống bột cần tây hoặc nước ép để tránh tác dụng phụ và đảm bảo dinh dưỡng mà cần tây mang lại.

Đối tượng nên uống cần tây

  • Những người muốn giảm cân, phòng ngừa tăng mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, ngừa ung thư. 
  • Người máu huyết kém lưu thông, thiếu sắt.
  • Người gặp vấn đề khó tiểu.
  • Phụ nữ trung niên trong thời kỳ tiền mãn kinh mãn kinh, người bị nóng trong (nội nhiệt) do thay đổi nội tiết hoặc do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất.
  • Người hay bị căng thẳng, rối loạn giấc ngủ.

Thời điểm nên uống nước cần tây

Buổi sáng là thời điểm lý tưởng uống cần tây để bổ sung vitamin C, giúp bạn tỉnh táo, thêm năng lượng cho một ngày mới. Nếu không kịp thời gian chuẩn bị vào buổi sáng, bạn có thể uống trước bữa ăn, cũng như trước và sau tập thể dục.

Liều lượng khi uống nước ép cần tây

Uống cần tây nhiều có tốt không? Câu trả lời là không! Bạn cần chú ý hàm lượng natri có trong 100g cần tây (tuy không nhiều so với lượng Kali) nhưng theo nghiên cứu, nếu uống quá nhiều nước ép cần tây trong một ngày có thể khiến cơ thể bị thừa natri. Sự dư thừa natri kéo dài có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.Các chuyên gia khuyến nghị, bạn nên hạn chế lượng natri tiêu thụ xuống dưới 2.300 mg mỗi ngày để giúp kiểm soát huyết áp. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, ta nên sử dụng nước ép cần tây với liều lượng hợp lý cùng một chế độ ăn uống khoa học.

Bạn nên sử dụng khoảng bốn cọng – tương đương một cốc, cắt nhỏ hàng ngày. Nếu dùng dưới dạng nước ép chỉ nên uống 1 ly nước ép cần tây mỗi ngày để có tác dụng làm giảm hormone gây căng thẳng và giúp giãn các cơ quanh mạch máu ổn định huyết áp.

những người không nên uống cần tây

Cách bảo quản nước ép cần tây

Nước cần tây dễ bị oxy hoá, có thể bị mất màu và giảm chất lượng của nước ép khi tiếp xúc với ánh sáng và môi trường bên ngoài. Vì vậy, bạn nên uống ngay sau khi ép hoặc cho vào chai thuỷ tinh, rồi để vào ngăn mát và sử dụng trong vòng 24 giờ sau đó.

Tóm lại, việc tiêu thụ cần tây còn cần dựa trên tình trạng sức khỏe cá nhân của mỗi người. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ ăn uống của mình, đặc biệt nếu bạn đang mắc các bệnh lý trên. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm thông tin những người không nên uống cần tây, để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe của mình và người thân.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Celery Juice Is a Trendy Detox Drink, But Does it Actually Have Benefits?

https://health.clevelandclinic.org/celery-juice-is-a-trendy-detox-drink-but-does-it-actually-have-benefits/

Ngày truy cập: 16/10/2023

Oxalate nephropathy due to ‘juicing’: case report and review

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23830537/

Ngày truy cập: 16/10/2023

Oxalate content of foods

https://e-cnr.org/ViewImage.php?Type=TH&aid=487614&id=T9&afn=9994_CNR_4_3_137&fn=cnr-4-137-i009_9994CNR

Ngày truy cập: 16/10/2023

Celery

https://dermnetnz.org/topics/celery

Ngày truy cập: 16/10/2023

Efficacy of the low FODMAP diet for treating irritable bowel syndrome: the evidence to date

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4918736/

Ngày truy cập: 16/10/2023

Celery juice

https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/1103382/nutrients

Policy Progress in Reducing Sodium in the American Diet, 2010-2019

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32966183/

Ngày truy cập: 16/10/2023

Celery May Help Bring Your High Blood Pressure Down

https://health.clevelandclinic.org/celery-may-help-bring-your-high-blood-pressure-down/

Ngày truy cập: 16/10/2023

Phiên bản hiện tại

27/10/2023

Tác giả: Trần Thùy Linh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Cần tây có tác dụng gì? TOP 10 công dụng bao gồm khả năng ngừa ung thư

Góc tư vấn: Người tiểu đường có ăn được rau muống không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 27/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo