backup og meta

5 cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho cả nhà

5 cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho cả nhà

Bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm do chế biến không kỹ, ăn uống ngoài đường, trải nghiệm món lạ… Liệu có cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cả nhà? 

Tình trạng ngộ độc thực phẩm luôn khiến những người phụ nữ chăm sóc gia đình phải lo lắng, nhất là khi có con nhỏ vì hệ tiêu hóa của bé còn yếu. Mùa hè nắng nóng kéo dài tạo điều kiện để các vi khuẩn, nấm có hại phát triển nhanh lại càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Những tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến hàng trăm người phải nhập viện. Số liệu ngành Y tế ghi nhận trong năm 2019 cả nước có 76 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 8 người tử vong và 1.918 người phải nhập viện điều trị.

Để bảo vệ sức khỏe của cả nhà, bạn có thể áp dụng những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm sau đây nhé. 

1. Lưu ý thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc

thực phẩm có nguy cơ ngộ độc

Bạn nên lưu ý một số loại thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn và khiến người dùng bị ngộ độc sau đây:

  • Hải sản
  • Rau và hoa quả tươi
  • Trứng, sữa chưa tiệt trùng
  • Thịt tươi sống có nguồn gốc động vật
  • Các loại phô mai mềm và các loại phô mai chưa tiệt trùng

Thịt tươi sống có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao. Theo CDC (Hoa Kỳ), đa số các loại thịt gia cầm có chứa một số vi khuẩn như Campylobacter, Salmonella, Clostridium perfringens. Thịt tươi sống như thịt heo, thịt bò cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, E. coli, Yersinia và các loại vi khuẩn khác.

Các loại vi khuẩn này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người:

  • Vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả
  • Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn
  • Vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy
  • Vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương
  • Vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bạn nên lưu ý cách chế biến và bảo quản các loại thực phẩm như hải sản, rau củ quả, thịt tươi sống, trứng, sữa, phô mai…

2. Đảm bảo an toàn khi chế biến thực phẩm

an toàn khi <a href=

Khi chế biến thực phẩm cho gia đình, bạn cần đặc biệt chú ý tới lựa chọn nguyên liệu tươi ngon và đảm bảo an toàn. Các loại thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật rất dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng. 

Khi chế biến các thực phẩm tươi sống, bạn cần lưu ý:

  • Tránh chế biến các món gỏi, sống, tái…
  • Không chế biến thịt đã có dấu hiệu ôi, thiu, hỏng
  • Khi nấu nướng chế biến thức ăn, cần dùng riêng các dụng cụ

Để chế biến thực phẩm an toàn, bạn nên có dụng cụ riêng khi sơ chế thịt cá sống như dao, thớt, thau… Đừng dùng chung các dụng cụ này với rau củ quả hay thức ăn chín. 

Sau đây là một số nguyên tắc mà bạn cần nhớ để đảm bảo an toàn thực phẩm khi chế biến: 

– Thường xuyên rửa tay thật sạch.

– Rau sống và hoa quả tươi cần được rửa sạch thật cẩn thận trước khi ăn.

– Rửa dao và thớt bằng nước rửa chén diệt khuẩn và tráng qua nước sôi sau khi chế biến các loại thực phẩm tươi sống như thịt, hải sản hoặc trứng. Thớt gỗ rất khó rửa sạch, do đó bạn nên tránh dùng thớt gỗ. 

– Không nên rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng. Bạn nên rã đông thực phẩm trong tủ lạnh để tránh nguy cơ phát triển vi khuẩn có hại trong thời gian rã đông. 

Để đảm bảo an toàn cho thực phẩm khác trong tủ lạnh, bạn nên cho thực phẩm cần rã đông vào một hộp riêng đậy kín để nước từ đá đông lạnh không chảy ra làm ướt bẩn tủ lạnh. Nếu không có nhiều thời gian và cần rã đông gấp, bạn có thể chọn cách rã đông bằng nước lạnh. 

Bạn nên thực hiện nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”. Đối với các loại thức ăn chế biến sẵn, bạn cũng nên hâm nóng để đảm bảo tiêu diệt vi khuẩn.

3. Bảo quản thực phẩm đúng cách

bảo quản trứng

Tùy theo loại thực phẩm, bạn sẽ có cách bảo quản khác nhau.

• Trứng: Nếu bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, bạn nên để khay trứng bên trong tủ lạnh thay vì trên cánh tủ lạnh để giữ hương vị thơm ngon lâu nhất có thể. Cách bảo quản trứng trong tủ lạnh sẽ tươi lâu hơn và có chất lượng tốt hơn gấp 2 lần so với ở nhiệt độ phòng.

• Sữa: Để bảo quản sữa đúng cách, bạn nên lưu ý đến từng loại sữa. Bạn có thể bảo quản sữa tự nấu trong chai có nắp đậy trong vòng 24 tiếng ở tủ lạnh. Đối với sữa tươi trong hộp giấy được tiệt trùng thì bạn không cần trữ lạnh trước khi mở hộp nhưng phải bảo quản trong tủ lạnh và dùng hết trong vòng 48 tiếng sau khi mở hộp.

• Rau: Nếu biết cách bảo quản rau trong tủ lạnh, bạn sẽ giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bạn nên loại bỏ phần rau giập nát nhưng không nên rửa sạch hay cắt nhỏ trước khi cất vào tủ lạnh. Để bảo quản rau lâu hơn, bạn có thể gói rau bằng giấy hút ẩm rồi mới cho vào túi.

• Trái cây: Một số loại trái cây và rau quả có thể sản sinh ra khí dạng hơi, khiến các loại rau, củ, quả khác nhanh hỏng. Vì thế, bạn nên bảo quản riêng các loại trái cây và rau củ sản sinh lượng khí hơi lớn như táo, chuối, bơ. 

• Ngũ cốc: Trong ngũ cốc và bột có thể có mọt. Mọt có thể khiến bột, ngũ cốc và mì ống bị hỏng. Để bảo quản ngũ cốc và bột, bạn nên cho chúng vào các túi kín rồi cất vào các hộp đậy kín. Sau đó, bạn bỏ hộp này vào bảo quản ở tủ lạnh hoặc tủ kín.

• Thịt cá: Bạn không nên bảo quản các loại thịt cá tươi sống ở nhiệt độ phòng. Sau khi mua nguyên liệu về, bạn nên chế biến càng sớm càng tốt. Phần chưa dùng đến cần được gói và bảo quản ở ngăn tủ đông.

• Thức ăn thừa: Để bảo quản thức ăn thừa, bạn nên cho thức ăn vào các hộp rồi đậy kín rồi cất vào tủ lạnh. Bạn nên ghi chú thời gian bảo quản và nếu không sử dụng trong thời gian ngắn thì nên bỏ đi để tránh nhiễm khuẩn tủ lạnh. 

Khi dùng thức ăn thừa, bạn nên hâm nóng ở nhiệt độ trên 60°C. Bạn nhớ kiểm tra kỹ màu sắc, mùi vị và ăn thử một lượng nhỏ để xem thực phẩm có đảm bảo an toàn không.

Nếu có các triệu chứng như tiêu chảy hoặc nôn ói, bạn không nên tự tay chuẩn bị thức ăn cho người khác, đặc biệt là trẻ em và người có hệ miễn dịch yếu để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

4. Cẩn thận khi ăn uống bên ngoài

cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Bạn nên lưu ý một số điều sau đây mỗi khi ăn uống bên ngoài: 

– Quán ăn hoặc nhà hàng phải đảm bảo an toàn thực phẩm và được kiểm tra thường xuyên bởi các cơ quan có chuyên môn.

– Phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu nên đặc biệt cẩn thận hơn khi ăn ở bên ngoài.

– Bạn nên tập thói quen kiểm tra màu sắc, hương vị của món ăn, rau sống, salad… trước khi ăn. Nếu cảm thấy thịt, trứng chưa được nấu chín hoàn toàn, hãy nhờ nhân viên nấu kỹ hơn. 

– Lựa chọn những hàng quán quen, có bếp ăn và khuôn viên sạch sẽ, bát đĩa đồ dùng được giữ sạch và thức ăn được chế biến cẩn thận.

Nếu mang thức ăn thừa từ nhà hàng về, bạn nên cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt, không nên để quá 2 giờ nếu trời mát và quá 1 giờ nếu trời nóng trên 32°C.

5. Phòng ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch

cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Bạn có cơ hội khám phá nét ẩm thực khi đi du lịch ở những vùng, miền đất nước khác. Tuy nhiên, bạn cũng cần hết sức cẩn thận để tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là khi điểm đến là những vùng xa xôi, hẻo lánh, đồi núi, đảo, sa mạc…

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, bạn có thể mua chuẩn bị sẵn hoặc ưu tiên các loại thực phẩm sau đây:

• Chuẩn bị đồ khô, thực phẩm đóng gói và tiệt trùng: Các loại vi sinh vật có thể gây ngộ độc thực phẩm thường phát triển mạnh trong điều kiện ẩm. Các loại đồ khô như bánh mì, khoai tây chiên, thức ăn đóng gói, đồ hộp như cá ngừ thường an toàn hơn.

• Ưu tiên lựa chọn thức ăn nóng và nấu chín: Nhiệt độ khi đun nóng giúp tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn. Thức ăn được phục vụ khi đang nóng sốt sẽ đảm bảo an toàn hơn các loại thức ăn nguội.

• Chỉ nên uống nước đóng chai: Bạn nên nước uống đóng chai, nước trong lon hoặc đồ uống nóng (đối với trà, cà phê). Hãy hạn chế sử dụng đá và nước máy, đặc biệt là những nơi nguồn nước không thực sự đảm bảo an toàn.

Khi đi du lịch, bạn nên tránh các loại đồ ăn tươi sống, món ăn từ các sinh vật hoang dã ở địa phương. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế tối đa thức ăn đường phố và các loại trái cây bóc vỏ được bày bán sẵn trên đường.

Khi bạn đi du lịch cùng trẻ em ở độ tuổi bú mẹ thì nên cho bé bú sữa mẹ trực tiếp là an toàn nhất. Nếu bé bú sữa công thức thì cần đảm bảo vệ sinh nước và dụng cụ pha sữa. Ngoài ra, bạn nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi thay tã cho bé, chạm vào động vật, đi vệ sinh, ho hoặc hắt xì… 

Khi áp dụng những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trên, bạn sẽ bảo vệ cả nhà tránh khỏi những cơn đau bụng khó chịu và rủi ro sức khỏe ngoài ý muốn. Bạn cũng nên nhận biết những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm để nhanh chóng đi khám và điều trị nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Prevent Food Poisoning
https://www.cdc.gov/foodsafety/prevention.html
Ngày truy cập: 10.06.2020

Food poisoning
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/food-poisoning/symptoms-causes/syc-20356230
Ngày truy cập: 10.06.2020

Phiên bản hiện tại

23/07/2021

Tác giả: Hồng Nhung

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phó Ngọc Trinh


Bài viết liên quan

8 dấu hiệu ngộ độc thực phẩm - Biết để xử lý kịp thời

Bí quyết bảo quản thức ăn thừa không lo hỏng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 23/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo