backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Thai ngôi mông, ngôi vai là như thế nào? Có sinh thường được không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 19/02/2024

    Thai ngôi mông, ngôi vai là như thế nào? Có sinh thường được không?

    Thông thường, trẻ trước khi sinh sẽ quay về vị trí ngôi thai thuận (đầu bé hướng về âm hộ, mông hướng về ngực mẹ). Thế nhưng với thai ngôi mông thì chân và mông của bé lại hướng về âm hộ của mẹ.

    Trong suốt quá trình mang thai, em bé sẽ thường xuyên chuyển động và thay đổi vị trí trong bụng mẹ. Đến tuần thứ 36, hầu hết trẻ sẽ quay đầu hướng về phía âm hộ của mẹ và cố định ngôi và chờ ngày được ra ngoài. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thai chưa ở đúng vị trí. Bài viết sau sẽ đem đến các thông tin chi tiết về hiện tượng ngôi thai mông là gì cũng như những biện pháp giúp mẹ bầu sinh nở an toàn.

    Thai ngôi mông, ngôi vai là gì?

    Trước khi đi tìm lời đáp cho thắc mắc “thai ngôi ngang (ngôi vai), thai ngôi mông có sinh thường được không?”, Hello Bacsi mời các mẹ bầu hãy tìm hiểu xem thai ngôi ngang, thai ngôi mông là gì?

    1. Thai ngôi mông là gì?

    Thai ngôi mông (ngôi ngược) là hiện tượng chân hoặc mông của thai nhi nằm phía cổ tử cung, hướng về phía âm hộ, thay vì phần đầu. Khoảng 3-4% các trường hợp mang thai sẽ gặp phải thử thách ngôi thai không thuận và gây ra một số vấn đề nhất định trong quá trình sinh nở.

    2. Thai ngôi vai (ngôi ngang) là gì? 

    Thai nhi ngôi vai (ngôi ngang) là tình trạng ngôi thai nằm ngang trong tử cung. Điều này sẽ khiến vai của bé đi vào âm đạo trước tiên khi mẹ sinh con và có thể gây ra một số tai biến khi sinh. Thai nhi ngôi vai không thể sinh thường theo đường âm đạo.

    Các loại thai ngôi mông (thai ngược) mẹ nên biết

    thai-ngoi-mong-me-bau-can-biet-gi 1

    Thai ngôi mông được phân ra làm 3 dạng: ngôi mông hoàn toàn, ngôi mông không hoàn toàn – kiểu mông, ngôi mông không hoàn toàn – kiểu chân. Cụ thể như sau:

  • Ngôi mông hoàn toàn: Thai nhi ở tư thế mông hướng xuống đường dẫn sinh, hai đầu gối gập lại như đang ngồi bắt chéo chân.
  • Ngôi mông không hoàn toàn – kiểu mông: Mông của bé hướng xuống đường dẫn sinh, hai chân hướng lên duỗi thẳng ở ngay trước mặt bé, hai bàn chân rất gần nhau.
  • Ngôi mông không hoàn toàn – kiểu chân: Thai nhi ở tư thế mông hướng xuống đường dẫn sinh và một hoặc cả hai bàn chân của bé hướng xuống đường dẫn sinh. Ở tư thế này, nếu sinh thường, chân của con sẽ ra trước tiên.
  • Thai ngôi mông, ngôi vai có nguy hiểm không?

    Khoảng từ tuần 32 – 36 của thai kỳ, thai nhi sẽ bắt đầu di chuyển vào ngôi thai thuận để chuẩn bị cho quá trình sinh. Nếu sau 37 tuần mang thai mà bé yêu vẫn ở ngôi thai ngược, lúc này, con sẽ khó có thể xoay vào ngôi thai thuận. Ở những tuần cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về lựa chọn phương pháp sinh của bạn nhằm đảm bảo an toàn. Một số tình trạng ngôi ngược (ngôi ngược hoàn toàn và thai ngược không hoàn toàn – kiểu mông) vẫn có thể sinh con theo ngả âm đạo nhưng cần có sự trợ giúp của đội ngũ bác sĩ đỡ sinh giàu kinh nghiệm.

    Lưu ý là việc cố gắng sinh thường khi ngôi thai ngược có thể gây ra các vấn đề sau:

    • Trẻ sinh ra gặp chấn thương ở chân hoặc tay như trật khớp hoặc gãy xương.
    • Vấn đề về dây rốn như dây rốn có thể bị xẹp hoặc xoắn, sa dây rốn trong quá trình sinh nở. Điều này có thể gây tổn thương thần kinh hoặc não thai nhi do thiếu oxy.

    Thai ngôi mông, ngôi vai: Nguyên nhân do đâu?

    thai ngôi mông, ngôi vai

    Hiện, các bác sĩ sản khoa không biết tại sao thai nhi lại ở ngôi mông, ngôi vai. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng có một số yếu tố có thể góp phần khiến thai nhi có vị trí này, chẳng hạn như:

    • Bạn mang đa thai nên buồng tử cung không có đủ không gian để thai nhi di chuyển về ngôi thai thuận.
    • Bạn bị đa ối hay thiểu ối.
    • Tử cung có hình dạng bất thường hoặc có sự phát triển bất thường như u xơ tử cung. Thông thường, tử cung có hình dạng giống một quả lê lộn ngược. Việc tử cung có hình dạng khác có thể khiến em bé không thể di chuyển vào ngôi thai thuận.
    • Nhau thai tiền đạo.
    • Bé sinh non: Việc được sinh ra trước 37 tuần của thai kỳ có thể khiến thai nhi chưa chuyển vào vị trí ngôi thai thuận.
    • Thai nhi bị dị tật bẩm sinh khiến đầu không thể quay xuống được.

    Mẹ nên làm gì nếu gặp vấn đề thai ngôi mông?

    Theo chia sẻ của một số mẹ bỉm từng có ngôi thai ngược để hỗ trợ xoay ngôi thai một cách tự nhiên, bạn có thể thử áp dụng các phương pháp sau:

    • Chống hai tay và đầu gối xuống đất trong tư thế như đang bò, sau đó từ từ di chuyển tiến lên và lùi lại. Việc khung xương chậu chuyển động có thể khuyến khích bé xoay đầu.
    • Nếu biết bơi, bạn hãy đi bơi. Đi bơi khi mang thai mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.
    • Dùng tai nghe có phát nhạc hoặc giọng nói của bạn và đặt phía bụng dưới, điều này có thể làm bé quay đầu về hướng có âm thanh.

    Tuy nhiên, bạn lưu ý không phải lúc nào những phương pháp trên cũng hiệu quả. Một số mẹ bầu thường thắc mắc liệu thai ngôi mông có sinh thường được không?”, câu trả lời dành cho bạn vẫn là có nếu như biện pháp xoay ngôi thai thành công. Nếu vị trí đầu của thai nhi vẫn không thay đổi, bạn sẽ cần phải sinh mổ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ lẫn bé.

    Hello Bacsi tin rằng đọc đến đây hẳn mẹ bầu đã có được câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc thai ngôi mông, ngôi ngang là như thế nào, có sinh thường được không?”. Để từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở! Chúc bạn vượt suôn sẻ!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 19/02/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo