backup og meta

Sàng lọc ung thư vú ở những phụ nữ đặt túi ngực - những điều cần biết

Sàng lọc ung thư vú ở những phụ nữ đặt túi ngực - những điều cần biết

Nếu đã phẫu thuật nâng ngực, có một số vấn đề bạn cần được biết về sàng lọc ung thư vú thường quy và các quy trình chẩn đoán liên quan.

“Không đơn giản chỉ cần đặt túi ngực vào là xong”, bác sĩ Jay Baker, trưởng khoa hình ảnh học vú tại Trung tâm Y khoa Đại học Duke – Durham – Bắc Carolina nói.

Khi một phụ nữ đến làm phẫu thuật nâng ngực, bác sĩ thường không giải thích chi tiết về các vấn đề họ có thể gặp phải trong tương lai, chẳng như cách túi ngực có thể ảnh hưởng đến quá trình sàng lọc ung thư vú thường quy sau này.

Các túi nâng ngực không làm tăng nguy cơ ung thư vú, nhưng chúng cũng chẳng thể giúp ngăn ngừa bệnh lý này. Nguy cơ ung thư vú gắn liền với các yếu tố như bệnh nhân lớn tuổi, thừa cân, tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, hoặc di truyền một số đột biến gien liên quan đến ung thư vú. Tuy nhiên, cần chú ý rằng ung thư vú có thể đi kèm với một loại ung thư máu hiếm gặp không liên quan gì đến ung thư vú.

Theo các hướng dẫn lâm sàng quốc gia, hầu hết phụ nữ dù có nâng ngực hay không đều cần được chụp nhũ ảnh sàng lọc hàng năm từ năm 40 đến 50 tuổi. Viện Ung thư Quốc gia nhấn mạnh: với một phụ nữ được đặt túi ngực để tái tạo sau phẫu thuật cắt bỏ vú, họ cần hỏi bác sĩ xem mình có cần chụp nhũ ảnh cho vú được tái tạo không.

Bạn đã phẫu thuật đặt túi ngực hoặc đang xem xét phẫu thuật nâng ngực? Các thông tin sau đây có thể giúp bạn định hướng quá trình sàng lọc ung thư vú thường quy và các xét nghiệm chẩn đoán liên quan sau đó.

Hãy làm quen và thân thuộc với túi nâng ngực của mình

Nếu đã phẫu thuật nâng ngực hoặc tái tạo vú trước đây (hoặc đang cân nhắc các phẫu thuật này), lời khuyên dành cho bạn là hãy tìm hiểu và quen thuộc với những bộ phận mới này trên cơ thể mình.

“Chúng tôi khuyên bạn nếu đặt túi ngực thì cần quen thuộc với túi ngực đó”, bác sĩ Sameer Patel, phó giáo sư Khoa phẫu thuật Ung bướu tại Trung tâm Ung thư Fox Chase – Philadelphia nói. Ông khuyên hãy chia sẻ với bác sĩ làm cách nào để bạn cảm nhận được đâu là mô vú và đâu là túi ngực.

Trong một nghiên cứu gần đây, các phụ nữ có đặt túi ngực lại có khuynh hướng được phát hiện ung thư vú khi khối u còn ở kích thước nhỏ, đặc biệt với các khối u phát hiện khi tự khám hoặc khi khám lâm sàng. Nghiên cứu được tiến hành trên 48 phụ nữ bị ung thư vú sau đặt túi ngực và 302 phụ nữ bị ung thư vú mà không có túi ngực.

sàng lọc ung thư vú

Nhưng… túi nâng ngực có thể che lấp dấu hiệu ung thư vú khi chụp nhũ ảnh sàng lọc

Các tia X trong chụp nhũ ảnh không đủ để xuyên qua nước muối hoặc silicone. Do vậy, tùy vào từng vị trí khối u, nó có thể khó thấy trên nhũ ảnh hơn. “Việc này chúng tôi gặp thường xuyên và thật ra rất khó để kiểm soát. Rõ ràng, túi ngực sẽ làm mọi thứ rắc rối hơn một chút”, bác sĩ Baker nói.

Cũng trên tạp chí Phẫu thuật Tái tạo và Thẩm Mỹ này, tỷ lệ phát hiện ung thư bằng chụp nhũ ảnh sàng lọc ở phụ nữ có đặt túi ngực thật sự thấp hơn (77,8%) so với người không đặt túi ngực (90,7%).

Tuy có những hạn chế trên nhũ ảnh như vậy, nhưng BS Patel nói tỷ lệ sống còn không khác biệt. “Kết cục ở những bệnh nhân bị ung thư vú, ngay cả khi có đặt túi ngực, là tương đương với những người không đặt túi ngực”.

Luôn báo cho nhân viên xếp lịch hẹn và chuyên viên chụp nhũ ảnh biết

Nếu bạn có đặt túi ngực, hãy nói cho nhân viên y tế biết. Nói với nhân viên xếp lịch khi đặt lịch chụp nhũ ảnh. Đảm bảo nhân viên chụp nhũ ảnh là người có kinh nghiệm tiến hành trên những phụ nữ có đặt túi ngực.

“Kỹ thuật viên cần biết được hai điều”, bác sĩ Baker chia sẻ. “Một là nên đặt bệnh nhân ở tư thế nào cho phù hợp”. Với phụ nữ có đặt túi ngực, cần thêm một số bước khác để sàng lọc. Điều còn lại là nên dùng lực ép bao nhiêu.

Theo Hội Hình ảnh học Bắc Mỹ (RSNA), một kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm sẽ biết làm thế nào để ép vú một cách cẩn thận mà không có nguy cơ bể túi ngực.

Chuẩn bị tinh thần rằng bạn có thể phải chụp thêm

Nhũ ảnh tiêu chuẩn chỉ cần hai lần từ hai góc chụp vào mỗi vú – tổng cộng là 4 hình ảnh. Nhưng những phụ nữ có đặt túi ngực thường được yêu cầu phải chụp thêm một số góc chụp khác ở mỗi bên. Các góc thêm vào được tập hợp lại để phát hiện ra những ung thư bị túi ngực che lấp.

“Chúng được gọi là góc chụp dời túi nâng ngực”, bác sĩ Patel – một thành viên của Ban Hướng dẫn lâm sàng về Ung thư vú của Mạng lưới Ung thư Chuyên sâu Quốc gia, chia sẻ.

Ông cũng giải thích rằng sau khi đã kéo giãn vú, cần đẩy túi nâng ngực về hướng thành ngực “để thấy được nhiều mô vú hơn trên nhũ ảnh”.

Bác sĩ Baker cũng chú ý thêm rằng, các góc chụp dời túi ngực chỉ cần lực ép khá nhỏ, “chỉ đủ để cố định mô vú” mà thôi.

sàng lọc ung thư vú

Vỡ túi nâng ngực khi chụp nhũ ảnh hiếm khi xảy ra

Bạn lo sợ vỡ túi nâng ngực do lực ép khi chụp nhũ ảnh? Thật ra việc này lại không thường xảy ra. Một nghiên cứu năm 2004 trên Tạp chí Sức khỏe Phụ nữ đã đánh giá vấn đề chụp nhũ ảnh cho người có đặt túi ngực. Các nhà nghiên cứu cho biết có 44 biến cố vỡ túi nâng ngực khi chụp nhũ ảnh, 17 trường hợp khác bị vỡ túi nâng ngực trong quá trình ép. Tuy vậy, mỗi năm có đến gần 300.000 phụ nữ phẫu thuật nâng ngực, theo số liệu của Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Hoa Kỳ.

Trong nhiều trường hợp vỡ túi ngực, bác sĩ Baker nghi ngờ túi ngực đã chịu một lực nén ép trước đó.

Có thể cần thêm các biện pháp khác để sàng lọc ung thư vú

Chụp nhũ ảnh vẫn là công cụ được ưu tiên lựa chọn trong ung thư vú, nhưng đôi khi các bác sĩ sẽ khuyến cáo thực hiện thêm các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác.

“Thường thì chúng tôi chỉ sàng lọc bằng siêu âm với những phụ nữ nguy cơ cao (ung thư vú) hoặc những người có mô vú dày”, bác sĩ Baker giải thích. Nhưng nếu không thể nhìn được mô vú trên nhũ ảnh do túi nâng ngực, “có thể phải xem xét sàng lọc bằng siêu âm”.

Siêu âm không thể thay thế cho chụp nhũ ảnh, ông nói thêm, vì mỗi phương pháp cung cấp những thông tin khác nhau. Chụp nhũ ảnh cho thấy các tổn thương lắng đọng canxi nhỏ mà có thể là dấu hiệu báo trước ung thư vú, trong khi siêu âm không thể thấy hình ảnh này. Trong khi đó, siêu âm có thể bộc lộ một khối nhỏ bị túi nâng ngực che lấp mà không thể phát hiện được bằng nhũ ảnh.

Sinh thiết bằng kim – Nguy cơ nhỏ nhưng không phải không tồn tại

Nếu nghi ngờ về một vùng mô vú nào đó, có thể tiến hành sinh thiết bằng kim để rút một mẫu tế bào đi xét nghiệm. Ở phụ nữ có đặt túi ngực, quy trình này có thể có nguy cơ tùy vào vị trí khối u.

“Tôi luôn nói với bệnh nhân rằng, khi cần sinh thiết bằng kim và có túi nâng ngực ở cùng bên vú đó, sẽ luôn có nguy cơ bị vỡ túi nâng ngực”, bác sĩ Baker nói. “Nó hiếm gặp”, ông lại nói thêm, “nhưng hoàn toàn có thể xảy ra”.

Cái mà bạn tưởng là khối u lại có thể là túi nâng ngực. Dù vậy, hãy cứ kiểm tra nhé!

Đôi lúc, những phụ nữ đặt túi ngực cứ tưởng mình thấy vú có u, nhưng cái họ cảm nhận thật ra chỉ là túi nâng ngực mà thôi. Đặc biệt, các túi nâng ngực bằng nước muối có thể phồng ra như một túi nước lưng lửng, bác sĩ Baker nói rõ. Nhưng ông vẫn nhấn mạnh những phụ nữ thấy có khối u trong ngực phải đi khám sớm. Đừng cho nó chỉ là túi nâng ngực rồi lờ đi!

“Túi ngực không làm tăng nguy cơ ung thư vú”, ông chia sẻ, “nhưng nó cũng không thể giúp phòng ngừa ung thư vú”.

sàng lọc ung thư vú

Túi nâng ngực có liên quan đến một loại ung thư hiếm gặp

Những phụ nữ đặt túi ngực có nguy cơ mắc phải một loại lymphoma hiếm gặp gọi là lymphoma tế bào lớn không biệt hóa liên quan đến túi ngực, hay BIA-ALCL. FDA nói họ đã nhận được 457 báo cáo về loại ung thư này, bao gồm 9 trường hợp tử vong. Ít nhất 310 trường hợp trong số này có đặt túi ngực nhám (textured implant).

FDA đang tiến hành đánh giá tổng quan về tính an toàn của các túi ngực. Tháng 3–2019, một ban cố vấn được thành lập và thảo luận trong hai ngày về các lợi ích và nguy cơ của túi nâng ngực. FDA cũng đưa ra các thư cảnh báo về hai chất làm túi ngực đã không được tiến hành các nghiên cứu dài hạn về tính an toàn.

Các triệu chứng BIA-ALCL gồm đau, các khối u, sưng trên vú hoặc vú không đều. Điều trị bao gồm lấy túi nâng ngực ra, cắt bỏ mô xung quanh, đôi lúc buộc phải hóa trị và xạ trị.

Bạn có thể cần phải phẫu thuật lấy túi ngực ra, nhưng không phải vì để sàng lọc ung thư vú

Bạn có cần phải lấy túi nâng ngực ra nếu được chẩn đoán ung thư vú không? Đó là một quyết định cá nhân dựa vào tình trạng bệnh lý và liệu pháp điều trị khuyến cáo cho mỗi người.

Những phụ nữ có đặt túi ngực phải xạ trị do ung thư vú có nguy cơ xuất hiện một tình trạng gọi là co thắt bao xơ. Xạ trị làm mô sợi quanh túi nâng ngực trở nên cứng, chặt và gây đau.

“Trong những trường hợp nặng hơn, nó thật sự dễ làm vú bị biến dạng và có thể nhìn thấy rõ qua da”, bác sĩ Patel nói.

Nhưng bạn không cần phải lấy túi ngực ra chỉ để chụp nhũ ảnh. Bác sĩ Baker cho biết: “Nếu chỉ để cải thiện việc sàng lọc ung thư vú, tôi sẽ không bao giờ khuyên một phụ nữ phải phẫu thuật lấy đi túi nâng ngực nguyên vẹn, hoàn hảo của mình”.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

https://www.health.com/condition/breast-cancer/breast-implants-cancer-screening

Cập nhật ngày 3/4/2019

 7 Early Symptoms of Cancer Ignored by 90% of People

https://brightside.me/inspiration-health/7-early-symptoms-of-cancer-ignored-by-90-of-people-334660/

Cập nhật ngày 3/4/2019

Breast Implants May Increase Your Risk of A Rare Type of Cancer

https://www.womenshealthmag.com/health/a25318625/breast-implants-and-cancer/

Cập nhật ngày 3/4/2019

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: BS. Nguyễn Thị Ngọc Nhân

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Chích ngừa ung thư cổ tử cung và những điều bạn cần biết

Điều trị ung thư vú: Liệu pháp nội tiết tố và sinh học


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: BS. Nguyễn Thị Ngọc Nhân · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo