Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến phổi
Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm hay muộn.
Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu một trong số các xét nghiệm sau đây:
- Chụp CT ngực và bụng chậu
- Chụp X-quang ngực
- Chụp MRI não
- Xạ hình xương
- Sinh thiết u phổi qua siêu âm hoặc CT
- Nội soi khí phế quản
- Chọc hút hoặc sinh thiết trọn hạch di căn (thường gặp nhất là hạch thượng đòn)
- Xét nghiệm tế bào trong đờm hoặc trong dịch màng phổi
- Xét nghiệm máu đánh giá các rối loạn về huyết học, sinh hóa, cũng như định lượng các chất chỉ điểm u trong máu
- Chụp PET toàn thân khi cần
- Cắt u hoặc sinh thiết qua phẫu thuật mở hoặc nội soi lồng ngực hoặc trung thất (VATS: video – assisted thoracoscopy; VAM: video – assisted mediastinoscopy)
- Xét nghiệm đột biến gen
Những phương pháp điều trị ung thư biểu mô tuyến phổi
Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu còn tùy thuộc vào hiệu quả của phương pháp điều trị được áp dụng. Lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, mức độ di căn, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Các lựa chọn điều trị ung thư biểu mô tuyến phổi bao gồm:
Phẫu thuật ung thư
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến còn khu trú (được xem như khi tổn thương còn mang tính khu trú tại chỗ, tại vùng, gồm giai đoạn I và II), lúc này phẫu thuật mang tính chất triệt để. Nếu bệnh nhân có đủ sức khỏe với chức năng hô hấp đảm bảo, phẫu thuật là cơ hội tốt nhất để chữa khỏi bệnh. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, các bệnh lý đi kèm và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Đối với các tổn thương nhỏ < 3cm ở ngoại biên với mô học là AIS hoặc MIA, phẫu thuật cắt hình chêm (wedge resection) với bờ diện cắt âm tính cũng cho kết quả sống còn lâu dài. Phẫu thuật cắt hình chêm cho các tổn thương trung tâm thường có nguy cơ tái phát tại chỗ cao hơn từ 3 – 5 lần phẫu thuật cắt thùy.
Kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực dưới sự trợ giúp của video (VATS) và cắt qua rô – bốt: Thường được áp dụng cho các tổn thương nhỏ và vừa ở ngoại biên, không hoặc ít hạch vùng. Đây là các kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn với các ưu điểm thời gian nằm viện ngắn, ít đau sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, nhưng cần chọn lọc bệnh nhân kỹ lưỡng hơn. VATS cho các kết quả sống còn và tỉ lệ tái phát thấp tương đương như phẫu thuật cắt thùy mở .
Kỹ thuật cắt qua rô – bốt đang được nghiên cứu và cũng cho kết quả ban đầu hứa hẹn với ít di chứng và kết quả lâu dài về mặt ung thư học tương đương.
Sau đó, bệnh nhân có thể tiến hành hóa trị kết hợp xạ trị (hóa xạ trị đồng thời) để ngăn ngừa ung thư tái phát và kiểm soát triệu chứng bệnh.
Xạ trị
Xạ trị là sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc thu nhỏ khối u. Xạ trị thường được đưa ra kết hợp với phẫu thuật hoặc hóa trị. Xạ trị cũng thường được chỉ định trong trường hợp khối u đã di căn và không thể phẫu thuật.
Xạ trị bổ trợ sau mổ các trường hợp ung thư phổi giai đoạn sớm cũng đã được nghiên cứu và cũng còn nhiều bàn cãi. Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật giai đoạn I và II không được xác nhận có ích lợi. Thường chỉ định cho một số trường hợp có yếu tố nguy cơ cao tái phát tại chỗ, tại vùng.
Xạ trị triệt căn là một lựa chọn thay thế cho các tổn thương còn khu trú và có thể tiến hành theo kỹ thuật xạ trị quy ước hoặc xạ trị định vị thân (SBRT: stereostatic body radiotherapy).
Hiện tại, hóa xạ trị đồng thời được khuyến cáo như một xử trí tiêu chuẩn cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III (không phẫu thuật được).
Hóa trị
Hóa trị là một phương pháp điều trị bằng việc đưa thuốc vào cơ thể thông qua đường truyền tĩnh mạch, nhằm tiêu diệt và ngăn chặn các tế bào ung thư. Hóa trị thường được thực hiện kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị.
Hóa trị tân bổ trợ: Hóa trị trước mổ cho các ung thư phổi giai đoạn còn khu trú nhằm 2 mục đích là tiêu diệt các di căn vi thể đã có và giảm kích thước tổn thương tạo thuận lợi cho phẫu thuật tiếp theo. Hóa trị tân bổ trợ là lựa chọn tiêu chuẩn trong điều trị giai đoạn IIIA, vai trò chưa được xác định rõ trong các giai đoạn sớm hơn.
Hóa trị bổ trợ: Sau mổ đã được nghiên cứu nhiều và các nghiên cứu cho kết quả khác nhau. Hóa trị bổ trợ hiện được chỉ định sau phẫu thuật cho các trường hợp có giai đoạn từ IB trở lên.
Hóa trị tạm bợ: Cho các trường hợp quá khả năng phẫu thuật, giai đoạn muộn hoặc tiến triển hay tái phát, di căn.
Đối với bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến phổi, thuốc hóa trị thường được chỉ định bao gồm: Cisplatin hoặc carboplatin được kết hợp với một loại thuốc hóa trị khác, chẳng hạn như pemetrexed hoặc doctataxel.
Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu sẽ còn tùy thuộc vào khả năng bệnh nhân có đáp ứng với thuốc và phác đồ hóa trị liệu hay không.
Nhắm trúng đích và Miễn dịch
Một bước tiến lớn trong điều trị ung thư phổi đó là sự ra đời và liên tục cải tiến của các nhóm thuốc điều trị nhắm trúng đích và miễn dịch, điều đó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho việc điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn, góp phần mang lại hi vọng cho bệnh nhân trong việc kéo dài thời gian sống còn.
Tùy theo kết quả đột biến gen và miễn dịch, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc nào phù hợp nhất cho bệnh nhân. Thuốc thường được dùng đơn thuần, không cần phải kết hợp với hóa trị và bệnh nhân hoàn toàn có thể uống thuốc tại nhà và chỉ cần đi tái khám lãnh thuốc hàng tháng. Thuốc thường được dùng kéo dài cho đến khi bệnh tiến triển. Việc sử dụng các nhóm thuốc này cũng ít có tác dụng phụ hơn so với hóa trị, nếu có thì cũng thường nhẹ nhàng và dễ kiểm soát hơn.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì giá thành của các loại thuốc nhắm trúng đích, cũng như miễn dịch là rất đắt, không nhiều người bệnh có điều kiện kinh tế sử dụng, chi phí cho việc điều trị hàng tháng có thể lên tới vài chục cho đến vài trăm triệu đồng. Bảo hiểm y tế cũng chỉ mới thanh toán được một phần. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc này cũng không thật sự nhiều.
Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu?

Ung thư phổi nói chung và ung thư biểu mô tuyến phổi nói riêng có khả năng gây tử vong cao với tỷ lệ sống sót sau 5 năm là trong khoảng từ 12 đến 15%. Đối với ung thư phổi giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm trong khoảng từ 70-85%. Đặc biệt, nếu ung thư di căn xa, khả năng sống sót sau 5 năm ít hơn 5%. Hơn 80% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối tử vong sau 5 năm.
Các trường hợp ung thư biểu mô tuyến phổi có tiên lượng xấu hơn nhiều so với ung thư tế bào vảy. Vì vậy, không thể có một câu trả lời chính xác cho thắc mắc ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu. Vấn đề này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh được chẩn đoán, loại ung thư, mức độ di căn, cũng như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh nhân.
Phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả có thể giúp nâng cao khả năng sống sót cho bệnh nhân. Ngoài ra, việc cai thuốc lá không chỉ giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của ung thư phổi, mà còn làm giảm bệnh tim, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại vi.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!