Các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư gan, là những bệnh nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng của con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương pháp để điều trị căn bệnh này, một trong số đó phải kể đến hóa trị liệu.
Vậy, hóa trị liệu trong ung thư gan là phương pháp điều trị như thế nào? Liệu pháp này được thực hiện ra sao? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây nhé!
Hóa trị liệu là gì?
Hóa trị liệu (Chemotherapy) hay còn được gọi tắt là hóa trị, nói chung là việc sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc hóa chất nào đó để điều trị một căn bệnh bất kỳ. Tuy nhiên, trong thực tế cụm từ “hóa trị liệu” dường như đã được mọi người mặc định là một phương pháp dùng để điều trị ung thư. Phương pháp này cũng được áp dụng trong điều trị ung thư gan.
Phẫu thuật và xạ trị chỉ làm hỏng, loại bỏ hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư ở gan, nhưng hóa trị có thể tác động trên toàn bộ cơ thể. Điều này có nghĩa là hóa trị có thể tiêu diệt các tế bào ung thư gan đã di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể cách xa khối u ban đầu (nguyên phát). Từ đó cho thấy, hóa trị có thể được dùng để điều trị cả ung thư gan nguyên phát lẫn thứ phát.
Mục tiêu hóa trị ung thư?
Nếu bác sĩ khuyên bạn nên áp dụng phương pháp hóa trị liệu để điều trị ung thư gan, bạn nên tìm hiểu về mục đích của phương pháp này. Có ba mục tiêu chính mà hóa trị liệu nhắm đến trong điều trị ung thư, bao gồm:
- Chữa khỏi: Nếu tình trạng ung thư của bạn được phát hiện ở những giai đoạn sớm, phương pháp hóa trị có thể được sử dụng để chữa ung thư, nghĩa là các tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
- Kiểm soát: Nếu không thể chữa khỏi, mục tiêu của hóa trị có thể là kiểm soát bệnh. Hóa chất được sử dụng để thu nhỏ khối u hoặc ngăn chặn ung thư phát triển và lan rộng. Điều này có thể giúp bệnh nhân ung thư cảm thấy khỏe hơn và sống lâu hơn. Trong nhiều trường hợp, bệnh ung thư không hoàn toàn biến mất, nhưng được kiểm soát như một căn bệnh mãn tính, giống như bệnh tim hoặc đái tháo đường.
- Giảm nhẹ triệu chứng: Hóa chất cũng có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng do ung thư. Khi ung thư đã bước sang giai đoạn tiến triển, có nghĩa là đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể và khó có thể kiểm soát, mục tiêu của phương pháp hóa trị lúc này có thể là cải thiện chất lượng cuộc sống hoặc giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn.
Thuốc hóa trị có thể có tác dụng trên nhiều loại ung thư, tuy nhiên hầu hết các thuốc này lại không có tác dụng lớn đối với ung thư gan. Những tiến bộ gần đây đã chỉ ra rằng sự kết hợp của các loại thuốc có thể hữu ích hơn là chỉ sử dụng một loại thuốc hóa trị duy nhất. Nhưng ngay cả những sự kết hợp thuốc này cũng chỉ giúp thu nhỏ một số lượng nhỏ các khối u và các phản ứng thường không kéo dài. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy phương pháp hóa trị toàn thân không giúp ích nhiều đối với bệnh nhân ung thư gan.
Các loại thuốc hóa trị có thể sử dụng?
Các loại thuốc hóa trị phổ biến nhất để điều trị ung thư gan bao gồm:
- Gemcitabine (Gemzar)
- Oxaliplatin (Eloxatin)
- Cisplatin
- Doxorubicin (pegylated liposomal doxorubicin)
- 5-fluorouracil (5-FU)
- Capecitabine (Xeloda)
- Mitoxantrone (Novantrone)
Đôi khi, các bác sĩ kết hợp 2 hoặc 3 trong số các loại thuốc này để điều trị. GEMOX (gemcitabine kết hợp với oxaliplatin) là một lựa chọn cho những bệnh nhân còn khỏe mạnh và có thể dung nạp nhiều hơn một loại thuốc. Hóa trị sử dụng 5-FU, ví dụ với FOLFOX (5-FU, oxaliplatin và leucovorin), là một lựa chọn khác cho những người bị bệnh về gan.
Hóa chất được đưa vào cơ thể như thế nào?
Có rất nhiều cách khác nhau để đưa thuốc vào cơ thể khi tiến hành phương pháp hóa trị liệu.
Hóa trị liệu toàn thân
Đối với dạng hóa trị liệu này, thuốc được tiêm ngay vào tĩnh mạch (IV) hoặc qua đường uống. Những loại thuốc này xâm nhập vào máu và đến hầu hết các bộ phận của cơ thể. Vì vậy, hóa trị có thể hữu ích trong điều trị ung thư gan đã di căn sang các cơ quan khác hoặc ung thư gan thứ phát.
Đối với tiêm tĩnh mạch IV, các bác sĩ sẽ tiến hành đặt một ống thông (catheter) lớn và cứng hơn một chút vào hệ thống tĩnh mạch để quản lý việc đưa thuốc vào cơ thể. Chúng thường được gọi là ống thông tĩnh mạch trung tâm (CVC), thiết bị dẫn vào tĩnh mạch trung tâm (CVAD) hoặc đường dẫn trung tâm. Chúng được sử dụng để đưa thuốc, sản phẩm máu, chất dinh dưỡng hoặc chất lỏng vào máu của bệnh nhân. Các ống thông này cũng có thể được sử dụng để lấy máu xét nghiệm. Có nhiều loại CVC khác nhau, nhưng hai loại CVC phổ biến nhất là PICC (đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên) và cổng CVC.
Các đợt hóa trị liệu thường được thực hiện theo chu kỳ, giữa mỗi giai đoạn điều trị là những khoảng thời gian nghỉ ngơi để bệnh nhân có thể phục hồi cơ thể sau những tác dụng của thuốc. Một chu kỳ thường kéo dài khoảng 2 hoặc 3 tuần. Lịch trình hóa trị có thể thay đổi tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Ví dụ, một số loại thuốc được tiêm vào ngày đầu tiên của chu kỳ. Trong khi đó, một số thuốc khác lại được đưa vào trong nhiều ngày liên tục hoặc nhiều thuốc phải tiêm 1 lần/tuần. Sau đó, các chu kỳ sẽ được lặp lại tùy theo yêu cầu của phác đồ điều trị.
Hóa trị liệu khu vực
Đối với hóa trị liệu khu vực, thuốc được đưa ngay vào động mạch dẫn đến phần cơ thể có khối u. Liệu pháp này giúp tập trung thuốc vào các tế bào ung thư trong khu vực đó, làm giảm tác dụng phụ bằng cách hạn chế lượng thuốc đến các phần còn lại của cơ thể. Trong điều trị ung thư gan, thuốc thường được truyền trực tiếp vào động mạch gan, mạch máu chính cung cấp máu cho các khối u ở gan.
Tiêm truyền động mạch gan (Hepatic artery infusion, HAI)
Các bác sĩ đã nghiên cứu cách đưa thuốc trực tiếp vào động mạch gan với tốc độ không đổi để xem liệu nó có hiệu quả hơn so với phương pháp hóa trị toàn thân hay không. Kỹ thuật này được gọi là truyền động mạch gan (HAI). Nó hơi khác so với thuyên tắc ung thư gan vì cần phẫu thuật để đặt bơm tiêm dưới da bụng. Bơm được gắn vào một ống thông nối với động mạch gan. Thủ thuật đặt bơm tiêm thường được thực hiện khi bệnh nhân đã được gây mê.
Đối với phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc xuyên qua da vào bể chứa của bơm, lượng thuốc này sẽ được bơm giải phóng chầm chậm và đều đặn theo thời gian vào động mạch gan.
Đối với các bệnh nhân được điều trị bằng hóa trị liệu toàn thân, hầu hết thuốc được đưa vào cơ thể sẽ bị các tế bào gan khỏe mạnh phá vỡ trước khi kịp đến những phần khác của cơ thể, từ đó làm giảm đáng kể sinh khả dụng của thuốc. Trong phương pháp tiêm truyền động mạch gan, thuốc không được chuyển hóa ở gan nên lượng thuốc tác dụng trực tiếp vào khối u sẽ cao hơn, dẫn đến sinh khả dụng của thuốc cũng tăng đáng kể. Phương pháp này còn có thêm một lợi thế khác là không làm tăng thêm các tác dụng phụ. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để tiêm truyền động mạch gan bao gồm floxuridine (FUDR), cisplatin và oxaliplatin.
HAI có thể được sử dụng cho những bệnh nhân có khối u ung thư gan rất lớn không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật hoặc không thể điều trị hoàn toàn bằng phương pháp TACE (Nút mạch hóa dầu). Kỹ thuật này có thể không áp dụng được với một số bệnh nhân vì một số bệnh nhân ung thư gan có thể không chịu được phương pháp phẫu thuật chèn bơm và ống thông vào dưới bụng.
Các nghiên cứu ban đầu đã phát hiện ra rằng HAI thường có hiệu quả trong việc thu nhỏ khối u, nhưng vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu.
Tác dụng phụ của hóa trị ung thư gan
Các thuốc điều trị ung thư thường nhắm vào mục tiêu là các tế bào tăng sinh với tốc độ cao. Tuy nhiên, ngoài tế bào ung thư, một số tế bào khác cũng có tốc độ phân chia nhanh như tế bào tủy xương, tế bào nang lông, tế bào niêm mạc miệng và hệ tiêu hóa. Vì vậy, các tế bào này có thể bị ảnh hưởng bởi các thuốc hóa trị, từ đó dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.
Tác dụng phụ của các thuốc hóa trị phụ thuộc vào loại, liều lượng thuốc đưa vào cơ thể và thời gian dùng thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp là:
- Rụng tóc
- Lở miệng
- Ăn mất ngon, chán ăn
- Buồn nôn và ói mửa
- Tiêu chảy
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng (vì số lượng bạch cầu giảm)
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (do số lượng tiểu cầu trong máu thấp)
- Mệt mỏi (do số lượng hồng cầu thấp).
Những tác dụng phụ thường không kéo dài và biến mất sau khi đợt điều trị kết thúc. Thường có nhiều cách để giảm bớt các tác dụng không mong muốn này như dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc giảm bớt cảm giác buồn nôn.
Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình hóa trị, bạn nên báo với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Trong một số trường hợp, bạn cần giảm liều, trì hoãn hoặc ngừng hóa trị nếu gặp các tác dụng phụ nguy hiểm.
Bạn nên làm gì trong quá trình hóa trị?
Trong quá trình hóa trị liệu, bạn nên đặc biệt chăm sóc đến sức khỏe của chính mình. Các bác sĩ sẽ cho bạn nhiều lời khuyên hữu ích, tuy nhiên bạn có thể thực hiện những điều sau:
Nghỉ ngơi nhiều hơn: Trong quá trình trị liệu, bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn.
Dành thời gian để làm những gì bạn thích: Việc được làm những gì yêu thích có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái và chống chọi với bệnh được tốt hơn. Trong quá trình điều trị ung thư, việc giữ cho tinh thần vui vẻ rất quan trọng.
Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Trong quá trình trị liệu, thuốc không chỉ có tác dụng lên các tế bào ung thư mà đôi khi cũng ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh, khiến lượng tế bào trong cơ thể bạn giảm sút đáng kể. Cơ thể bạn cần đủ lượng protein và calo để tái tạo các tế bào khỏe mạnh khi trị liệu. Các bệnh nhân nên ăn một chế độ nhiều rau củ quả và nên hạn chế các thức ăn nhiều chất béo.
Tập thể dục và sống ở những nơi có không khí trong lành: Tập thể dục không chỉ có thể giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi mà còn giúp kích thích vị giác của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên hỏi qua ý kiến đội ngũ y bác sĩ điều trị để đảm bảo rằng những bài tập thể dục không quá sức với mình.
Hạn chế uống rượu: Rượu có thể tương tác với các thuốc hóa trị làm giảm sinh khả dụng của các thuốc này. Do đó, bạn nên hạn chế tối đa lượng rượu bia và các thức uống có cồn.
Cẩn trọng khi uống vitamin và các thực phẩm bổ sung: Thực tế là không có loại thảo dược hay thực phẩm bổ sung nào có tác dụng thần kỳ giúp chữa khỏi ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin và các loại thực phẩm bổ sung có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe, nâng cao thể trạng. Nếu bạn đang bổ sung vitamin và các loại thực phẩm này, hãy thông báo cho bác sĩ biết và hỏi xem liệu bạn có thể tiếp tục sử dụng hay không.
Tránh xa những người bị bệnh hoặc những nguồn lây nhiễm bệnh: Vì trong quá trình hóa trị, cơ thể bạn trở nên yếu hơn và bạn rất dễ bị lây nhiễm bệnh. Bạn nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi chạm vào mặt, mũi, miệng hoặc mắt của mình. Hãy nhắc người thân và bạn bè làm điều tương tự khi bạn ở gần họ.
Tiêm phòng đầy đủ: Vì cơ thể bạn sẽ trở nên yếu ớt nên hãy chắc chắn rằng bạn tiêm phòng các bệnh đầy đủ, đặc biệt là các bệnh cúm. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên về những vắc-xin cần tiêm.
Luôn nhắc nhở bản thân về mục đích trị liệu: Phương pháp hóa trị liệu thường rất khó khăn và đôi khi đau đớn. Các tốt nhất để đối mặt với các tác dụng phụ của hóa trị là nghĩ về mục đích và thành công của hóa trị.
Hóa trị liệu là một phương pháp thường được dùng để điều trị ung thư vì có thể giúp kiểm soát cả ung thư tại chỗ lẫn các khối u đã di căn. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn cần cân nhắc các phương pháp điều trị phù hợp khác vì hóa trị liệu đôi khi gây ra nhiều tác dụng phụ làm giảm sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài ra, khi đã lựa chọn điều trị ung thư bằng hóa trị liệu, hãy báo cho bác sĩ biết về những biến đổi trong cơ thể bạn vì đó có thể là những tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bạn.
[embed-health-tool-bmi]