backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Ung thư nướu răng

Thông tin kiểm chứng bởi: Lương Lan


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 24/10/2023

Ung thư nướu răng

Ung thư nướu răng không phải là một bệnh lý phổ biến, nhưng các triệu chứng lại có phần tương đồng với bệnh nướu răng rất thường gặp. Vậy, làm thế nào để bạn phân biệt được mình chỉ bị viêm nướu, viêm nha chu,… hay ung thư? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Ung thư nướu răng là gì?

Ung thư nướu răng là một loại ung thư miệng, bắt đầu khi các tế bào ở nướu trên hoặc dưới phát triển ngoài tầm kiểm soát, hình thành các tổn thương hoặc khối u trên nướu. Bệnh thường bị nhầm lẫn với viêm nướu hoặc viêm nha chu.

Ung thư nướu răng có nguy cơ mắc cao hơn khi hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc lá thường xuyên. Tuy nhiên, trong số các loại ung thư miệng thì ung thư lưỡi phổ biến hơn là ung thư nướu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư nướu răng

triệu chứng ung thư nướu răng

Cách nhận biết ung thư nướu răng chủ yếu thông qua các dấu hiệu bao gồm:

  • Các mảng trắng, đỏ hoặc sẫm màu trên nướu
  • Chảy máu, nứt hoặc lở loét trên nướu hay lưỡi, nướu răng có vết tổn thương lâu lành
  • Vùng nướu dày lên, xuất hiện khối bất thường
  • Răng lung lay, tê hoặc đau sâu
  • Đau và khó nuốt, khó nói
  • Thay đổi vị giác mà không liên quan tới các bệnh lý khác
  • Hạch bạch huyết vùng lân cận sưng đau
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Hãy hẹn gặp bác sĩ hoặc nha sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng dai dẳng nào, như vết loét trên nướu, kéo dài hơn 2 tuần và không rõ nguyên nhân. Phần lớn các vết loét không phải là ung thư nhưng vẫn cần được kiểm tra.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ung thư nướu răng

Ung thư nướu răng hình thành khi các tế bào trên nướu có những thay đổi (đột biến) trong ADN. Những đột biến này sẽ khiến các tế bào tiếp tục phát triển và phân chia không ngừng, tích tụ thành khối u ác tính. Theo thời gian, khối u ác tính trên nướu lan tràn trong miệng, thậm chí sang các bộ phận khác ở cổ hoặc di căn xa hơn.

Ung thư biểu mô tế bào vảy là loại ung thư nướu răng phổ biến nhất vì bề mặt của nướu được tạo thành gần như hoàn toàn từ các tế bào vảy. Trong một số trường hợp hiếm gặp, ung thư có thể phát sinh trong các mô mềm của nướu và xương hàm.

Bệnh viêm nướu hay viêm nha chu không phải là nguyên nhân gây ung thư. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây đột biến ở tế bào vảy dẫn đến ung thư nướu răng. Tuy nhiên, các bác sĩ đã xác định được những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

nguyên nhân ung thư nướu răng

Các yếu tố nguy cơ

  • Hút thuốc lá thường xuyên hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Uống quá nhiều rượu
  • Vệ sinh răng miệng quá kém
  • Tổn thương nướu do cọ xát (nghiến răng, cắn chặt vào nướu,…).

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán ung thư nướu răng?

Nha sĩ thường là những người đầu tiên nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên nướu thông qua việc thăm khám răng định kỳ.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng một số xét nghiệm phổ biến như:

  • Kiểm tra nướu răng, môi và miệng để tìm những dấu hiệu bất thường
  • Sinh thiết mô nướu răng
  • Chẩn đoán hình ảnh ung thư nướu răng bằng cách chụp X-quang, chụp CT hoặc một phương pháp chụp X-quang đặc biệt là Panorex để thấy toàn bộ hàm trên và hàm dưới
  • Xét nghiệm di truyền
  • Nội soi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư nướu răng?

điều trị ung thư nướu răng

Ung thư nướu răng có chữa được không? Ung thư nướu có nhiều khả năng kiểm soát thành công khi được chẩn đoán và điều trị sớm.

newsletter banner

Mục tiêu của việc điều trị bao gồm:

  • Chữa khỏi hoàn toàn bệnh
  • Giữ gìn vẻ ngoài và bảo tồn chức năng của nướu
  • Ngăn ngừa ung thư tái phát.

Vị trí và giai đoạn của ung thư sẽ quyết định cách điều trị ung thư nướu răng. Các phương pháp điều trị khác nhau tùy theo việc ung thư bắt đầu ở nướu dưới hay nướu trên. Chúng bao gồm:

  • Phẫu thuật: Là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư nướu răng. Bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u và các mô xung quanh nướu bị tổn thương. Thông thường, những khối u nhỏ sẽ được cắt bỏ thông qua phẫu thuật mở nhỏ, còn khối u lớn thì có thể phải mở rộng nhiều vùng hơn nữa.
  • Phẫu thuật điều trị ung thư nướu trên bằng cách cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ hàm trên.
  • Phẫu thuật điều trị ung thư nướu dưới bằng cách cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ hàm dưới (phẫu thuật cắt bỏ ung thư quanh xương hàm).
  • Phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ có chứa hoặc có khả năng chứa tế bào ung thư.
  • Xạ trị: Là phương pháp dùng tia xạ có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, thường được áp dụng trong giai đoạn đầu của bệnh, khi khối u còn nhỏ. Để làm tăng hiệu quả điều trị, xạ trị thường được kết hợp với hóa trị.
  • Hóa trị: Đây là phương pháp sử dụng các loại hóa chất nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với phương pháp điều trị khác để nâng cao hiệu quả.
  • Thuốc điều trị triệu chứng: Có thể dùng thuốc giảm đau, chống viêm khi cần, chống nôn nếu bệnh nhân nôn nhiều…
  • Chế độ dinh dưỡng: Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ, đa dạng để cung cấp dưỡng chất cần thiết.

Trong những trường hợp nặng hơn cần phải cắt bỏ toàn bộ đoạn xương hàm, bệnh nhân sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật tái tạo lại khuôn mặt.

Nếu ung thư tiến triển hơn, xạ trị hoặc hóa trị hay kết hợp cả hai có thể được sử dụng để thu nhỏ khối u trước phẫu thuật hoặc giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật. Đối với một số trường hợp, xạ trị có thể là phương pháp điều trị duy nhất được chỉ định.

Tiên lượng

Ung thư nướu răng sống được bao lâu?

Theo thống kê, khoảng 63% số người mắc bệnh ung thư khoang miệng, bao gồm ung thư nướu răng còn sống được từ 5 năm trở lên kể từ khi chẩn đoán.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa ung thư nướu răng?

Chưa có biện pháp nào được chứng minh là có thể ngăn ngừa căn bệnh ác tính này. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

  • Ngừng hút thuốc lá càng sớm càng tốt
  • Hạn chế uống rượu
  • Chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách
  • Thăm khám nha khoa định kỳ với nha sĩ.

Hi vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn một vài thông tin hữu ích nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về một căn bệnh ung thư hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm này. Hiểu rõ sẽ giúp bạn không chủ quan và tránh nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý thông thường khác cũng liên quan đến nướu răng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thông tin kiểm chứng bởi:

Lương Lan


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 24/10/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo