Chẩn đoán mắc bệnh ung thư luôn là cú sốc lớn đối với nhiều bệnh nhân và những người thân của họ. Ung thư từ lâu được xem là “bản án tử” vì là căn bệnh nguy hiểm, khó nhận biết từ giai đoạn đầu, dễ chẩn đoán muộn và rút ngắn tuổi thọ của bệnh nhân. Vậy, trong nhiều trường hợp tại sao ung thư không chữa được? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây!
Ung thư là tình trạng có khối u ác tính phát triển ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể. Khối u ác tính từ nơi hình thành có thể nhân lên không ngừng và lấn át các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Sau đó, chúng xâm lấn đến các cơ quan lân cận, thậm chí di căn ở xa hơn trên toàn bộ cơ thể.
Bệnh ung thư có chữa được không thì không hẳn là vô vọng. Khả năng chữa khỏi bệnh ung thư còn tùy thuộc vào các yếu tố như: loại bệnh ung thư, vị trí và kích thước của khối u, giai đoạn ung thư được chẩn đoán, khả năng đáp ứng với điều trị và tình hình sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Một số bệnh ung thư có nhiều khả năng chữa được nhưng một số khác thì không.
Dù vậy, ngay cả những trường hợp bệnh ung thư kiểm soát được thì vẫn có nguy cơ tái phát trong tương lai.
Trong nhiều trường hợp, tại sao ung thư không chữa được có thể vì một số lý do như sau:
1. Phương pháp điều trị ban đầu không tiêu diệt hết tế bào ung thư
“Tại sao ung thư không chữa được” đầu tiên phải kể đến là do phương pháp điều trị ban đầu không loại bỏ được tất cả các tế bào ung thư. Những tế bào ung thư còn sót lại tiếp tục phân chia, nhân lên và phát triển thành một khối u mới.
Tại sao ung thư không chữa được bằng phẫu thuật?
Phẫu thuật luôn là phương pháp điều trị đầu tiên trong đa số các trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư. Bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ hết các tế bào ung thư trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, tại sao ung thư không chữa được bằng phẫu thuật mà vẫn có thể tái phát thì phải kể đến 3 lý do sau đây:
- Một số tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
- Một số tế bào ung thư đã tách khỏi nơi hình thành (ung thư nguyên phát) và di căn đi chỗ khác nhưng quá nhỏ để nhìn thấy.
- Tế bào ung thư đã phát triển lớn và di căn đến nhiều cơ quan nên khó có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật. Cũng bởi vậy, ung thư di căn có chữa được không thì hầu như là không. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị thêm các phương pháp điều trị bổ sung khác sau phẫu thuật.
Tại sao ung thư không chữa được bằng các phương pháp điều trị khác?
Ngoài phẫu thuật, các phương pháp điều trị khác có thể được chỉ định để bổ sung cho phẫu thuật hoặc dành cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật bao gồm: xạ trị, hóa trị, liệu pháp nội tiết hoặc thuốc điều trị nhắm mục tiêu, thuốc miễn dịch. Tất cả các phương pháp điều trị này đều nhằm mục đích cố gắng kiểm soát và tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt.
Tuy nhiên, tại sao ung thư không chữa được bằng các phương pháp này? Cùng xem nhé!
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách tấn công chúng trong quá trình chúng đang nhân đôi để hình thành 2 tế bào mới. Tuy nhiên, không phải tất cả các tế bào ung thư đều phân chia và nhân đôi cùng một lúc. Các tế bào bình thường có một khoảng thời gian nghỉ dài giữa các lần phân chia. Các tế bào ung thư cũng vậy, mặc dù thời gian nghỉ có thể ngắn hơn nhiều.
Vì vậy, bác sĩ thường đưa ra các đợt hóa trị liệu trong một khoảng thời gian dài nhằm tiêu diệt được càng nhiều tế bào ung thư đang nhân đôi càng tốt. Các tế bào ung thư đang nghỉ trong đợt hóa trị lần đầu, có thể phân chia trong đợt hóa trị tiếp theo, do đó sẽ có nhiều khả năng bị tiêu diệt hơn. Hóa trị nhiều lần không chắc chắn rằng sẽ tiêu diệt được hết các tế bào ung thư trong cơ thể.
Đó là lý do tại sao ung thư không chữa được bằng hóa trị. Các bác sĩ sẽ cố gắng giảm số lượng tế bào ung thư càng nhiều càng tốt nhưng chúng vẫn có thể sót lại và phát triển trong tương lai.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao chiếu vào vùng có khối u để ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển và phân chia, qua đó tiêu diệt chúng. Các tế bào bình thường, khỏe mạnh ở gần khối u cũng có thể bị tổn thương do tia bức xạ, nhưng hầu hết đều sẽ phục hồi và hoạt động bình thường trở lại.
Nếu xạ trị không thể tiêu diệt hết các tế bào ung thư trong cơ thể, chúng có thể tái phát vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Liệu pháp miễn dịch và thuốc điều trị nhắm mục tiêu
Một số liệu pháp miễn dịch hoặc thuốc điều trị ung thư nhắm mục tiêu có thể giúp loại bỏ hoàn toàn ung thư, hoặc thu nhỏ khối u hay kiểm soát nó trong vài tháng hoặc vài năm. Vì vậy, ung thư dường như đã biến mất và có thể không xuất hiện trên bất kỳ xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh nào.
Tuy nhiên, vẫn có một nguy cơ nhỏ các tế bào ung thư vẫn còn sót lại trong cơ thể và không được phát hiện. Chúng có thể bắt đầu phát triển trở lại sau một thời gian hoặc khi ngừng điều trị.
Tại sao ung thư không chữa được? Vì ung thư trở nên kháng thuốc
Trong một số trường hợp, ung thư có thể trở nên kháng thuốc điều trị ung thư.
Ung thư vốn là các tế bào bình thường bị đột biến ở trong gen. Những đột biến này làm cho tế bào ung thư hoạt động khác với các tế bào bình thường. Các tế bào ung thư có thể tiếp tục đột biến để ngày càng bất thường hơn.
Một số đột biến có thể làm cho các tế bào ung thư kháng thuốc hóa trị, thuốc điều trị nhắm mục tiêu, thuốc miễn dịch hoặc liệu pháp nội tiết. Các nhà khoa học đã tìm ra một nhóm đột biến gen được cho rằng có thể gây ra tình trạng kháng thuốc. Các tế bào kháng thuốc có nồng độ cao của một chất gọi là p-glycoprotein. P-glycoprotein nằm trong thành tế bào, giống như một máy bơm loại bỏ thuốc ra ngoài. Các tế bào có nồng độ p-glycoprotein càng cao thì khả năng kháng thuốc điều trị ung thư càng mạnh.
Nếu ung thư chỉ kháng một trong các phương pháp điều trị vừa kể trên thì bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị khác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, ung thư kháng với nhiều loại thuốc điều trị cùng một lúc (đa kháng thuốc). Chính điều này là lý do tại sao ung thư không chữa được ở phần lớn các trường hợp.
Điều trị thuyên giảm thay vì chữa khỏi
Chữa khỏi có nghĩa là ung thư đã biến mất khi điều trị, không cần điều trị bổ sung và ung thư sẽ không có nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, như đã nói ở trên về các lý do tại sao ung thư không chữa được, bác sĩ sẽ không thể chắc chắn rằng ung thư sẽ không bao giờ tái phát trở lại. Hầu hết bệnh ung thư tái phát trong vòng 2 năm đầu tiên, cũng có nhiều trường hợp không thấy tái phát sau 5 năm, thậm chí 10 năm.
Vì vậy, sau khi đã hoàn thành điều trị và không còn quan sát thấy ung thư nữa thì bệnh nhân vẫn phải theo dõi định kỳ trong nhiều năm. Đây cũng là lý do các bác sĩ không bao giờ dùng từ chữa khỏi ung thư, mà thay vào đó là kiểm soát bệnh.
Ung thư được kiểm soát khi đáp ứng với điều trị trong một khoảng thời gian, tất cả các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư đều biến mất và không thể tìm thấy tế bào ung thư bằng bất kỳ xét nghiệm nào.
Bạn có thể quan tâm: Những lưu ý trong chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư sau điều trị
[embed-health-tool-bmi]