Không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường tuýp 2 (hay đái tháo đường type 2). Nhiều người bệnh có thể phải điều trị trong suốt quãng đời còn lại của mình. Đó là lý do mà sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh nhân thường rất lo lắng về ảnh hưởng của bệnh với tuổi thọ. Vậy, tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu?
Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi sự đề kháng insulin – một hormon làm giảm đường huyết (xảy ra do có vấn đề trong cách cơ thể điều hòa và sử dụng đường glucose để hoạt động). Tình trạng lâu dài này dẫn đến có quá nhiều đường tích tụ trong máu. Cuối cùng, lượng đường trong máu (đường huyết) tăng cao sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và làm giảm tuổi thọ.
Vậy, người bị tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu? Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC Hoa Kỳ, ở cùng độ tuổi 50, người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có tuổi thọ ngắn hơn 6 năm so với người không mắc bệnh.
Một thống kê về bệnh tiểu đường tại Vương quốc Anh vào năm 2010 đã ước tính được rằng tuổi thọ của người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bị giảm tới 10 năm nếu kiểm soát kém.
Mặc dù bạn có thể muốn biết chính xác bệnh tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu nhưng không có con số cụ thể cho từng người. Nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân, bao gồm:
- Bệnh tiểu đường tuýp 2 được chẩn đoán khi nào. Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường phát triển chậm. Trên thực tế, nhiều người sống chung với bệnh trong nhiều năm mà không hề biết.
- Sự tiến triển của các biến chứng liên quan
- Các bệnh lý nền khác mắc kèm.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu tùy thuộc vào biến chứng gặp phải
Theo thời gian, lượng đường trong máu cao không được kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng dài hạn, bao gồm:
- Bệnh võng mạc mắt. Đây là một biến chứng ở mắt thường ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tiểu đường trong nhiều năm. Lượng đường trong máu cao sẽ làm tổn thương các mạch máu ở võng mạc phía sau mắt, gây giảm thị lực và trong một số trường hợp gây mù lòa.
- Biến chứng thận (Bệnh thận do tiểu đường). Khoảng 40% số người mắc bệnh tiểu đường sẽ phát triển bệnh thận do các mạch máu ở thận bị tổn thương, khiến thận không còn khả năng lọc chất thải ra khỏi máu. Cuối cùng là dẫn đến suy thận và bắt buộc phải chạy thận hoặc ghép thận.
- Biến chứng tim mạch. Đường huyết cao lâu ngày có thể gây tổn thương mạch máu và làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn, gây ra bệnh tim mạch. Bệnh tim do tiểu đường có thể dẫn đến đau thắt ngực (đau ngực), thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- Biến chứng thần kinh ngoại vi. Lượng đường trong máu tăng cao có thể gây tổn thương thần khắp cơ thể, đặc biệt là các thần kinh nhỏ ở ngoại vi gây nên các bệnh lý như rối loạn cương dương hay đau, ngứa, mất cảm giác bàn tay, bàn chân. Mất cảm giác là dấu hiệu nghiêm trọng vì nó khiến bệnh mất chú ý với các chấn thương, dẫn đến nhiễm trùng nặng có thể phải cắt cụt chi. Những người tiểu đường có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 25 lần so với người bình thường.
Lượng đường trong máu cao cũng thường đi kèm với các tình trạng liên quan như.
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
Trong một số trường hợp, các biến chứng ngắn hạn như hạ đường huyết và nhiễm toan ceton đái tháo đường cũng có thể rút ngắn tuổi thọ và gây tử vong sớm.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu tùy thuộc vào việc có chăm sóc sức khỏe tốt hay không?
Những cải tiến trong việc chăm sóc bệnh nhân tiểu đường trong những thập kỷ gần đây đã giúp người bệnh sống lâu hơn đáng kể. Bệnh tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu còn tùy vào việc bệnh nhân có kiểm soát tốt lượng đường trong máu hay không. Bằng cách duy trì đường huyết ở mức cho phép, người bệnh có thể giảm thiểu nguy cơ mắc phải biến chứng và kéo dài tuổi thọ.
Một nghiên cứu của CDC đã chỉ ra rằng kiểm soát 4 chỉ số bao gồm: cân nặng, lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol có thể giúp làm tăng tuổi thọ cho người bệnh tiểu đường tuýp 2. Đối với những người có chỉ số khối cơ thể BMI (trung bình 41,4 kg/m2), chỉ số đường huyết HbA1C (trung bình 9,9%), cholesterol LDL xấu (trung bình 146,2 mg/dl) và huyết áp tâm thu (trung bình 160,4 mmHg), việc điều trị để làm giảm các chỉ số này có thể giúp sống lâu hơn trên 10 năm.
Lợi ích về tuổi thọ ở người từ 51-60 tuổi cao hơn so với những người từ 61 tuổi trở lên. Trong số 4 chỉ số vừa kể trên, chỉ số BMI trung bình giảm có liên quan đến mức tăng tuổi thọ lớn nhất, tiếp theo là giảm HbA1C. Nghiên cứu này cũng chỉ ra việc giảm cân phải được duy trì lâu dài thì mới mang lại lợi ích rõ ràng về tuổi thọ.
Làm sao để kéo dài tuổi thọ?
Để ổn định đường huyết, kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ gặp phải biến chứng, người bị tiểu đường tuýp 2 nên:
- Ăn uống lành mạnh với chế độ ăn kiểm soát carbohydrate để ổn định lượng đường trong máu vì carbohydrate tác động đáng kể đến mức đường huyết.
- Tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp để duy trì cân nặng hợp lý.
- Theo dõi lượng đường trong máu theo khuyến nghị của bác sĩ.
- Thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch điều trị và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Chăm sóc đôi chân, kiểm tra hằng ngày và nếu có bất kỳ vết thương nào thì nên thăm khám với bác sĩ để giảm nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ.
Hi vọng bài viết này đã giải đáp được cho bạn thắc mắc tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu. Sống tốt với bệnh tiểu đường tuýp 2 đòi hỏi việc quản lý lượng đường trong máu phải thật tốt. Nếu chăm sóc và điều trị đúng cách, bạn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và lâu dài với bệnh.
[embed-health-tool-bmi]