Nhiều người bị tiểu đường nghĩ rằng phân loại tuýp 1, tuýp 2 là để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do đó, người bệnh thường có những thắc mắc như tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ hoặc tiểu đường tuýp nào là nặng nhất. Thế nhưng, bệnh tiểu đường nặng hay nhẹ không dựa trên cách phân loại này mà lại phụ thuộc vào những yếu tố khác.
Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây!
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ?
Tiểu đường tuýp 2 là tình trạng rối loạn việc sử dụng glucose trong cơ thể, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Đường huyết cao kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn tuần hoàn, thần kinh và miễn dịch.
Trong bệnh tiểu đường tuýp 2, chủ yếu có hai vấn đề.
- Vấn đề thứ nhất là đề kháng insulin, nghĩa là cơ thể sử dụng insulin không được hiệu quả.
- Ở người tiểu đường lâu năm tuyến tụy không sản xuất đủ insulin – một loại hormone quan trọng trong điều hoà đường huyết.
Tên gọi tiểu đường tuýp 2 chỉ cho biết phân loại tiểu đường, chứ không nói lên tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 cái nào nặng hơn. Thay vào đó, chúng ta có thể đánh giá tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ dựa vào mức độ và tần suất xảy ra biến chứng.
Thống kê cho thấy, người bệnh tiểu đường tuýp 2 ít nguy cơ tử vong do tăng đường huyết mà chủ yếu tử vong vì biến chứng của bệnh. Trong đó, 65% là các biến chứng trên tim mạch. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tàn phế như đoạn chi, suy thận, suy tim, mù lòa… thậm chí là tử vong. Cụ thể như sau:
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ tùy thuộc vào biến chứng
Tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ thì phải xem người bệnh đã gặp biến chứng hay chưa, ít hay nhiều và đó là gì. Những rủi ro nghiêm trọng của bệnh tiểu đường bao gồm:
- Biến chứng thần kinh: Biến chứng này thường khiến tay chân tê bì và bỏng rát. Tình trạng nặng hơn sẽ gây mất cảm giác đau, nóng hoặc lạnh. Người bệnh có thể bị thương mà không phát hiện ra, dần tiến triển thành vết thương, loét và nhiễm trùng nghiêm trọng. Lúc đó có thể cần phải cắt cụt chi.
- Biến chứng tim mạch: Đường huyết cao sẽ gây xơ vữa mạch máu, gây hẹp mạch máu. Nguy hiểm nhất là sẽ gây ra các cơn nhồi máu cơ tim không có dấu hiệu cảnh báo.
- Bệnh võng mạc: Tiểu đường làm mạch máu võng mạc bị tổn thương, xuất huyết, có thể gây bong rách võng mạc và mù lòa.
- Bệnh thận: Đường huyết cao cũng gây hại cho thận. Nếu không đề phòng sớm, bệnh sẽ gây suy thận, phải chạy thận nhân tạo cả đời hoặc ghép thận.
- Biến chứng não: Người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Tại sao tiểu đường tuýp 2 thường được cho là nặng hơn?
“Bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ so với tuýp 1 ″ hay “Tiểu đường tuýp mấy là nặng nhất” cũng là những câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thực tế, các chuyên gia cũng không thể có câu trả lời chính xác cho vấn đề này bởi mỗi dạng bệnh lại có những đặc trưng riêng:
- Với tiểu đường tuýp 1, đó là bệnh lý xảy ra do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất insulin. Các triệu chứng của bệnh rất trầm trọng. Người bệnh thường khởi phát bệnh ở độ tuổi trẻ. Tuy nhiên, phương pháp điều trị tiểu đường tuýp 1 lại hạn chế hơn tuýp 2, hiện tại người bệnh tiểu đường tuýp 1 chỉ có insulin là điều trị duy nhất.
- Với tiểu đường type 2, bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều năm, bắt đầu bằng đề kháng insulin và dần dần làm suy yếu tuyến tụy, khiến nó giảm tiết insulin. Người bệnh có nhiều cách điều trị nhưng lại thường phát hiện bệnh muộn. Nhiều trường hợp có biến chứng ngay tại thời điểm chẩn đoán.
Khi nào bệnh tiểu đường tuýp 2 cần đi khám bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu xuất một số triệu chứng cảnh báo bệnh nặng hơn sau đây:
- Tiểu nhiều, khát nước nhiều, uống nhiều, thèm đồ ngọt, sụt cân nhiều
- Vết thương lâu lành
- Tim đập nhanh, đau ngực
- Hay bị đau chân khi đi bộ (đau cách hồi)
- Mắt mờ, thấy đốm đen, hay nhức mỏi, chảy nước mắt
- Chân tay tê bì, bỏng rát, châm chích như kim châm, kiến bò trên da
Cách phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả
Tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ còn tùy vào việc bạn có kiểm soát và phòng ngừa bệnh tốt hay không. Theo các chuyên gia về nội tiết, bí quyết để trì hoãn và giảm thiểu biến chứng bệnh tiểu đường là:
1. Nghiêm túc tuân theo chỉ định của bác sĩ
Nhiều người cho rằng đường huyết về bình thường có nghĩa là bệnh đã khỏi nên tự ý ngưng thuốc điều trị. Tuy nhiên điều này chỉ cho biết bệnh của bạn đang ổn định mà thôi. Bạn vẫn nên tiếp tục duy trì dùng thuốc và chỉ giảm liều sau khi đã thăm khám lại và được bác sĩ điều chỉnh.
2. Tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào lối sống
Mục tiêu xây dựng một kế hoạch ăn uống, kết hợp luyện tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý là không thể thiếu trong quá trình điều trị bệnh. Điều này không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn giúp ngăn ngừa biến chứng.
- Chế độ ăn uống: Người tiểu đường không cần kiêng tuyệt đối thực phẩm nào, chỉ cần ăn giảm các thực phẩm giàu đường bột và kiểm soát lượng thức ăn mỗi bữa. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc đĩa ăn: làm đầy 1/2 đĩa bằng rau xanh, 1/4 là tinh bột (cơm, bún, miến…) và 1/4 là món mặn (thịt, cá…). Bạn cũng nên nhớ ăn rau đầu bữa để ngăn ngừa tăng đường huyết sau ăn tốt hơn.
- Tập thể dục: Đây là phương pháp đơn giản nhất giúp giảm cân, giảm đề kháng insulin. Tuy nhiên, lợi ích này chỉ đạt được khi bạn kiên trì tập luyện trên 30 phút mỗi ngày trong tối thiểu là 5 buổi/tuần.
- Ngủ đủ giấc và thư giãn: Khi căng thẳng hay thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone gây tăng đường huyết. Vì vậy, bạn nên cố gắng ngủ 6 – 9 tiếng mỗi ngày và giữ cho tinh thần luôn thư thái.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “tiểu đường tuýp mấy là nặng nhất?” và “tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ?” hay “tiểu đường tuýp 1 là nặng hay nhẹ” nhé! Để phòng ngừa biến chứng tiểu đường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn hãy xây dựng lối sống lành mạnh ngay từ hôm nay.
[embed-health-tool-bmi]