backup og meta

Tìm hiểu về các loại insulin điều trị tiểu đường và cách sử dụng

Tìm hiểu về các loại insulin điều trị tiểu đường và cách sử dụng

Insulin đã được sử dụng từ hơn 100 năm trước để điều trị đái tháo đường nhằm giúp kiểm soát đường huyết và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Các loại insulin hiện có được chia thành 5 loại dựa vào thời gian tác động, bao gồm: insulin tác dụng nhanh, ngắn, trung bình, kéo dài và cuối cùng là insulin hỗn hợp.

Các loại insulin khác nhau có thời gian khởi đầu, thời gian đạt đỉnh và thời gian hoạt động khác nhau. Vì vậy, tác dụng và thời điểm sử dụng cũng khác nhau ở từng loại. Nắm thông tin về chúng giúp người bệnh sử dụng insulin một cách an toàn và hiệu quả.

Insulin và đái tháo đường

Insulin là một hormone tạo ra bởi các tế bào beta tuyến tụy để giữ đường huyết ở mức bình thường. Chức năng của insulin là chuyển glucose (đường) từ máu vào tế bào để tạo năng lượng. Nếu thiếu insulin, đường sẽ tích tụ quá nhiều trong máu và theo thời gian sẽ gây ra bệnh đái tháo đường.

Với bệnh tiểu đường tuýp 1, cơ thể không tạo ra insulin nên người bệnh phải bổ sung insulin từ bên ngoài hàng ngày để duy trì sự sống. Với tiểu đường tuýp 2, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin không hoạt động tốt. Trong một vài trường hợp cụ thể, người bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Các loại insulin: Phân loại insulin theo thời gian tác động

Hầu hết người bệnh tiểu đường tuýp 1 và một số trường hợp mắc tiểu đường tuýp 2 được bác sĩ chỉ định dùng 2 loại insulin sau đây: 

  • Insulin bữa ăn (insulin bolus): loại tác dụng nhanh dùng trong bữa ăn.
  • Insulin nền (insulin basal): loại tác dụng chậm hơn, thường dùng 1 hoặc 2 lần trong một ngày, có tác dụng trong suốt cả ngày.

Một số bệnh nhân khác được kê đơn một loại insulin duy nhất những loại này được kết hợp giữa loại tác dụng nhanh/ngắn và loại tác dụng trung bình/chậm, được gọi là insulin hỗn hợp.

Cụ thể như sau:

các loại insulin theo thời gian tác động

Insulin bữa ăn (insulin bolus)

Insulin bolus cung cấp insulin một cách nhanh chóng để xử lý lượng đường tạo ra từ bữa ăn. Có 2 loại chính bao gồm:

  • Insulin nhanh (Insulin tác dụng tức thời): dùng ngay trước hoặc sau bữa ăn. Thuốc bắt đầu có tác dụng trong vòng vài phút và kéo dài từ 3 đến 5 giờ tùy nhãn hiệu.
  • Insulin regular (Insulin tác dụng ngắn): tương tự như insulin tác dụng nhanh nhưng tác dụng chậm hơn. Dùng trước khi ăn khoảng 30 đến 60 phút. Loại này mất khoảng 30 đến 60 phút để bắt đầu có tác dụng và kéo dài từ 5 đến 8 giờ.

Insulin nền (insulin basal)

Insulin nền thường được dùng 1 hoặc 2 lần trong ngày. Nó giúp xử lý lượng đường mà cơ thể tạo ra hoặc chuyển hóa thành. Các loại insulin này bao gồm:

  • Insulin NPH (Insulin tác dụng trung bình): là hỗn dịch insulin kết tinh với protamine và kẽm nên có màu đục, cần được trộn đều, dùng 1 – 2 lần trong ngày.
  • Insulin chậm (Insulin tác dụng kéo dài): có thời gian khởi phát tác dụng chậm hơn insulin NPH, thường dùng 1 lần một ngày, vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Insulin dạng hỗn hợp (pre-mix)

Insulin hỗn hợp là sự kết hợp giữa insulin tác dụng nhanh/ngắn với loại tác dụng trung bình/chậm. Thường được sử dụng trước bữa ăn mà không cần đến insulin nền, tần suất tiêm khoảng 1 – 2 lần trong ngày.

Phân biệt các loại insulin cụ thể

Các loại insulin khác nhau có thời gian khởi đầu (thời gian trước khi insulin vào máu và bắt đầu tác dụng), thời gian đạt đỉnh (thời gian nồng độ insulin trong máu cao nhất, làm giảm đường huyết tốt nhất) và thời gian hoạt động (thời gian insulin tiếp tục tác dụng đến hết) khác nhau. Điều này được tóm tắt trong bảng bên dưới.

Loại insulin Tên hoạt chất và tên biệt dược Thời gian khởi đầu Thời gian đạt đỉnh Thời gian hoạt động Vai trò trong kiểm soát đường huyết
Insulin nhanh (Tác dụng tức thời)  Insulin lispro (Humalog) 15-30 phút 30-90 phút 3-5 giờ Dùng ngay trước hoặc trong bữa ăn để xử lý lượng đường tạo ra từ bữa ăn. Thường dùng kèm với insulin nền.
Insulin aspart (Novorapid) 10-20 phút 40-50 phút 3-5 giờ
Insulin glulisine (Apidra) 20-30 phút 30-90 phút 1-2 1/2 giờ
Insulin regular (Tác dụng ngắn) Regular R hoặc Novolin 30-60 phút 2-5 giờ 5-8 giờ Dùng trước khi ăn 30-60 phút.
Velosulin (dùng trong bơm insulin) 30-60 phút 1-2 giờ 2-3 giờ
Insulin NPH (Tác dụng trung bình) Insulin NPH 1-2 giờ 4-12 giờ 18-24 giờ Đảm bảo lượng insulin cho nửa ngày hoặc qua đêm. Thường phối hợp với insulin bữa ăn.
Insulin chậm (Tác dụng kéo dài) Insulin detemir (Levemir) 1-2 giờ 6-8 giờ Đến 24 giờ Đảm bảo lượng insulin cho cả ngày. Thường dùng 1 lần và vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Dùng một mình hoặc phối hợp khi cần thiết.
Insulin glargine (Lantus, Basaglar, Toujeo) 1-1 1/2 giờ Không có 20-24 giờ
Insulin degludec (Tresiba) 30-90 phút Không có 42 giờ
Insulin hỗn hợp Humalog mix 75/25 
(75 lispro protamine : 25 lispro)
15 phút 30 phút
2 1/2 giờ
16-20 giờ Dùng 2-3 lần trong ngày, trước bữa ăn từ 15-30 phút.
Humulin 70/30 (70 NPH : 30 regular) 30 phút 2-4 giờ 14-24 giờ
Novomix 70/30 (70 aspart protamine : 30 aspart) 10-20 phút 1-4 giờ Đến 24 giờ
Humulin 50/50 30 phút 2-5 giờ 18-24 giờ
Novolin 70/30 30 phút 2-12 giờ Đến 24 giờ

Các loại insulin theo nguồn gốc sản xuất

Insulin được sản xuất theo nhiều cách khác nhau. Phân tử insulin giống như hai chuỗi hạt được nối với nhau. Các loại insulin theo nguồn gốc sản xuất bao gồm:

  • Insulin người: Đây là loại insulin tổng hợp và được sản xuất trong phòng thí nghiệm giống như insulin được tạo ra trong cơ thể người.
  • Insulin analog: Đây cũng là loại insulin tổng hợp và được sản xuất trong phòng thí nghiệm nhưng các nhà khoa học đã tìm cách thay đổi vị trí của một số hạt để tạo ra insulin biến đổi gen được gọi là insulin analog.
  • Insulin động vật: Hiện nay, loại này không còn được sử dụng nhiều nữa, nhưng một số người thấy rằng insulin tinh khiết (đã được làm sạch) từ động vật (bò hoặc lợn) có tác dụng tốt nhất đối với họ.

Cách sử dụng và bảo quản các loại insulin

Thời điểm tiêm

  • Insulin nhanh dùng ngay trước hoặc sau bữa ăn. 
  • Insulin regular dùng trước khi ăn khoảng 30-60 phút. 
  • Insulin NPH dùng 1 – 2 lần trong ngày.
  • Insulin chậm, tác dụng kéo dài dùng 1 lần, vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Insulin hỗn hợp dùng trước bữa ăn.

Vị trí tiêm

Các loại insulin tiêm được tiêm dưới da, không được tiêm vào cơ hoặc vào mạch máu vì điều này sẽ làm thay đổi tốc độ hấp thụ và hoạt động của insulin.

Sự hấp thu insulin thay đổi tùy theo vị trí được tiêm vào cơ thể. Bụng là vị trí tiêm hấp thụ insulin tốt và ổn định nhất. Cánh tay trên, mông và đùi có tốc độ hấp thụ ít ổn định hơn.

Các yếu tố làm tăng tốc độ hấp thụ insulin:

  • Tiêm vào vùng vận động nhiều như đùi hoặc cánh tay
  • Nhiệt độ cao do tắm nước nóng, spa hoặc phòng tắm hơi
  • Xoa bóp vùng xung quanh chỗ tiêm
  • Tiêm vào cơ khiến insulin được hấp thụ nhanh hơn và có thể khiến lượng đường trong máu hạ quá thấp.

Các yếu tố làm chậm sự hấp thu insulin:

  • Tiêm quá nhiều cùng một vị trí, khiến vùng da bị sần hoặc có sẹo (được gọi là chứng loạn dưỡng mô mỡ)
  • Insulin lạnh (ví dụ: nếu insulin được tiêm ngay sau khi lấy từ tủ lạnh)
  • Hút thuốc lá.

Kỹ thuật tiêm

cách tiêm insulin

Chuẩn bị lọ insulin và ống tiêm:

  • Nếu insulin ở dạng hỗn dịch (đục), cần lắc nhẹ và làm ấm khoảng 10 – 15 lần để làm đều hỗn dịch.
  • Khử trùng nắp lọ insulin với một miếng bông có dung dịch sát khuẩn.
  • Trước khi rút insulin, hút không khí vào trong bơm kim tiêm một thể tích khí bằng với liều insulin cần lấy.
  • Bơm không khí đã hút vào lọ insulin.
  • Lấy insulin nhẹ nhàng, tránh làm xoáy dung dịch trong lọ.
  • Loại bỏ bọt khí.

Chuẩn bị bút tiêm insulin:

  • Đầu tiên vẫn là làm ấm và đồng nhất thuốc bằng cách lăn trong lòng bàn tay và lắc lên xuống 10-15 lần.
  • Lắp mũi tiêm vào bút tiêm.
  • Vặn bút tiêm ở mức 2 đơn vị. Bơm hết 2 đơn vị này để loại bọt khí. Nếu nhìn thấy có giọt nước ở đầu bút tiêm là được. Nếu không, làm lại một lần nữa, cho đến khi thấy giọt nước ở đầu mũi tiêm.
  • Chọn mức liều insulin tương ứng và tiêm.

Thực hiện tiêm:

  • Chú ý sử dụng cồn để sát khuẩn da trước khi tiêm.
  • Chọn vị trí tiêm. Lưu ý phải thay đổi vị trí tiêm thường xuyên để tránh bị sần cứng vùng da nơi tiêm
  • Tiêm một góc 90° (đối với bút tiêm) hoặc 45° và véo da (đối với lọ tiêm), có thể tiêm tại trạng thái bình thường hoặc kéo nhẹ da ở vùng tiêm.
  • Đợi 10 giây trước khi rút mũi tiêm để insulin có thể khuếch tán.
  • Rút nhanh kim tiêm để tránh làm cho insulin thoát ra ở vị trí tiêm.
  • Không xoa bóp ở vùng đã tiêm do có thể làm thay đổi mức độ giải phóng của insulin.

Bảo quản

  • Bảo quản các loại insulin chưa mở gọn gàng ở một bên trong tủ lạnh, tránh để quá gần bộ phận làm lạnh, không để ở ngăn đá. Giữ nhiệt độ tủ lạnh từ 2 đến 8°C. Đảm bảo rằng insulin không bị đông cứng.
  • Sau khi mở, bảo quản ở nhiệt độ phòng (dưới 25°C) không quá 1 tháng. Tránh để insulin dưới ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ trên 30°C để đảm bảo insulin tiêm dưới da sẽ gần với nhiệt độ cơ thể, giúp giảm đau và điều hòa quá trình khuếch tán dưới da.
  • Ống tiêm, kim bút, kim bơm đã qua sử dụng phải được vứt bỏ trong hộp đựng chống thủng và có nắp đậy an toàn.
  • Không sử dụng insulin nếu:
    • Insulin trong suốt chuyển sang màu đục
    • Insulin đục (loại có tác dụng trung bình) bị vón cục hoặc đóng cặn bên trong lọ, ống bút hoặc hộp mực và không thể hòa tan bằng cách xoay nhẹ
    • Sản phẩm hết hạn
    • Sản phẩm bị đóng băng hoặc tiếp xúc với nhiệt độ cao
    • Lọ đựng, bút hoặc hộp mực đã được sử dụng hoặc đã để ngoài tủ lạnh lâu hơn 1 tháng

Một số lưu ý khi sử dụng các loại insulin

một số lưu ý khác khi dùng insulin

  • Hầu hết insulin đều trong suốt nhưng một số loại lại có màu đục (do được thêm hợp chất giúp làm chậm tốc độ hấp thu). Nếu bạn dùng các loại insulin này, nên lắc kỹ trước khi sử dụng bằng cách nhẹ nhàng lộn ngược 10-15 lần. Không nên lắc mạnh vì sẽ tạo ra bọt khí dẫn đến chia liều lượng không chính xác.
  • Liều insulin có thể cần thay đổi theo thời gian và vì nhiều lý do, chẳng hạn thay đổi chế độ tập luyện, ăn uống, thuốc, bệnh mắc kèm, tăng cân hoặc giảm cân,… Tái khám thường xuyên để bác sĩ đánh giá và hiệu chỉnh liều.
  • Ghi lại mức đường huyết thường xuyên (ít nhất 1 lần trước bữa ăn, nhiều hơn nếu được yêu cầu) giúp bạn và bác sĩ biết khi nào cần điều chỉnh liều lượng insulin.
  • Trước khi sử dụng bệnh nhân cần học cách tính toán lượng carbohydrate nạp vào để tính toán lượng insulin.
  • Tác dụng không mong muốn thường gặp là hạ đường huyết, phản ứng dị ứng, loạn dưỡng mô mỡ và tăng cân. Hạ đường huyết là một tác dụng phụ nguy hiểm đến tính mạng, bệnh nhân và người chăm sóc cần nắm rõ về tình trạng này để nhận biết và xử trí kịp thời.

Nếu bắt đầu sử dụng, người bệnh có thể cảm thấy choáng ngợp vì có quá nhiều các loại insulin. Hãy từ từ làm quen và trao đổi với bác sĩ khi có bất kỳ thắc mắc hay khó khăn nào để đảm bảo liệu trình điều trị hiệu quả, an toàn nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Diabetes and insulin.
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/diabetes-and-insulin. Ngày truy cập 24/01/2024

2. Types of Insulin.
https://www.cdc.gov/diabetes/basics/type-1-types-of-insulin.html. Ngày truy cập 24/01/2024

3. Types of Insulin.
https://dtc.ucsf.edu/types-of-diabetes/type2/treatment-of-type-2-diabetes/medications-and-therapies/type-2-insulin-rx/types-of-insulin/. Ngày truy cập 24/01/2024

4. SỬ DỤNG HỢP LÝ INSULIN TRONG ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG.
http://magazine.canhgiacduoc.org.vn/Magazine/Details/82. Ngày truy cập 24/01/2024

5. Insulin- Pharmacology, Therapeutic Regimens and Principles of Intensive Insulin Therapy.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK278938/. Ngày truy cập 24/01/2024

6. Injectable Insulin Medications.
https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/13902-injectable-insulin-medications. Ngày truy cập 24/01/2024

7. Types of insulin.
https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/managing-your-diabetes/treating-your-diabetes/insulin/types. Ngày truy cập 24/01/2024

8. Các loại Insulin thường gặp trong điều trị bệnh tiểu đường.
https://bvnguyentriphuong.com.vn/hoat-dong-duoc/cac-loai-insulin-thuong-gap-trong-dieu-tri-benh-tieu-duong. Ngày truy cập 24/01/2024

Phiên bản hiện tại

16/02/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

4 sự thật về insulin trong điều trị đái tháo đường không phải ai cũng biết

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1 cần chú ý điều gì?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Khoa nội tiết · Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 16/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo