backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Tiểu đường có uống được lá đinh lăng không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 14/08/2023

    Tiểu đường có uống được lá đinh lăng không?

    Tiểu đường có uống được lá đinh lăng không được rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Một phần nguyên nhân bởi vì đinh lăng vốn là loại thực vật được dùng trong nhiều món ăn, bài thuốc cổ truyền, dễ tìm kiếm và vô cùng quen thuộc đối với nhiều người.

    Vậy thực hư như thế nào về câu hỏi tiểu đường có uống được lá đinh lăng không? Để nhận định rõ hơn về điều này, mời bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu.

    1. Lá đinh lăng có tác dụng gì? Có ảnh hưởng đến đường huyết?

    Đinh lăng là loài cây nhỏ, phổ biến tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Riêng ở nước ta, ngoài việc trồng làm cây cảnh, đinh lăng còn là một vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc cổ truyền.

    Tuy nhiên, bạn cần phân biệt thật kỹ các loại đinh lăng. Hiện có nhiều loài đinh lăng khác nhau bao gồm đinh lăng lá tròn, đinh lăng lá to, đinh lăng lá nhỏ, đinh lăng lá ráng, đinh lăng trổ và đinh lăng viền bạc. Trong số này, chỉ có cây đinh lăng lá nhỏ (tên khoa học là Polyscias fruticosa) hay còn gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm, mới được dùng làm thuốc. 

    tiểu đường có uống được lá đinh lăng không, vì sao

    Trước khi trả lời câu hỏi liệu bệnh tiểu đường có uống được lá đinh lăng không, hãy cùng điểm qua các công dụng chung của đinh lăng lá nhỏ đối với sức khỏe.

    Theo y học cổ truyền, đinh lăng lá nhỏ có tính mát, vị ngọt hơi đắng nhẹ. Thành phần của cây đinh lăng rất phong phú, gồm các loại vitamin, axit amin, alcaloid, glycosid, tinh dầu,… và đặc biệt chứa nhiều loại saponin, trong đó có loại hoạt tính tương tự như nhân sâm.

    Nhờ vậy, đinh lăng lá nhỏ phát huy rất tốt hiệu quả trong việc nâng cao sức đề kháng, tăng cường độ dẻo dai cho cơ thể, giúp ngủ ngon, cải thiện tình trạng đau nhức, suy nhược, mệt mỏi và ăn uống kém lâu ngày. Ngoài ra, một số tác dụng của từng bộ phận cây đinh lăng phải kể đến như:

    • Rễ và thân đinh lăng: Thúc đẩy tuần hoàn, cải thiện sự lưu thông khí huyết trong cơ thể
    • Lá đinh lăng: Giải độc, chống dị ứng, chống viêm, lợi sữa, trị ho ra máu và kiết lị

    Năm 2018, tại Việt Nam có một nghiên cứu của Nguyễn Thị Luyến cùng cộng sự, cho thấy hợp chất 3-O-[β-d-glucopyranosyl-(1→4)-β-d-glucuronopyranosyl] oleanolic acid 28-O-β-d-glucopyranosyl ester (PFS) – một saponin chính của lá đinh lăng có tác dụng giảm đáng kể mức đường huyết sau khi ăn ở chuột. Điều này mở ra triển vọng trong việc ứng dụng lá đinh lăng vào kế hoạch kiểm soát đái tháo đường trong tương lai.

    Như vậy, lá đinh lăng không làm tăng đường huyết mà còn có thể hỗ trợ kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

    2. Tiểu đường có uống được lá đinh lăng không?

    Vậy tiểu đường có uống được lá đinh lăng không? Đáp án là có và liều lượng an toàn để sử dụng lá đinh lăng làm nước uống là 50 – 100g mỗi ngày.

    bệnh tiểu đường có uống được lá đinh lăng không

    Tuy nhiên, khuyến cáo người bệnh không nên tự ý uống lá đinh lăng khi chưa tham khảo qua ý kiến của bác sĩ. Bởi vì ngoài các tác dụng có lợi, lá đinh lăng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ gây độc và nhiều đối tượng nên kiêng dùng dược liệu này. Một số kiêng kỵ khi dùng lá đinh lăng bao gồm:

    • Sử dụng đinh lăng liều cao hoặc quá thường xuyên sẽ làm tăng lượng saponin đi vào cơ thể, gây ra độc tính ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tim.
    • Người có sức khỏe bình thường không nên dùng nước lá đinh lăng uống thay nước trà hoặc nước lọc.
    • Sức khỏe cơ thể của trẻ em chưa hoàn thiện về mọi mặt, do đó không cho trẻ uống nước lá đinh lăng để tránh nguy cơ xảy ra các vấn đề về tim mạch.
    • Chống chỉ định việc uống nước lá đinh lăng cho phụ nữ có thai trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.

    Để phát huy tác dụng đầy đủ đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, bên cạnh những việc kiêng kỵ liên quan đến độc tính của cây, bạn cũng nên lưu ý một số vấn đề khi sử dụng đinh lăng lá nhỏ làm thuốc đó là:

    • Đinh lăng chỉ mang đến giá trị có ích cho sức khỏe khi được sử dụng với liều lượng vừa đủ. Trường hợp lạm dụng có thể dẫn đến các biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và tiêu chảy.
    • Giới hạn từ 10 – 20g thân rễ cây đinh lăng đã phơi khô là liều lượng phù hợp, có thể sử dụng được mỗi ngày.
    • Để làm thuốc, cần lựa chọn những cây đinh lăng lá nhỏ được trồng trên 3 năm, sử dụng cây non có thể không đem lại hiệu quả như mong muốn.
    • Lá đinh lăng chứa nhiều nguyên tố vi lượng, axit amin, vitamin C, B1, B2, B6,… Ngoài việc kết hợp trong các bài thuốc chữa bệnh, bạn có thể dùng lá đinh lăng để chế biến nhiều món ăn.

    Với những nội dung trên đây, chắc hẳn bạn đã có được lời giải cho câu hỏi tiểu đường có uống được lá đinh lăng không. Trường hợp muốn sử dụng đinh lăng chữa bệnh, bạn nhớ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 14/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo