backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bị tiểu đường ăn táo được không? Lợi ích sức khỏe từ táo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

    Bị tiểu đường ăn táo được không? Lợi ích sức khỏe từ táo

    Bạn đã từng nghe lời khuyên rằng ăn mỗi ngày một quả táo giúp phòng bệnh tim mạch và ung thư chưa? Táo từ lâu được biết đến là một loại trái cây giàu dinh dưỡng và chất xơ, rất tốt cho sức khỏe. Vậy, người bị tiểu đường ăn táo được không? Nên ăn loại táo nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây của Hello Bacsi nhé!

    Người bị tiểu đường ăn táo được không? 

    Táo có hương vị thơm ngon, thành phần giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa. Vì vậy, táo là loại trái cây được tiêu thụ nhiều trên thế giới trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với chế độ ăn uống cần được kiểm soát nghiêm ngặt để hạn chế đường huyết tăng cao, bệnh nhân tiểu đường ăn táo được không? Câu trả lời là ĐƯỢC. Táo được xem là một loại trái cây dành cho người tiểu đường bởi các lý do sau:

    Giàu chất xơ hỗ trợ ổn định đường huyết

    Trong táo có chứa từ 2-3% là chất xơ. Táo rất giàu chất xơ không hòa tan, bao gồm cellulose và hemicullose, với pectin là chất xơ hòa tan chính. Thành phần pectin trong táo đã được chứng minh có tác dụng giảm cholesterol và có lợi cho quá trình chuyển hóa glucose. Đây cũng chính là lý do ăn táo có thể giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết và cải thiện bệnh tiểu đường tuýp 2.

    Tiểu đường ăn táo được không? Táo giúp cung cấp chất chống oxy hóa, giảm nguy cơ đái tháo đường 

    Thành phần polyphenol trong táo mang lại công dụng chống oxy hóa đáng kể cho loại trái cây này. Bên cạnh đó, polyphenol của táo đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng của các bệnh mạn tính không lây nhiễm, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư, đồng thời thúc đẩy hoạt động của hệ vi sinh đường ruột luôn khỏe mạnh. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ táo và lê có liên quan đến việc giảm 18% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

    tiểu đường ăn táo được không? Táo giúp giảm nguy cơ đái tháo đường

    Chỉ số Glycemic Index (GI) trung bình

    GI là là chỉ số thường được dùng để so sánh mức độ làm tăng đường huyết sau ăn đột ngột của các loại thực phẩm khác nhau. Bạn có thể hiểu trên thang từ 0 – 100, GI của nước lọc là 0 còn đường là 100. Vậy, loại thực phẩm nào có chỉ số GI càng cao thì sau ăn sẽ được chuyển hóa nhanh chóng thành đường và làm tăng vọt đường huyết. Ngược lại, chỉ số GI ở mức càng thấp thì tốc độ phóng thích đường vào máu chậm, giảm nguy cơ tăng đường huyết đột ngột.

    Chỉ số GI của táo trung bình khoảng 39, được liệt vào nhóm thực phẩm có chỉ số GI thấp. Táo còn có hàm lượng chất xơ (khi ăn cả vỏ) giúp no lâu, đồng thời hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Vậy, nếu bạn thắc mắc tiểu đường ăn táo được không thì câu trả lời là được và táo cũng được xem là loại trái cây an toàn với bệnh tiểu đường.

    Tiểu đường ăn táo được không và nên ăn giống táo nào? 

    tiểu đường ăn táo được không và nên ăn giống táo nào?

    Trên thế giới có nhiều giống táo khác nhau, với thành phần dinh dưỡng và hàm lượng đường cũng tương đối khác biệt. Vậy nên, nhiều người cũng thắc mắc rằng tiểu đường ăn táo xanh được không, tiểu đường có ăn được táo đỏ không?

    Táo đỏ dường như có vị ngọt hơn và khi so sánh dựa trên thành phần dinh dưỡng, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giống táo xanh Granny Smith có lượng đường thấp hơn, nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa hơn, so với các giống táo đỏ Fuji hay Pom Prussia.

    Dưới đây là bảng tổng hợp lượng đường và carb ở một số giống táo:

    Loại táo Tổng lượng đường trong 100g Các thành phần carb khác trong 100g
    Granny Smith 10.6 g 14.1 g
    Red Delicious 12.2 g 14.8 g
    Honeycrisp 12.4 g 14.1 g
    Fuji 13.3 g 15.6 g

    Chỉ số đường huyết của táo ta (hay táo xanh) cũng thấp và đây là loại táo chứa lượng đường gần như thấp nhất.

    Bạn có thể quan tâm:

    Ăn táo như thế nào cho đúng? 

    Tiểu đường ăn táo được không? Nếu bệnh nhân tiểu đường thèm ăn ngọt thì táo là một lựa chọn khá lý tưởng. Bên cạnh việc thỏa mãn cảm giác thèm ăn với vị ngọt và giòn tan, táo cũng mang lại nhiều tác dụng đã được chứng minh có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.

    tiểu đường ăn táo được không và những lưu ý

    Tuy nhiên, không nên chủ quan mà ăn nhiều táo hay dùng táo thay thế cho bữa ăn trong ngày. Bạn vẫn phải đảm bảo cân bằng và lành mạnh trong bữa ăn của bệnh nhân tiểu đường. Dưới đây là một vài lời khuyên dinh dưỡng về táo mà bạn có thể tham khảo: 

    • Khi ăn táo nên ăn cả vỏ, bởi thành phần chất xơ của táo phần lớn nằm ở vỏ thay vì phần thịt quả. 
    • Có thể uống nước ép táo, nhưng lưu ý rằng lúc này nước ép sẽ chứa lượng đường nhiều hơn và không nên cho thêm đường hay chất tạo ngọt. 
    • Táo kết hợp với quế có thể là một thức uống ngon và cũng là nguồn cung cấp vitamin C tốt, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. 
    • Mỗi quả táo vừa sẽ tương ứng với một phần trái cây trong ngày của bệnh nhân tiểu đường. 

    Tóm lại, với câu hỏi “Bị tiểu đường ăn táo được không?” thì đáp án là ĐƯỢC. Nhìn chung, táo vẫn là một loại trái cây tốt, có thể bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh dành cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, hãy đảm bảo một khẩu phần cân đối, kết hợp với đa dạng các loại thực phẩm khác trong bữa ăn thường ngày của bệnh nhân tiểu đường nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo