backup og meta

Người bị hạ đường huyết nên ăn gì?

Người bị hạ đường huyết nên ăn gì?

“Người bị hạ đường huyết nên ăn gì?” là thắc mắc mà nhiều người quan tâm tìm hiểu để biết cách tăng lượng đường trong máu nhanh chóng, hiệu quả, tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Vậy, người bị hạ đường huyết nên ăn gì để giúp tăng lại lượng đường trong máu nhanh chóng? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu quy tắc ăn uống để điều trị nhanh tình trạng hạ đường huyết và những thực phẩm nên tránh ở người dễ tụt đường qua bài viết sau đây.

Hạ đường huyết là gì?

Nồng độ đường huyết bình thường trong ngày có thể thay đổi lên xuống trong một phạm vi cố định tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nếu lượng đường trong máu tụt xuống dưới mức khỏe mạnh mà không được điều trị thì có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm.

Hạ đường huyết là tình trạng nồng độ đường trong máu thấp hơn 70 mg/dL hoặc 3,9 mmol/L ở người mắc bệnh đái tháo đường. Đối với người không bị đái tháo đường thì hạ đường huyết là khi nồng độ đường trong máu thấp hơn 55 mg/dL hoặc 3,1 mmol/L.

triệu chứng hạ đường huyết

Các triệu chứng hạ đường huyết thường diễn ra nhanh chóng từ nhẹ đến nặng và khác nhau ở mỗi người, thường thấy nhất có thể kể đến là:

  • Run rẩy tay chân
  • Đổ mồ hôi, ớn lạnh
  • Tim đập nhanh
  • Cảm thấy không tỉnh táo
  • Choáng váng, chóng mặt
  • Có cảm giác đói
  • Buồn nôn
  • Da nhợt nhạt, xanh xao
  • Buồn ngủ
  • Cảm thấy mất sức lực, không có năng lượng
  • Mờ mắt, suy giảm thị lực
  • Ngứa hoặc tê ở môi, lưỡi hoặc má
  • Nhức đầu.

Hạ đường huyết là tình trạng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường (nhất là đái tháo đường tuýp 1) nhưng cũng có khi xảy ra ở người bình thường không mắc bệnh. Trường hợp hạ đường huyết nhẹ có thể điều trị ngay bằng cách ăn uống để bổ sung thêm đường/carbohydrate cho cơ thể. Nếu bị hạ đường huyết nặng có nguy cơ đe dọa tính mạng, người bệnh cần được đưa tới bệnh viên nhanh chóng để điều trị khẩn cấp.

Nếu hạ đường huyết diễn ra trong thời gian dài mà không được điều trị sẽ làm cho não thiếu đường (glucose) dẫn đến co giật, hôn mê và thậm chí là gây tử vong (hiếm gặp).

Hạ đường huyết nên ăn gì?

Tuân thủ quy tắc 15-15

Hạ đường huyết nên ăn gì? Tuân thủ quy tắc 15-15

Khi điều trị lượng đường trong máu thấp, bạn cần hấp thụ đường càng nhanh càng tốt. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị áp dụng “quy tắc 15-15″ để điều trị tình trạng hạ đường huyết nhẹ đến trung bình. Bạn hãy tuân thủ quy tắc 15-15 khi biết mình bị hạ đường huyết sau khi đã kiểm tra. Đây là một quy tắc khá đơn giản và dễ thực hiện:

  • Ăn hoặc uống 15 gam carbohydrate, sau đó đợi 15 phút
  • Kiểm tra lại nồng độ đường huyết, nếu vẫn thấp hơn 70 mg/dL thì hãy lặp lại bước trên
  • Thực hiện cho đến khi nồng độ đường huyết trở lại mức bình thường, ít nhất là 70 mg/dL.
  • Khi lượng đường trong máu đã ổn định, hãy ăn một bữa nhẹ với lượng protein và carbohydrate cân bằng.
Trẻ em thường cần ít hơn 15 gam carbohydrate. Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết lượng phù hợp với con bạn.

Hạ đường huyết nên ăn gì? Thực phẩm điều trị hạ đường huyết

Để biết được lượng carbohydrate có trong thực phẩm bạn ăn, hãy đọc bảng thành phần trên nhãn sản phẩm. Một số thực phẩm mà người bị hạ đường huyết nên ăn hoặc uống để bổ sung được khoảng 15 gam carbohydrate tác động nhanh là:

  • Tụt đường huyết nên uống gì? Uống một nửa cốc (khoảng 120ml) nước ép trái cây hoặc nước ngọt thông thường (không phải loại dùng cho người ăn kiêng) hay 1 cốc sữa không béo (khoảng 240ml).
  • 1 thìa canh (khoảng 15ml) đường, mật ong hoặc siro.
  • Hạ đường huyết nên ăn trái cây gì? Ăn 1 miếng trái cây nhỏ như nửa quả chuối, 1 quả táo nhỏ, 1 quả cam nhỏ, 2 thìa canh nho khô, 15 trái nho,…
  • Hạ đường huyết nên ăn kẹo gì? Các loại kẹo như kẹo cứng, kẹo dẻo hoặc kẹo cao su (hãy đọc nhãn thực phẩm để biết nên ăn bao nhiêu).
  • Dùng sản phẩm glucose như 3-4 viên nén hoặc 1 ống gel để bổ sung đường cho cơ thể (sử dụng theo hướng dẫn).

Hạ đường huyết nên ăn gì và tránh ăn gì?

Nếu nồng độ đường huyết hạ thấp xuống dưới 55 mg/dL là trường hợp nghiêm trọng, quy tắc 15-15 có thể không còn hiệu quả kịp thời. Khi đó, tiêm glucagon là cách tốt nhất để điều trị hạ đường huyết nặng.

Những thực phẩm cần tránh khi bị hạ đường huyết

Khi hiểu rõ vấn đề: “Hạ đường huyết nên ăn gì?”, bạn cũng nên lưu ý rằng việc lựa chọn nguồn thực phẩm để cung cấp carbohydrate nhanh chóng cho cơ thể khi bị hạ đường huyết cũng rất quan trọng. Carbohydrate phức hợp hoặc thực phẩm có chứa chất béo cùng với carbohydrate (như chocolate, đồ nướng, kem, bánh quy) có thể làm chậm quá trình hấp thu đường nên bạn cần tránh không nên dùng chúng để điều trị hạ đường huyết nhanh.

Để phòng ngừa hạ đường huyết tái phát, bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định được nguyên do làm giảm nồng độ đường huyết và điều trị vấn đề đó.

  • Tư vấn dinh dưỡng. Chế độ ăn không cân bằng hoặc các rối loạn ăn uống cũng có thể gây hạ đường huyết. Hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để biết hạ đường huyết nên ăn uống gì và lên chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng để tránh bị hạ đường huyết.
  • Thay đổi thuốc sử dụng. Nếu nguyên nhân gây hạ đường huyết là do tác dụng phụ từ thuốc đang sử dụng thì hãy thông báo cho bác sĩ để được thay đổi, điều chỉnh liều lượng hoặc điều trị bổ sung.
  • Điều trị khối u. Nếu khối u trong tuyến tụy là nguyên nhân thì thường được điều trị bằng cách cắt bỏ. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần dùng thuốc để kiểm soát tình trạng hạ đường huyết sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến tụy.

Hi vọng bài viết đã giúp bạn biết rõ khi bị hạ đường huyết nên ăn gì và tránh những thực phẩm nào để nhanh chóng điều trị tình trạng này hiệu quả. Hãy luôn thăm khám sức khỏe định kỳ và tuân theo những chỉ định của bác sĩ bạn nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Treatment of Low Blood Sugar (Hypoglycemia) https://www.cdc.gov/diabetes/treatment/treatment-low-blood-sugar-hypoglycemia.html Ngày truy cập 21/7/2024

Hypoglycemia (Low Blood Sugar) https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11647-hypoglycemia-low-blood-sugar Ngày truy cập 21/7/2024

Understanding and Managing Low Blood Glucose (Hypoglycemia) https://diabetes.org/living-with-diabetes/treatment-care/hypoglycemia Ngày truy cập 21/7/2024

Treating Low Blood Sugar https://www.healthlinkbc.ca/health-topics/treating-low-blood-sugar Ngày truy cập 21/7/2024

Treating Low Blood Sugar https://www.ucsfhealth.org/education/treating-low-blood-sugar Ngày truy cập 21/7/2024

Hypoglycemia https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoglycemia/diagnosis-treatment/drc-20373689 Ngày truy cập 21/7/2024

Low blood sugar (hypoglycaemia) https://www.nhs.uk/conditions/low-blood-sugar-hypoglycaemia/ Ngày truy cập 21/7/2024

Phiên bản hiện tại

21/11/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Nguyên nhân hạ đường huyết là do đâu?

Người có đường huyết cao nên ăn gì để ổn định bệnh?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 21/11/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo